Saturday, 15 September 2012

TRỤC MA QUỶ CỦA THỦ TƯỚNG NGUYỄN TẤN DŨNG [1] (Vũ Dông Hà - Danlambao)





16-9-2012

Tháng Giêng năm 2011, đại hội đảng XI kéo màn, 90 triệu người Việt Nam bị hân hạnh lãnh đạo bởi một thập tứ thiên lôi mới, đứng đầu là bộ sậu Hùng Dũng Sang Trọng, quyết định dùm mọi thứ trên dải đất chữ S còng lưng này. Ngồi vào ghế Chủ tịch nước chưa được bao lâu, ông Trương Tấn Sang đã bắn pháo hiệu đầu tiên cho cuộc đấu đá nội bộ mới trong nhiệm kỳ TƯ khóa 11: "Một con sâu đã nguy hiểm rồi, một bầy sâu là 'chết' cái đất nước này" (1). Hơn một năm sau, con sâu đầu tiên được đem ra làm thịt là ông bầu đại gia Nguyễn Đức Kiên. Con sâu nguy hiểm mà ông chủ tịch nước nhắm đến hiện hình là Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Bầy sâu làm chết đất nước là tập đoàn tư bản đỏ, nhóm lợi ích - đàn em của Thủ tướng.

Đứng đầu danh sách bầy sâu là:

Đinh La Thăng - Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải.
Bùi Quang Vinh - Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Vương Đình Huệ - Bộ trưởng Bộ Tài chính.
Nguyễn Thanh Nghị (con trai Thủ tướng) - Thứ trưởng Bộ Xây dựng.
Nguyễn Văn Bình - Thống đốc Ngân hàng Nhà nước
Nguyễn Văn Hưởng - Thượng tướng, Thứ trưởng Bộ Công An
Nguyễn Thanh Phượng (con gái Thủ tướng) - Chủ tịch Hội đồng quản trị Cty Chứng khoán Bản Việt.
Nguyễn Đức Kiên - Thành viên Hội đồng sáng lập, Phó Ct. HĐQT Ngân hàng Thương mại Cổ phần Á Châu.
Trầm Bê - Thành viên HĐQT/Phó Ct. Ngân hàng Phương Nam, Phó Ct. HĐQT Sacombank
Hồ Hùng Anh - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Techcombank.
Lê Hùng Dũng - Chủ tịch Eximbank.

Đây là những đàn em chủ chốt, không tính đến mạng nhện chằng chịt đằng sau. Những chức vụ của các trùm tư bản đỏ viết ra không phải là duy nhất. Mỗi ông, mỗi bà còn bao sân nhiều công ty khác.

*

Trong vai trò Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, Đinh La Thăng nắm trong tay tất cả những quy hoạch, đề án về xây dựng giao thông đường bộ, cầu đường, đường sắt, đường sắt cao tốc, phát triển vành đai kinh tế và hạ tầng ven biển, giao thông đường thủy, bến cảng, ngành hàng không. Toàn bộ mọi công trình xây dựng hạ tầng về giao thông thuộc quyền thao túng của Đinh La Thăng.

Để thực hiện những đề án này và biến nó thành những công trình rút ruột béo bở, Đinh La Thăng cần có tiền, có đầu tư từ nước ngoài. Muốn vậy phải liên minh chặt chẽ với Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Trong vai trò Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bùi Quang Vinh là xếp sòng của lãnh vực kiếm tiền từ trong nước (rút ruột nhân dân) ra đến nước ngoài (ăn mày viện trợ); đặc biệt là nguồn hỗ trợ phát triển chính thức ODA và khoản viện trợ phi chính phủ. Sân chơi đấu thầu, ai được ai mất những công trình béo bở cũng nằm trong tay Bùi Quang Vinh.

Những công trình này cần đến vật liệu xây dựng, hoặc những đề án thuộc lãnh vực quy hoạch xây dựng đô thị, nông thôn, giải phóng mặt bằng (hay cưỡng chế) thì đã có Nguyễn Thanh Nghị, con trai của Thủ tướng được đích thân Thủ tướng ẩm vào ghế Thứ trưởng Bộ Xây dựng vào tháng 11, 2011.

Kế đến là Vương Đình Huệ với chức năng quản lý tài chính, ngân sách, thuế, phí và mọi hoạt động liên quan đến lãnh vực tài chính.

Bên cạnh đó, nổi cộm 2 tập đoàn độc quyền nằm trong tay kiểm soát của Thủ tướng, có ảnh hưởng sát sườn lên đời sống của người dân hàng ngày, hàng giờ: Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex).

Hai tập đoàn này có mối liên quan hữu cơ chặt chẽ đến các "ông chủ" trên. Tăng giá xăng, giá điện thì bắt tay với Vương Đình Huệ, kiếm tiền xây dựng thêm công trình và lợi quả cho nhà thầu Trung Quốc nào thì bắt chân với Bùi Quang Vinh...

Hai tập đoàn độc quyền này cũng là quán quân vô địch trong lĩnh vực đầu tư ngoài ngành, đổ tiền vào các thị trường chứng khoán và bất động sản, nơi mà các đàn em của Thủ tướng đang đứng chờ để bắt tay.


Nhìn vào "sơ đồ" nhân sự trên của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, chúng ta thấy đây là một cấu trúc rất hiệu quả, kết hợp dọc ngang thành một chuỗi mắc xích liên hoàn, liền lạc, đủ để đẻ ra nhiều "quả đấm sắt" với ý đồ thao túng toàn bộ nền kinh tế quốc gia và tạo ra một sân chơi riêng béo bở nhất để làm giàu.

Tuy nhiên, tiền hốt xong thì bỏ vào đâu?

Thời còn làm y tá, Thủ tướng có thể nhận hối lộ vài con gà mái dầu, vài xị đế đem về nhậu ngay. Sang thời tổ chức vượt biên bán chính thức vào thập niên 80 để hốt vàng thì có thể đào sau vườn mà chôn. Bây giờ tiền lên đến bạc tỷ đô la, "rữa" ở đâu bây giờ?

Chuyện đó được giao cho đàn em thân tín Nguyễn Văn Bình.


Trong vai trò Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, Nguyễn Văn Bình nắm quyền sinh sát mọi sinh hoạt và nguồn tiền tệ của quốc gia. Thủ tướng cần tiền thì Bình phát. Cần tăng lãi xuất thì Bình tăng. Cần tổ chức thành lập các ngân hàng và tổ chức tín dụng thì Bình dựng. Nhưng quan trọng hơn hết Ngân hàng Nhà nước là trạm dừng để Thủ tướng và đàn em chuyển tiền vào túi riêng một cách hợp pháp.

"Đầu vô" đã có các bộ trưởng, thứ trưởng hốt bạc từ các đề án, rút ruột từ các công trình, lợi quả từ các gói thầu Trung Quốc. Bây giờ cần có một "đầu ra".

"Đầu ra" chính là tập đoàn ngân hàng và cổ đông thị trường chứng khoán.

Dưới sự chỉ đạo của Nguyễn Tấn Dũng, Nguyễn Thanh Phượng với nhóm "đầu-ra tài phiệt", Nguyễn Văn Bình và nhóm "đầu-vô bộ trưởng", cộng với vai trò "đặc biệt" của Thượng tướng - Thứ trưởng CA Nguyễn Văn Hưởng, trục "liên minh ma quỷ" được hình thành:


Trong "trục ma quỷ" này Đinh La Thăng là đàn em thân cận nhất của Thủ tướng trong nhóm Bộ "đầu vô". Trước khi được Thủ tướng cân nhắc vào ghế Bộ trưởng Giao thông Vận tải, Đinh La Thăng từng là xếp sòng Tổng công ty Sông Đà, Petrovietnam, Tập đoàn Dầu khí Quốc Gia Việt Nam - những nơi mà bà mụ mắn đẻ ra tiền nhiều nhất.

Nguyễn Thanh Phượng - con gái rượu của Thủ tướng cầm chịch nhóm "đầu ra" Tư bản đỏ, thao túng ngân hàng và thị trường chứng khoán. Nguyễn Thanh Phượng là giám đốc đầu tư của Quỹ Vietnam Holding, Chủ tịch HĐQT của Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC) và Công ty Quản lý Quỹ Bản Việt (VCAM).

Nguyễn Văn Bình là cầu nối giữa "đầu ra" - "đầu vô", là chiếc cầu để xe chở bạc từ kho nhà Nước vào kho nhà Nguyễn. Do đó, Nguyễn Văn Bình trở thành "trợ thủ chiến lược" của Thủ tướng. Trong vai trò cầu nối và cầm chịch trong tay hệ thống Ngân hàng, Nguyễn Văn Bình đã tìm cách rót tiền vào túi của các đại gia qua việc cứu nguy các ngân hàng vì "khó khăn thanh khoản". Cùng với Nguyễn Thanh Phượng và Nguyễn Đức Kiên, Nguyễn Văn Bình đã hỗ trợ những ngân hàng tay chân để đạt mục tiêu thu tóm. Điển hình là vụ "cá nhỏ" Phương Nam đã nuốt gọn cá lớn Sacombank.

Bên cạnh đó Nguyễn Văn Bình cũng là "kiến trúc sư" của các chiến dịch thu tóm vàng, áp-thả giá vàng qua con cờ SJC - công ty vàng bạc thuộc thành ủy Tp HCM nhưng chịu sự chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước; Chiến dịch "cứu nguy" thị trường bất động sản với thông tư 2056 nhưng thực chất "bơm" tiền vào túi của nhóm "đầu ra" (chiến dịch này được tiên phong trước đó bởi cậu ấm Thứ trưởng Bộ xây dựng Nguyễn Thanh Nghị)...

Trục ma quỹ của ông Nguyễn Tấn Dũng chạy từ trên xuống dưới, bắt đầu bằng cái đầu Thủ tướng, sang bộ phận chân tay là các chức vụ quan trọng trong guồng máy chính phủ, tỏa rộng bởi những vòi bạch tuột đại gia ngân hàng, tập đoàn kinh tế... đã trở thành một black hole "lỗ đen" hút tiền. Những đồng chí giám đốc ngân hàng, chủ cổ đông đàn em của ông ở vào hàng tỉ phú. Tất cả tạo nên một đại công ty vô hình mà Nguyễn Tấn Dũng là CEO.

Và đó cũng chính là một con sâu bự và một bầy sâu làm chết đất nước này mà ông Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã đề cập.

(còn tiếp)







No comments:

Post a Comment

View My Stats