Saturday 22 September 2012

TRAO ĐỔI VỚI HUỲNH THỤC VY (Nguyễn Ngọc Già)





Thứ Bảy, 22/09/2012

Cho phép chú gọi Vy bằng "cháu" với tư cách người lớn tuổi và ngưỡng mộ một tâm hồn thanh cao, toát lên từ vẻ đẹp hình thể thật thánh thiện của cháu. Nhân đây, chú thành tâm chúc mừng hạnh phúc vợ chồng cháu, dù có muộn. Lòng chú tràn đầy cảm xúc, khi nhìn ảnh hai cháu thật đẹp đôi trong ngày cưới.

Bây giờ chúng ta cùng bàn về vấn đề cháu đặt ra - "Thỏa hiệp chính trị" - với tư cách là những công dân có trách nhiệm đối với Dân tộc, Tổ quốc.

Thỏa hiệp là gì?

Từ điển Webster’s New World định nghĩa thỏa hiệp (compromise) là “một sự dàn xếp mà ở đó, mỗi bên từ bỏ một số yêu cầu của mình trong một cuộc tranh chấp để có thể đạt được một sự thỏa thuận, làm cả hai phía hài lòng trong một chừng mực nhất định nào đó”. Sau này người ta cũng có thể dùng thuật ngữ "win - win" để diễn đạt.

Tuy nhiên, không biết từ lúc nào, thỏa hiệp bỗng trở thành một thuật ngữ mang ý nghĩa xấu, một điều gì đó tương tự như sự phản bội, toa rập, thậm chí là sự đầu hàng trước cái ác, cái xấu.

Song song với khái niệm "thỏa hiệp", chúng ta cũng biết khái niệm "đồng thuận".

Đồng thuận là gì?

Nó là sản phẩm tự thân của quá trình chọn lọc, sửa đổi, đào thải và đi đến thống nhất hành động với nhau trong một lĩnh vực nào đó.

Cũng gần như "thỏa hiệp" bị méo mó, "đồng thuận" đôi khi bị biến thành như phương tiện, để khỏa lấp và đi đến tương nhượng để từ bỏ những nguyên tắc cơ bản, mà lẽ ra cần phải giữ vững và xuyên suốt trong quá trình đàm phán về một vấn đề nào đó cần giải quyết.

Tác giả Huỳnh Thục Vy nhận định:
Tôi đặt ra vấn đề không phải để ủng hộ nó mà để cảnh giác nó. Đối với tất cả những người thực sự có tâm huyết với đất nước, xét những tội ác mà những người cộng sản đã gây ra cho đất nước, cũng như nền văn hóa của sự Ác mà họ đang cố gắng duy trì, đề cao sự thỏa hiệp với họ là chúng ta đã tự biến mình thành đồng bọn của kẻ ác.
Trong khi Brian Tracy [1] - Diễn giải nổi tiếng thế giới có khuyên [2]:
"Trước khi tham gia vào buổi thương lượng, bạn cần thông báo trước chính kiến của mình rằng bạn mong muốn và chờ đợi một giải pháp làm thỏa mãn cả hai bên. Nếu kết quả cuối cùng không đưa đến thắng lợi cho cả hai, bạn nên từ chối không thực hiện bất kỳ thỏa thuận nào."

Ví dụ về sự bóp méo của hai khái niệm: "Thỏa hiệp" và "Đồng thuận" trong thực tiễn xã hội Việt Nam hiện nay quá nhiều, những tưởng không cần phải minh họa chi tiết.

Điều này cho thấy, Huỳnh Thục Vy đã hiểu chưa đủ về "thỏa hiệp", do đó cô đã khuyên nên "cảnh giác""đề cao sự thỏa hiệp với họ là chúng ta đã tự biến mình thành đồng bọn của kẻ ác". Đây là sự ngộ nhận, mà tôi nghĩ xuất phát từ những năm tháng gian khổ của cô cùng gia đình. Sự ngộ nhận của Huỳnh Thục Vy phần lỗi lớn nhất thuộc về cách ứng xử hoang dại từ phía người CS.

***

Khi nào thì khái niệm "thỏa hiệp" và "đồng thuận" nên được đặt ra?

Khi một chiếc bàn chữ nhật hay oval đã được định vị với hai phía ở hai bên, để cùng ĐỐI THOẠI một vấn đề mà cả hai bên đều nhìn thấy lợi ích lẫn nguy hại, một khi không chịu nhìn nhận vấn đề cần giải quyết, nó sẽ bị đẩy đến bờ vực hiểm nguy và bùng nổ, cho không chỉ phía nào. Đó cũng cho thấy, để một cuộc ĐỐI THOẠI xảy ra, thì cả hai phía phải thực tâm nhìn nhận vấn đề cần nên đặt lên chiếc bàn đó đúng lúc.

Thế nào là một cuộc "Đối thoại" đúng nghĩa?

Thiền sư Thích Nhất Hạnh có viết (nguyên văn):

You have to be very concerntrated while you listen. You have to focus on the practice of listening with all your attention, your whole being: your eyes, ears, body, and your mind. If you just pretend to listen, and do not listen with one hundred percent of yourself, the other person will know it and will not find relief from his suffering.

Tạm dịch:
Bạn phải thật sự quan tâm trong khi lắng nghe. Bạn phải tập trung vào việc lắng nghe bằng tất cả sự chú ý của mình, bằng tất cả hiện hữu của bạn: mắt, tai, cơ thể và nhận thức sâu sắc của bạn. Nếu bạn giả vờ lắng nghe và không thật sự lắng nghe bằng 100% bản thân của mình thì người khác sẽ biết ngay, cũng như họ sẽ không tìm thấy nỗi khổ đau của họ được giải tỏa.

Thật khó để tin người Cộng sản biết và thật sự quan tâm đọan trích dẫn trên. Người CS cũng là một trong những "ảo thuật gia" chữ nghĩa. Họ thường sử dụng "kế hoãn binh", nhằm biện minh cho cứu cánh - duy trì sự tồn tại ĐCSVN như là một "tất yếu khách quan"(!).

Bất kỳ ai cũng có thể nhận ra, họ viện dẫn những cụm từ "thỏa hiệp", "đồng thuận" như lá chắn hữu hiệu nhằm thực hiện dài lâu việc cai trị của họ. Họ luôn giả vờ lắng nghe thay vì lắng nghe bằng 100% tư duy cần có; cũng có thể khả năng cảm thụ về nhận thức của họ không được chuẩn bị kỹ lưỡng, trên nền tảng tư tưởng Nhân quyền, Dân chủ bị thiếu hụt và chắp vá, chủ yếu chỉ dựa trên những tư tưởng lạc hậu, lỗi thời và mang đầy chất ngụy biện. Bên cạnh đó, họ tỏ ra là thế lực thực dụng nhất trong các thế lực thực dụng; cũng bởi lực lượng đối lập có mang lại lợi ích gì cho họ? Có đảm bảo vị thế chính trị của họ mãi là vị trí độc tôn trên xứ sở này?

Chưa phải lúc để đặt vấn đề "thỏa hiệp".

Trong mắt người Cộng Sản, lực lượng đối lập cho đến nay vẫn chưa tỏ ra là lực lượng đáng nể hơn, đáng khâm phục hơn, cũng như đáng ghi nhận trân trọng hơn, thông qua hình ảnh của bất kỳ ai, dù đó là BS. Nguyễn Đan Quế, HT. Thích Quảng Độ, DN. Trần Huỳnh Duy Thức, Blogger Điếu Cày hay TS. Cù Huy Hà Vũ v.v... Thế cho nên, việc ngồi vào bàn đàm phán để khái niệm "thỏa hiệp", "đồng thuận" nảy sinh là điều khá viển vông, trong bối cảnh hiện nay, bất chấp nội bộ họ đang đánh nhau quyết liệt. Cũng bởi, các khuôn mặt kỳ cựu như kể trên, phía sau lưng các vị ấy có gì? Hoàn toàn chẳng có gì cả, ngoài những nhóm người ít ỏi ủng hộ bằng việc lên tiếng, kêu gọi và chỉ thế mà thôi.

Những khuôn mặt nổi trội đó quá đơn độc khi so hình ảnh Aun Sang Suu Kyi, với bề dày thành tích lẫy lừng, cùng sự sát cánh của đảng NLD, sự ủng hộ lớn lao của người Miến Điện và của cả thế giới dành cho bà. Do đó, vẫn khó tìm thấy một "Aun Sang Suu Kyi Việt Nam", cho đến khi nào một kỳ tích gì đó xuất hiện, ví như giải Nobel Hòa Bình 2012 cho người Việt Nam? Dù cho là vậy, một đảng phái chính thức như NLD của bà Aun Sang Suu Kyi, xuất hiện sau giải thưởng Nobel Hòa Bình 2012, tại Việt Nam, vẫn là điều kiện đủ để nói về "thỏa hiệp"!

Hiện nay, "Chiếc bàn thỏa hiệp" đang được dọn ra, có lẽ chỉ là câu chuyện giữa người CS với nhau? Trên chiếc bàn đó, tấm khăn "phê và tự phê" phủ lên với những "món ăn phong phú" mang tên "Dương Chí Dũng", "Nguyễn Đức Kiên", "Trần Xuân Giá", "Nguyễn Văn Hưởng", "Đặng Thành Tâm", "Lương Ngọc Anh", "Lê Đức Thúy" v.v... được bày biện thật ngon mắt, cùng ván bài lật ngửa không cần che giấu của họ. Rất tiếc, trong đó không có một chiếc ghế nào dành cho các nhà dân chủ, điều thật hiển nhiên. Bởi đó là câu chuyện "thỏa hiệp" và "đồng thuận" giữa họ với nhau.

Dù lúc này tình hình chính trị đang nóng bỏng, đó vẫn là chuyện riêng của họ mà không ai được phép léo hánh tới, cho đến khi nào một "Aun Sang Suu Kyi Việt Nam", giả sử xuất hiện. Nói vui, trong óc người CS hiện nay có lẽ nghĩ: "Lực lượng dân chủ "thân mến"! các người chả có số má gì ngồi vào "chiếc bàn thỏa hiệp" này! Đây là chuyện của chúng tôi, dứt khoát là thế.".

Đời sống eo hẹp, lay lắt của người dân với một nền kinh tế suy tàn, khó cứu vãn trong tương lai gần, dù sao không phải là trọng tâm của họ để hướng đến trong lúc này, thay vào đó nó trở thành "vũ khí hủy diệt" để họ sử dụng mà sát phạt nhau trên chiếc bàn đó.

Trong bài viết của Huỳnh Thục Vy, có nhắc đến "Con Đường Việt Nam" cùng việc dẫn ra bài viết của nhà văn Phạm Thị Hoài để thấp thoáng lo lắng về một "thỏa hiệp" nào đó từ phía những người sáng lập vô tình không hay biết.

Cô thật tâm lo lắng cho những người tâm huyết này coi chừng "trở thành đồng bọn của kẻ ác". Huỳnh Thục Vy viết:

Cũng có nhiều ý kiến cho rằng tôi đặt ra vấn đề thỏa hiệp vào lúc này là không cần thiết, xa lạ với thực tế. Bản thân tôi cũng nhận thức như vậy và đã nói rõ trong bài trước rằng: bàn luận về sự thỏa hiệp trong lúc lực lượng dân chủ chưa đủ mạnh là thừa. Nhưng tôi có một nỗi lo sợ rằng, dù đề tài nhạy cảm này chưa được nhiều người đấu tranh trong nước bàn luận (về lý thuyết) một cách nghiêm túc; nhưng ở đâu đó, trong hoạt động của nhóm này nhóm kia, trong quan điểm của vài người phản kháng… vẫn đặt sự thỏa hiệp như một khả năng quan yếu. Dù không được nhắc đến nhiều trên giấy mực, sự thỏa hiệp vẫn tồn tại trong xu hướng và chủ trương của họ. Nên thiết nghĩ, thà chúng ta đặt ra để bàn luận, để tỏ tường sự nguy hại của nó, còn hơn để sự việc được phát triển âm thầm ngay trong hàng ngũ những người phản kháng.

Cô nhận rõ đặt vấn đề "thỏa hiệp" vào lúc này là sớm và thực tâm lo lắng cho "Con Đường Việt Nam" có thể đi "lạc đường". Tôi hoàn toàn tin rằng, cô quý trọng những người sáng lập và mong muốn họ đừng "thỏa hiệp" với "bọn ác".

Huỳnh Thục Vy đừng quá lo lắng, bởi "thỏa hiệp" đúng nghĩa, nhìn trên toàn cục diện của một vấn đề nào đó, chưa bao giờ là "NGUY HẠI" cả và như cháu đã nhận rõ, cho đến hiện nay, chưa có điều kiện cần lẫn điều kiện đủ để làm, dù tạm giả sử "Con Đường Việt Nam" có muốn đi chăng nữa.

"Con Đường Việt Nam", theo chú, hiện nay họ đang làm công việc đúng như tôn chỉ của họ: "Hiểu biết để tự tin làm giàu cuộc sống". Họ đang gợi mở, khích lệ cho người dân hãy biết, hiểu, thực hành và nâng cao vai trò "Làm Người" - giá trị cơ bản mà giản dị đã bị vùi quên trong mấy mươi năm qua.

Chìa khóa thành công là tập trung lý trí của chúng ta vào những điều chúng ta muốn chứ không phải những điều chúng ta sợ.

The key to success is to focus our conscious mind on things we desire not things we fear.
Brian Tracy

***

"Kiên trì" là đức tính mà những ai đang theo đuổi mục tiêu tự do, dân chủ, nhân quyền đều hiểu rõ.

Nhất định trong tương lai gần, người Cộng sản sẽ nhẹ nhàng ngồi vào bàn đàm phán đặt vấn đề "thỏa hiệp" để vì lợi ích Dân tộc, Tổ Quốc.

Tôi tin ngày ấy không xa.

Nguyễn Ngọc Già
_______________



Tin liên quan :






No comments:

Post a Comment

View My Stats