Tuesday 31 July 2012

VĨNH BIỆT BÀ ĐẶNG THỊ KIM LIÊNG (Nguyễn Tường Thụy)




31/07/2012

Tin Bà Đặng Thị Kim Liêng tự thiêu trước UBND tỉnh Bạc Liêu, số 4 đường Phan Đình Phùng sau đó qua đời làm bàng hoàng những con người có lương tri.

Thật đau xót khi Bà phải chọn cái chết như thế. Rất nhiều người không đồng tình với việc tự vẫn hay tự thiêu nhưng không ai trách Bà mà ngược lại, lòng kính trọng Bà còn nhân lên gấp bội.

Với tôi, chỉ khi bà tự thiêu, tôi mới biết bà là thân mẫu của Tạ Phong Tần.

Điều gì đã làm cho Bà tự thiêu?

Theo lời chị Dương Thị Tân và hai người em gái của Tạ Phong Tần trả lời đài RFA thì việc Bà tự thiêu có nguyên nhân từ chuyện Bà bị đe dọa rất căng thẳng. Bà có nói với chị Tân rằng người ta dọa sẽ đưa ra đảo, cho cả nhà đi tù và sẽ lấy nhà.

Trang VRNs cho biết “công an thường xuyên đến gia đình gây áp lực cho bà Liêng về chị Tần. Có lần họ đã mang đài truyền hình xuống để quay và yêu cầu bà phải kể tội của chị Tạ Phong Tần, nhưng bà đã từ chối. Bà cho biết, bà đi đâu, công an cũng theo dõi để khủng bố bà, dù là đi chùa hay đi siêu thị”.

Các con Bà cũng nói về việc gia đình có tranh chấp đất với hàng xóm nhưng thưa kiện ,mãi không có ai giải quyết.

Phải bị áp lực ghê gớm lắm, phải uất ức, căng thẳng lắm mới khiến bà chọn cách tự thiêu để phản đối.

Sau khi Bà chết rồi, vẫn có những việc làm đối phó bất bình thường. Khi Bà chết trên đường đến Bệnh viện Chợ Rẫy, việc đưa bà trở về nhà cũng không suôn sẻ. Cô Tạ Khởi Phụng (con gái bà) khi trả lời đài RFA cho biết khi trên đường quay về những người trên xe không chở thi thể Bà về nhà theo yêu cầu của gia đình mà lại chở vào bệnh viện Bạc Liêu, mặc cho cô phản ứng rất quyết liệt.

VRNs chiều nay cho biết Bùi Thị Minh Hằng cùng 9 người khác từ Vũng Tàu đi Bạc Liêu để phúng điếu Bà Đặng Thị Kim Liêng. Khi xe đến khu vực xã Long Định, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang thì bị công an chặn lại không cho đi. Ban đầu công an lấy lý do là xe gây án bỏ chạy, nên phải giữ xe, tuy suốt tuyến đi an toàn không hề có chuyện gì xảy ra. Sau một lúc biết dùng cách đó không được, công an quay ra kiểm tra bằng lái tài xế và nói “hồ nghi dùng bằng lái giả”. Với lý do này, xe buộc phải dừng lại hoặc thu hồi vĩnh viễn giấy phép kinh doanh xe. Cuối cùng, đoàn buộc phải rời xe đi bằng phương tiện khác.

Còn nhiều việc làm bất thường khác của công an xung quanh cái chết của Bà.

Dân gian có câu “Nghĩa tử là nghĩa tận”. Khi người ta đã chết, dù có là trường hợp cho là nhạy cảm (về chính trị) thì cũng không được phép xúc phạm, hành hạ vong linh người đã khuất. Nhớ lại hồi bà Đỗ Thị Tân, mẹ của blogger Paulus Lê Sơn qua đời, công an đã không cho phép Sơn về chịu tang mẹ. Đây là việc làm độc ác, tàn nhẫn, phi nhân tính.

Không biết Tạ Phong Tần trong nhà giam có được biết tin mẹ chết và có được về chịu tang mẹ không. Nếu không thì cũng không còn gì để nói. Họ có quyền hành, lực lượng trong tay, có thể làm bất cứ điều gì đối với người dân trong tay không có một tấc sắt. Tuy vậy cũng phải coi chừng, sức mạnh nằm ở lẽ phải, đạo lý và chính nghĩa chứ không phải là ở cơ bắp.

Cho đến lúc này 23h40, sử dụng công cụ tìm kiếm google, gõ từ khóa “Bà Đặng Thị Kim Liêng tự thiêu” cho thấy 404 000 kết quả (0,13 giây), còn nếu bỏ chữ “tự thiêu” đi thì con số ấy là 4 500 000. Tuy vậy, chưa thấy báo chí Nhà nước có dòng tin nào về vụ tự thiêu này trong khi các tin giết, cướp, hiếp thì đăng nhan nhản hàng ngày.

Từ Hà Nội xa xôi, xin kính cẩn hướng về Bạc Liêu, cúi đầu trước vong linh Bà. Vĩnh biệt Bà, một Nhà giáo, một Người Mẹ.
Xin chia sẻ nỗi đau mất mát này với gia đình Tạ Phong Tần.

31/7/2012
NTT

Một số bài viết về vụ Bà Đặng Thị Kim Liêng tự thiêu:
­- Lương tâm thúc giục (Trịnh Kim Tiến).




1 comment:

View My Stats