3-9-2012
Cách
đây mấy tháng, tôi có nhận được đường dẫn đến bài viết “Phản biện bài “Học gì từ Nguyễn Trường Tộ?”
của Giáp Văn Dương” của tác
giả Bùi Kha. Lúc đó tôi đã định có bài thưa lại, nhưng sau lại thôi vì muốn
tránh vòng thị phi và tin rằng bạn đọc sẽ tự gạn lọc được những thông tin hữu
ích khi đọc cả hai bài này.
Ngoài
ra, có một lý do khác nữa làm tôi không muốn có bài trả lời ngay, đó là: Nguyễn
Trường Tộ là một trường hợp gây tranh cãi trong lịch sử. Và một điều chắc chắn,
tranh luận về tư tưởng và hành động của ông cũng sẽ còn tiếp tục kéo dài chứ
chưa thể kết thúc được.
Tôi
cho rằng, “sự thật lịch sử”, hiểu như một “sự kiện tự thân”, là điều ta không
thể nào biết được, kể cả khi đã có đầy đủ sử liệu trong tay. Cái mà ta có được
chỉ là những “diễn giải lịch sử” theo quan niệm, góc nhìn, tâm thức và dữ kiện
mà ta có. Vì thế, mọi diễn giải lịch sử dù muốn hay không cũng đều mang tính
chủ quan của người viết. Cho nên, ý kiến của ông Bùi Kha có khác ý kiến của tôi
và có bài phản biện cũng là việc thường tình. Còn việc phản biện có thuyết phục
hay không thì xin dành cho bạn đọc.
Câu
chuyện tưởng rằng đã rơi vào quên lãng, không ngờ mấy hôm nay bài “Học gì từ
Nguyễn Trường Tộ?” lại được một số trang blog đăng lại và đưa ra thảo luận.
Điều này làm tôi cảm thấy phải có trách nhiệm trả lời ông Bùi Kha, vì nó có
liên quan đến bài đang được thảo luận. Âu cũng là cơ hội để bạn đọc hiểu rõ hơn
những khúc mắc liên quan đến bài viết mà họ đang thảo luận.
Giờ
xin trở lại bài viết “Học gì từ Nguyễn Trường Tộ?” . Thông điệp
duy nhất tôi muốn truyền tải trong bài viết này là: “Bài học lớn nhất mà chúng ta học được
từ Nguyễn Trường Tộ chính là sự thất bại của ông trong việc kiến nghị những
giải pháp canh tân đất nước với tư cách một trí thức. Từ đó thấy rằng, chỉ khi
nào người trí thức tự giác tránh con đường cụt mang tên “Trí thức cận thần” để
đi trên con đường mới - con đường trí thức độc lập, trí thức dấn thân - thì đất
nước mới có thể tránh được nguy cơ trở thành “đất nước cận thần” và giữ được
nền độc lập đúng nghĩa”. Thông điệp này đã được tô
đậm và đưa
đầu bài viết. Các phân tích phía sau chỉ để làm sáng tỏ nhận định này.
Tuy
nhiên, trong bài phản biện, ông Bùi Kha đã không đả động đến nội dung chính
này. Ông không có bất cứ một bình luận nào xem nhận định của tôi vào bài học từ
sự thất bại của Nguyễn Trường Tộ, vào con đường “trí thức cận thận”, “trí thức
độc lập” là đúng hay sai. Thay vào đó, ông phản biện bốn điểm như sau:
1.
Ông
Giáp Văn Dương viết: “ … Khác với Fukuzawa Yukichi, Nguyễn Trường Tộ, … dành
phần lớn tâm sức cho việc viết tấu trình gửi nhà Vua. Tất cả các bản tấu trình
và điều trần của ông đều không được đưa ra sử dụng, dù hơn ai hết, ông biết
được giá trị thật của chúng: "Tế cấp luận thâu tóm trí khôn của thiên hạ
500 năm nay... Bài Tế cấp luận của tôi nếu đem ra thực hành hàng trăm năm cũng
chưa hết.”
●
Bùi Kha: Ông Giáp Văn Dương (GVD) trích một đoạn trong bài “Sáu điều lợi”
của NTT rồi ca tụng nhưng ông không dẫn chứng để độc giả biết NTT thâu tóm “trí
khôn” của thiên hạ 500 năm nay…là gồm những gì, hay chỉ khoác lác tự khoe vô
căn cứ mà thôi?
“Không
có bài “Tế cấp luận”, hoặc NTT chưa viết hay bị thất lạc. Đoạn ông GVD dẫn trên
đây là ở trong bài chiêu dụ số 5, có tên là “Sáu điều lợi”…
Xin thưa:
Đoạn này tôi đưa ra một nhận định về sự khác biệt giữa Nguyễn
Trường Tộ và Fukuzawa Yukichi, chứ không nhằm ca tụng Nguyễn Trường Tộ. Sự thực
là tôi lấy làm tiếc vì sau khi tiếp thu nền văn minh phương Tây, Nguyễn Trường
Tộ đã dành
phần lớn tâm sức cho việc viết tấu trình gửi nhà Vua, mà không truyền bá để
khai sáng cho đại chúng. Việc ông Bùi Kha
đưa ra nhiều dẫn chứng để chứng minh Nguyễn Trường Tộ không đáng được ca ngợi
là lạc đề mất rồi.
Liên quan đến đọan trích dẫn: "Tế cấp luận thâu tóm trí khôn của thiên hạ 500 năm
nay... Bài Tế cấp luận của tôi nếu đem ra thực hành hàng trăm năm cũng chưa hết”, xin
thưa:
Theo sách “Nguyễn Trường Tộ - Con người và di thảo” của
Trương Bá Cần (NXB TpHCM, 2002), phần II.2, thì:
“Bản văn quan trọng hơn cả và Nguyễn Trường Tộ chắc chắn đã dành
nhiều thời giờ hơn cả để soạn thảo, nhất định là bài Tế cấp luận. Tế cấp luận,
như đầu đề của nó, là bàn về các việc cần làm ngay để canh tân, tự lực, tự
cường, phát triển đất nước. Đây là một bản văn mà trong các bài viết sau này
Nguyễn Trường Tộ thường nhắc đến như là một tài liệu cơ bản nhất, đầy đủ nhất.
Trong bài Lục lợi từ (tháng 5-1864), ông nói: “Tế cấp luận là thâu tóm trí khôn
của thiên hạ 500 năm nay, đâu có phải chuyện một ngày mà có thể làm hết được”[1]. Trong một bài viết tháng 8 năm Tự Đức 24, ông
lại nói: “Bài Tế cấp luận của tôi, nếu đem ra thực hành hàng trăm năm cũng chưa
hết”[2]. Bản văn này cũng phải là rất dài, bởi
vì ngay Tế cấp bát điều dài mấy chục ngàn chữ mà cũng chỉ mới là tóm lược một
phần của Tế cấp luận[3]. Nhưng có điều đáng
tiếc là bản văn này, cho tới nay, chưa tìm thấy ở đâu cả và chưa có ai được đọc
cả[4].
Như vậy, việc dẫn lại “"Tế cấp luận thâu tóm trí khôn của thiên hạ 500 năm
nay... Bài Tế cấp luận của tôi nếu đem ra thực hành hàng trăm năm cũng chưa hết” là
hoàn toàn có cơ sở. Dù đến nay chưa tìm được toàn văn bài “Tế cấp luận”, nhưng
nó lại được đích thân Nguyễn Trường Tộ nhắc đến và trích dẫn trong các văn bản
khác của ông. Vậy thì việc coi đoạn trích dẫn này thuộc “Tế cấp luận” là hoàn
toàn chính đáng, vì nó đã được chính tác giả xác nhận và sử dụng trước hết.
Đây là điều xảy ra thường xuyên trong lịch sử, khi văn bản
gốc không tìm thấy, nhưng người đời lại biết được sự tồn tại của nó thông qua
các trích dẫn. Trong trường hợp này, việc trích dẫn và khẳng định sự tồn tại
của văn bản gốc lại được chính tác giả của nó tiến hành, thì ta không có lý do
gì để nghi ngờ sự tồn tại của nó cả.
Phần
phản biện còn lại của Điểm 1 không liên quan đến nội dung bài “Học gì từ Nguyễn
Trường Tộ?”, mà chỉ nhằm chứng minh Nguyễn Trường Tộ không đáng được ca ngợi, nên bỏ qua không xét đến ở
đây.
2.
Ông
Giáp Văn Dương: “Những kiến nghị cải cách của ông, dù đúng đắn và có tầm vóc
thời đại, nhưng rốt cuộc lại trở nên vô dụng”.
●
Bùi Kha: Như tôi đã trình bày nhiều chi tiết rõ trong sách “Nguyễn Trường Tộ
& vấn đề canh tân” và hai dẫn chứng vừa nêu trên rằng, NTT núp sau bức màn
canh tân, đổi mới, thực dụng để giúp cho thế nguy khốn của quân đội viễn chinh
Pháp mà thôi. Vì triều đình chủ trương hòa, thay vì chiến để đuổi giặc Pháp cút
về nước, vì chúng đang kiệt quệ, như tài liệu trên cho thấy. Vì hòa nên Pháp
chiếm 3 tỉnh miền Đông, rồi 3 tỉnh miền Tây, cuối cùng chiếm luôn cả nước. NTT
không những chủ trương hòa đậm nét hơn mà còn khuyên quân Đại Nam bỏ súng xuống
để Pháp giữ bờ cỏi cho mình. Những ý kiến sai lầm tai hại như thế nên lên án
hay cần tâng bốc?
Giả
thiết NTT không có ý giúp Pháp, nhưng những ý kiến “hòa, cho lính nghỉ ngơi”…
hết sức sai lầm và tai hại như thế, có bao giờ ông ta xin lỗi triều đình và dân
chúng Việt Nam vì những ý kiến cần phải trừng phạt ấy không?
Xin thưa:
Nhận
định về những kiến nghị, rộng hơn là về tư tưởng và hành động của Nguyễn Trường
Tộ, là đúng đắn hay sai lầm, có tầm vóc thời đại hay đáng bị trừng phạt, như đã
nói ở phần trước, chỉ là những diễn giải mang tính chủ quan của mỗi cá nhân. Đó
chỉ là những “diễn giải lịch sử”, còn “sự thật lịch sử” - hiểu theo nghĩa là
“sự kiện tự thân”- ra sao thì ta không thể biết rốt ráo tận cùng. Cái ta có
được chỉ là những diễn giải khác nhau về lịch sử mà thôi. Chưa kể những kiến
nghị này đã không được thực hiện nên càng khó đánh giá tính đúng sai của nó. Do
đó, việc ý kiến của tôi khác với ý kiến của ông Bùi Kha là rất bình thường. Tôi
tôn trọng ý kiến của ông Bùi Kha và hy vọng ông Bùi Kha cũng tôn trọng ý kiến
của tôi.
3.
Ông
Giáp Văn Dương viết: “Từ nhỏ ông đã được Giám mục Ngô Gia Hậu (Gauchier) dạy
tiếng Pháp cùng với các môn khoa học thường thức của Tây phương. Ông lại được
cho đi du học ở nhiều nơi như Singapore, Malaisia, Pháp, La Mã...”
●
Bùi Kha: Ngoại trừ học để làm thông ngôn, để làm bồi Tây tại Pénang Mã lai,
có tài liệu nào viết NTT được cho đi du học các quốc gia, mong ông GVD cho độc
giả biết.
Cách
trình bày của ông GVD cho thấy Giám mục Gauthier ban phát cho NTT một ân huệ là
“được đi du học”. Mà NTT, theo ông GVD là một nhà “cải cách cho dân tộc ta”.
Như thế, Gm Gauthier, gián tiếp, là ân nhân của Việt Nam. Nhưng ông GVD không
biết Giám mục Gauthier là một tên tình báo cao cấp của thực dân Pháp mà NTT hầu
như vai kề vai lòng cạnh lòng với tên tình báo nầy đến suốt gần 20 năm, (Bùi
Kha, sđd, trang 137-147). Nếu NTT biết mà không tố cáo thì ông yêu nước nào?
Nếu không biết thì không nên khoác lác tự khoe sai lầm có dụng tâm:
“Về việc học không môn nào tôi không để ý
tới, cái cao của thiên văn, cái sâu của địa lý, cái phiền toái của nhân sự, cho
đến luật lịch, binh quyền, tạp giáo, dị nghệ, các môn cách trí, thuật số, không
môn nào tôi không khảo cứu, nhất là để nghiên cứu về sự thế dọc ngang, tan hợp
trong thiên hạ”(Di thảo số 3).
Xin thưa:
Những
lời này tôi không hề viết trong bài “Học gì từ Nguyễn Trường Tộ?”. Ông Bùi Kha
có thể kiểm tra bài viết gốc đăng ở Blog Giáp Văn (ngày 27/8/2010, chính là bài
ông Bùi Kha đã dẫn trong bài phản biện), hoặc bài đăng lại trên Blog Bauxite Việt Nam (ngày 29/8/2010, tức trước
bài phản biện của ông Bùi Kha chừng một năm rưỡi).
Tuy
nhiên, khi tờ Tuần Việt Nam đăng lại với tiêu đề “Trí thức cận thần và Trí thức độc lập”, ngày
30/8/2010, Tòa soạn đã tự ý thêm vào hai ô nhỏ để bổ sung thông tin về Nguyễn
Trường Tộ ở cuối bài, trong đó có đoạn ông Bùi Kha trích dẫn. Việc thêm các ô
thông tin minh họa này là việc thường làm của Tòa soạn và nằm ngoài tầm kiểm
soát của tôi. Một số nơi khác đăng lại cũng có kèm theo phần thông tin bổ sung
này. Có thể điều này đã gây nhầm lẫn cho ông Bùi Kha.
Tuy
nhiên, tôi vẫn mong ông Bùi Kha thận trọng hơn khi gán cho tôi những điều mà
tôi không viết. Nếu thận trọng hơn, hẳn ông Bùi Kha đã bám sát văn bản mà ông
phản biện chứ không ngó sang một văn bản phái sinh khác, và ông cũng sẽ thấy
được những dòng ông trích dẫn là do tòa soạn thêm vào dưới dạng ô minh họa chứ
không phải do tôi viết ra. Hơn nữa, ông sẽ thấy những dòng này lại được tòa
soạn trích nguyên văn từ một bài viết trước đó, bài: “Nguyễn Trường Tộ và khát vọng canh tân” của
tác giả Thanh Hải, đăng ngày 13/2/2010, tức trước bài của tôi hơn 6 tháng, cũng
trên Tuần Việt Nam.
Điều
tôi băn khoăn là bài của tác giả Thanh Hải đã được chính ông Bùi Kha phản biện
trong bài “Ý
kiến về bài: “Nguyễn Trường Tộ và Khát Vọng Canh Tân”, đề ngày
20/2/2010, tức trước khi ông viết bài phản biện lại bài của tôi hơn hai năm, và
đăng trên giaodiemonline.com
ngày 24/2/1010. Như vậy, ông Bùi Kha đã biết những điều ông gán cho tôi là do
tác giả Thanh Hải viết, vì chính ông đã viết bài phản biện lại những điều này.
Vậy tại sao ông Bùi Kha lại gán những lời đó cho tôi thì tôi chưa hiểu được.
4.
Ông
Giáp Văn Dương viết: “Tháng 5 năm 1863 ông đã soạn xong ba văn bản để gửi
lên Triều đình Huế: bản thứ nhất là Tế cấp luận, bản thứ hai là Giáo môn luận,
bản thứ ba là Thiên hạ phân hợp đại thế luận. Trong ba bản đó, bản Tế cấp luận
là văn bản quan trọng nhất. Nội dung của bản này đề cập đến việc canh tân và
phát triển đất nước”.
●
Bùi Kha:…
[Ông
Bùi Kha viết và trích dẫn rất dài, tổng cộng khoảng 6500 chữ, để phản biện đoạn
này].
Xin thưa:
Đoạn
này cũng không nằm trong bài viết của tôi, mà nằm trong bài “Nguyễn Trường Tộ và khát vọng canh tân” của
tác giả Thanh Hải. Cũng giống như điểm 3, đoạn này được tòa soạn trích nguyên
văn và đưa vào ô thông tin minh họa trong bài “Trí thức cận thần và Trí thức độc lập” khi
đăng lại bài viết “Học gì từ Nguyễn Trường Tộ?”.
Tuy
nhiên, cũng như điểm 3, đoạn này đã được ông Bùi Kha phản biện trong bài “Ý
kiến về bài: “Nguyễn Trường Tộ và Khát Vọng Canh Tân”. Như vậy
chắc hẳn ông Bùi Kha đã biết đoạn đó là do Thanh Hải viết. Vậy không hiểu sao
ông còn gán cho tôi đoạn đó rồi mang ra phản biện?
Ngoài
ra, trong bài viết “Học gì từ Nguyễn Trường Tộ?” tôi không hề bàn
một chữ về tôn giáo, vậy mà ông Bùi Kha lại cho rằng: “Thế mà, ngoài ông
GVD, một số người khác cũng ca tụng ý kiến sai lầm của NTT về tình hình tôn
giáo”. Như vậy có đúng và có bất công chăng?
Tóm
lại, tôi cho rằng bài phản biện của ông Bùi Kha đã chỉ tập trung vào một số câu
chữ mà bỏ qua nội dung và tinh thần chung của bài “Học gì từ Nguyễn Trường Tộ?”, đồng thời gán
cho tôi hai đoạn văn bản tôi không hề viết để mang ra phản biện. Trong số 4
điểm ông Bùi Kha nêu ra thì điểm đầu tiên lạc đề; điểm thứ hai là nhận định chủ
quan của mỗi người nên khác biệt là điều dễ hiểu; hai điểm còn lại được trích
ra từ bài “Nguyễn Trường Tộ và khát vọng canh tân” của
tác giả Thanh Hải chứ không phải từ bài “Học gì từ Nguyễn Trường Tộ?”. Tôi cho rằng
những điều này ông Bùi Kha đã biết, vì ông đã một lần phản biện tác giả Thanh
Hải trước đó. Nhưng vì sao ông Bùi Kha lại làm như vậy thì tôi chưa hiểu được.
Tôi mong rằng đó chỉ là một sự nhầm lẫn đáng tiếc của ông Bùi Kha.
3/9/2012.
1. Xem di thảo số 5.
2. Xem di thảo số 52.
3. Xem Tê cấp bát điều,
di thảo số 27.
4. Cho tới nay chưa thấy
tác giả nào trích dẫn Tế cấp luận. Riêng ông Đào Duy Anh trong B.A.V.H, tlđd, trang 136, nói: “tập này không tìm
thấy”.
27-8-2012
Bài
học lớn nhất mà chúng ta học được từ Nguyễn Trường Tộ chính là sự thất bại của
ông trong việc kiến nghị những giải pháp canh tân đất nước với tư cách một trí
thức. Từ đó thấy rằng, chỉ khi nào người trí thức tự giác tránh con đường cụt
mang tên “Trí thức cận thần” để đi trên con đường mới - con đường trí thức độc
lập, trí thức dấn thân - thì đất nước mới có thể tránh được nguy cơ trở thành
“đất nước cận thần” và giữ được nền độc lập đúng nghĩa.
Mỗi
khi nói về sự canh tân của nước Nhật, ta không khỏi nghĩ đến Fukuzawa Yukichi.
Mỗi
khi nghĩ đến Fukuzawa Yukichi, ta không khỏi nghĩ đến Nguyễn Trường Tộ.
Cả
Fukuzawa Yukichi và Nguyễn Trường Tộ đều là là những
nhà tư tưởng về cải cách, sống cùng giai đoạn lịch sử. Nhưng một người thành
công, một người thất bại.
Câu hỏi đặt ra là: Vì sao Fukuzawa Yukichi thành công,
còn Nguyễn Trường Tộ thì thất bại?
Một phần của câu trả lời đến từ sự khác
nhau trong cách tiếp cận của hai người.
Trí thức độc lập
Sau khi tiếp thu nền văn minh phương Tây,
và nhận thấy cần phải tiến hành cải cách để canh tân đất nước nhằm giữ nền độc
lập, vươn lên sánh vai cùng các cường quốc phương Tây, Fukuzawa Yukichi tiến
hành chương trình hành động của mình.
Các việc làm của Fukuzawa Yukichi tương đối
phong phú, nhưng có thể khái quát ngắn gọn như sau: mở trường dạy học, dịch
sách, viết sách, làm báo để truyền bá văn minh phương Tây cho trí thức và dân
chúng Nhật Bản.
Ông tìm cách khai sáng cho dân chúng và trí
thức Nhật Bản, lúc đó còn chìm đắm trong lối học từ chương ảnh hưởng của Nho
giáo Trung Hoa, thông qua việc cổ vũ lối thực học của phương Tây; xây dựng hình
mẫu trí thức độc lập và chủ trương “độc lập quốc gia thông qua độc lập cá nhân”.
Bản thân ông cũng hành động như một hình
mẫu của trí thức độc lập, không phục thuộc vào giới cầm quyền.
Ông kêu gọi trí thức Nhật Bản lúc bấy giờ
hãy "coi trọng quốc gia và coi nhẹ chính
phủ", tự tin vào sức mạnh và vị thế độc lập của mình. Từ đó dấn đến niềm
tin tuyệt đối vào sức mạnh của tri thức và nền văn minh mới mẻ có tác dụng giải
phóng tư duy và bồi đắp sự độc lập của cá nhân.
Khi trường Đại học Keio do ông sáng lập có
nguy cơ phải đóng cửa vì nội chiến, chỉ còn 18 học sinh, nhưng ông vẫn tin
tưởng: “Chừng nào ngôi trường này còn đứng vững, Nhật Bản vẫn sẽ là quốc gia
văn minh trên thế giới”.
Fukuzawa
Yukichi sống và làm việc như một trí thức độc lập điển hình.
“Trí thức cận thần”
Khác với Fukuzawa Yukichi,
Nguyễn Trường Tộ, sau khi tiếp thu văn minh phương Tây, không truyền bá để khai
sáng cho đại chúng mà dành phần lớn tâm sức cho việc viết tấu trình gửi nhà
Vua. Tất cả các bản tấu trình và điều trần của ông đều không được đưa ra sử
dụng, dù hơn ai hết, ông biết được giá trị thật của chúng: "Tế cấp luận
thâu tóm trí khôn của thiên hạ 500 năm nay... Bài Tế cấp luận của tôi nếu đem
ra thực hành hàng trăm năm cũng chưa hết".
Bằng cách đó, ông đã phụ thuộc tuyệt đối
vào nhà cầm quyền, đánh mất vị thế độc lập của người trí thức. Nói cách khác,
ông hành xử như một “trí thức cận thần”: Viết tấu trình và chờ đợi sự sáng suốt
của nhà Vua.
Như thế, ông đã tự tước đi cơ hội của chính
mình, và rộng ra là của cả dân tộc, vì trong suốt lịch sử, số lượng các minh
quân vô cùng ít.
Những
kiến nghị cải cách của ông, dù đúng đắn và có tầm vóc thời đại, nhưng rốt cuộc
lại trở nên vô dụng.
Do
hành xử như một “trí thức cận thần”, không có được sự độc lập cho bản thân
mình, dẫn đến không có đóng góp gì đáng kể vào sự hình thành giới trí thức đúng
nghĩa, nên sau khi ông mất đi, không có người tiếp nối. Tư tưởng canh tân đổi
mới của ông vì thế bị chìm vào quên lãng.
Bài học cho hậu thế
Sự
thất bại của Nguyễn Trường Tộ chính là bài học lớn nhất dành cho hậu thế. Tiếc
rằng, bài học này, dù phải trả học phí rất đắt bởi không chỉ Nguyễn Trường Tộ
mà còn cả dân tộc, không được sử dụng.
Những
người có trách nhiệm thậm chí còn cổ vũ và yêu cầu trí thức phải đi theo lối
con đường “trí thức cận thần” của Nguyễn Trường Tộ khi cho rằng: Trí thức muốn
kiến nghị hay phản biện xã hội, cần gửi cho các cơ quan hữu trách trước khi phổ
biến ra ngoài xã hội.
Lịch sử đã chứng
minh:
Đi theo còn đường đó là đi vào ngõ cụt. Làm theo cách đó là kéo lùi bước đi của
dân tộc.
Trước
tình cảnh đó, không còn cách nào khác, người trí thức phải tự giác tránh con
đường cụt đó, con đường “trí thức cận thần”, để đi con đường mới: con đường trí
thức độc lập, trí thức dấn thân.
Chỉ
khi đó, đất nước mới tránh được nguy cơ trở thành “đất nước cận thần”, và giữ
được nền độc lập đúng nghĩa.
Việc
Quốc hội lắng nghe tiếng nói của những trí thức độc lập trong thời gian gần đây
cho thấy con đường trí thức độc lập đã được khai mở, chỉ chờ người dấn bước.
---
Ghi chú:
1.
Trái với dự đoán, sau khi kiểm tra tôi thấy: cụm từ “trí thức cận thần” chưa
phổ biến, và chưa thấy xuất hiện trên mạng internet.
2.
Tôi được biết cụm từ này trong một thảo luận với một người bạn, TS. Nguyễn Đức
Thành, vào khoảng đầu tháng 5/2010. Theo anh Thành, cụm từ này được hình thành
trong một thảo luận của anh với một người bạn khác, TS. Nguyễn An Nguyên. Tuy
nhiên, anh cũng không rõ đã có ai sử dung cụm từ này trước đó hay chưa.
3.
Có một cụm từ khác có nghĩa gần tương tự với “trí thức cận thần”, đó là “trí
thức phò chính thống”, do nhà văn Phạm Thị Hoài nêu ra. Tuy nhiên, theo
tôi, nội hàm của hai cụm từ này có nhiều điểm khác biệt khá tinh tế.
4.
Nếu ai đã thấy văn bản nào có cụm từ này rồi thì vui lòng báo cho tôi biết. Cá
nhân tôi thấy cụm từ này có một nội hàm đáng suy ngẫm.
No comments:
Post a Comment