Tuesday, 30 June 2015

Từ Philippines Nghĩ Đến VN ”Ngoại Giao Hai Mặt Không Ai Chống Lưng Nên Bị Rơi Vào Tình Thế Nguy Hiểm” (Trúc Giang MN - Việt Báo)





30/06/2015

1* Mở bài

“Ngoại giao hai mặt không ai chống lưng nên bị rơi vào tình thế nguy hiểm”. Đó là lời cảnh cáo của Trung Quốc trước tình trạng bang giao hai nước Việt-Mỹ gia tăng trong thời gian gần đây. Trung Quốc muốn Việt Nam phải luôn luôn trung thành với họ, và duy nhất với họ mà thôi.

Những người quan tâm đến vận mạng đất nước cho rằng đây là thời cơ để Việt Nam liên minh với Mỹ hầu thoát ra khỏi sự lệ thuộc vào Trung Quốc.

Quan hệ ngoại giao giữa Philippines với Hoa Kỳ là một bài học tốt để Việt Nam tích cực hợp tác với Mỹ thì mới thành công.

Philippines là một nước nghèo, yếu nhất trong các nước có tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông. Thế nhưng trong thời bình thì đuổi Mỹ, chơi gác, chơi trội, chơi xấu với Mỹ cho nên lúc lâm nạn, bị Trung Quốc đàn áp mà không có một đồng minh nào đủ mạnh để chống lại Trung Quốc cả.

Đó là bài học tốt. Vết xe đổ cần phải tránh.

2* Khi thái bình thì đuổi Mỹ, lúc lâm nạn lại yêu cầu Mỹ bao che.

2.1. Quân đội Mỹ phải rời khỏi Philippines

Hiệp định cho Mỹ thuê hai căn cứ Subic và Clark được ký năm 1947. Mỗi năm Hoa Kỳ trả tiền thuê là 203 triệu USD.

Ngày 16-9-1966 hai bên ký gia hạn cho thuê 25 năm, hết hạn vào năm 1991.

Năm 1991, an ninh khu vực yên ổn. Ngày 13-9-1991 Thượng viện Phi bác bỏ việc phê chuẩn hiệp ước gia hạn cho Mỹ thuê hai căn cứ Subic (HQ) và Clark (KQ).

Thượng viện không phê chuẩn thì hiệp ước không còn hiệu lực, trở thành vô giá trị.

Ngày 27-12-1991, Tổng thống Corazon Aquino của Phi đưa ra thông báo chính thức buộc Mỹ phải rời khỏi Phi vào cuối năm 1992.

Ngày 24-11-1992, cờ Mỹ hạ xuống, cờ Phi được kéo lên ở căn cứ Subic. Và 1,416 TQLC Hoa Kỳ rời căn cứ bằng phi cơ và tàu chiến.

2.2. Tàu Mỹ mắc cạn bị Philippines phạt 1.5 triệu đô la

Ngày 17-1-2013, chiếc tàu vét mìn USS Guardian, sau khi viếng thăm một hải cảng Philippines, trên đường đến Indonesia, vì bị sóng to gió lớn nên mắc cạn ở bãi san hô Tubbataha của Phi.

Tubbataha là rặng san hô được UNESCO của LHQ công nhận là di sản của thế giới.

Chiếc USS Guardian, trị giá 277 triệu USD, mang theo 6 sĩ quan và 75 thủy thủ, đã bị mắc cạn suốt 73 ngày, làm hư hại 2,345 m2 san hô.

Chỉ huy Hạm Đội 7 TBD, Phó Đô đốc Scott Swift đã lên tiếng xin lỗi Phi về tai nạn đó.

Một ngày sau, chính phủ Phi lên tiếng cáo buộc Mỹ “đã xâm phạm trái phép” và phạt HQ Mỹ 1.5 triệu USD bồi thường thiệt hại. Đồng thời cáo buộc về tội “cản trở nhân viên công lực Phi thi hành luật pháp”. Miễn tội hình sự đối với thuyền trưởng Mỹ.

Mỹ và Phi đã ký Thỏa thuận Thăm viếng Quân sự (Philippines-United States Visiting Agreement) có hiệu lực từ ngày 27-5-1999, cho phép quân đội hai nước thăm viếng nhau. Mỹ muốn được có mặt thường xuyên trên nước Phi.

Thế mà vụ tai nạn tàu USS Guardian bị Phi cáo buộc là “xâm phạm trái phép”.

Ông Clarance Bautista, thuộc tổ chức bảo vệ môi trường Phi có tên là Kalikasan nói rằng: “Chính phủ Phi đòi bồi thường quá trễ và quá ít” (1.5 triệu USD).

Ông nạp một thỉnh nguyện thư yêu cầu Tối Cao Pháp Viện Phi đòi bồi thường 27 triệu USD và truy tố hình sự về tội phá hoại san hô theo hình luật của Phi. Yêu cầu ra lịnh tạm ngưng các cuộc thao dượt quân sự hỗn hợp Mỹ-Phi.

Hải Quân Mỹ thi hành kỷ luật và cho giải ngũ 4 sĩ quan trong đó có hạm trưởng của chiếc USS Guardian.

Chiếc tàu bị mắc cạn được cưa ra làm nhiều khúc để trục lên. Tàu trị giá 227 triệu USD trở thành đống sắt vụn.

3* Đến phiên tàu dọ thám Trung Cộng bị mắc cạn ở Tubbataha

Ngày 8-4-2013, phần cuối cùng của chiếc tàu Mỹ được trục lên khỏi rặng san hô, thì ngày 5-5-2013 đến phiên chiếc tàu Trung Cộng bị mắc cạn cũng ở rặng san hô đó.

Chiếc tàu mang tên Ming Long Yu, dài 48m, chở theo 12 thủy thủ bị mắc cạn làm hư hại 3,902m2 san hô.

Một quan chức Phi hé lộ với tờ The Daily Inquirer của Phi, 12 thủy thủ trên chiếc Ming Long Yu là sĩ quan và binh sĩ Trung Quốc “được phái đi làm một sứ mệnh”. Đó là đến dọ thám xem tàu Mỹ có cài thiết bị do thám nào ở rặng san hô Tubbataha hay không.

Tàu Trung Quốc không phải là tàu cá vì không có phòng lạnh và không có nước đá để bảo quản cá. Khi bị bắt họ lo hối lộ 2,400 USD để xin được thả.

Chính phủ Philippines không tìm ra chủ tàu ở Trung Quốc cho nên không đòi bồi thường thiệt hại, to gấp đôi tàu Mỹ đã gây ra.

4* Mỹ Philippines ký thỏa thuận hợp tác quốc phòng nâng cao

4.1. Tổng quát về thỏa thuận.

Thỏa thuận Hợp tác Quốc phòng Nâng cao (The Enhanced Defense Cooperation Agreement – EDCA).

Ngày 28-4-2014, Bộ trưởng Quốc phòng Phi, Voltaire Gazmin, và Đại sứ Mỹ ở Manila, Philip Goldberg, đã ký Thỏa thuận Hợp tác Quốc phòng Nâng cao (EDCA) tại một căn cứ quân sự, chỉ vài giờ trước khi Tổng Thống Obama đặt chân lên đất Phi trong cuộc viếng thăm hai ngày.

Sở dĩ thỏa thuận EDCA phải ký trước khi Tổng Thống Obama đặt chân lên đất Phi là để chứng minh rằng người Mỹ đã đến quốc đảo nầy một cách hợp pháp, bởi vì trước kia Philippines đã có lịnh đuổi Mỹ ra khỏi Phi vào ngày 24-11-1992.

Thỏa thuận EDCA chỉ là cái khung rất tổng quát cho phép quân đội Mỹ được luân phiên nhau hiện diện rộng lớn hơn trên lãnh thổ Phi.

Thời hạn thỏa thuận là 10 năm. Có hai điều minh xác rõ ràng là Mỹ không được lập căn cứ lâu dài và cũng không có quyền đưa vũ khí hạt nhân đến Phi.

Thỏa thuận EDCA cũng không nêu rõ số lượng binh sĩ Mỹ là bao nhiêu, và cũng không xác định căn cứ nào mà Mỹ có thể tiếp cận.

Thỏa thuận cũng không ghi rõ là Mỹ sẽ hỗ trợ quân sự cho Phi khi nước nầy bị Trung Cộng tấn công, mà chỉ nêu chung chung là thao dượt hỗn hợp, huấn luyện, thực hiện công tác nhân đạo, tìm kiếm cứu hộ, ứng phó thiên tai…

Khi bị Thượng Viện Phi chất vấn, liệu Mỹ có thể đưa tàu chiến đến hỗ trợ hay không, thì Bộ trưởng Quốc phòng Voltaire Gazmin cho biết: “Việc đó phải trải qua những cuộc đàm phán lâu dài”.

Bà Miriam Defensor-Santiago, Chủ tịch Ủy Ban Đối ngoại Thượng viện Phi, nói với báo Strait Times (Singapore) “Vào thời điểm người Mỹ quyết định giúp chúng tôi thì các tàu chiến của Phi đã chìm sâu dưới đáy biển rồi”.

Trả lời báo chí, Tổng Thống Obama nhắc lại lập trường của Mỹ “là không đứng về bên nào trong việc tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông”.

4.2. Vẫn chống Mỹ

Lúc thái bình thì đuổi Mỹ, khi lâm nạn thì yêu cầu Mỹ bao che. Chơi đoản hậu như thế thì chơi với ai?

Khi Tổng Thống Obama đến viếng Phi thì nhiều cuộc biểu tình chống Mỹ nổ ra. Quần chúng đốt hình nộm của TT Obama, đốt cờ Mỹ, tung hô đả đảo…Nhưng không có những đáng tiếc xảy ra vì cảnh sát làm ngơ.

Chính Tổng thống Benigno Aquino III cũng tỏ thái độ lừng khừng với Mỹ. Ba ngày trước khi ông Obama đến Phi, ông Aquino đã lên tiếng mua 12 máy bay chiến đấu FA-50 của Hàn Quốc để thay thế những chiếc F-5 của thời chiến tranh Việt Nam đã bị bó xó trong nhà kho. Phi cũng lên tiếng mua 8 trực thăng chiến đấu đa năng của Canada.

Trong vụ tai nạn của tàu USS Guardian ở rặng san hô Tubbataha thì Phi tố cáo Mỹ “xâm phạm trái phép”, đòi bồi thường thẳng tay. Trong khi đó tàu của Trung Cộng làm hư hại gấp đôi tàu Mỹ ở Tubbataha mà Phi không dám có tiếng nói nào với Trung Cộng cả.

Vì thế, trong cuộc tranh chấp giữa Trung Cộng và Philippines tại bãi đá Scarborough, chiếc tàu ngầm hạt nhân lợi hại nhất của Mỹ là USS North Carolina thuộc lớp Virginia có mặt ở vùng biển đó mà không ra tay can thiệp, để cho Trung Cộng chiếm Scarborough một cách ngon lành.

Tại bãi cạn Scarborough, khi Trung Cộng đóng 75 cọc bê tông chuẩn bị cho việc xây công sự trên đảo, Mỹ chỉ phản đối qua loa trên kênh ngoại giao quốc tế.

Khi tàu Trung Cộng ngăn cản tàu Phi đến tiếp tế cho chiếc tàu bị chìm ở đảo Cỏ May, với mục đích giữ chủ quyền của Philippines trên đảo nầy, thế mà Mỹ cũng không có phản ứng gì.

4.3. Hiệp ước hỗ trợ Quốc phòng Mỹ Phi

Philippines là thuộc địa duy nhất của Mỹ trong thời gian 48 năm (1898-1946). Mỹ trả độc lập cho Phi ngày 4-7-1946.

Một hiệp ước Hỗ trợ Quốc phòng (Mutual Defense Treaty US-Philippines) được ký kết vào ngày 30-8-1951 tại thủ đô Washington, D.C.. Hợp tác hỗ trợ quân sự khi một trong hai nước bị tấn công từ bên ngoài.

Hiệp định 1951 không bao gồm những đảo của Phi quản lý trong đó có bãi Scarborough thuộc quần đảo Trường Sa vì Phi tuyên bố chủ quyền trên những đảo đó hồi năm 1965, sau khi ký hiệp ước, nên Mỹ không thi hành cam kết trong hiệp định 1951.

4.4. Philippines muốn Mỹ hỗ trợ nhiều hơn nữa

Ngày 25-5-2015, Bộ trưởng QP Phi, ông Voltaire Gazmin cho biết, Phi đang tìm kiếm một cam kết mạnh hơn nữa của Mỹ khi Trung Cộng gia tăng tấn công ở Biển Đông. Ông Gazmin cho biết, ông sẽ đến gặp Bộ trưởng Ashton Carter để hỏi “Tôi sẽ hỏi về mức độ hỗ trợ họ dành cho chúng tôi. Họ có thể làm gì hơn để giúp chúng tôi vì bây giờ chúng tôi đang bị áp bức”.

Một quan chức Phi cho biết, ông Gazmin sẽ đề nghị Mỹ cung cấp máy bay, tàu chiến và hệ thống radar ven biển vì hệ thống nầy đã quá cũ kỹ”

Tướng chỉ huy không quân Jeffrey Delgado tuyên bố: “Phi sẵn sàng mở cửa 8 căn cứ không quân cho Mỹ xử dụng”.

Theo thỏa thuận, Phi cho Mỹ xử dụng căn cứ để thao dượt, huấn luyện, tập trận chung, tìm kiếm và cứu nạn và đối phó thiên tai. Còn việc đưa lưng ra lãnh đạn của Trung Cộng thay cho Tổng thống Aquino thì có lẻ còn phải xét đến những tính toán hơn thiệt, lợi hại khác.

Nhưng về mặt tâm lý thì có lẻ binh lính Mỹ không cảm thấy hào hứng khi nhớ lại hình nộm của Tổng Thống Obama và cờ Mỹ bị đốt ở Manila hồi tháng 4 năm 2014.

5* Philippines là một bài học cho Việt Nam

Philippines là một quốc gia nghèo và yếu nhất về quân sự ở Đông Nam Á. Đó là hậu quả của ba “vấn nạn” mà nước nầy phải đương đầu: đảo chánh, tham nhũng và nội chiến với tổ chức Mặt trận giải phóng Hồi Giáo Moro MILF (The Moro Islamic Liberation Front) thuộc phe của tổ chức khủng bố Nhà Nước Hồi Giáo (IS). Quốc Hội Phi đã biểu quyết cho lực lượng Hồi giáo Moro được thành lập một khu tự trị ở phía Nam nước nầy. Một cuộc giao nạp vũ khí của 150 tay súng đã thực hiện để tỏ thiện chí sau cuộc chiến khiến cho trên 100,000 người chết.

Về quân sự, thì một nhận xét mỉa mai như sau: “Không quân của chúng ta chỉ có không khí mà không có binh sĩ. Lực lượng cảnh vệ bờ biển của chúng ta chỉ có bờ biển mà không có cảnh vệ”.

Nghèo yếu mà thích chơi trội, chơi gác đối với Mỹ nên không có được một đồng minh mạnh khi bị Trung Cộng hiếp đáp.

Bị Mỹ thờ ơ thì lại quay sang Nhật xin cầu cứu. Nhưng hiến pháp hòa bình của Nhật chưa được sửa đổi nên Nhật không thể gởi quân đội ra nước ngoài được. Bất quá chỉ “chi viện” cho vài ba chiếc tàu cũ mà thôi.

Ngày 23-6-2015, khi tập trận chung với Nhật, Phi cử 3 sĩ quan lên chiếc phi cơ trinh sát P.3 Orion do 13 nhân viên Nhật điều khiển. Tập trận là bay 100km trên bầu trời đảo Palawan của Phi. Một cuộc tập trận hải quân giữa hai nước cũng được thực hiện trên một chiếc tàu gồm 350 quân nhân Nhật-Phi nội dung là giả sử như đi giải cứu một chiếc tàu bị hải tặc bắt giữ. Tập trận đơn sơ như thế, chỉ mang tính tượng trưng chớ không có hiệu quả thực tế nào cho quân đội Philippines cả.

Philippines là một bài học cho Việt Nam. ”Ngoại giao hai mặt không ai chống lưng nên bị rơi vào tình thế nguy hiểm”

6* Việt Nam phải “thoát Trung” để dân tộc được trường tồn

Tướng lãnh và trí thức trong nước đã trực tiếp hoặc gián tiếp xác nhận Việt Nam đang bị lệ thuộc vào Trung Quốc.

Chủ trương thâm độc của Trung Cộng là nhờ bàn tay của các thái thú Hán ngụy thực hiện Hán hóa dân tộc VN.

Nguyễn Thiện Nhân (MTTQ/VN) cam kết với Tàu Cộng là sẽ thúc đẩy để thanh niên VN hội nhập toàn diện với thanh niên sắc tộc thiểu số ở khu tự trị Quảng Tây.

Hiện tại, tỉnh Vĩnh Phúc bỏ ra 300 tỷ đồng để xây Văn Miếu thờ Khổng Tử. Xử dụng một số tiền lớn như thế trong khi tỉnh nầy còn thuộc diện tỉnh nghèo. Bịnh viện và trường học còn ở tình trạng thiếu thốn mà không được quan tâm thực hiện.

Tiến sỹ Vũ Thị Phương Anh nói: "Xây miếu thờ Khổng Tử, vào lúc Việt Nam và Trung Quốc có căng thẳng ở Biển Đông, nhiều người nghĩ ngay tới đó là một sự lệ thuộc Trung Quốc về mặt văn hóa”.

Nhiều Cung Hữu Nghị Việt Trung sẽ được thành lập. Nước Việt Nam thực sự là một khu tự trị của đại gia đình các dân tộc Trung Quốc. Chừng đó những thế hệ Việt Nam mai sau có thể hãnh diện nói trước thế giới rằng tui là công dân của cường quốc Trung Cộng.

7* Việt Nam đang ở thời kỳ Bắc thuộc lần thứ năm (1990-hiện tại)

Việt Nam đã trải qua bốn thời kỳ Bắc thuộc suốt 1,000 năm. Và hiện nay đang ở thời Kỳ Bắc thuộc lần thứ năm sau Hội nghị Thành Đô ngày 3-9-1990, Trung Quốc.

Việt Nam bị lệ thuộc về kinh tế, chính trị, văn hóa…

Những bằng chứng lệ thuộc:

1. Cờ 6 ngôi sao

Cờ 6 ngôi sao được đưa lên công chúng khi Nguyễn Phú Trọng đến Bắc Kinh ngày 11-10-2011, và khi Tập Cận Bình đến Hà Nội ngày 20-12-2011.

2. Việt Nam lệ thuộc Trung Cộng về kinh tế

Mặc dù sản phẩm của TQ kém chất lượng về khoa học kỹ thuật, nhưng được giao những gói thầu thuộc công trình lớn, đa số là thầu trọn gói “thiết kế, cung cấp thiết bị và thi công” EPC. (EPC= Engineering, Procurement and Construction)

Cụ thể nhất là hiện nay, công trình đường sắt Cát Linh-Hà Đông do TQ thực hiện.

Trong chưa đầy 2 tháng mà đã có hai “sự cố” quan trọng, làm chết một người và 3 người bị thương.

Bộ trưởng Đinh La Thăng đã phải giải thích về những lời phản đối của người dân, ông nói: “Nhà thầu TQ trên tuyến đường Cát Linh-Hà Đông rất yếu kém. Nhiều lần tôi muốn thay thế nhưng không được vì bị ràng buộc vào các điều kiện vay vốn. Không thể đánh đổi quyền lợi của người Việt Nam, tính mạng của người Việt Nam để vay vốn" của Trung Quốc”. Vậy ai đã đánh đổi hai điều đó?

Công trình trọn gói gồm có 13 tàu điện, thế mà Bộ trưởng Giao thông vận tải chưa thấy những con tàu đó như thế nào cả.

Vì sao phải vay vốn Trung Quốc? Đó là bằng chứng VN lệ thuộc vào Trung Cộng. Có nhiều nguồn vốn sẵn sàng cho VN vay như vốn ODA (ODA=Official Development Asssistance – Hỗ trợ phát triển chính thức) của Nhật và Hàn Quốc.

3. Trung Quốc di dân vào Việt Nam

Người Tàu đi vào VN không cần visa nhập cảnh. Họ tự do đi khắp nơi, di dân vào thành lập những khu phố Tàu sống khép kín theo phong tục tập quán của họ, thành những cộng đồng riêng biệt trên đất nước VN. Ngay cả nghĩa trang ở Bình Dương cũng được xem như một lãnh sự quán Trung Quốc ở cõi âm của Việt Nam. Lãnh sự quán bất khả xâm phạm.

Trong tương lai người Việt Nam sẽ trở thành một sắc tộc thiểu số như Mãn, Tạng, Hồi, Mông thuộc đại gia đình các dân tộc thuộc chính quyền trung ương ở Bắc Kinh.

4. Ủy ban Chỉ đạo hợp tác song phương toàn diện

Ủy ban Chỉ đạo hợp tác song phương toàn diện được thành lập ngày 11-11-2006 để Trung Quốc thúc đẩy Việt Nam sát nhập toàn diện vào TQ. Chỉ đạo là ra lịnh, hướng dẫn và kiểm soát thực hiện đúng phương hướng đã được CSVN thỉnh nguyện, xin cho được làm một khu vực tự trị thuộc chính quyền trung ương ở Bắc Kinh.

5. Tổ chức ăn mừng ngày quốc khánh Trung Quốc một cách trọng thể

Việt Nam tổ chức ăn mừng ngày quốc khánh 1 tháng 10 (1-10-1949) của TQ vô cùng trọng thể, kéo dài suốt 10 ngày từ 1-10-2010 đến ngày 10-10-2010, nội dung là “Ngàn Năm Thăng Long”. Nói về Lý Thái Tổ, Lý Công Uẩn dời đô ra Thăng Long.

Trong lịch sử, tất cả những chi tiết về Lý Công Uẩn không có ngày, tháng, năm nào có liên hệ tới ngày 1 tháng 10 cả. Phim được chiếu thì Lý Công Uẩn hoàn toàn là một người Tàu. Được nhà Tống phong làm Nam Bình Vương.

Tổ chức ăn mừng quốc khánh TQ là do dư luận trong nước đưa lên internet.

6. Việt Nam thi hành “định hướng dư luận”

Trung Cộng đã nhiều lần sang chỉ thị cho Việt Cộng phải “định hướng dư luận”

Ngày 30-6-2011. Tướng Mã Hiểu Thiên, Phó Tổng Tham Mưu QĐ Trung Cộng đến VN, chỉ thị cho Hà Nội:”Xử lý một cách thích đáng, và hướng dẫn công luận và tình cảm dân chúng một cách đúng đắn, không để biểu tình xảy ra, không để đa phương hoá và quốc tế hoá vấn đề Biển Đông”.

Tướng Nguyễn Chí Vịnh tuyên bố: “VN kiên quyết xử lý vấn đề tụ tập đông người với tinh thần không để cho sự việc tái diễn. Tình yêu nước của một số người dân đã bị các thế lực thù địch lợi dụng, gây nên những vấn đề phức tạp về an ninh chính trị, và trật tự xã hội. VN luôn luôn cảnh giác trước những âm mưu phá hoại của các thế lực thù địch gây chia rẻ tình cảm đoàn kết giữa VN và TQ”.

Sau đó chính phủ cấm tất cả những cuộc tụ tập, biểu tình chống Trung Cộng. Bắt bớ giam cầm những ai dám nói “Hoàng Sa & Trường Sa là của Việt Nam”.

Chính phủ đã ra lịnh cho các trường trung học, đại học cấm sinh viên biểu tình.

7. Trung Cộng thi hành định hướng dư luận

Trong khi Việt Nam triệt để thi hành định hướng dư luận trên căn bản 16 chữ vàng và 4 tốt thì bọn quan thầy Tàu khựa chửi bới VN vô cùng thậm tệ. Đồng thời hăm dọa tiêu diệt người đồng chí anh em phía nam, Việt Cộng là “Sát Việt khấu”…

“Đánh chiếm VN trong 31 ngày - Đánh chiếm VN chỉ trong một giờ - Sát Việt khấu tế kỳ thu hồi Nam Sa. “Sát Việt khấu vi Nam Sa chi chiến tế kỳ (Giết giặc Việt để làm lễ tế cờ trong trận chiến Nam Sa).

Sau đây tóm tắt do Giáo sư Vũ Cao Đàm dịch từ tài liệu Trung Quốc tựa đề: “Đánh chiếm VN trong 31 ngày” như sau:

“VN là một quốc gia lòng lang dạ sói. Là bọn tiểu nhân bỉ ổi không biết xấu hổ. Là vô liêm sĩ, không biết hổ thẹn là gì. Xem ra, VN muốn đi theo vết xe cũ của năm 1979, vẫn còn muốn diễn vai bán đứng ân nhân đã từng giúp đỡ họ, để trở thành một kẻ tiểu nhân vô liêm sĩ thật thụ.

Năm 1979 chưa đủ dạy cho VN một bài học tơi bời, thì sắp tới đây, chúng ta cần phải làm triệt để, để VN có một bài học nhớ đời và cũng là lợi ích lâu dài của TQ”. (GS Vũ Cao Đàm dịch).

Bị chửi tơi bời như thế mà CSVN không dám chửi lại một tiếng nào cả.

8* Chính sách ba không của Việt Nam

Chính sách ngoại giao ba không là:

1. Không tham gia liên minh, đồng minh quân sự của bất kỳ nước nào.

2. Không cho nước nào đặt căn cứ quân sự ở Việt Nam.

3. Không dựa vào nước nầy để chống nước kia.

Chính sách ba không nêu trên được xem như những lời cam kết trung thành của VN đối với Trung Cộng, vì đã lệ thuộc vào bọn Tàu khựa rồi, còn gì nữa đâu mà dám liên minh, liên kết với ai khác?

1). Nhận xét của GS Tương Lai

GS Tương Lai, cựu cố vấn thủ tướng nói với đài VOA rằng: “Quan điểm trên là tự trói mình, không phù hợp với thực tế”. Ông cho biết tiếp: “Khi mà cái thằng kẻ cướp nó đã vào tận sân nhà mình rồi. Nó chỉa dao, mác, súng ống vào nhà mình. Nó uy hiếp, mà những người trong nhà vẫn nói rằng, Việt Nam không liên minh với một nước khác để chống lại nước thứ ba, như thế không có sự mơ hồ và kỳ cục nào tưởng tượng nổi, nếu không nói đó là một sự ngu xuẩn”.

2). Nhận xét của Thiếu tướng Lê Văn Cương

“Chạy đua vũ khí thì 1,000 năm nữa Việt Nam cũng không theo kịp Trung Quốc”

Thiếu tướng Lê Văn Cương cho biết: “Chúng ta thiếu ý chí, chính cái nầy mới quan trọng chớ chạy theo vũ khí thì 1,000 năm nữa, Việt Nam vẫn không bì kịp Trung Quốc được. Chỉ có mấy chiếc tàu ngầm, không đủ sức răn đe đâu. Không ăn thua gì cả. Tàu ngầm tên lửa không có ý nghĩa gì cả”.

Hiện nay không phải ta thiếu vũ khí, mà là thiếu ý chí và thiếu con người dũng cảm”.

Về một giải pháp hữu hiệu nhất cho Việt Nam, ông nói: “Thật ra mà nói thì thế này, cứ chơi bài ngửa, chỉ liên minh với Mỹ thôi, chứ ASEAN như một bị khoai tây chẳng ý nghĩa gì đâu. Nga bây giờ cũng đang khốn nạn đừng hy vọng gì ở Nga nữa, lợi ích của họ là tối thượng. Ấn độ thì ốc mang mình ốc chưa nổi nữa, thì làm sao? Duy nhất trên hành tinh này chỉ có mình Mỹ thôi. Mở rộng quan hệ hợp tác với Mỹ, mở toang cánh cửa ra. Phải tiến tới quan hệ Mỹ Việt mà trên là bạn bè dưới liên minh, cứ nói thẳng như thế.

Trung Quốc rất sợ Mỹ. Trên hành tinh này Trung Quốc chỉ sợ Mỹ thôi. Bây giờ cho ăn kẹo, Bắc Kinh cũng không dám đụng tới Mỹ, vì đụng tới Mỹ là tự sát. Bản chất của họ là dọa nạt cưỡng bức những kẻ yếu, chứ còn đối với kẻ mạnh như Mỹ thì cho họ ăn kẹo chocolate họ cũng không dám đụng tới Mỹ, vì đụng tới Mỹ là tự sát.

Nói thẳng với Trung Quốc: “Việt Nam không liên minh với Mỹ để chống Trung Quốc, nhưng chúng tôi cần sức mạnh của Mỹ để răn đe mọi thế lực ngoại bang muốn xâm lược Việt Nam.

Nhà nước chơi bài ngửa với dân, công khai và minh bạch, với thế giới thì cũng như thế”.

Thiếu tướng Cương nói rõ, Việt Nam không thể liên minh với ASEAN, Ấn Độ và Nga. Chỉ có Mỹ mà thôi”.

Ông Lý Quang Diệu (Lee Kuan Yew) cũng có ý nghĩ như thế: “Chỉ có kẻ ngu mới đi chống Mỹ”.

9* Kết luận

Đi theo Trung Cộng, Việt Cộng bị đánh đập (17-2-1979), chửi bới nặng nề, đe dọa đủ thứ, bầm dập te tua như cái mền rách. Như thế đã quá đủ rồi.

Thiếu nợ 870 tỷ USD về vũ khí viện trợ từ 1954 đến 1975, thiếu nợ 260 tỷ USD tiền vay không lãi. Không tiền trả nợ thì đã cắt đất dâng biển trừ nợ như thế cũng đã đủ lắm rồi.

Vịnh Bắc Bộ, thác Bản Giốc, Hoàng Sa, Trường Sa xem như trừ nợ vậy. Đã đến thời cơ thoát ra khỏi thời kỳ Bắc thuộc lần thứ năm nầy. Liên minh với Mỹ thì yên chí rằng Mỹ sẽ không chửi bới đánh đập, không cướp biển, cướp đảo như quan thầy Trung Cộng đã làm.

Liên minh với một nước văn minh dù sao cũng tốt hơn đi theo làm đầy tớ cho bọn bất lương.

Chủ nghĩa Cộng Sản, chế độ Cộng Sản đã hết thời rồi. Đảng CSVN đã có nhiều nợ máu với dân tộc VN trong CCRĐ, có thành tích cướp của giết người trong đánh tư sản miền Nam năm 1975. Đảng Cộng Sản Việt Nam không xứng đáng lãnh đạo dân tộc VN.

Đã đến lúc cần phải dứt khoát từ bỏ cái đảng chết tiệt nầy đi. Hãy nghe lời những tướng lãnh, những trí thức và những nhà yêu nước mà quay về với dân tộc, tạo dựng một xã hội công bằng, một chế độ dân chủ thật sự, không cai trị một cách độc tài và gian trá, lừa bịp.

Làm được như thế thì lịch sử ghi công, nhân dân ghi ơn, tiếng thơm lưu truyền muôn thuở.

Tỉnh giấc! Mau mau tỉnh giấc!

Trúc Giang
Minnesota ngày 29-6-2015







No comments:

Post a Comment

View My Stats