Saturday, 27 June 2015

Tương lai Việt-Mỹ: Những người bên đảng sẽ đạt được gì? (Phạm Chí Dũng)





Phạm Chí Dũng 

Quyền đàm phán nhanh dành cho tổng thống (TPA) đã được thượng viện Mỹ chính thức thông qua ngày 24 tháng 6 với tỷ lệ thuận/chống = 60/38. Kết quả lạc quan này sẽ tác động ra sao đến tương lai Việt-Mỹ và liệu có kèm thêm độ cởi nới hơn về nhân quyền và dân chủ tại quốc gia “thơ tôi khóc lệ rơi hình chữ S?”

Hai kịch bản

Phương trình Việt-Mỹ tưởng như nhiều ẩn số té ra không rắc rối lắm với hai kịch bản.

Kịch bản 1: Nếu TPA được lưỡng viện Hoa Kỳ thông qua, Hiệp Định Kinh Tế Đa Quốc Gia TPP sẽ hầu như chắc chắn hoàn tất đàm phán và khả năng nhiều - ứng với tín hiệu về chuyến công du Mỹ của TBT Trọng vào đầu tháng 7, 2015 với nghi thứ “tiếp đón trịnh trọng” - Việt Nam sẽ có phần trong đó.

Logic tiếp theo là tiếp nối thỏa thuận quân sự với người Mỹ, Bộ Chính Trị Hà Nội hầu như không còn lối thoát nào khác ngoài động cơ phải mượn phương Tây để chế ngự một Trung Quốc đang không thèm giấu diếm hàm răng cá sấu đối với Việt Nam.

Cũng hệ quả hướng Tây như thế sẽ cho phép vài kỳ vọng về độ mở hơn nữa về nhân quyền và dân chủ tại Việt Nam có tính khả thi hơn. Theo đó, có khả năng nhà nước Việt Nam sẽ tiến hành thả trước thời hạn thụ án một số tù nhân chính trị, và còn có thể cho “thí điểm” mô hình công đoàn độc lập tại các doanh nghiệp Việt Nam như một cách để thỏa mãn tiêu chí bất di bất dịch của TPP về lợi ích người lao động.

Kịch bản 2: Trong tình huống ngược lại khi TPA vẫn bị ngăn cản bởi Quốc Hội Mỹ, TPP sẽ phải kéo dài thêm một thời gian đàm phán nữa, có thể từ 1-3 năm, và cũng không loại trừ khả năng có thể tan vỡ do một số quốc gia đã quá mệt mỏi sau hàng thập kỷ điều đình. Chuyến đi Mỹ của ông Nguyễn Phú Trọng cũng phải đối mặt nguy cơ bong bóng. Khi đó, Việt Nam sẽ trở nên chơi vơi về cơ hội được lọt vào bàn tiệc thương mại này. Ngoài nhu cầu thực dụng về chèo kéo sự hiện diện của lực lượng hải quân và không quân Mỹ ở Biển Đông, hệ quả là Hà Nội chẳng còn mấy động lực tìm được sự cứu vớt kinh tế từ phương Tây. Khả năng tiếp nối là chủ đề nhân quyền và dân chủ sẽ tiếp tục bị giới lãnh đạo Việt Nam “treo” cho đến khi nào họ tìm ra một phương án mặc cả có lợi cho nền chuyên chính độc đảng ở quốc gia này.

Về đối sách của chính quyền đối với giới dân chủ trong nước, có thể nhận ra chính quyền Việt Nam đã thực thi chính sách “tạm giảm đàn áp” hoạt động nhân quyền trong thời gian từ sau chuyến đi Mỹ tháng 3, 2015 của bộ trưởng Công An Trần Đại Quang.

Sau 30 tháng 4, 2015 và cùng những thông tin “chuẩn bị tích cực cho chuyến đi Mỹ của TBT Nguyễn Phú Trọng,” một số người hoạt động dân chủ nhân quyền đã có thể đi lại tương đối dễ dàng mà không bị canh theo, ngăn chặn và ít bị sách nhiễu hơn. Thậm chí một ít nhân vật vẫn thường bị chính quyền Việt Nam quy là “chống cộng” ở Mỹ đã về được Việt Nam, trong đó có một “nữ lưu cờ vàng” đi từ Sài Gòn ra Hà Nội để thăm hỏi giới đấu tranh dân chủ mà không bị gây khó khăn gì.

Tuy nhiên, chủ trương kềm chế dân chủ của Ngành Công An Việt Nam vẫn không hề buông lơi đối với một số “đối tượng đặc biệt”: Bác Sĩ Nguyễn Đan Quế và cựu tù nhân lương tâm Phạm Bá Hải (bị canh theo và bị chặn không cho ra khỏi nhà trong một số trường hợp), nhà báo Phạm Chí Dũng (bị canh theo, bị chặn không cho ra khỏi nhà trong một số trường hợp và 8 lần bị triệu tập bởi cơ quan an ninh điều tra - công an Sài Gòn trong nửa đầu năm 2015, bị bắt giữ và cưỡng chế thô bạo phải “làm việc” với công an),...

Theo phân tích của giới quan sát, mặc dù vẫn tồn tại một bộ phận trong chính giới Việt Nam mang quan điểm thân Trung và không muốn Việt Nam tham gia TPP, nhưng cho tới nay vẫn có những dấu hiệu cho thấy phe ủng hộ Việt Nam vào TPP nhỉnh hơn.

Một trong những lý do chính là trên phương diện đối ngoại, giới đảng Việt Nam không mong muốn hậu quả mất TPP, bởi cách nào đó, hậu quả này không chỉ làm khó thêm nền kinh tế đang què quặt mà còn gây tiêu cực đến chiến dịch gia tăng ảnh hưởng của những người bên đảng khi thời gian dẫn đến đại hội 12 không còn nhiều.

Vì sao “chủ động thông tin?”

BBC Việt ngữ - một hãng tin mà gần đây dường như nắm được khá nhiều tin tức nội bộ ở Việt Nam, vào ngày 21 tháng 6, 2015 đã thông tin khá chi tiết về việc TBT Trọng sẽ đi thăm Hoa Kỳ từ ngày 7 đến ngày 9 tháng 7, 2015, sẽ hội đàm với Tổng Thống Obama tại Nhà Trắng và hai bên dự kiến sẽ có 2 bản tuyên bố chung - một về “tầm nhìn của quan hệ đối tác toàn diện và sâu rộng giữa Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam và Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ,” và về “tầm nhìn chung Việt Nam - Hoa Kỳ về quan hệ quốc phòng, định hướng hợp tác quốc phòng thời gian tới.”

Thậm chí, BBC còn nắm được tin tức về “hai bên đang có đàm phán liên quan tới cảng Cam Ranh nhưng hiện chưa thể khẳng định liệu Việt Nam có đồng ý để Ngũ Giác Đài khai thác cảng biển này không.”

Cam Ranh đương nhiên được hiểu là một vấn đề rất nhạy cảm, đặc biệt khi cơ sở bán quân sự này liên quan đến vai trò của “Gấu Nga.”

Bản tin của BBC còn thông tin về lịch trình và những cuộc gặp khác của TBT Trọng.

Hiện tượng “minh bạch hóa” tin tức nội bộ qua trường hợp phát tin của đài BBC càng chứng minh rõ nét hơn việc có thể một bộ phận giới lãnh đạo cao cấp Việt Nam đang muốn “chủ động thông tin” theo hướng có lợi cho họ.

Khác hẳn những năm trước, vào năm nay lợi ích đối ngoại và lợi ích chính trị đã bắt buộc các lực lượng nội bộ phải “chủ động thông tin” nếu không muốn bị rớt lại phía sau. Tháng 5, 2015, lần đầu tiên báo chí Việt Nam được Ban Tuyên Giáo TƯ cho phép công bố về kết quả (dù chỉ ở mức độ chung nhất) về cuộc đối thoại nhân quyền Việt-Mỹ tại Hà Nội. Trước đó vào tháng 3 và tháng 4, 2015, những cơ quan báo đảng như TTXVN, đài tiếng nói Việt Nam (VOV) cũng được phát tin về “Việt Nam và Mỹ đang tích cực chuẩn bị cho chuyến thăm và làm việc tại Hoa Kỳ của TBT Nguyễn Phú Trọng.”

Mật độ và màu sắc của những thông tin trên là đậm đặc hơn nhiều so với bầu không khí “tuyệt mật” trước chuyến làm việc của chủ tịch nước Trương Tấn Sang với Tổng Thống Obama tại Washington vào cuối tháng 7, 2013.

Đáng chú ý, cơ chế “chủ động thông tin” khá bất thường về chuyến đi Mỹ của TBT Trọng đã xuất hiện sau vụ việc gây chấn động dư luận Việt Nam của trang blog chân dung quyền lực vào đầu năm 2015, đặc biệt khi trang này tung thông tin chi tiết về bê bối đất đai và tham nhũng của hàng loạt quan chức cao cấp, cùng kết quả về cuộc bỏ phiếu tín nhiệm tại Hội Nghị Trung Ương 10 vào tháng 1 năm 2015 mà kết quả rất thuận lợi cho Ủy Viên Bộ Chính Trị Nguyễn Tấn Dũng.

Động thái “chủ động thông tin” của phía Việt Nam về chuyến đi Mỹ của TBT Trọng cũng xuất hiện trong bối cảnh phát sinh tin đồn về chuyện chuyến đi này “bị hủy.” Chưa rõ tin đồn có vẻ mang màu sắc “xung đột nội bộ” này xuất phát từ đâu.

Nhưng cuối cùng, tin tức về chuyến đi Mỹ của TBT Trọng đã được xác nhận bởi một quan chức là đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam - Ted Osius. Ngày 19 tháng 6, liên quan đến chuyến thăm trường đại học Cần Thơ, Ted tiết lộ phía Mỹ đang chuẩn bị cho chuyến đi của TBT Trọng sẽ diễn ra trong “vài tuần tới.” Trước đó vào đầu tháng 3, 2015 cũng tại một cơ sở giáo dục là giảng đường trường đại học quốc gia Hà Nội, Ted Osius đã thông báo ngắn gọn về việc Bộ Trưởng Công An Trần Đại Quang sẽ “sớm thăm Hoa Kỳ.” Một tuần sau, sự kiện hiếm thấy này quả đã xảy ra.

Được gì?

Không còn hồ nghi, chuyến đi Mỹ của người đứng đầu bên đảng sẽ diễn ra và nhiều khả năng sẽ đạt được mục tiêu có lẽ quan trọng nhất: Tăng cường hợp tác quân sự Việt-Mỹ tại khu vực Biển Đông để đối trọng với Bắc Kinh. Kết quả dự kiến này là sự tiếp nối cho một thỏa thuận quân sự giữa Mỹ và Việt Nam trong chuyến làm việc tại Hà Nội vào tháng 5, 2015 của Bộ Trưởng Quốc Phòng Mỹ Carter.

Nếu đạt được một kết quả dù chỉ tương đối về hợp tác quân sự Việt-Mỹ, lẽ dĩ nhiên lực lượng bên đảng của nhóm TBT Trọng sẽ nâng cao được uy tín và vị thế chính trị trước lá phiếu của 200 ủy viên trung ương chính thức và dự khuyết, đồng thời xác lập thế chủ công không cần bàn cãi trong chiến dịch chinh phục những chức vụ cao nhất tại Đại Hội Đảng 12 sẽ diễn ra vào đầu năm 2016.

Nếu chuyến đi Mỹ của TBT Trọng “thắng lợi,” đó sẽ là một thành công kép - vừa hợp tác quân sự vừa mang về TPP. Khó có thể đánh giá khác hơn, đó sẽ là thành tích lớn nhất, dù còn lâu mới được coi là thực chất, mà ông Nguyễn Phú Trọng mang lại cho những người bên đảng trong suốt chiều dài nhiệm kỳ thầm lặng của ông.

Phạm Chí Dũng
(Người Việt)





No comments:

Post a Comment

View My Stats