Monday, 10 September 2012

LIỆU MỸ CÓ HẠ ĐƯỢC NHIỆT Ở BIỂN ĐÔNG (TS Đỗ Sơn Hải - Nhân Dân Online)





TS Đỗ Sơn Hải  -  Nhân Dân Điện Tử
Cập nhật lúc 16:22, Thứ hai, 10/09/2012 (GMT+7)

NDĐT-Trong lộ trình tham dự hội nghị thượng đỉnh APEC 20 tại Vladivostok (L.B Nga), ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã thực hiện một loạt chuyến viếng thăm các nước châu Á. Trong vòng 10 ngày, từ ngày 30-9-2012, bà H. Cliton đã thăm đảo Cook (Nam Thái Bình Dương), Indonesia, Trung Quốc, Timor Leste và Brunei.

Như vậy, chỉ tính từ tháng 5 đến nay, ngoại trưởng Mỹ đã tới khu vực Đông Á tới 3 lần, một tần suất đủ nói lên sự quan tâm đặc biệt của chính quyền B. Obama đối với châu Á – Thái Bình Dương.

Trong bối cảnh tranh chấp biển, đảo giữa các nước trong khu vực Đông Á vẫn tiếp tục có chiều hướng gia tăng, thông điệp “muốn hạ nhiệt ở Biển Đông”của bà H. Clinton trong chuyến công du lần này, đương nhiên, đã thu hút được sự quan tâm đặc biệt của nhiều nước.

Xét về lý thuyết, chuyện Mỹ có thể đóng một vai trò quan trọng trong tiến trình giải quyết các tranh chấp trong khu vực là điều không phải bàn cãi. Bởi lẽ, với sức mạnh hiện tại được thể hiện trong chính sách “xoay trục” hướng về châu Á – Thái Bình Dương mới công bố hồi tháng 11-2011 (tại APEC 19, Hawaii) của chính quyền Obama, cộng với những mối quan hệ chặt chẽ với tất cả các nước trong khu vực, Mỹ đủ khả năng để dính líu tới các quá trình đang diễn ra tại đây. Hơn thế, tất cả các nước trong khu vực cũng như bản thân nước Mỹ đều đang rất cần một môi trường hòa bình, ổn định để có thể đối phó với muôn vàn những khó khăn, thách thức hiện nay. Chính nhu cầu này đã tạo ra những điều kiện thuận lợi để Mỹ có thể thể hiện vai trò một siêu cường tại châu Á – Thái Bình Dương. Ngay đối với Trung Quốc, cường quốc đông dân nhất thế giới đang phát triển mạn mẽ, tuy vẫn có những phản ứng thiếu thiện cảm với chuyến thăm của bà H. Clinton, nhưng lãnh đạo nước này cũng vẫn nhấn mạnh, tăng cường quan hệ với Mỹ luôn là ưu tiên hàng đầu. Ở một khía cạnh khác, chính sự hiển diện ngày càng rõ nét của Mỹ tại khu vực, vô hình chung lại tạo cho Trung Quốc nhiều cơ hội vươn lên hơn.

Tuy nhiên, xét trên thực tế, để hiện thực hóa điều hiển nhiên nêu trên đối với Mỹ lại hoàn toàn không đơn giản chút nào. Điều này có thể lý giải bởi một số lý do sau:

Thứ nhất, hầu hết các vấn đề của khu vực, đặc biệt là các vấn đề tranh chấp lãnh thổ, đều hết sức phức tạp bởi tính lịch sử và sự liên quan tới nhiều bên. Để giải quyết những vấn đề này hoàn toàn không hề đơn giản, thậm chí đòi hỏi phải có những nỗ lực ngoại giao bền bỉ, những cách tiếp cận tổng thể. Quan trọng hơn cả, thực tế trong thời gian qua cho thấy, những giải pháp phải dựa trên Luật quốc tế và hợp tác đa phương. Điều này đồng nghĩa với việc, sức của một mình Mỹ là không đủ.

Thứ hai, khác với các khu vực khác, các nước trong khu vực Đông Á ý thức rất cao về trách nhiệm phải tự giải quyết các vấn đề của khu vực. Hầu hết các nước trong khu vực đều rất nhạy cảm với sự dính líu từ bên ngoài. Bài học của quá khứ từ các cuộc chiến tranh nóng hết sức tàn khốc (như trong thời kỳ Chiến tranh lạnh) đã chỉ ra rằng, chỉ có thông qua thương lượng, đàm phán giữa chính các bên liên quan trong khu vực mới có thể tìm ra những giải pháp thỏa đáng cho tất cả.

Điển hình như trong thời gian vừa qua, những tranh chấp trên Biển Đông đã có những tác động nhất định tới quan hệ Việt – Trung. Dù rằng quan điểm hai nước cũng có những khác biệt trong việc đàm phán song phương hay đa phương để giải quyết những tranh chấp này, nhưng lãnh đạo hai nước đều có chung một nhận thức về trách nhiệm phải cùng nhau đàm phán, đối thoại giải quyết thỏa đáng vấn đề Biển Đông bằng biện pháp hòa bình. Bên lề hội nghị thượng đỉnh APEC 20, trong cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nêu rõ, trong quá trình giải quyết vấn đề biển Đông, hai bên cần thực hiện nghiêm túc Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển (DOC), giải quyết thỏa đáng mọi tranh chấp và những vấn đề mới nảy sinh thông qua đàm phán hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982, Tuyên bố Ứng xử của các bên ở biển Đông và tiến tới Bộ Quy tắc ứng xử tại biển Đông.

Chính từ nhận thức về trách nhiệm tự phải cùng nhau giải quyết các vấn đề của khu vực dẫn đến việc nước Mỹ sẽ được chào đón tại đây với tư cách là một đối tác giúp cho khu vực có được sự ổn định, hòa bình và thịnh vượng. Nhưng chỉ một hành động bất cập, cho dù có thể là do hiểu nhầm, cũng rất dễ khiến Mỹ mất điểm tại đây (đơn cử như việc Bộ trưởng quốc phòng Leon Panetta tuyên bố về điều chỉnh lực lượng hải quân tại châu Á – Thái Bình Dương). Trong khi đó, đây lại đúng là thời điểm (nước Mỹ đang chuẩn bị bước vào kỳ bầu cử tổng thống) mà chính sách của Mỹ dễ bị xáo trộn nhất.

Thứ ba, nước Mỹ đang bị ràng buộc bởi quá nhiều thứ khiến cho khả năng dính líu như tuyên bố của ngoại trưởng H. Clinton trong chuyến công du lần này khó có khả năng trở thành hiện thực. Châu Á – Thái Bình Dương hiện là địa chỉ tin cậy nhất có thể giúp chính quyền Obama khắc phục được thất nghiệp, lạm phát, nợ công, v.v. Thành quả trong công cuộc phục hồi kinh tế sẽ giúp ê kíp đảng Dân chủ kiếm được những lá phiếu ủng hộ quan trọng trong đợt bầu cử vào tháng 11 tới. Như vậy, để có thể kiếm lợi từ châu Á – Thái Bình Dương chính quyền Obama sẽ phải cố gắng dung hòa được lợi ích của tất cả các bên trong khu vực. Điều này rõ ràng là quá khó vào thời điểm hiện tại.
Chuyến công du của ngoại trưởng H. Clinton có thể coi như một dấu mốc quan trọng của tiến trình hiện thực hóa chính sách “xoay trục” châu Á – Thái Bình Dương của chính quyền Obama kể từ sau tuyên bố tại Honululu (Hawaii, tháng 11-2011). Cho dù hầu hết các hoạt động này mới chỉ mang tính chất ngoại giao là chính và khả năng “hạ nhiệt” tại khu vực vẫn còn ở thì tương lai nhưng không thể phủ nhận được một thực tế là, nước Mỹ đang thực sự quan tâm tới châu Á – Thái Bình Dương và người Mỹ đang từng bước cụ thể hóa sự quan tâm này.

TS ĐỖ SƠN HẢI




No comments:

Post a Comment

View My Stats