Friday, 25 April 2014

[Vụ Nhã Thuyên] MỘT BẢN NHẬN XÉT KHÔNG CÓ TÍNH KHOA HỌC (Nguyễn Thị Từ Huy)




Nguyễn Thị Từ Huy
Viet-Studies 24-4-2014

Bản nhận xét về luận văn Nhã Thuyên của PGS.TS. Phan Trọng Thưởng đã được công bố trên VanVN của Hội Nhà Văn Việt Nam, và mới chỉ trong vài ngày đã gây ra nhiều phản ứng, từ thất vọng đến phẫn nộ.

Ở đây, tôi đánh giá bản nhận xét ấy với tư cách là một người có tham gia vào quá trình đào tạo ở đại học, và tập trung vào một khía cạnh: nó có đảm bảo tính khoa học hay không?

Dù chỉ riêng một khía cạnh đó thôi, bản nhận xét của ông Phan Trọng Thưởng cũng đặt ra rất nhiều vấn đề, nên tôi buộc phải lựa chọn một số điểm và phải bỏ qua rất nhiều điểm khác. Những người còn hứng thú phân tích bản nhận xét này vẫn có thể tiếp tục đưa ra các bình luận về các chi tiết trong đó.

I.    Những lỗi cơ bản:

Lỗi trích dẫn

Toàn bộ bản nhận xét dài 10 trang A4 (cỡ chữ 12) có khoảng 52 trích dẫn (có thể tôi liệt kê chưa đầy đủ vì có những đoạn in nghiêng nhưng không để trong ngoặc kép nên khó có thể xác định đó có phải là trích dẫn hay không). Trong đó có 6 trích dẫn có đánh số trang, còn lại 46 trích dẫn không đánh số trang. Phạm một lỗi sơ đẳng như vậy một cách có hệ thống như vậy thì quả thật đáng tiếc cho một người có học vị TS và học hàm PGS như ông Phan Trọng Thưởng. Nhất là khi ông quyết định đăng công khai văn bản này. Ai cũng biết rằng khi ông không đánh số trang thì không thể (hoặc rất khó) kiểm chứng. Và do đó, người ta sẽ hoài nghi rằng không biết dẫn chứng của ông có thật không, và có bị sửa chữa so với văn bản không. Lỗi này một sinh viên bậc cử nhân cũng có thể tránh được.

Sai trong quan niệm về đối tượng và tài liệu nghiên cứu 

Dù điều này là sơ đẳng, nhưng tôi vẫn phải làm mất thời gian quý báu của độc giả khi nhắc lại rằng: mọi sự kiện, hiện tượng tồn tại trong thực tế đều có thể, hoặc thậm chí là PHẢI trở thành đối tượng nghiên cứu của các khoa học, nếu một trong những mục đích của khoa học, như đã được thống nhất từ lâu, là: tìm hiểu về đời sống (tự nhiên và xã hội), và tìm kiếm các sự thật về đời sống.

Luận điểm của ông Phan Trọng Thưởng cho rằng Mở Miệng không phải là một hiện tượng chính thống nên không được phép nghiên cứu là một luận điểm hoàn toàn phi khoa học, không thể chấp nhận được ở thời điểm hiện tại, khi quá trình toàn cầu hóa đã diễn ra gần thế kỷ nay, và cùng với nó là sự khẳng định đối với quan điểm về đa dạng văn hóa và quyền được tồn tại của mọi tiếng nói, mọi sự khác biệt về chính kiến, về vị thế…

Luận điểm cho rằng những gì "dơ, bẩn" đều không thể trở thành đối tượng nghiên cứu của khoa học lại càng phi lý. Nếu không nghiên cứu những thứ dơ bẩn thì rất nhiều bệnh sẽ không được chữa trị, nhất là những bệnh phải làm xét nghiệm trên những thứ dơ, bẩn như phân, nước tiểu… Còn trong văn chương nghệ thuật, những thứ ghê tởm, nhờn nhớp đã trở thành chất liệu sáng tạo như thế nào, và "dạng nghệ thuật nhờn gớm" ấy đã trở thành đối tượng của nghiên cứu khoa học như thế nào, ông Phan Trọng Thưởng có thể đọc trong cuốn Thế mà là nghệ thuật ư? của Cynthia Freeland. Ông sẽ thấy chẳng riêng gì Mở Miệng mà các nghệ sĩ lớn trên thế giới cũng sử dụng chất thải của con người, rác thải của cuộc sống, xác chết… để sáng tạo các tác phẩm của họ. Và những thứ nhờn tởm đó không chỉ tồn tại duy nhất trong thế giới của nghệ thuật, mà còn đi vào đời sống. Tôi trích nguyên văn một câu trong cuốn sách: "Thật khó tưởng tượng làm sao mà những hoạt cảnh xác thịt rữa nát (có cả giòi ở trong) của Hist lại có thể trợ giúp hình ảnh của ông trong ngành kinh doanh ăn uống" (Thế mà là nghệ thuật ư?, Cynthia Freeland, bản dịch tiếng việt của Như Huy, NXB Tri Thức, 2009, tr.51). Nếu bị cấm nghiên cứu về những tác phẩm và tác giả sử dụng chất liệu dơ bẩn, thì cũng sẽ chẳng làm gì có công trình khảo cứu của Freeland để mà dịch ra tiếng Việt.

Nhận xét về tài liệu nghiên cứu của Đỗ Thị Thoan, ông Phan Trọng Thưởng viết:

"Như vậy có thể thấy đối tượng, tài liệu nghiên cứu đều không mang tính chính thống, thiếu độ tin cậy."

Không có một người làm khoa học nào đủ can đảm viết một câu như thế cả.

Tính tin cậy của tài liệu nghiên cứu là ở chỗ: nó có phải là tài liệu gốc không, nó có bị sửa đổi, cắt xén hay thêm thắt gì so với tài liệu gốc không, nó có phải giả mạo không. Nếu quan niệm như ông Phan Trọng Thưởng, thì khi nghiên cứu về Hồ Chí Minh, chỉ được phép nghiên cứu các tài liệu có vào thời kỳ mà Hồ Chí Minh đã được thừa nhận là chính thống, các tài liệu vào thời kỳ ông hoạt động ngầm, hoạt động bên lề thì không được phép nghiên cứu. Có thể như vậy được sao??? Như thế thì sao còn gọi là nghiên cứu được!

II.    Không đúng quy cách

Ông Phan Trọng Thưởng nói trên VanVN rằng: « Dựa trên quy cách của một bản nhận xét luận văn và những yêu cầu do Trường Đại học Sư phạm Hà Nội đề ra, tôi có một số nhận xét sau đây về luận văn của tác giả Đỗ Thị Thoan. »
Tuy nhiên, trên thực tế, bản nhận xét của ông không đảm bảo quy cách.

Thứ nhất, một bản nhận xét trung thực và khách quan, tức là một bản nhận xét đảm bảo yêu cầu khoa học, phải nêu được cả hai khía cạnh: đóng góp của luận văn và hạn chế của luận văn.
Bản nhận xét của ông Phan Trọng Thưởng tập trung duy nhất vào hạn chế của luận văn, những hạn chế theo quan điểm của cá nhân ông.
Có thể trong thực tế sẽ có những luận văn không hề có đóng góp nào, không hề có ưu điểm nào. Tuy nhiên, thông thường, những luận văn như vậy sẽ không được người hướng dẫn đồng ý cho đưa ra bảo vệ. Nếu đồng ý cho đưa ra bảo vệ trước hội đồng một luận văn chỉ có nhược điểm mà không có ưu điểm nào thì uy tín khoa học của người hướng dẫn sẽ bị ảnh hưởng tai hại.
Luận văn của Đỗ Thị Thoan không thuộc trường hợp trên đây. Tôi đồng ý với các nhận xét của Hội đồng Khoa học (HĐKH) đã chấm luận văn này năm 2010, các bản nhận xét đã công bố trên blog của Đỗ Thị Thoan, do vậy, tránh làm mất thời gian của độc giả, ở đây tôi không nhắc lại các ưu điểm và đóng góp của luận văn này. Tôi chỉ khẳng định lại rằng: luận văn của Đỗ Thị Thoan có những đóng góp và ưu điểm khoa học. Theo tôi, bản thân việc nghiên cứu Mở Miệng đã là một đóng góp lớn.

Thứ hai, để xét hết các trường hợp, cần phải nói rõ rằng, với một bản nhận xét thẩm định lại, ông Phan Trọng Thưởng có quyền không đồng ý với đánh giá của HĐKH 2010. Tuy nhiên, trong trường hợp đó, ông phải nêu lại các lập luận của HĐKH và tranh luận với các lập luận ấy, nói rõ vì sao ông không đồng ý.  Ông Phan Trọng Thưởng đã không làm như vậy. Bản nhận xét của ông không hề có một tranh luận nào với HĐKH 2010, cũng không hề nêu một đóng góp nào của luận văn. Như tôi đã nói, bản nhận xét của ông chỉ duy nhất nêu lên những điểm mà theo ông là hạn chế của luận văn.
Như vậy, tính phi khoa học của bản nhận xét là ở chỗ: ông Phan Trọng Thưởng đánh giá luận văn không dựa vào thực tế văn bản của luận văn, không dựa vào các tiêu chí khách quan của khoa học, mà chỉ dựa vào quan điểm riêng của ông và chọn lọc duy nhất các yếu tố của luận văn giúp ông chứng minh quan điểm của mình. Nếu không tìm đủ các dẫn chứng để tạo sức thuyết phục thì sẽ phải ngụy tạo dẫn chứng. Đó là điều mà tôi sẽ đề cập ngay sau đây.

III.  Ngụy tạo dẫn chứng, bóp méo sự thật

Để chứng minh cho các cáo buộc của mình, ông Phan Trọng Thưởng đã buộc phải bóp méo thực tế của luận văn, cho phù hợp với nhận định của ông. Về điểm này, xin  quý độc giả tham khảo bài Đọc bản nhận xét phản biện LV Nhã Thuyên của PGS Phan Trọng Thưởng của Vũ Thị Phương Anh và bài Nghịch lý văn chương và thông điệp đẫm máu của Hà Nhân trên website Văn Việt và Viet-studies, để thấy được sự đa dạng của những dẫn chứng bị ngụy tạo.
Ở đây tôi dẫn lại một ví dụ mà Hà Nhân đã dẫn. Trong phần kết luận, ông Phan Trọng Thưởng viết:
"Như tác giả luận văn đã tự xác nhận, đây là một luận văn “chính trị đội lốt văn chương”. "
Đây có thể xem là kết luận nặng ký nhất, là lý do căn bản nhất để ông Phan Trọng Thưởng  phủ quyết giá trị khoa học của luận văn của Đỗ Thị Thoan.
Trên thực tế, tác giả luận văn không tự xác nhận như vậy. Nguyên văn đoạn có mệnh đề được ông Phan Trọng Thưởng trích là như sau:
"Câu hỏi đây là sự cách tân văn chương mang tính chính trị hay là hành vi chính trị đội lốt văn chương thấm đẫm nguyên lý ý thức hệ và sự lệ thuộc vào một từ chính trị được cắt nghĩa hẹp hòi: Tại sao các anh không cứ cách tân đi, bởi văn chương mới chính là lĩnh vực của anh? Tại sao phải lên tiếng về chính trị và bình luận xã hội? “Nay ở trong thơ nên có thép” có chính trị không? Không phải chúng ta đã bội thực thứ văn chương (phục vụ) chính trị rồi sao?”. Khi nhà thơ tự đem mình ra như tang chứng của đời sống, của sự áp chế, họ không sở hữu quyền lực thực sự. Có lẽ vì tính chất vô ích của loại hình nghề nghiệp này, những câu hỏi về vị trí trách nhiệm của nhà văn với xã hội và bối cảnh vẫn cứ được đặt ra, nhiều nghịch lý hài hước mà khó trốn thoát. Vậy cái tình thế của một nhà thơ/một nghệ sĩ Việt Nam, hoặc là thoát khỏi bối cảnh, trở thành một “công dân toàn cầu”, hoặc “vị nghệ thuật vị cá nhân” hoặc là gắn chặt với bối cảnh thì phải vừa chính trị, mà lại vừa nghệ thuật và cách tân? Thông thường, hai điều này có tính cách xung đột và triệt tiêu nhau. Tôi cho rằng chỉ có sự trung thực cá nhân thì phẩm chất chính trị của văn học mới không mang tính tuyên truyền. Điều kiện ngoài lề nuôi dưỡng một thứ ngữ pháp của giải phóng, nhưng ngữ pháp của giải phóng chỉ thực sự mạnh mẽ dưới những chiết xuất ngôn ngữ của những kẻ lặn ngụp trong chính cuộc sống của ngôn ngữ. (LV, tr.73)
Khi phân tích đoạn văn này, dù là một học sinh phổ thông, với khả năng đọc hiểu còn nhiều hạn chế, cũng không thể nào hiểu nhầm thành ra tác giả tự nhận rằng luận văn của mình là một luận văn « chính trị đội lốt văn chương » được.
Ông Phan Trọng Thưởng càng không thể hiểu nhầm, ông trích mấy chữ ấy ra khỏi ngữ cảnh, và cố tình gán cho tác giả điều mà tác giả không có.
Hơn nữa, đặt cả đoạn văn trên trong bối cảnh rộng hơn của nó ở trang 72-73 của Luận văn, ta sẽ thấy mục đích của cả đoạn đó là sự hoài nghi Đỗ Thị Thoan dành cho nhóm Mở Miệng (ngược hẳn với quy kết của Phan Trọng Thưởng) ở phương diện này: động cơ chính trị có làm giảm mất giá trị văn chương không? Đỗ Thị Thoan không ca ngợi Mở Miệng một chiều, trái lại, cô đánh giá Mở Miệng ở các khía cạnh đóng góp và hạn chế của hiện tượng văn học này.
Hành vi bóp méo sự thật của ông Phan Trọng Thưởng trong việc ngụy tạo dẫn chứng trên đây là một hành vi phản khoa học. Đó là một hành vi vu khống.

IV.  Quy chụp chính trị thiếu căn cứ

Tất cả các luận điểm dẫn tới các kết luận trong bản nhận xét của ông Phan Trọng Thưởng đều tập trung vào vấn đề tư tưởng và vấn đề chính trị. Xin mời quý độc giả đọc lại toàn bộ bản nhận xét và đọc kỹ phần kết luận của ông Phan Trọng Thưởng trên trang VanVN.net. Tôi không dẫn lại ở đây vì quá dài. Tôi chỉ trích một câu này ở phần kết luận, mà theo tôi, đã tổng kết toàn bộ bản nhận xét:
"Rõ ràng, những sai phạm về tư tưởng của tác giả luận văn là có hệ thống và có chủ đích."Thực tế, chẳng có gì rõ ràng như ông Phan Trọng Thưởng nói. Luận văn của Đỗ Thị Thoan không có những sai phạm về tư tưởng. Hơn nữa chữ « sai phạm » là một chữ rất mơ hồ mà bản thân ông Phan Trọng Thưởng cũng không chứng minh được cho thuyết phục nên mới phải sự dụng biện pháp ngụy tạo dẫn chứng một cách phản khoa học, như đã dẫn ở trên. Nếu đọc luận văn một cách khách quan sẽ thấy là Đỗ Thị Thoan làm đúng công việc của một người nghiên cứu: khảo sát hiện tượng, phân tích và đưa ra những nhận xét về hiện tượng.  Đó là một luận văn khoa học, ở chỗ: luận văn trình bày đối tượng nghiên cứu đúng như nó vốn có trong thực tế, nhận diện các sự thật của đối tượng nghiên cứu, như là người nghiên cứu nhận thấy. Dĩ nhiên, những người khác có đồng ý với những phân tích và kết luận của Đỗ Thị Thoan hay không còn tùy. Điều có thể khẳng định là Đỗ Thị Thoan không áp đặt lên đối tượng nghiên cứu định kiến riêng của mình, cũng không bắt đối tượng nghiên cứu phải phục vụ cho những ý đồ ngoài khoa học của mình.

V.  Kết luận 

Từ những gì đã phân tích trên đây, tôi đi tới mấy kết luận sau:

1.    Bản nhận xét của PGS.TS Phan Trọng Thưởng KHÔNG PHẢI LÀ MỘT BẢN NHẬN XÉT KHOA HỌC. Do không hướng tới mục đích khoa học, nên ông Phan Trọng Thưởng không đảm bảo tính khoa học trong các thao tác viết nhận xét. Văn bản của ông được viết ra trong một mục đích duy nhất: dùng chính trị để triệt hạ một luận văn khoa học. Nếu mượn ngôn ngữ của chính ông Phan Trọng Thưởng, thì có thể nói về bản nhận xét của ông như sau: « Về thực chất đây là một bản nhận xét chính trị trá hình, khoa học chỉ là cái cớ”.
2.    Vì thiếu tính khoa học nên bản nhận xét của ông Phan Trọng Thưởng đã không đánh giá được thực chất của luận văn của Đỗ Thị Thoan. Các lý do mà bản nhận xét đưa ra hoàn toàn không thuyết phục.
3.    Khi dựa trên các kết luận phi khoa học của ông Phan Trọng Thưởng, một trong các thành viên của Hội đồng Thẩm định lại luận văn của Đỗ Thị Thoan, để ra quyết định hủy bằng và phủ quyết luận văn này, ông Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Trường ĐHSPHN, đã phạm phải một sai lầm trầm trọng trong việc điều hành các hoạt động khoa học ở trường đại học.

VI.  Vĩ thanh

 Ông Phan Trọng Thưởng quá lo sợ mà viết trong phần kết luận đoạn văn dưới đây (và có lẽ để dẹp đi nỗi lo sợ đó mà ông Hiệu trưởng ĐHSPHN đã ký quyết định thu hồi luận văn Nhã Thuyên?):
 “Trong bối cảnh cuộc đấu tranh tư tưởng đang diễn ra khá phức tạp hiện nay, nếu để lưu hành luận văn này sẽ gây tác hại không chỉ đến văn học, nghệ thuật mà còn gieo rắc những tư tưởng nổi loạn, chống đối, gây mất bình ổn trong đời sống chính trị, tư tưởng, tác động tiêu cực tới thế hệ trẻ, đặc biệt là học sinh, sinh viên trong nhà trường”. 
Thực tế là: trước khi xảy ra vụ việc, luận văn của Đỗ Thị Thoan nằm yên lặng trong phạm vi thư viện của trường ĐHSPHN. Nó không được lưu hành rộng rãi, và hàng năm chỉ được một số rất ít sinh viên làm luận văn hay luận án về văn học Việt Nam tham khảo, mà có lẽ cũng chỉ được tham khảo bởi những sinh viên nghiên cứu về văn học Việt Nam hiện đại thôi. Lẽ ra phạm vi lưu hành của luận văn chỉ rất hẹp, và số người biết đến nó cũng rất ít.
Hiện nay, cùng với vụ việc này, luận văn của Đỗ Thị Thoan đã được lưu hành khắp thế giới, hàng bao nhiêu triệu sinh viên trong cả nước và hàng bao nhiêu triệu người quan tâm đã biết đến nó. Việc luận văn được phổ biến rộng rãi phải xem là một « công lao » của PGS.TS Phan Trọng Thưởng, của Hội đồng Thẩm định, của Hiệu trưởng ĐHSPHN và những người đã « đánh » luận văn này. Và đặc biệt, sau khi Hiệu trưởng ban hành quyết định hủy bằng và thu hồi luận văn, trước sức ép của công luận, tác giả đã công bố toàn bộ nội dung luận văn trên mạng. Giờ đây, ai cũng có thể đọc nó mà không cần phải vào thư viện của trường ĐHSPHN. Theo tôi, đây là một khía cạnh tích cực của vụ việc.
 Luận văn này sẽ có ảnh hưởng tích cực không chỉ đối với học sinh, sinh viên, mà còn đối với cả các giảng viên và nghiên cứu viên.

Sài Gòn, ngày 23/4/2014
Nguyễn Thị Từ Huy

------------------------------------------

VỤ ÁN NHÃ THUYÊN





No comments:

Post a Comment

View My Stats