Sunday 9 September 2012

XẺ THỊT CÔNG VIÊN, PHÁ HOẠI CHÙA CHIỀN (Song Chi / Người Việt)





Song Chi / Người Việt
Friday, September 07, 2012 7:25:08 PM

Ði qua những thành phố đẹp nổi tiếng ở nhiều quốc gia khác nhau, chúng ta có thể thấy chính phủ nước họ rất chú ý đến hai điều:

Thứ nhất, bên cạnh việc xây dựng những trung tâm thương mại, cao ốc văn phòng, chung cư... luôn luôn có những công viên, quảng trường là công trình phúc lợi xã hội chung cho người dân đồng thời là những lá phổi xanh, khoảng thở cho thành phố.

Thứ hai, họ rất trân trọng giữ gìn những di tích, di sản của người xưa để lại.

Trong khi đó, ở các thành phố lớn nhỏ của Việt Nam, những điều này dường như vẫn chưa được coi trọng.

Trong phạm vi bài báo này, chỉ xin đề cập đến hai thành phố lớn nhất nước, Hà Nội và Sài Gòn.

Báo chí trong nước gần đây lại đưa tin Hà Nội nhăm nhe “xẻ thịt” công viên Thống Nhất cho dự án xây dựng 6 bãi đỗ xe (!)mà nếu được thông qua, công viên lớn nhất khu vực nội thành Hà Nội này sẽ mất gần 9,000 m2 đất.

Và một sự việc khác, ngôi chùa Trăm Gian, xã Tiên Phương, huyện Chương Mỹ (Hà Nội), được xây dựng từ thế kỷ XII và được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia đã bị nhà chùa tùy tiện trùng tu theo hướng xây mới.

Sau khi báo chí, dư luận lên tiếng chỉ trích, UBND thành phố Hà Nội và các cơ quan chức năng đã lập biên bản, yêu cầu nhà chùa ngừng thi công, kiểm điểm các cá nhân và tập thể chịu trách nhiệm về vụ việc. Ðồng thời tìm cách khắc phục theo hướng phục hồi nguyên trạng các phần đã bị phá dỡ, trên cơ sở tái sử dụng tối đa các cấu kiện cũ.

Nhưng các nhà chuyên môn cũng cho biết, việc phục hồi nguyên trạng là rất khó, chỉ có thể cố gắng chừng nào hay chừng đó.

Những sự việc như thế này thật ra chẳng lạ gì ở Việt Nam.

Về chuyện cắt đất công viên để sử dụng vào mục đích khác, đây không phải là lần đầu tiên và cũng không phải chỉ riêng công viên Thống Nhất bị “dòm ngó”.

Theo báo Giáo Dục Việt Nam: “Ngoài công viên Thống Nhất đang bị nhăm nhe ‘xẻ thịt’ để làm bãi giữ xe thì trước đó, công viên Tuổi Trẻ cũng bị ‘lấy thịt’ để xây nhà hàng, sân tennis, sân bóng đá...”

“Chưa kể, hồ Tây, hồ Ba Mẫu, những khu đất vàng của thủ đô đang ngày càng bị lấn chiếm. Ngay cả gầm cầu vượt cũng biến thành bãi giữ xe...” (“Những khu đất vàng nhăm nhe bị “xẻ thịt” ở Hà Nội”.)

Sài Gòn cũng không khác. Mặc dù diện tích công viên tính trên diện tích thành phố và dân số là quá ít, nhưng công viên phía trước Dinh Ðộc Lập cũ hay công viên Hoàng Văn Thụ cũng đã từng bị “dòm ngó” cho dự án này dự án kia, may sao vẫn còn nguyên!

Chưa kể, một thành phố rộng lớn có 8-9 triệu người dân mà một quảng trường cho người dân ngồi chơi, và cho những hoạt động văn hóa nghệ thuật vỉa hè lẫn những sinh hoạt văn hóa đặc biệt vào các ngày lễ lớn cũng không có!

Ðối với người dân sống trong một đô thị, những không gian sạch, thoáng đãng như công viên, quảng trường rất quan trọng. Là nơi người ta không chỉ ngồi nghỉ chân mà còn để cho con mắt nhìn, tâm hồn cũng được nghỉ ngơi, dịu lại sau những giờ phút làm việc vất vả.

Ði giữa Hà Nội, Sài Gòn lúc nào cũng đông nghẹt người và xe cộ, bụi bặm, ô nhiễm, bị vây bủa bởi đủ loại tiếng ồn, rồi nạn kẹt xe, nạn ngập nước khi trời mưa... Rất dễ làm con người bị căng thẳng, sinh ra nóng nảy, cáu gắt, hoặc lâu ngày có những vấn đề về tâm thần.

Còn việc trùng tu một công trình, di tích theo kiểu xây mới từ ngàn năm tuổi thành một tuổi như vụ chùa Trăm Gian, cũng không phải là lần đầu.

Cứ lâu lâu, giới trí thức, khoa học, những người làm văn hóa, yêu văn hóa lại kinh hoảng phát hiện thấy một công trình giàu giá trị lịch sử, văn hóa, nghệ thuật nào đó bị phá đi dưới danh nghĩa trùng tu, nhưng thực chất là làm mới hoàn toàn.

Như trong đợt kỷ niệm 1000 năm Thăng Long-Hà Nội, người dân Hà Nội và cả nước đã từng bất bình trước việc tháp nước chùa Ðậu, công trình kiến trúc hơn 100 năm tuổi hay di tích lịch sử Ô Quan Chưởng bị tân trang làm mất hết tất cả nét rêu phong cổ kính. Một số ngôi đền, chùa trong khu phố cổ và cả bộ mặt khu phố cổ, điển hình là Hàng Ngang, Hàng Ðào, hàng Trống đều được làm mới, v.v.

Lý do, phải đập ra trùng tu, sửa chữa thì mới có tiền từ ngân sách nhà nước (cũng chính là tiền thuế của dân) chứ!
Hà Nội là thành phố có nhiều di tích văn hóa lịch sử, công trình kiến trúc cổ nhất ở Việt Nam, và rất nhiều trong số đó đã bị phá hoại kiểu như vậy.

So với Hà Nội, Sài Gòn ít di tích hơn, nhưng không phải vì vậy mà không bị phá. Có những chi tiết tưởng là nhỏ như vỉa hè của công viên phía trước Nhà thờ Ðức Bà, trước kia được lát bằng loại gạch đỏ đã ngả màu theo thời gian trông rất hay và tiệp với màu tường gạch đỏ của nhà thờ, sau này người ta thay bằng loại đá mới màu xanh xám hồng, láng bóng!

Hoặc chỉ là những quán café nhưng tồn tại đã bao năm, là những hình ảnh gắn bó một thời của Sài Gòn như café Givral, La Pagode, Brodard... trên đường Ðồng Khởi (Tự Do cũ) đã bị xóa sổ không thương tiếc.

Café Givral, từng là nơi các ký giả trong và ngoài nước gặp gỡ, săn tin tức trong suốt thời kỳ chiến tranh Việt Nam, bị phá bỏ cùng với toàn bộ khu thương xá Eden nổi tiếng để xây một công trình mới.

Ðối với nhiều người dân Sài Gòn, đây là một địa danh văn hóa lịch sử. Bộ phim “Người Mỹ trầm lặng” (“A quiet American”) cũng đã từng cho phục chế quán café này và một góc đường Ðồng Khởi thành con đường Catinat-Tự Do vào những năm 60-70 để quay một vài phân đoạn.

Lẽ ra, lãnh đạo thành phố và những người làm công tác văn hóa du lịch nên giữ lại quán café Givral. Bên trong quán để thêm những bức hình giới thiệu bộ phim “Người Mỹ trầm lặng” đã được quay ở đây để khi khách du lịch nước ngoài đến, có thêm một địa điểm văn hóa để giới thiệu với họ.

Và còn biết bao nhiêu ví dụ khác nữa, trong quá trình xây dựng của thành phố Sài Gòn có nhiều khu phố cổ, những cây cầu... đã bị đập bỏ, biến mất.

Tất nhiên mọi thành phố đều cần phải tiến lên, phải xây mới, hiện đại, nhưng nên cân nhắc, những cái gì thuộc loại di tích, kiến trúc cổ, địa danh văn hóa lịch sử... thì tìm cách giữ lại nguyên trạng. Hoặc chỉ giữ một phần bên cạnh cái mới để con cháu đời sau còn biết.

Có cảm giác như trong tư duy của nhiều người lãnh đạo các ban ngành khác nhau ở Việt Nam, chỉ nhăm nhăm nghĩ đến tiền!

Nếu cứ như Việt Nam, thì chẳng bao giờ những công viên chiếm cả một khu đất vàng giữa lòng thành phố như Luxembourg ở Paris, hay những khoảng đất mênh mông chỉ để một vài cái cột gãy, một khoảng tường đổ nát, chứng tích của một cổng thành xưa như ở Roma... có thể tồn tại.

Cứ hễ có khoảng đất nào trống là người ta chiếm ngay xây những khu trung tâm thương mại, văn phòng cho thuê hoặc mở quán nhậu, nhà hàng, nghĩa là những thứ ra tiền! Còn các di tích thì cứ bị lấy cớ tân trang, trùng tu để mà có tiền!

Trong vụ chùa Trăm Gian, khi báo chí dư luận lên tiếng, những người có trách nhiệm còn loanh quanh bào chữa một cách rất ngụy biện. Một ông quan như chánh thanh tra Bộ VHTTDL Vũ Xuân Thành trước câu hỏi của phóng viên liệu có “làm lại” được những hạng mục đã bị phá dỡ hay không, đã trả lời một cách rất thản nhiên, vô cảm:
“Sao lại không làm lại được. Chúng tôi vừa mới xuống kiểm tra. Các chân tảng... của chùa vẫn còn nguyên. Gỗ thì vẫn thế thôi. Làm lại thôi chứ có gì đâu.” (“Làm lại thôi chứ có gì đâu”, báo Ðất Việt)

Suốt từ nhiều năm nay, trên khắp mọi miền đất nước nơi nào cũng có thể nhìn thấy những sự phá hoại “vô tư, vô cảm” kiểu như vậy. Là do ham tiền, thiếu hiểu biết, hay vì không coi trọng những giá trị văn hóa, lịch sử, tinh thần?

Có tất cả những nguyên nhân này, cộng thêm sự quản lý lỏng lẻo, luật pháp không nghiêm, những vụ phá hoại các công trình di tích lịch sử văn hóa từ trước đến nay chỉ bị phạt hành chính, kiểm điểm nên không đủ sức răn đe.
Di sản ông cha để lại đã ít ỏi, khiêm tốn so với nước người ta, mà cứ cái kiểu phá hoại như thế này thì chả còn gì!





No comments:

Post a Comment

View My Stats