Saturday, 22 September 2012

VỀ HỘI THẢO 100 NĂM SINH NHÀ THƠ HÀN MẠC TỬ (Chu Văn Sơn)





Chu Văn Sơn
23/09/2012

Tuy xa hai trung tâm lớn là Hà Nội và Sài Gòn, nhưng mảnh đất Bình Định vốn giàu truyền thống văn võ, trong giai đoạn 1932 – 1945 đã gắn liền với tên tuổi của hai nhà thơ lớn nhất của phong trào Thơ mới: Xuân Diệu – “mới nhất” trong các nhà Thơ mới và Hàn Mặc Tử “lạ nhất” trong các nhà Thơ mới. Đó là vinh dự không phải mảnh đất nào cũng có.

Hôm qua, ngày 21 tháng 9 năm 2012, bốn năm sau hội thảo lớn về Xuân Diệu, Hội Nhà văn Việt Nam lại phối hợp với UBND tỉnh Bình Định tổ chức trọng thể lễ kỉ niệm 100 năm sinh nhà thơ Hàn Mặc Tử tại thành phố Quy Nhơn, mà tâm điểm là cuộc hội thảo về di sản thơ của nhà thơ kỳ lạ vào bậc nhất của thời hiện đại.

Buổi sáng, sau lời khai mạc của Phó chủ tịch tỉnh Bình Định Mai Thanh Thắng, và lời khai dẫn của Phó chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Trí Huân, hội thảo bắt đầu bước vào việc tham luận, phát biểu và trao đổi.

Mở đầu là tham luận của nhà thơ Thanh Thảo. Bằng việc phát hiện ra cả ngày sinh và ngày mất của Hàn Mặc Tử đều nhằm ngày 12 âm lịch (lúc tuần trăng đương độ) và đối chiếu với ám ảnh trăng suốt hành trình thơ ông, Thanh Thảo đã có một cảm nhận độc đáo: Hàn Mặc Tử là thi sĩ của những mùa trăng, mang định mệnh trăng. Tiếp theo là những tham luận, phát biểu của các nhà nghiên cứu phê bình và nhà thơ. Phạm Phú Phong với báo cáo về vị trí của Hàn Mặc Tử trong trường thơ Loạn, nhấn mạnh vai trò chủ soái của ông. Chu Văn Sơn với tham luận về tình hình nghiên cứu Hàn Mặc Tử suốt 70 năm qua và những bài học sáng tạo từ sự nghiệp và thân phận của nhà thơ này. Mà điểm nhấn là cần phải hiểu thế nào về tôn giáo và cái tôi bản thể trong thơ Hàn. Nguyễn Trọng Tạo xuất phát từ những tuyên ngôn của Hàn Mặc Tử về thơ đã dựng lên cái quan niệm độc đáo về “loài thi sĩ” của ông. Lại Nguyên Ân, Ngô Thế Oanh phát biểu về vấn đề văn hóa tôn giáo trong cảm thức sáng tạo Hàn Mặc Tử…

Nhìn chung, các ý kiến đã xới lên nhiều vấn đề căn bản trong di sản thơ Hàn. Đó là những vấn đề đã và đang được giải quyết: trạng thái “điên” của sáng tạo Hàn Mặc Tử; yếu tố tôn giáo; khuynh hướng thơ mà Hàn Mặc Tử đã chịu ảnh hưởng và tích hợp; yếu tố dục tình và yếu tố tình cảm; loại hình “thơ điên” mà Hàn Mặc Tử và trường thơ loạn đã đóng góp cho tiến trình Thơ mới. Trong đó, thu hút sự quan tâm và gây nhiều ý kiến trao đổi sôi nổi hơn cả là các vấn đề tôn giáo và ý thức bản thể ở Hàn Mặc Tử. Các vấn đề đều được phân tích và kiến giải ở một chiều sâu mới, đem đến một tầm nhận thức mới hơn so với trước đây.

Buổi chiều, hội thảo lại tiếp tục với các tham luận của các nhà phê bình, nhà giáo, nhà thơ: Hồ Thế Hà, Nguyễn Thụy Kha, Nguyễn Hoài Nam, Nguyễn Thanh Mừng, Giang Nam, Đông Trình, Lệ Thu… Các vấn đề của sáng tạo Hàn Mặc Tử lại được trao đổi cùng việc nhắc lại những kỉ niệm sâu sắc với ông và thơ ông. Điều được quan tâm nhiều nhất vẫn là vấn đề tôn giáo, khuynh hướng thơ và việc xác lập vị trí của nhà thơ này trong thơ Việt Nam thế kỉ XX.

Một hội thảo thành công không phải là hội thảo đạt được 100% đồng thuận về mọi vấn đề, mà phải là hội thảo xới lên được những vấn đề thực sự có ý nghĩa. Nhìn chung, hội thảo này gây được dư âm sâu sắc trong lòng người tham dự vì nhiều bình diện giá trị mới của thơ Hàn Mặc Tử được đề cập, vị trí lớn của Hàn Mặc Tử trong thơ Việt đã được mạnh dạn xác lập, đồng thời mở ra nhiều vấn đề và hướng giải quyết để những người quan tâm và các nhà chuyên môn tiếp tục suy nghĩ.

C.V.S.

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN

-------------------------------------------





No comments:

Post a Comment

View My Stats