Thứ tư, ngày 26 tháng chín năm 2012
Sáng ngày 24 tháng chín, năm 2012, Sài Gòn nắng đẹp. Đi trong
nắng mùa thu trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa tôi lại nhớ đến câu hát thôi thúc
ngày nào: Mùa thu rồi / Ngày hăm ba / Ta đi theo tiếng gọi sơn hà nguy biến
. . . Câu hát của thế hệ đàn anh của tôi vào ngày 23 tháng chín năm 1945.
Họ hát lời đất nước kêu gọi rồi bừng bừng dũng khí đi vào cuộc kháng chiến chín
năm chống Pháp xâm lược. Hạnh phúc biết bao thế hệ được hát lời kêu gọi của đất
nước rồi lên đường cứu nước. Thế hệ của tôi không có được hạnh phúc đó. Thế hệ
chúng tôi cũng rầm rập ra trận, lúc đó chúng tôi tưởng rằng đi giải phóng miền
Nam và hào hứng hát: Giải phóng miền Nam / Chúng ta cùng quyết tiến bước . .
. Hóa ra không phải chúng tôi đi
giải phóng miền Nam mà chúng tôi đi vào cuộc nội chiến Nam – Bắc tương tàn,
chúng tôi chỉ là công cụ mang học thuyết Mác Lê nin, học thuyết đấu tranh giai
cấp sắt máu áp đặt cho miền Nam, để cả nước bị nô dịch bởi học thuyết Mác Lê
nin, để học thuyết đấu tranh giai cấp sắt máu thống trị cả dân tộc Việt Nam,
đánh phá tan tác khối đoàn kết dân tộc Việt Nam, đánh phá tan nát đạo lí và văn
hóa Việt Nam.
Dù hạnh phúc hay bất hạnh, thế hệ đi theo tiếng gọi sơn hà
nguy biến đã kết thúc vai trò lịch sử. Dù có tội hay có công, thời của thế
hệ chúng tôi cũng đã qua. Tuổi trẻ và sức lực của thế hệ chúng tôi đã để lại ở
những ngả đường chiến tranh và những năm tháng gian nan, cơ cực, đói khổ, thiếu
thốn. Bây giờ chúng tôi đã là những người tuổi già, sức yếu mà
đất nước lại đang nguy biến. Giặc bành trướng Phương Bắc đã chiếm
nhiều đất đai Việt Nam ở biên cương phía Bắc, đã chiếm nhiều đảo của Việt Nam ở
biển khơi phía Đông, đang quyết thôn tính cả đất nước Việt Nam, mưu toan đồng
hóa cả dân tộc Việt Nam. Sứ mệnh cứu nước bây giờ chủ
yếu đặt trên đôi vai trẻ thế hệ kế tiếp của chúng tôi. Tháng chín
mùa thu lại đến. Buổi sáng mùa thu nắng đẹp, tôi đến với những người anh hùng ở
thế hệ đó, các anh Blogger Nguyễn Văn Hải, Luật sư Phan Thanh Hải và Blogger Tạ
Phong Tần, những người Việt Nam nồng nàn yêu nước, lẫm liệt đi đầu trong cuộc
chiến đấu mới chống bành trướng xâm lược nhưng đã bị Tòa án Nhân dân thành phố
Sài Gòn buộc tội chống Nhà nước và đưa ra xử vào buổi sáng mùa thu lịch sử này.
Điều đau xót là đến với những người anh hùng cứu nước hôm nay, tôi phải đến nơi
được gọi là Tòa án Nhân dân thành phố Sài Gòn, nơi xét xử tội phạm.
Đường dẫn đến tòa án Nhân dân thành phố Sài Gòn từ ngã tư Nam Kỳ
Khởi Nghĩa – Nguyễn Thị Minh Khai đã dày đặc công an. Tôi biết ngoài số công an
công khai sắc xanh, sắc vàng giăng trập trùng trên đường kia còn lực lượng công
an chìm cũng đông đúc không kém. Đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa đông nghẹt ô tô, xe
máy và dày đặc công an. Tôi rẽ vào đường Nguyễn Du thưa thoáng hơn rồi đi vào
đường Nguyễn Trung Trực phía sau Tòa án. Gửi chiếc xe máy ở điểm giữ xe vỉa hè
đường Nguyễn Trung Trực, tôi đi bộ theo đường Lý Tử Trọng vòng ra phía trước
Tòa án.
Bình thản qua mặt tốp công an ở cổng Tòa án, tôi vào đến mảnh
sân Tòa thì người đàn ông mặc áo trắng vẻ mặt gây sự đến đuổi tôi ra ngoài. Tôi
hỏi: Anh là ai mà đuổi tôi? Tôi là bảo vệ. Cái gì chứng minh anh là bảo vệ? Anh
ta tỏ ra không thèm quan tâm đến câu hỏi của tôi, vẫn gay gắt đuổi tôi ra ngoài
cổng. Hai người cầm camera chĩa ống kính vào mặt tôi ghi hình. Tôi nói to: Này,
các anh muốn ghi hình mặt tôi, anh phải hỏi, tôi đồng ý anh mới được ghi hình
chứ. Đã làm xong việc cần làm nên họ mang camera lẳng lặng bỏ đi. Lại một người
mặc đồng phục nhân viên bảo vệ đến đuổi tôi. Tôi bảo: Đây là phiên tòa xét xử
công khai, mọi công dân đều có quyền đến dự và tôi mới chỉ đứng ngoài sân, chưa
vào phòng xử án. Hơn nữa, chỗ này cũng không có bảng cấm. Nhân viên bảo vệ bỏ
đi. Tôi ngồi xuống gờ gạch đỏ bao quanh bồn cây xanh và thảm cỏ.
Tôi
ước lượng chỉ từ cổng vào sân tòa án đã có khoảng hơn năm mươi cảnh sát áo xanh. Họ
đứng thành hàng bên hàng rào sắt ngăn giữa sân tòa. Họ đứng từng tốp rải rác
trong sân tòa. Người đeo còng sắt số tám ở thắt lưng. Người cầm điện thoại di
động nghiệp vụ trên tay. Người trên lưng áo có hàng chữ và số CĐ 113, cảnh sát
cơ động, hoặc cảnh sát chiến đấu 113. Bộ máy công cụ bạo lực được triển khai, rầm rộ, quyết
liệt. Ngoài ra trên sân tòa còn
khoảng hơn ba chục người mặc đồ dân sự. Những người này phần lớn ngồi ở gờ
gạch đỏ bao quanh hai thảm cỏ ở một phía sân tòa án. Công an chìm đó. Chỉ trong sân trước tòa án đã có
tới gần trăm công an chìm, nổi. Số
công an chìm, nổi rải trên những đường phố quanh khu vực tòa án phải lên tới cả
ngàn người. Tôi lấy điện thoại gọi thử. Máy lặng ngắt, không có sóng! Máy
điện thoại dân sự đã bị xóa sóng. Chỉ còn sóng của những máy điện thoại nghiệp
vụ công an. Hàng ngàn công cụ hưởng lương cao từ tiền thuế của dân, rồi máy
móc, thiết bị hiện đại đắt tiền rầm rộ huy động cho một phiên tòa dân sự không
xét chỉ xử ba người viết blog và biểu tình chống phương Bắc xâm lược. Đồng tiền
thuế nghèo của dân bị sử dụng hoang phí đến như vậy! Tiền thuế của dân được sử dụng để chống
lại chính nhân dân!
Bốn chiếc ô tô chở tù đỗ góc sân sát ngôi nhà tòa án quét vôi
vàng. Hai chiếc ô tô mang biển số trung ương từ ngoài cổng chạy vào sân, chiếc
bảy chỗ ngồi, 80A 000.70, vòng sang bên trái sân, đỗ lại. Chiếc bốn chỗ ngồi,
80B 6586, vòng sang bên phải. Nhưng không có ai mở cửa xe bước ra.
Người đàn ông xấp xỉ năm mươi tuổi mang kính trắng đến ngồi cạnh
tôi. Tôi bắt chuyện: Phiên tòa đã bắt đầu chưa anh? Không biết! Anh ta trả lời
gọn lỏn và lại lặng thinh nhưng ít phút sau chính anh ta lại ngồi hỏi chuyện
tôi ở đồn công an phường Bến Thành.
Chiếc ô tô màu trắng từ ngoài cổng chạy vào sân, trên thành xe
có hàng chữ CẢNH SÁT, sau ca bin chỉ có một hàng ghế ngồi còn lại là thùng nhỏ
chở đồ. Chiếc ô tô vòng sang phải quay đầu xe rồi chạy đến đỗ lại bên cạnh tôi.
Một người mặc dân sự đứng đó từ trước, nói: Chúng tôi yêu cầu anh ra khỏi đây,
anh không ra. Bây giờ mời anh lên xe về phường. Tôi nói: Đây là phiên tòa dân
sự công khai, hoàn toàn không có thông báo cấm, sao các anh lại cấm tôi. Tôi
định bước ra cổng nhưng cửa xe sau ca bin mở ra, mấy người xô lại, đẩy tôi lên
xe. Hai người mặc dân sự ngồi kèm hai bên người tôi. Người còn trẻ mặc quần
jean, áo thun đen đã ngồi trên xe từ trước. Phía trước một người ngồi cạnh ghế
lái. Chiếc xe rú còi báo động rền rĩ chạy như bay như biến vượt đèn đỏ về công
an phường Bến Thành như trên xe đang chở tên trùm tội phạm nguy hiểm.
Tôi bị dẫn lên lầu một, vào phòng có dãy tủ sắt bên tường và mấy
chiếc bàn ghế. Đại úy Nguyễn Tuấn Phong
đưa tôi tờ giấy có in sẵn hàng chữ Bản Tường Trình. Đọc mươi dòng tôi viết
trong Bản Tường Trình rồi đại úy Phong mải miết cắm cúi viết vào tờ giấy gấp
đôi Biên Bản Ghi Lời Khai. Tôi chờ đợi biên bản kết thúc khi trang giấy thứ
nhất đã gần kín chữ. Nhưng, sang trang thứ hai, viên đại úy trẻ vẫn mải miết
viết. Nhìn cây bút bi của đại úy Phong nhoay nhoáy trên trang giấy, tôi mỉm
cười nghĩ thầm: Sự việc chả có gì cả. Mình là nhà văn cũng không thể có lắm chữ
nghĩa để viết dài đến thế. Viết gần hết trang thứ hai đại úy Phong mới dừng
bút, đưa cho tôi tờ giấy vừa viết bảo tôi đọc lại và kí. Tôi ngạc nhiên là chỉ
đọc mươi dòng tường trình của tôi và chỉ hỏi tôi đôi câu: Vì sao anh biết có
phiên tòa? Anh đi cùng với ai? mà biên bản ghi lời khai cũng có liên tiếp nhiều
cặp câu hỏi, đáp của một cuộc lấy cung và điều tôi ngạc nhiên hơn là đại úy
Phong khá đẹp trai, mặt mũi khôi ngô nhưng chữ viết xấu quá. Chữ xấu đến đâu
tôi cũng đọc được nhưng chữ viết của đại úy Phong thì tôi đành chịu. Tôi bảo
người viết đọc cho tôi nghe và tôi cũng không tập trung lắng nghe. Loáng thoáng
nghe những điều ghi không có hại cho mình tôi liền kí cho xong để về nhà.
Nhưng
hết trung tá Nguyễn Công Cư, đến trung tá Đặng Văn Loát, rồi trung tá Lê Văn
Linh đến hỏi tôi nhiều chuyện. Bất ngờ tôi gặp lại ở đây cả
người tự giới thiệu là Tuấn ở công
an thành phố hồi đầu tháng trước đã đến nhà tôi hỏi tôi nhiều điều về bản Kiến
nghị ngày 27.7.2012 của 42 trí thức gửi lãnh đạo thành phố đề nghị tổ chức biểu
tình phản đối những hành động xâm lược của Trung Quốc với Việt Nam mà tôi có
tham gia kí tên. Hôm đó trước khi ra về, ông Tuấn khuyên tôi: Bác có cuộc sống
đầy đủ, con cái trưởng thành, không có gì phải lo nghĩ, bác ở nhà nghỉ ngơi cho
khỏe, đừng đi biểu tình! Hôm nay ông Tuấn cũng mặc đồ dân sự như hôm ông đến
nhà tôi nên tôi không biết cấp hàm của ông. Những gì diễn ra
sau đó cho tôi biết ông Tuấn chính là người chủ trì việc bắt giữ tôi.
Ông Tuấn tất bật ra vào chỉ thỉnh thoảng mới dừng lại nói với tôi một câu. Bác
Trọng chủ yếu là chống chủ nghĩa Mác. Ông Tuấn bảo tôi như vậy.
Người đàn ông mang kính trắng đến ngồi cạnh tôi ở sân tòa án
cũng lượn lờ ở đây rồi đến ngồi nói chuyện với tôi. Tôi hỏi và ông cho biết tên
là Nam ở công an thành phố. Thỉnh thoảng ông an ninh Nam lại tự nói ra một chi
tiết về thân thế của tôi chứng tỏ ông Nam biết quá rành về cuộc đời tôi và gia
đình tôi. Ông Nam chuyển câu chuyện về chiếc điện thoại di động để ném ra câu
hỏi: Điện thoại chú xài mấy sim? Trời ơi, tôi đã nghỉ hưu, suốt ngày ở nhà, đâu
có nhiều mối quan hệ, xài một xim đã quá đủ. Tôi thật thà khai báo.
Qua cách hỏi chuyện của những ông trung tá mặc cảnh phục mang
bảng tên và những ông an ninh mặc đồ dân sự, tôi biết sự quan tâm lớn nhất của
họ là việc tôi đến tòa án có ai đứng ra tổ chức không. Tôi đi với ai? Ai rủ? Đi
bằng gì? Vì sao lại biết có phiên tòa? . . .
Những ông công an Tuấn, Nam, Nguyễn Công Cư, Đặng Văn Loát, Lê
Văn Linh đều ở cùng thế hệ với Blogger Nguyễn Văn Hải, Luật sư Phan Thanh Hải,
Blogger Tạ Phong Tần, thế hệ đang được đặt trên vai trách nhiệm về sự giàu
nghèo, sự sống còn của đất nước. Anh Nguyễn Văn Hải, anh Phan Thanh Hải, chị Tạ
Phong Tần đã sống và hành xử theo lương tâm và trách nhiệm của người dân yêu
nước, theo tiếng gọi của đất nước nguy biến thì bị chính quyền khép tội chống
Nhà nước. Còn các ông công an Tuấn, Nam, Cư, Loát, Linh . . . thì hăng hái,
hãnh diện được làm công cụ đàn áp, tù đày những khí phách Nguyễn Thanh Hải,
Phan Thanh Hải, Tạ Phong Tần và cứ nhìn vào gương mặt của họ cũng biết họ đang
quá mãn nguyện, nhởn nhơ, hả hê với cuộc sống đủ đầy phong lưu của sĩ quan công
an lương cao bổng lộc nhiều mà họ đang được Nhà nước này lấy ngân sách nghèo
của nước, lấy đồng tiền thuế đổ mồ hôi sôi nước mắt của dân ưu ái ban cho. Sự
ưu ái đó như vị mặn trong thức ăn của con chim được người nuôi. Quen với món ăn
có vị đậm đà của muối, con chim không thể rời người nuôi.
Người nói chuyện với tôi nhiều nhất lại là anh chàng trẻ tuổi
mặc quần jean, áo thun đen đã ngồi trên ô tô áp giải tôi từ tòa án về công an
phường Bến Thành. Cháu đã đọc bài Ăn Mày Dĩ Vãng của bác nhưng mạng bị chặn,
cháu chưa đọc hết. Cháu biết bác đã đi thăm Cù Huy Hà Vũ. Ai mua vé máy bay cho
bác ra Hà Nội? Tôi phải nói rằng chuyến đi thăm Cù Huy Hà Vũ của tôi chỉ là sự
tình cờ. Hằng năm khi ngọn gió heo may xào xạc gợi cảm trở về miền Bắc tôi đều
ra Hà Nội để được cảm nhận cái hơi may giá lạnh của nỗi nhớ, của kỉ niệm. Tháng
ba năm nay tôi ra Hà Nội đúng dịp chị Dương Hà vợ anh Cù Huy Hà Vũ đi thăm
chồng nên tôi xin đi theo. Chuyến đi ngẫu nhiên của tình cảm chứ không phải
chuyến đi có tài trợ của tiền bạc, càng không phải chuyến đi có tổ chức của
chính trị. Anh chàng an ninh trẻ còn nhắc đến một số bài viết khác của tôi,
không hiểu để khai thác ở tôi điều gì. Tôi hỏi, anh chàng cho biết tên là
Phước. Không biết có thật Phước đọc được những bài viết đó của tôi. Đó là những
bài viết chân thành, là nỗi đau của tôi với đất nước, với nhân dân. Ai đọc bằng
cái hồn dân tộc chứ không phải bằng lí thuyết giai cấp, ai đọc bằng cái cảm,
cái suy tư của riêng mình đều thấy trong đó một phần hiện thực đau buồn của đất
nước để có sự thức tỉnh. Lớp người trẻ
tuổi như Phước cần có sự thức tỉnh đó, Phước ơi!
Việc tường trình của tôi, việc ghi biên bản của công an đã xong
từ mười giờ. Tôi liên tục đòi về. Ông Tuấn liên tục áp máy điện thoại vào tai
nhận lệnh cấp trên rồi bảo tôi chờ một tí, chờ một tí. Mười một giờ. Mười hai
giờ. Mười hai giờ rưỡi. Tôi thúc giục nhiều quá, mọi người lảng đi, bỏ mặc tôi
ngồi trong phòng. Gần một giờ chiều, một người mang đến cho tôi xuất cơm hộp và
nài ép tôi ăn. Tôi phải nói dứt khoát: Có chết đói tôi cũng không ăn cơm của
các anh. Tôi cần về nhà chứ tôi không cần ăn cơm.
Họ lại bỏ bỏ mặc tôi trong phòng. Kiểu này họ sẽ giữ tôi cho đến
hết ngày làm việc của phiên tòa đây. Không chấp nhận hành xử đó, tôi liền xuống
cầu thang, ra cửa. Ông Tuấn vừa nghe điện thoại vừa chặn trước mặt tôi, tôi
lách qua bước ra ngoài phố. Gần chục người, cả sắc phục công an, cả thường phục
quây quanh tôi, chặn chân tôi. Đã ra ngoài đường nên tôi nói to cho người đi
đường thấy việc làm sai trái của công an: Tôi đến dự phiên tòa công khai, tôi
không làm điều gì trái pháp luật. Các anh tùy tiện bắt giữ tôi là các anh đang
làm trái pháp luật. Người dân được làm mọi việc pháp luật không cấm. Còn các
anh chỉ được làm những việc pháp luật cho phép. Luật pháp nào cho phép các anh
tùy tiện bắt giữ tôi suốt từ sáng đến giờ. Nhìn những công an trẻ đầy sức vóc
đứng quanh tôi, tôi bảo: Một ông già ốm yếu như tôi, chỉ một người trẻ như các
anh thừa sức bắt giữ, việc gì các anh phải đứng đông thế này!
Tôi cương quyết đòi ra lấy xe về nhà. Một trung tá, tôi chẳng
cần quan tâm đọc bảng tên nữa, bảo tôi: Tôi là trưởng công an ở đây, tôi nói
với anh . Anh đưa chìa khóa và vé xe cho anh em ở đây đi lấy xe về đây rồi sẽ
giao xe cho anh về nhà. Tin lời hứa của ông trưởng công an phường, tôi giao
chìa khóa và vé giữ xe cho Phước. Phước mang xe về nhưng ông Tuấn lại giữ chìa
khóa xe của tôi. Đòi mãi không được, tôi phải sẵng giọng, quát: Anh Tuấn! Đưa
chìa khóa xe đây! Ông Tuấn một tay nắm chặt chìa khóa xe của tôi, một tay cầm
điện thoại áp vào tai. Rời điện thoại khỏi tai, ông Tuấn bảo: Bác chờ công an
phường của bác lên đưa bác về. Tôi nói rằng tôi không phải người tù để công an
dẫn giải và vẫn liên tục đòi lại chìa khóa xe.
Ông cảnh sát khu vực quen thuộc ở phường tôi, đại úy Dương Tấn
Lắm mặc đồ dân sự, cùng một người nữa đi xe máy đến. Lại một cuộc giằng co vì
tôi dứt khoát không chịu để công an, dù là ông Lắm, chở tôi về nhà. Ông Tuấn
khuyên tôi để công an chở tôi về nhà cho an toàn và đưa chìa khóa xe của tôi
cho ông Lắm. Tôi giành lại chìa khóa xe, nổ máy và bảo ông Lắm: Anh muốn đi kèm
tôi thì ngồi sau xe tôi. Ông Lắm đành lên xe ngồi sau tôi. Tôi cho xe chạy rất
nhanh. Qua kính nhìn sau, tôi thấy hai công an phường Bến Thành, Phước và một
người nữa, đi hai xe máy vẫn bám sát cho đến khi tôi về đến nhà.
Đến khuya vào mạng, tôi uất nghẹn đến lặng đi khi trên mạng đưa
tin phiên tòa đã tuyên bản án nặng nề không thể tưởng tượng đối với ba trái tim
nồng nàn yêu nước: Blogger Nguyễn Văn Hải 12 năm tù, 5 năm quản chế. Blogger Tạ
Phong Tần 10 năm tù, 3 năm quản chế. Luật sư Phan Thanh Hải 4 năm tù, 3 năm
quản chế.
Nhà nước của tòa án đã buộc tội và tuyên bản án nhục nhã trong
lịch sử cho những người yêu nước Nguyễn Văn Hải, Tạ Phong Tần, Phan Thanh Hải
chính là Nhà nước đã buộc tội và tuyên án cả Trần Quốc Toản khi Trần Quốc Toán
dõng dạc hét lên: Ta thà làm quỷ nước Nam còn hơn làm vua chư hầu cho đất Bắc.
Và các anh, chị Nguyễn Văn Hải, Tạ Phong Tần, Phan Thanh Hải chính là Trần Bình
Trọng của hôm nay. Tên tuổi các anh chị còn mãi với lịch sử Việt Nam hào hùng
còn Nhà nước đã buộc tội và tuyên án các anh, chị sẽ được nhân dân và lịch sử
xét xử.
Được đăng bởi HUYNH NGOC CHENH vào lúc 12:32
No comments:
Post a Comment