Thursday 19 July 2012

HAI BÀI HÀNH THỜI CHIẾN của PHẠM NGỌC LƯ (Blog Trần Hoài Thư)





Đầu năm 1972, cuộc chiến bột phát dữ dội, để sau đó là máu, nước mắt, khăn sô trắng trời trong mùa hè đỏ lửa kinh hoàng !
Từ Sài Gòn trở về tạm biệt cha mẹ các em, bè bạn để chuẩn bị và chờ đợi tới lượt mình ra chiến trường ném binh như vãi đậu. Bữa cơm chiều có món rượu Cỏ May thần tửu (do Phạm Ngọc Lư đặt tên: rượu nếp ủ lâu ngày, nước đỏ màu hổ phách) và bất thần Lư đọc lên: biên cương, biên cương chào biên cương. Ban đầu là ngập ngừng, sồn sựt, nhưng càng sâu, bài thơ nghe gai lạnh chỏm tóc, gáy, sống lưng. Chữ nghĩa và cái giọng nghèn nghẹn làm nổi da gà tất cả anh em ngồi quanh chiếu rượu.
Lư không phải là một chiến binh, chưa biết mặt chiến trường ra sao, nhưng những dòng chữ từ trái tim anh vút ra như một dự cảm oan nghiệt của cái mà bọn “thiết quốc” gọi là lý tưởng, chủ nghĩa để đem nướng hàng triệu sinh linh trên bãi chiến trường được chỉ định trước . Nỗi hãi hùng từ cảnh binh đao xếp thành hàng, vất vưởng, man rợ, tủi nhục… trong bài hành. Trở vào, tôi mang theo sự man rợ kinh hoàng kia để bè bạn cùng sẻ chia, cùng tự vấn vì ai gây dựng cho nên nỗi này.
Sau hon 30 năm, thỉnh thoảng nhớ lại vẫn gai lạnh nỗi hoang mang tột cùng. Và mới đây anh bất ngờ chép lại đầy đủ, tặng tôi. Giờ đây tôi thay mặt anh xin kính tặng quý độc giả TQBT. (  Nguyễn Lệ Uyên)

Hình : Phạm Ngọc Lư – Trần Hoài Thư – Nguyễn Lệ Uyên – Phạm văn Nhàn (chụp tại Tuy Hòa 1970)

*

(trích Thư Quán Bản thảo tập 13)

Biên cương hành
Biên cương biên cương chào biên cương
Chào núi cao rừng thẳm nhiễu nhương
Máu đã nuôi rừng xanh xanh ngắt
Núi chập chùng như dãy mồ chôn
Gớm, gió Lào tanh mùi đất chết
Thổi lấp rừng già bạt núi non
Mùa khô tới theo chân thù địch
Ta về theo cho rậm chiến trường
Chiến trường ném binh như vãi đậu
Đoàn quân ma bay khắp bốn phương
Lớp lớp chồm lên đè bẹp núi
Núi mang cao điểm ngút oan hờn
Đá mang dáng dấp hình chinh phụ
Trơ vơ chóp núi đứng bồng con
Khu chiến ngày tràn lan lửa dậy
Đá Vọng Phu mọc khắp biên cương
Biên cương biên cương đi biền biệt
Chưa hết thanh xuân đã cùng đường
Trông núi có khi lầm bóng vợ
Ôm đá mà mơ chuyện yêu đương
Thôi em, sá chi ta mà đợi
Sá chi hạt cát giữa sa trường
Sa trường anh hùng còn vùi dập
Há rằng ta biết hẹn gì hơn ?

Đây biên cương, ghê thay biên cương !
Núi tiếp rừng, rừng tiếp khe truông
Hãi hùng chưa trời hoang mây rậm
Mùa mưa về báo hiệu tai ương
Quân len lỏi dưới tàn lá dữ
Lá xôn xao xanh mặt hoảng hồn
Sát khí đằng đằng rừng dựng tóc
Ma thiêng còn ngán bọn cô hồn
Cô hồn một lũ nơi quan tái
Có khi đã hóa thành thú muông
Cô hồn một lũ nơi đất trích
Vỗ đá mà ca ngông hát cuồng
Chém cây cho đỡ thèm giết chóc
Đỡ thèm môi mắt gái buôn hương

Đây biên cương, ghê thay biên cương !
Tử khí bốc lên dày như sương
Đá chảy mồ hôi rừng ứa máu
Rừng núi ơi ta đến chia buồn
Buồn quá giả làm con vượn hú
Nào ngờ ta con thú bị thương
Chiều hôm bắt tay làm loa gọi
Gọi ai nơi viễn xứ tha phương ?
Gọi ai giữa sơn cùng thủy tận ?
Ai người thiên cổ tiếc máu xương ?
Em đâu, quê nhà chong mắt đợi
Hồn theo mây trắng ra biên cương
Thôi em, yêu chi ta thêm tội
Vô duyên xui rơi lược vỡ gương
Ngày về không hẹn ngày hôn lễ
Hoặc ngày ta mắt nhắm tay buông
Thôi em, chớ liều thân cô phụ
Chiến trường nay lắm nỗi đoạn trường
Nơi nơi lạnh trăm dòng sông Dịch
Kinh Kha đời nay cả vạn muôn
Há một mình ta xuôi biên tái
“Nhất khứ bất phục phản” là thường !

Thôi em, còn chi ta mà đợi
Ngày về : thân cạn máu khô xương
Ngày về : hôn lễ hay tang lễ
Hề chi ! buổi chinh chiến tang thương
Hề chi ! kiếp cây rừng đá núi
Nghìn năm hồn quanh quẩn biên cương

Tháng 5, 1972

*

Cố lý hành
Chiều chết đuối trên sông ngờm ngợp
Nước đua chen đớp bọt nắng tàn
Đò qua sông đìu hiu bến đợi
Buồn rút lên bờ cây khai quang
Mây đổ xù lông như chó ốm
Trời bôi nhòe mặt ngóng đêm sang
Thôn ổ tiêu sơ gầy khói bếp
Đồng không mốc thếch lạnh tro tàn

Có biết ta về không cố lý ?
Mười năm chưa lạ mặt xóm làng
Sao phên giậu nghiêng đầu câm nín
Rơm rạ làm thinh chẳng hỏi han
Cổng khép rào vây vườn cỏ dại
Tường xiêu mái rách bóng nhà hoang
Ngõ vắng bàn chân như hụt đất
Tre già đang kể chuyện chôn măng
Nương rẫy đang phơi lòng dâu bể
Nói làm sao hết nỗi bàng hoàng ?
Khóc làm sao vừa lòng cố lý ?
Phải đây là cố lý ta chăng ?
Đâu bóng mẹ già sau khung cửa
Và những người em mặt trái xoan
Đâu bóng chị hiền như hoa cỏ
Bên luống cà xanh liếp cải vàng

Đất đá thở ra mùi u uất
Bốn bề hun hút rợn màu tang
Ai chết quanh đây mà cú rúc
Mà cơn gió lạnh réo hồn oan
Ai trong muôn dặm không về nữa
Cố lý mười năm mộng bẽ bàng
Cố lý mười năm ngày trở lại
Như ngày Lưu Nguyễn xuống trần gian !

1972




No comments:

Post a Comment

View My Stats