Tuesday, 30 June 2015

Từ phán quyết về hôn nhân đồng tính của Hoa Kỳ (Song Chi)





Tue, 06/30/2015 - 07:04 — songchi

Ngày 26.6 vừa qua Tòa án Tối cao của Hoa Kỳ đã đưa ra phán quyết thừa nhận về mặt pháp lý các cuộc hôn nhân đồng tính trên toàn lãnh thổ, nói cách khác, kể từ nay các cặp đồng tính có quyền kết hôn ở bất cứ nơi nào tại Hoa Kỳ. Trước đây chỉ có 37 trong tổng số 50 bang cộng với Quận Columbia là đã cho phép hôn nhân đồng tính.

Khỏi nói là phán quyết này đã được giới đồng tính và những người ủng hộ hôn nhân đồng tính vui mừng như thế nào. Ngay lập tức, Tỏng thống Barack Obama đã ca ngợi đây là “một thắng lợi cho nước Mỹ” (a victory for America). Ông nói:
"This decision will end the uncertainty hundreds of thousands of same-sex couples face. It will strengthen all of our communities," Obama said at the White House after the historic ruling.
"Progress often comes in small increments, sometimes two steps forward, one step back," he continued. "Sometimes, there are days like this – when that slow, steady effort is rewarded with justice that arrives like a thunderbolt."…

Tạm dịch:
“Quyết định này sẽ chấm dứt sự không chắc chắn mà hàng trăm ngàn cặp đồng tinh phải đối mặt. Nó sẽ làm vững mạnh thêm tất cả các cộng đồng của chúng ta”. Obama nói tại Nhà Trắng sau phán quyết lịch sử.

“Sự tiến bộ thường đến trong từng bước nhỏ, đôi khi hai bước tiến, một bước lùi.” ông tiếp. “Đôi khi, có những ngày như thế này-khi nỗ lực chậm, kiên định được tưởng thưởng với công lý đến như tiếng sét”
(“US Supreme Court Rules Gay Marriage Legal Nationwide”, VOA)

Và tất nhiên, những người không ủng hộ cũng sẽ không thích thú chút nào với phán quyết này. Họ cũng sẽ có rất nhiều lý do để phản bác: rằng đó là những cuộc hôn nhân bất thường, trái với tự nhiên, như vậy vấn đề con cái sẽ giải quyết ra sao, và nếu những cặp đồng tính quyết định có con, dù con nuôi hay thụ tinh nhân tạo, những đứa con sinh ra và lớn lên trong những gia đình như vậy liệu có bị lệch lạc gì về xu hướng tình dục không…

Với những người theo đạo Thiên Chúa và là những tín đồ ngoan đạo còn cho rằng Chúa trời chỉ chấp nhận sự phối hợp giữa nam và nữ…Bài viết này không nhằm để đi sâu vào những tranh cãi này, nhưng, kể tử những lời dạy của Thiên Chúa trong thánh Kinh từ hàng ngàn năm trước cho tới ngày hôm nay, xã hội đã thay đổi rất nhiều, và nếu cứ nhất nhất tuân theo lời Chúa dạy thì rất nhiều điều con người cũng sẽ không thể chấp nhận, ví dụ như ngừa thai, phá thai, hay cho mang thai hộ v.v…và v.v…

Thật ra, phán quyết của Tòa án Tối cao của nước Mỹ-một cường quốc luôn luôn đề cao những giá trị tiến bộ, tự do, dân chủ và bình đẳng cho tất cả mọi người, vẫn là chậm so với nhiều quốc gia châu Âu đã công nhận hôn nhân đồng tính từ lâu. Và nếu để ý theo dõi kỹ về thông tin chính trị xã hội trên thế giới, chúng ta sẽ thấy trong một số vấn đề, Hoa Kỳ lại bảo thủ hơn và đi sau một số quốc gia châu Âu…

Điều này cũng dễ hiểu, Hợp chúng quốc Hoa Kỳ là một quốc gia quá lớn so với các quốc gia ở châu Âu, với người dân thuộc đủ mọi thành phần chủng tộc, tôn giáo…khác nhau trên thế giới cùng chung sống, nên trong một số trường hợp, chính phủ phải cân nhắc, không đi quá nhanh sợ trong dân chúng, có những cộng đồng đồng tình nhưng cộng đồng khác thì không.

Ở VN, nhiều tờ báo đều có đưa tin này. Những năm gần đây, cái nhìn của đa số người dân VN trước những người đồng tính, lưỡng tính hay chuyển giới phần nào đã thay đổi. Thỉnh thoảng, báo chí còn đưa tin một vài cặp đồng tính làm đám cưới với nhau, có mời bạn bè người thân đến dự. Luật pháp VN cho đến nay vẫn chưa công nhận hôn nhân đồng tính nhưng trên thực tế, cũng không hẳn cấm đoán hay trừng phạt những người đồng tính làm đám cưới và sống với nhau. Như thế cũng đã “tiến bộ” nếu xét rằng VN là một nước Á đông dưới chế độ cộng sản, và nếu so sánh với các quốc gia Hồi giáo hay ở châu Phi, người đồng tính bị kinh tởm, xa lánh, quan hệ đồng tính bị cấm ngặt, thậm chí có thể bị tử hình.

Có một dạo quốc hội VN còn đưa vấn đề có nên công nhận hôn nhân đồng tính ra bàn cãi, nhưng cuối cùng thì vẫn chưa thông qua.

Từ phán quyết của Tòa án tối cao Hoa Kỳ về hôn nhân đồng tính, lại nghĩ rộng đến những vấn đề khác. Có rất nhiều tiêu chuẩn để đánh giá một quốc gia là đáng sống, đánh giá một chế độ thực sự là vì dân, nhưng trước hết, khi mà mọi quyết định của chính phủ đều cân nhắc trên cơ sở tôn trọng con người-tôn trọng từng cá nhân với mọi sự khác biệt, đồng thời nhằm bảo đảm sự công bằng và tự do cho tất cả mọi công dân, không một ai đáng bị coi như công dân hạng hai, bị phân biệt đối xử, bị bỏ rơi hay gạt ra ngoài lề xã hội.

Và mọi phán quyết, luật lệ do đó, phải mang tính nhân văn.

Sẽ rất khó để so sánh một nước Á Đông đang phát triển và lại đang sống dưới một chế độ độc tài toàn trị thiếu vắng mọi quyền tự do, dân chủ, nơi quyền con người không hề được tôn trọng như VN với các quốc gia tự do, dân chủ ở châu Âu hay Hoa Kỳ. Do vậy, lắm lúc chúng ta chỉ có thể “nhìn nước người ta mà nghĩ, mà mơ cho nước mình”.

Luật pháp sinh ra là để bảo vệ con người. Nếu luật pháp không dự tính trước những gì sẽ xảy ra cho con người và cho xã hội thì ít nhất, luật pháp phải thường xuyên được điều chỉnh để phù hợp với sự thay đổi của xã hội.

Đôi khi vì bảo thủ, vì sự bắt rẽ lâu đời của văn hóa Khổng giáo, văn hóa Á đông còn sót lại từ thời phong kiến, cộng với quyền con người chưa bao giờ được tôn trọng dưới chế độ độc tài do đảng cộng sản cầm quyền, người VN có những cái nhìn chưa thật tiến bộ trong nhiều vấn đề. Ví dụ như vấn đề mại dâm. Ai cũng biết, dù nhà nước cộng sản không bao giờ thừa nhận nhưng trên thực tế nạn mại dâm vẫn luôn luôn tồn tại ở VN, và kể từ khi VN cải cách sang kinh tế thị trường, mở cửa thu hút sự đầu tư và kinh doanh của nước ngoài thì ngành mại dâm càng phát triển mạnh mẽ.

Hiện nay, mại dâm bị biến tướng thành nhiều dạng từ café ôm, bia ôm… cho tới gái gọi cao cấp với nhiều đường dây có cả môt số người mẫu, á hậu, hoa hậu và sinh viên tham gia. Tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, có hàng chục ngàn cơ sở liện quan đến mại dâm, từ các dịch vụ massage, hớt tóc thanh nữ, phòng karaoke cho đến các nhà chứa.

Nhiều thành phố biển, thành phố du lịch nổi tiếng ở Việt Nam còn có các nhà chứa hoạt động dưới sự bảo kê của các băng nhóm tội phạm, đôi khi có sự đồng lõa của một số quan chức tham ô địa phương.

Quốc hội của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa VN đã từng đưa vấn đề có nên hợp pháp hóa hoạt động mại dâm, xem mại dâm là một nghề thay vì là một “tệ nạn xã hội” hay không, nhưng gặp nhiều ý kiến phản đối của một số ông nghị bà nghị và sự chia rẽ trong dư luận nên thôi.

Thật ra, nếu một vấn đề/vấn nạn nào đó đang tồn tại trong thực tế xã hội thì không thể xử lý bằng cách cứ lờ đi, xem như nó không tồn tại. Như vừa nói trên, nạn mại dâm ở VN vẫn tồn tại nhưng lại không được thừa nhận, không “luật hóa” như là một nghề để dễ kiểm soát, quản lý từ người bán (phải đăng ký tên tuổi, địa điểm, phương thức hành nghề), kiểm soát dịch bệnh (khi người làm nghề này phải thường xuyên khám bệnh, có phiếu bác sĩ chứng nhận không bị bệnh hoa liễu mới được phép hành nghề), dễ bảo vệ cả người bán khỏi bị đám ma cô, chủ chứa, các mạng lưới mafia bóc lột, hành hạ, và người mua khỏi bị móc túi, lừa gạt bởi những người giả danh làm gái, chưa kể nhà nước còn thu được thuế từ hoạt động này v.v…

Các cô gái hành nghề này luôn bị xã hội khinh rẻ. Chúng ta từng chứng kiến những hình ảnh, video clip… ngay một số công an khi xộc vào một nhà hàng, cơ sở nào đó bắt được cảnh mua dâm, đã đối xử với các cô gái bán hoa như thể họ không phải là con người, nói năng cục cằn thô lỗ đầy khinh miệt, thậm chí quát mắng, không cho họ được mặc quần áo trong lúc phải trả lời những câu hỏi của công an…

Khi báo chí đưa những thông tin về các cô gái người mẫu, diễn viên bị bắt trong một đường dây bán dâm, nhiều trường hợp còn đưa cả hình ảnh, công khai nhân thân với mọi chi tiết về đởi tư trong khi người mua dâm thì thường được đối xử nhẹ nhàng hơn, không mấy khi bị đưa tin đưa ảnh trên báo như vậy.

Luật pháp VN chỉ phạt hành chính người mua dâm còn người bán dâm trước đây thì bị bắt đưa vào trại cải tạo, phục hồi nhân phẩm (gần đây Việt Nam đã có quyết định ngưng sự hoạt động của các trại phục hồi nhân phẩm này, đó là một thay đổi rất đáng kể)…Trái ngược với nhiều nước ở châu Âu, người mua dâm mới bị phạt vì nhà nước quan niệm có cầu mới có cung, và người mua là người có tiền, đáng bị phạt hơn các cô gái đã phải đem bán đến cái cuối cùng là thân xác, nhân phẩm, lòng tự trọng của mình.

Trở lại chuyện tình yêu, hôn nhân đồng tính. Khi xã hội và luật pháp không công nhận, thậm chí vẫn coi đó như những con người bất bình thường, bệnh hoạn…thì mới có những bi kịch ngang trái xảy ra. Hoặc người ta phải che giấu con người thật, cảm xúc thật của mình, thậm chí bằng những cuộc hôn nhân “hợp pháp” nam nữ bên ngoài, rốt cuộc chỉ tạo ra những cuộc hôn nhân không hạnh phúc làm khổ người trong cuộc và cả những người liên quan. Hoặc người ta phái lén lút tìm đến với những bạn tình qua đêm trong bóng tối và thậm chí gặp phải những kẻ lừa đảo, tống tiền, có khi bị kịch và cả cái chết cũng đã từng xảy ra.

Nếu trong một xã hội mà mọi công dân đểu được tôn trọng, bình đẳng, được giải phóng khỏi những mặc cảm cá nhân thì họ sẽ đóng góp hết mình cho xã hội, và như thế thì xã hội đó, nhà nước đó sẽ được lợi mà thôi.










No comments:

Post a Comment

View My Stats