Wednesday, 26 September 2012

TẠI SAO CÓ NƯỚC QUÁ GIÀU & CÓ NƯỚC QUÁ NGHÈO ? (Phạm Hoài Nam)





Phạm Hoài Nam
21-9-2012

Ngoài chiến tranh, nghèo khổ là vấn nạn lớn nhất của thế giới ngày nay.

Theo tài liệu của Ngân Hàng Thế Giới và Liên Hiệp Quốc(1):
- Trong số 6.8 tỉ người của thế giới (thời điểm 2008) có 1.29 tỉ người sống dưới mức nghèo khổ (1.25USD/ngày). Trong số này vùng Sub-Sahara của Phi Châu có tỉ lệ cao nhất (47.5%), Nam Á 36%, Đông Á và Thái Bình Dương 14.3%; riêng Việt Nam có 12.5 triệu trong tổng dân số 86.1 triệu người, tức khoảng 14.5%; Trung Quốc có 165.8 triệu trên dân số 1,329.1 triệu người, tức khoảng 12.5% sống dưới mức nghèo khổ.
- 40% dân số nghèo nhất thế giới chỉ chiếm 5% tổng thu nhập toàn cầu (global income), trong khi 20% dân số giàu nhất chiếm 3/4 tổng thu nhập.
- Mỗi ngày có 22,000 trẻ em chết vì nghèo khổ.
- Có hơn 120 triệu trẻ em không được đi học vì gia đình nghèo.
- Có khoảng gần 1 tỉ người bước vào thế kỷ 21 không biết đọc và viết.
- Có hơn 660 triệu người sống không có những phương tiện vệ sinh tối thiểu.
- Có hằng triệu phụ nữ phải mất nhiều giờ mỗi ngày để lấy nước.
v.v...

Những chương trình viện trợ có giúp giải quyết được vấn đề nghèo khổ trên thế giới hay không?

Sau Đệ Nhị Thế Chiến, với sự thành công của chương trình viện trợ Marshall tái thiết Âu Châu và các nước Nhật Bản, Nam Hàn, Đài Loan ở Á Châu, thế giới lúc đó lạc quan tin tưởng rằng những chương trình viện trợ tương tự sẽ giúp cho một số nước nhược tiểu thoát khỏi nghèo khổ và sẽ rút ngắn lại khoảng cách giàu nghèo trên thế giới. Thế nhưng ngày nay sau 65 năm nhìn lại, mọi người đều thất vọng vì sau chương trình Marshall hầu hết những chương trình viện trợ khác của Tây Phương và Liên Hiệp Quốc dành cho những nước nghèo đều thất bại.

Hai quyển sách “Sự giàu có và nghèo khổ của các quốc gia” (The wealth and poverty of nations) của kinh tế gia David S. Landes và “Tại sao những quốc gia thất bại” (Why nations fail) của Daron Acemoglu và James A. Robinson (AR) mới xuất bản gần đây đều dành ra khá nhiều trang để phân tích nguyên nhân thất bại của những chương trình viện trợ này.

Theo các tác giả này thì kể từ sau Đệ Nhị Thế Chiến đến nay, thế giới Tây Phương đã phung phí hàng trăm tỉ đô la mà không giúp giảm bớt được sự nghèo khổ trên thế giới.

Nguyên nhân chính, theo họ, là do lòng tham quá độ của giới lãnh đạo của các nước nghèo. Phi Châu là một thí dụ rõ nhất, tại lục địa này những người giàu nhất là các tổng thống, thủ tướng và các bộ trưởng, phần lớn những số tiền viện trợ của Tây Phương cuối cùng nằm trong trương mục của họ.

Hai ông AR cho rằng tiền viện trợ của Tây Phương chỉ có khoảng 10% hay tối đa là 20% đến được mục tiêu.
Ông David Landes cho biết, theo tài liệu Liên Hiệp Quốc, chỉ trong năm 1991 có khoảng 200 tỉ Mỹ Kim đã chuyển từ Phi Châu vào các ngân hàng ở ngoại quốc(2), trong lúc đó số tiền nợ của Phi Châu năm 1994 là 313 tỉ USD. Số tiền viện trợ 25 tỉ USD/năm chỉ đủ để họ trả tiền lời cho một năm. Số tiền tham nhũng tại đây cao gấp 2.5 lần tổng số lợi tức xuất cảng của lục địa này.

Tệ nạn tham nhũng tại một số nước ở Trung Đông và Á Châu như Ai Cập, Pakistan, Afganistan, Việt Nam, Cambodia... cũng trầm trọng không kém. Hiện tại mỗi năm Hoa Kỳ viện trợ cho Pakistan 2 tỉ USD, Ai Cập 1.5 tỉ, Afganistan 3.9 tỉ, nhưng vẫn không giúp cải thiện được đời sống của người nghèo tại những nước này trong hơn một thập niên qua.

Theo David Landes, giải quyết vấn đề nghèo khổ phải bắt đầu từ chính bên trong, có nghĩa là chính các nước nghèo phải chủ lực làm lấy, chớ không nên trông chờ vào sự trợ giúp từ bên ngoài. (History tells us that the most succesful cure from poverty comes from within(3)).

Một khó khăn khác đối với các nước nghèo là vấn đề nhân mãn. Phi Châu là lục địa có dân số già tăng cao nhất, 3%/năm. Những nước nghèo nhất hiện nay như Liberia, Burundi cũng là nơi có tỉ lệ dân số gia tăng cao nhất thế giới (trên 4%/năm). Thế giới đang lo ngại là số lượng sản xuất thực phẩm hiện tại của Phi Châu không đáp ứng kịp với mức độ gia tăng dân số của mình.

Dầu muốn hay không, bằng cách này hay cách khác, những nước giàu cũng phải tìm cách giúp các nước nghèo giải quyết vấn đề nghèo khổ, không phải chỉ vì lòng nhân đạo mà còn vì chính quyền lợi của họ. Chỉ tính từ đầu thế kỷ 20, vì nghèo khổ mà chủ nghĩa Cộng Sản đã thành công tại một số quốc gia, gây ra biết bao thảm họa cho nhân loại. Ngày nay vì nghèo khổ mà đã xảy ra tệ nạn buôn bán phụ nữ trẻ em xuyên quốc gia. Nghèo khổ là trung tâm sản xuất ma túy để chuyển đến những nước giàu, là căn cứ của quân khủng bố chờ cơ hội tấn công và là nơi xuất phát làn sóng nhập cư lậu như từ Nam Mỹ vào Bắc Mỹ, từ Phi Châu vào Âu Châu, từ Á Châu vào Úc... và còn nhiều vấn nạn khác do nghèo khổ gây ra.

Tại sao có nước quá giàu và có nước quá nghèo?

Trước khi trả lời câu hỏi chính nêu trên, hầu hết các nhà nghiên cứu đều cố gắng trả lời những câu hỏi liên quan đại khái như sau:

- Tại sao một xứ như Norway có lợi tức bình quân đầu người (GDP) cao nhất thế giới hiện nay là 99,665 USD, trong khi GDP của nước nghèo nhất là Cộng Hòa Congo chỉ có 232 USD, chênh lệch nhau đến 430 lần?.

-Tại sao sự chệnh lệch giàu-nghèo giữa các quốc gia ngày càng rộng ra? 52 năm trước đây, GDP cao nhất thế giới là Hoa Kỳ ($2881), thấp nhất Lesotho là $41, chênh lệch chỉ có 70 lần. Theo nghiên cứu của kinh tế gia David Landes thì 250 năm trước đây, khoảng cách chênh lệch giữa nước giàu nhất và nước nghèo nhất chỉ có 5 lần và khoảng cách giữa Âu Châu với Trung Quốc hay Ấn Độ chỉ từ 1.5 đến 2 lần. Điều đó cho thấy là khoảng cách giàu-nghèo ngày càng lớn hơn.

- Tại sao những nền văn minh/đế quốc như Ai Cập, Aztecs, Inca, Hy Lạp, La Mã, Trung Hoa, Ottoma, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha... suy tàn?

- Tại sao có những nước chỉ cần vài chục năm từ một nước nghèo trở thành một nước giàu có, và lại có những nước suốt mấy ngàn năm lúc nào cũng nghèo?

- Tại sao chỉ cần 94 năm sau khi độc lập, nước Mỹ đã trở thành cường quốc kinh tế số 1 trên thế giới (năm 1870 kinh tế của Mỹ đã vượt qua Anh Quốc)?

- Tại sao Peru từng được xem là kho tàng vàng bạc của thế giới vào thế kỷ 16, 17, bây giờ trở thành một nước nghèo nhất Nam Mỹ?

- Tại sao có khuynh hướng chung là những nước nghèo dưới thuộc địa là những nước thành công sau khi giành được độc lập, trái lại những nơi giàu có dưới thời thuộc địa lại thất bại sau khi độc lập?

- Tại sao Bắc Mỹ thì quá giàu, còn Nam Mỹ thì quá nghèo?

- Tại sao Mexico và Mỹ, hai nước kế nhau, có điều kiện địa lý, tài nguyên gần giống như nhau, nhưng khác nhau quá xa?

- Tại sao có những hiện tượng như Nigeria - một xứ có lợi tức xuất cảng dầu hỏa mỗi năm là 52.2 tỉ USD, hay như Congo và Sierre Leone sản xuất rất nhiều kim cương, nhưng có đến 70% dân số sống dưới mức nghèo khổ?

- Tại sao một xứ nhỏ bé như xứ Hòa Lan lại có đội thương thuyền tung hoành khắp thế giới từ thế kỷ thứ 16 và cho đến nay vẫn là một trong những nước giàu nhất Âu Châu?

- Tại sao các nước ở miền nam Âu Châu nghèo hơn các nước ở phía bắc Âu Châu?
v.v…

Phân biệt ý nghĩa khác nhau giữa một quốc gia giàu và một quốc gia thành công

Trước khi đi tìm câu trả lời cho câu hỏi: “Tại sao có quốc gia quá giàu và quốc gia quá nghèo”, chúng ta nên phân biệt hai khái niệm giàu và thành công. Một quốc gia giàu chưa hẳn là một quốc gia thành công. Thật ra ý nghĩa về sự giàu nghèo giữa các quốc gia không quan trọng bằng sự thành công hay thất bại. Những nước xuất cảng nhiều dầu hỏa như Saudi Arabia, Qatar, Kuwait, Brunei... là những xứ rất giàu, lợi tức bình quân đầu người rất cao nhưng không bao giờ được xem là những xứ thành công. Sự giàu có của những nước này là do nguồn lợi từ xuất cảng dầu hỏa chớ không phải là do nỗ lực của con người. Lấy thí dụ như Qatar, lợi tức từ dầu hỏa hằng năm là 107.9 tỉ Mỹ Kim (năm 2011), với dân số chỉ có 300,000 người, GDP của người dân Qatar hiện nay là 98,329USD, phần lớn lợi tức này là do Hoàng Gia Al Thani tặng không cho người dân, mà cho dù người dân không làm gì cả thì chi phí cho 300,000 người cũng chưa tới 1/3 lợi tức từ dầu hỏa. Nhưng giàu như dân Qatar chưa chắc đã hạnh phúc, cho đến hay họ vẫn chưa được hưởng đầy đủ những quyền tự do của con người và tài sản quốc gia là tài sản riêng của Hòang Gia chớ không phải của chung mọi người.

Một điểm khác là nguồn tài nguyên như dầu hỏa ở các nước như Trung Đông không phải vô tận. Tây Ban Nha là một thí dụ tiêu biểu cho thấy của cải dễ đến thì cũng sẽ dễ đi.

Vào thế kỷ 16 Tây Ban Nha là xứ giàu nhất thế giới sau khi thôn tính xong vùng Châu Mỹ La Tinh. Không giống như Anh Quốc, Tây Ban Nha chỉ lo vơ vét tài nguyên, vàng bạc châu báu từ các nước thuộc địa chở về nước. Chỉ trong thế kỷ 16, Tây Ban Nha đã chở về xứ một số lượng vàng và bạc trị giá 1.5 ngàn tỉ Mỹ Kim (1.5 trillion USD - tính theo trị giá thời điểm 1990(4)). Những tài sản đó đã không được đầu tư cho tương lai mà chỉ dùng phung phí cho những xa hoa và chiến tranh. Cuối cùng, từ kẻ chiến thắng nước này trở thành chiến bại sau khi bị đội quân của Napoleon chiếm vào năm 1808. Các nước thuộc địa ở Châu Mỹ La Tinh nhân cơ hội đó đứng lên giành độc lập. Tây Ban Nha từ đó tiếp tục đi xuống và ngày nay là một trong những nước nghèo nhất Tây Âu.

Trường hợp Trung Quốc

Sẽ là một thiếu sót cho bất cứ công trình nghiên cứu nào về đề tài giàu-nghèo trên thế giới mà không nghiên cứu về Trung Quốc - một đất nước có nền văn minh rất sớm và kéo dài khá lâu.

Trung Quốc là nước đã phát minh ra đồng hồ, xe cút kít (wheelbarrow), la bàn, giấy, in, thuốc súng, lò luyện kim (blast furnace), đồ sứ... là những yếu tố quan trọng nhất để phát triển kinh tế. Theo sử gia David Landes, đến thế kỷ thứ 13, Trung Quốc có nền nông nghiệp hiện đại nhất, như thế mới nuôi sống nổi dân số từ 65-80 triệu. Đến thế kỷ thứ 15 mức sống (standard of living) của Trung Quốc và Âu Châu ngang nhau, về kỹ thuật thì Trung Quốc cao hơn Âu Châu, về hàng hải thì Trung Quốc vượt hơn Âu Châu khá xa.

Từ năm 1405 cho đến 1433 dưới thời nhà Minh, Trung Quốc thực hiện ít nhất là 6 cuộc hải hành thám hiểm dưới sự chỉ huy của Đô Đốc Trịnh Hòa (Zheng He), họ đến Đông Nam và Nam Á, rồi băng qua Ấn Độ Dương đến Arabia, rồi đến bờ biển miền đông của Phi Châu. Cuộc thám hiểm đầu tiên vào năm 1405 bao gồm 62 chiếc tàu lớn và 190 chiếc tàu nhỏ. Những chiếc tàu lớn dài đến 122 mét, rộng 49 mét. So với chiếc tàu Santa Maria của Columbus, người khám phá ra Châu Mỹ, chỉ dài có 22 mét.

Vậy tại sao Trung Quốc không khám phá ra Châu Mỹ, mà là Tây Ban Nha? Và quan trọng hơn nữa là yếu tố nào đã làm cho Trung Quốc từ một nước hùng mạnh nhất vào thế kỷ thứ 15, trở thành một nước lạc hậu so với Âu Châu 200 năm sau và khi Mao Trạch Đông chiến thắng vào năm 1949, Trung Quốc trở thành một trong những nước nghèo nhất thế giới?.

Trường hợp Nam Mỹ La Tinh

Những công trình nghiên cứu về đề tài giàu nghèo giữa các quốc gia nếu không thể thiếu một phần nói về Trung Quốc thì cũng không thể không nói đến vùng Châu Mỹ La Tinh - vùng đất tiêu biểu nhất cho sự thất bại về cả hai phương diện kinh tế và chính trị. Châu Phi nghèo có thể hiểu được, do đất đai cần cỗi, phần lớn của lục địa này là sa mạc, thiếu nước, nghèo tài nguyên, và vì thù hận quá lớn giữa các bộ lạc do hậu quả của sự buôn bán nô lệ kéo dài trong nhiều thế kỷ... nhưng sự thất bại của vùng Châu Mỹ La Tinh sau khi giành được độc lập là điều khó hiểu. Vùng đất này có đủ những yếu tố thuận lợi để phát triển kinh tế nhưng gần 200 năm qua họ vẫn không tìm ra được giải pháp kinh tế và xây dựng một chế độ chính trị ổn định.

Nên nhớ rằng sau khi nhà thám hiểm Christopher Columbus khám phá ra Châu Mỹ vào năm 1492, người Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha đã chê vùng Bắc Mỹ và chỉ tập trung vào vùng Trung và Nam Mỹ, làm sao có thể so sánh những núi rừng vô tận của Bắc Mỹ với những tài nguyên như vô tận của Nam Mỹ: Mỏ vàng bạc ở Peru, Mexico, Bolivia và mỏ vàng/kim cương ở Ba Tây. Cho đến đầu thế kỷ 16 Nam Mỹ giàu hơn Bắc Mỹ, Mexico giàu hơn Mỹ.
Nhưng những mỏ vàng, bạc, kim cương ở Mexico, Peru, Bolivia, Ba Tây chỉ là những tài sản phung phí khi con người không biết đầu tư cho tương lai và 200 năm sau, khi Hoa Kỳ giành được độc lập thì nền kinh tế của Bắc Mỹ đã vượt qua Nam Mỹ rất xa. Kể từ đó khoảng cách giàu nghèo giữa Bắc Mỹ và Nam Mỹ càng lúc càng xa ra.
Nói đến vùng Nam Mỹ có hai trường hợp tương phản nhau: đó là Argentina và Costa Rica.

Kinh tế gia được giải thưởng Nobel - Simon Kuznets đã phát biểu một câu nổi tiếng: “Trên thế giới này có 4 loại quốc gia: chậm phát triển, phát triển, Nhật Bản và Argentina”.

Ông Simon Kuznets nói như vậy là vì Nhật Bản và Argentina đại diện cho 2 trường phái tương phản nhau.
Nhật Bản là một nước tài nguyên gần như không có gì, đã tạo ra một phép lạ kinh tế sau Đệ Nhị Thế Chiến, từ một nước hoang tàn đổ nát, chỉ có 25 năm sau đã trở thành cường quốc kinh tế thứ nhì trên thế giới. Trong lúc đó, Argentina không tham dự 2 cuộc đại chiến - Đệ Nhất và Đệ Nhị Thế Chiến, trong suốt lịch sử của đất nước này chưa từng bị chiến tranh tàn phá, về tài nguyên thì đất nước này quá được thiên nhiên ưu đãi nhưng vẫn không thành công.

Trong khoảng thời gian Đệ Nhị Thế Chiến (1914-18) Argentina là một trong những nước giàu nhất thế giới. Đến năm 1929 trước cuộc khủng hoảng kinh tế, Argentina có lợi tức bình quân đầu người đứng hàng thứ tư trên thế giới, cao hơn cả Pháp. Thế nhưng trong suốt thập niên 70 và đầu thập niên 80, người dân Argentina đã phải sống những năm tháng kinh hoàng dưới chế độ độc tài quân phiệt và nền kinh tế có nhiều lúc gần như phá sản với lạm phát phi mã (hyperinflation). Những vết thương đó vẫn còn để lại hậu quả cho đến ngày hôm nay.

GDP hiện nay của Argentina là 10,945USD (năm 2011) so với Úc là 65,477USD. Con số 10,945USD thuộc hạng trung bình, thế nhưng tại sao Argentina bị xem là một quốc gia thất bại (failed state)? Lý do là vì GDP không nói lên được sự thành công hay thất bại của một quốc gia. Theo tài liệu nghiên cứu của Ngân Hàng Thế Giới(5), sự cách biệt về giàu nghèo ở những nước Nam Mỹ rất lớn: khoảng 10% dân số của các nước như Ba Tây, Argentina, Chile, Columbia, Peru, Paraguay... chiếm hết khoảng 50% tổng số tài sản của quốc gia. Sự chênh lệch này không phải mới phát xuất gần đây.

Những ai đã đặt chân đến Argentina đều không hiểu được tại sao đất nước này không thành công. Tên Argentina lấy từ tiếng Latin argentum có nghĩa là bạc (silver), đủ để nói lên sự giàu có về tài nguyên của xứ này, với diện tích rộng 2.78 triệu cây số vuông (lớn thứ 8 trên thế giới), bờ biển dài 5000km, dân số chỉ có 40 triệu. Argentina có tỉ lệ di dân người da trắng đến từ Âu Châu cao hơn cả Hoa Kỳ, trọn đất nước này nằm trong vùng khí hậu ôn đới với những cánh đồng xanh bao la bát ngát. Nói chung đất nước này có tất cả những yếu tố thuận lợi về địa lý, tài nguyên, khí hậu, dân số... vậy thì lý do gì khiến đất nước này không thành công?

Hai bài học của sự thành công

Argentina là một thí dụ cho thấy tài nguyên phong phú có khi là điều may nhưng cũng có khi là điều rủi. Hai quốc gia dưới đây cho thấy họ thành công có lẽ là vì không được thiên nhiên ưu đãi!

Sự thành công của Nhật Bản không làm ai ngạc nhiên vì đã có quá nhiều tài liệu viết về xứ sở này, nhưng sự thành công của hai nước Costa Rica và Botswana là hai trường hợp đặc biệt. Cả hai xứ sở này đều nằm ở vị trí địa lý vô cùng bất lợi – trong hai khu vực luôn được xem là 2 vùng tiêu biểu nhất cho sự thất bại về cả phương diện kinh tế lẫn chính trị – đó là vùng Châu Mỹ La Tinh và vùng phía nam của sa mạc Sahara. Thế mà họ đã làm được những phép lạ.

Costa Rica nằm ở Trung Mỹ, trong khu vực kinh tế yếu kém, chính trị bất ổn. Vào cuối thập niên 70 đến thập niên 80, đất nước này bị bao vây bởi chế độ Cộng Sản Nicaragua ở phía bắc và chế độ độc tài quân phiệt Panama ở phía nam.
Costa Rica không được thiên nhiên ưu đãi như Qatar, không được những yếu tố thuận lợi về địa lý, khí hậu, tài nguyên như Argentina.

Costa Rica là một xứ nhỏ bé, chỉ 51,000 cây số vuông, dân số 4.3 triệu, tài nguyên nghèo đến độ mà dưới thời thuộc địa, người Tây Ban Nha đã không thèm ngó ngàn gì đến vùng đất này, để mặc cho người địa phương tự quản trị lấy. GDP hiện nay của Costa Rica là 9500 Mỹ Kim (thuộc hạng trung bình - cao hơn Việt Nam hơn 6 lần) nhưng đây là một thành tích đáng nể đối với đất nước nghèo tài nguyên như Costa Rica. Điều quan trọng là đất nước này không có khoảng cách giàu nghèo như Argentina hay những xứ Nam Mỹ khác. Trong gần thế kỷ qua, Costa Rica là xứ thanh bình nhất của vùng Châu Mỹ La Tinh. Kể từ khi giành được độc lập vào năm 1823 đến nay, cuộc chiến dài nhất của xứ này kéo dài 60 ngày xảy ra vào năm 1948 và vào năm 1949 người dân Costa Rica quyết định bãi bỏ luôn quân đội - dùng chi phí đó cho những mục tiêu khác như giáo dục, xã hội, y tế... hữu ích hơn. Chính vì thế mà Costa Rica luôn được xem là một Thụy Sĩ của vùng Châu Mỹ La Tinh. Trong nhiều năm liền đất nước này được đánh giá là xứ hạnh phúc nhất thế giới (Happy Planet Index).

Trường hợp thứ hai là quốc gia Botswana nằm ở sub-saharan (vùng nghèo nhất thế giới hiện nay). Trong cuốn “Why nations fail”, tác giả đã dành ra nhiều trang để viết về sự thành công của đất nước này. Tại sao giữa một lục địa gồm toàn những xứ nghèo khổ và độc tài, Botswana lại thịnh vượng mặc dầu tài nguyên không có gì đáng kể, hơn thế nữa quốc gia này nằm ở vị trí không có biển (landlocked) - một yếu tố vô cùng bất lợi cho việc phát triển kinh tế và giao thương. Sau khi được Anh trao trả độc lập vào năm 1966, đất nước này chỉ có 22 sinh viên tốt nghiệp đại học, chỉ 10 cây số đường tráng nhựa, vậy mà hôm nay Botswana có GDP cao nhất vùng sub-Saharan và là một trong những quốc gia phát triển nhanh nhất thế giới.

Yếu tố nào đã tạo ra một Botswana thành công ở Phi Châu và một Costa Rica ở vùng Châu Mỹ La Tinh?

Lướt qua những điểm chánh của những công trình nghiên cứu về vấn đề giàu-nghèo của quốc gia trên thế giới

Những kinh nghiệm cá nhân của chúng ta cho thấy rằng sự khác biệt về giàu nghèo giữa người này với người khác là do từ di sản của gia đình, giáo dục, khả năng, sự cần cù chịu khó, tham vọng, đam mê....

Đối với một quốc gia, câu trả lời càng phức tạp hơn. Tuy nhiên nếu chúng ta tìm hiểu kỹ nguyên nhân đưa đến sự thành công của một số quốc gia như Hoa Kỳ, Canada, Úc, Hòa Lan, Thụy Sĩ, Nhật Bản, Costa Rica, Botswana... hay sự thất bại của một quốc gia như Việt Nam, Nigeria, Algeria, Congo, Sierre Leone, Mexico, Argentina.... thì sẽ thấy trong sự thành công và thất bại của những xứ này đều có một số điểm giống nhau.
Vậy những điểm giống nhau đó là gì?

Hầu hết những nhà nghiên cứu đều có chung một quan điểm là sự giàu-nghèo, thành-bại của một quốc gia tùy thuộc vào các yếu tố văn hóa, địa lý, tài nguyên, khí hậu, thể chế chính trị, chính sách kinh tế, người lãnh đạo... Như nhận định của sử gia David Landes: sự thành công của một quốc gia cũng phức tạp giống như sự thành công của một hôn nhân, nó không phải chỉ có một yếu tố mà là tổng hợp của nhiều yếu tố. Chỉ có điều là mỗi nhà nghiên cứu đặt tầm quan trọng lên mỗi yếu tố đó một trọng lượng khác nhau mà thôi.

- Tác phẩm đầu tiên phân tích nguyên nhân đưa đến sự giàu nghèo giữa các quốc gia là cuốn The Wealth of Nations (Sự giàu có của các quốc gia), xuất bản năm 1776 của Adam Smith (người Tô Cách Lan). Điều lý thú là Adam Smith không phải là một học giả về kinh tế, mà là Giáo sư Triết dạy tại Đại Học Glasgow (Professor of Philosophy at Glasgow University), nhưng ông đã viết một tác phẩm bất hũ về kinh tế. Lý thuyết kinh tế của ông vẫn còn có giá trị cho đến ngày hôm nay.

Theo ông, một nền kinh tế thịnh vượng phải thỏa mãn 3 yếu tố sau đây: tự do thị trường (free market), tự do trao đổi hàng hóa (free trade) và phân chia công việc (division of labor).
Adam Smith chống lại việc chính phủ xen vào thị trường và chủ trương hãy để cho thị trường tự điều chỉnh lấy mức cung-cầu và giá cả. Theo ông một khi thị trường tự do hoạt động, cộng với mức thuế thấp (low tariffs), thì sự trao đổi hàng hóa giữa các quốc gia sẽ tăng cao - kết quả mọi quốc gia sẽ giàu có hơn. Ông lấy sự thành công của nước Hòa Lan như một thí dụ điển hình.

- Thomas Lalthus (1766-1834) cho rằng nghèo khổ là do thặng dư dân số (overpopulation).

- Triết gia người Pháp Montesquieu (1698-1755) cho rằng yếu tố thời tiết đóng một vai trò quan trọng trong sự giàu nghèo giữa các quốc gia, bằng chứng là những quốc gia nằm ở vùng ôn đới hay hàn đới giàu hơn những quốc gia ở vùng nhiệt đới. Theo ông người ở vùng nhiệt đới do điều kiện khí hậu nóng nực thường lười biếng và thiếu óc tò mò. Cho nên họ làm việc không siêng năng và thiếu sáng kiến. Và đó là lý do tại sao họ nghèo hơn những người sống ở vùng khí hậu khác.

- Nhà xã hội học người Đức, Max Weber (1864-1920) thì cho rằng tôn giáo đóng một vai trò quan trọng trong sự giàu nghèo của các quốc gia. Tác phẩm The Prostestant Ethic and the Spirit of Capitalism (Đạo ký Tin Lành và Tinh thần của Chủ Nghĩa Tư Bản) xuất bản năm 1905, trong đó tác giả chứng minh cho thấy có một mối liên hệ chặt chẽ giữa đạo Tin Lành và sự phát triển của chủ nghĩa tư bản. Đạo Tin Lành do giáo sĩ Martin Luther (người Đức) sáng lập năm 1517, sau đó phát triển mạnh tại các quốc gia gia Đức, Hòa Lan, Anh, các xứ Bắc Âu.... Weber dẫn chứng rằng tất cả những xứ theo đạo Tin Lành giàu hơn những xứ Công Giáo ở miền Nam Âu Châu là vì đạo Tin Lành cởi mở, năng động, khoan dung và sáng tạo hơn Công Giáo. Khác với Công Giáo, đạo Tin Lành khuyến khích cả nam lẫn nữ đọc Thánh Kinh, điều này đã giúp nâng cao trình độ học vấn và dân trí của người Tin Lành. Đạo Công Giáo cho rằng giàu là tội lỗi, còn Tin Lành thì cho rằng giàu là một đặc ân của Chúa. Những nước theo đạo Tin Lành cũng không giết hại nhân tài như trường hợp Giordano Bruno (1600) hay Galileo (1642), bị giết chỉ vì nói những điều ngược với Giáo Hội La Mã.
Weber cho rằng chính những yếu tố nêu trên làm cho kinh tế của những xứ theo đạo Tin Lành phát triển hơn những xứ Công Giáo.

- Tác phẩm “Guns, Germs and Steel(Vũ khí, Vi trùng và Thép), của học giả Jared Diamond, xuất bản năm 1997, được giải thưởng Pulitzer, cho rằng sự giàu nghèo giữa các quốc gia tùy thuộc vào hai yếu tố chánh sau đây: vị trí địa lý và lịch sử nông nghiệp.

Vị trí địa lý:
a/ So với vùng ôn/hàn đới, vùng nhiệt đới có nhiều vi trùng làm cho con người bệnh hơn, cho nên năng suất lao động thấp hơn.
b/ Năng suất nông nghiệp ở vùng nhiệt đới thấp hơn vùng ôn/hàn đới vì:
- Điều kiện khí hậu ẩm ướt tạo ra nhiều côn trùng, sâu bọ phá hoại mùa màng.
- Đất đai ở vùng ôn/hàn mầu mỡ hơn nhờ những lớp tuyết (glacier) để lại chất dinh dưỡng.
c/ Những quốc gia không có biển (landlocked) bất lợi cho việc phát triển kinh tế. Tốn kém di chuyển hàng hóa bằng đường bộ cao gấp 7 lần đường biển.

Lịch sử nông nghiệp:
13,000 năm trước đây tất cả chúng ta đều là dân du mục, sau đó bắt đầu có những bộ lạc định cư lại một chỗ, tự trồng trọt và chăn nuôi để sinh sống, nền nông nghiệp ra đời từ đó. Một khi con người sống lại với nhau như một tập thể thì phải có một hình thức chính quyền nào đó, phải có quân đội, luật lệ...

Cho nên theo ông Diamond, những quốc gia nào có lịch sử nông nghiệp càng lâu đời thì càng có nhiều cơ hội xây dựng một thể chế chính trị và kinh tế hiệu quả. Sở dĩ ngày nay Âu Châu giàu hơn Phi Châu là vì nền nông nghiệp của Âu Châu có trước Phi Châu đến 4000 năm, cho nên người Âu Châu có nhiều kinh nghiệm hơn trong việc tổ chức xã hội và các thể chế phức tạp. Nam Hàn dễ thành công hơn Ghana vì Nam Ham có lịch sử định cư lâu đời hơn Ghana.
- Tác phẩm “The Wealth and Poverty of Nations” (Sự giàu có và nghèo khổ của các quốc gia) của học giả David S. Landes, xuất bản năm 1999, là công trình nghiên cứu công phu và xuất sắc.

Sau khi lượt qua lịch sử thịnh suy của các đế quốc và một số các quốc gia, ông cho rằng sự thành- bại của các quốc gia là tổng hợp của nhiều yếu tố: tài nguyên, địa lý, khí hậu, thể chế.... trong đó yếu tố văn hóa là quan trọng hơn tất cả.

Ông lấy Trung Quốc vào giữa thế kỷ 15 như một thí dụ. Ngoài biến động chính trị xảy ra tại Trung Quốc sau năm 1433 làm thay đổi từ chính sách mở cửa giao thương sang chính sách bế môn tỏa cảng, không giao thương với nước ngoài đã làm cho sức mạnh kinh tế của Trung Quốc giảm đi từ đó, theo David Landes, Trung Quốc vào thời điểm đó đã thua nước Anh vì yếu tố quan trọng khác - đó là yếu tố văn hóa. Trong lúc văn hóa Anh khuyến khích thương mại, mạo hiểm, thích học hỏi và sáng tạo, thì người Trung Hoa lúc nào cũng tự cao tự đại - cho rằng mình là trung tâm của vũ trụ, cộng thêm tâm lý sẵn sàng thuần phục trước bạo quyền, đã làm cho họ trở nên lười học hỏi và cải tiến (Such cultural triumphalism combined with petty downward tyranny made China a reluctant improver and a bad learner, “The wealth and poverty of nations”, page 336).

Chính sự khác biệt văn hóa này đã làm cho nước Anh tiến bộ, còn Trung Quốc tụt hậu, và theo ông đó cũng là một trong những lý do tại sao cuộc Cách Mạng Kỹ Nghệ đã xảy ra tại Anh. Ông đi đến kết luận: “Nếu chúng ta đã học qua lịch sử phát triển kinh tế, chính yếu tố văn hóa làm thay đổi tất cả” (If we learn anything from the history of economic development, it is that culture makes all the difference, page 516).

Nhưng ông cũng nói thêm rằng: để tạo ra sự thịnh vượng – thì yếu tố văn hóa không chưa đủ, mà còn phải cần thêm một yếu tố khác - yếu tố đó là kinh tế thị trường (market economy).

- Quan điểm của David Landes được sự ủng hộ rộng rãi của giới trí thức, trong đó có Samuel P. Huntington, một nhà khoa học chính trị khá nổi tiếng của Đại Học Harward, trong một nghiên cứu có tựa đề là “Culture Count” (Văn Hóa Quyết Định), ông Huntington mở đầu tiểu luận của mình bằng cách kể lại rằng vào đầu thập niên 90, trong lúc kiếm tài liệu ông đã tình cờ tìm thấy được “data” của hai nước Ghana và Nam Hàn vào đầu thập niên 60. Ông rất ngạc nhiên khi khám phá ra rằng vào thời điểm đầu thập niên 60, kinh tế của hai nước này quá giống nhau, từ tổng sản lượng quốc gia (GNP) cho đến mô thức sản xuất kinh tế. Nhưng 30 năm sau Nam Hàn có nền kinh tế đứng hàng thứ 14 trên thế giới và xuất cảng đủ loại sản phẩm kỹ thuật cao, trong lúc đó thì Ghana không có gì thay đổi nhiều, GDP chỉ bằng 1/5 của Nam Hàn. Tác giả kết luận rằng chính yếu tố văn hóa đã đóng vai trò quan nhất tạo ra sự khác biệt này, văn hóa Nam Hàn coi trọng giáo dục, tinh thần kỷ luật, cách tổ chức, đầu tư và tiết kiệm. Những yếu tố mà người Ghana không có(6).

- Vào tháng 3 năm nay (2012) một tác phẩm khác về đề tài này được phát hành rộng rãi gây nhiều chú ý trong giới khoa bảng, đồng thời cuốn sách này cũng tạo ra một cuộc tranh luận kéo dài, vì tác giả đưa ra quan điểm hoàn toàn khác với những quan điểm trước đây.
Tác phẩm có tên là “Why Nations Fail” (Tại sao những quốc gia thất bại). Hai tác giả cùng viết chung là hai học giả uyên bác đang dạy tại hai trường đại học nổi tiếng nhất thế giới: Daron Acemoglu, Giáo sư Kinh Tế của Đại Học MIT và James A. Robinson, Giáo sư Khoa Học Chính Trị của Đại Học Harvard. Sách dầy 528 trang.

Daron Acemoglu và James A. Robinson (AR) đã mất 15 năm nghiên cứu để hoàn tất tác phẩm này. Rất hiếm có một tác phẩm nào mà trong số 19 người khen ngợi có đến 6 nhà kinh tế được giải thưởng Nobel. Trong đó lời của George Akerlof, được Giải thưởng Nobel Kinh tế năm 2001, đủ để nói lên giá trị của cuốn sách này: “Trong quá khứ một triết gia không nổi tiếng, người Tô Cách Lan đã viết một cuốn sách về những yếu tố nào làm nên một quốc gia thành công và một quốc gia thất bại. Tác phẩm ‘Sự Thịnh Vượng của những quốc gia’ vẫn còn được đọc cho đến ngày hôm nay. Với cùng sự sáng suốt và một cái nhìn sâu rộng về lịch sử, Daron Acemoglu và James Robinson đã bàn luận lại một câu hỏi tương tự trong thời đại của chúng ta. Hai trăm năm sau, cháu chắt của chúng ta, tương tự như chúng ta hôm nay, sẽ vẫn đọc “Tại sao những quốc gia thất bại.”(7).

Hai ông AR cho biết là họ không viết cuốn “Tại sao những quốc gia thất bại” cho giới hàn lâm khoa bảng, mà chủ yếu là cho tất cả mọi người. Có lẽ vì thế cho nên cuốn sách được viết với lối hành văn rất dễ hiểu và không đòi hỏi người đọc phải có một chút kiến thức về kinh tế như những cuốn sách khác.

Theo nhận xét của người viết, trong những cuốn sách viết về đề tài này thì đây là cuốn sách lý thú nhất. Không có cuốn sách nào tác giả dẫn chứng cho người đọc nhiều thí dụ cụ thể như cuốn sách này.

Hai tác giả AR đưa ra quan điểm hoàn toàn khác với những học giả trước đây. Sau khi nghiên cứu quá trình lịch sử của thế giới, hai ông khẳng định rằng sự giàu-nghèo của một quốc gia không phải do yếu tố văn hóa, cũng không phải do yếu tố địa lý, khí hậu, cũng không phải do tài nguyên... mà chỉ do một yếu tố duy nhất - đó là thể chế (institution). Điều đó giải thích lý do tại sao Costa Rica, Botswana thịnh vượng còn những xứ chung quanh thì nghèo khổ. Ngay sau khi giành được độc lập, hai xứ này đã chọn thể chế chính trị đa nguyên (pluralism), còn những xứ chung quanh thì chọn thể chế chính trị độc tài.

Mặc dầu không đồng quan điểm với hai ông AR khi cho rằng những yếu tố như văn hóa, địa lý, khí hậu không có một ảnh hưởng nào trong sự giàu-nghèo của một quốc gia, nhưng phải nhìn nhận rằng càng đọc kỹ tác phẩm của hai ông, người viết càng thấy nó qua đúng đối với hoàn cảnh của đất nước VN hôm nay.

Việt Nam nghèo khổ, lạc hậu, giáo dục xuống cấp, đạo đức suy đồi như ngày hôm nay là do chế độ độc tài CS gây ra, giống như hai ông AR đã dẫn chứng nhiều trường hợp tương tự đã xảy ra ở Phi Châu và Nam Mỹ. Và những bế tắc đó chỉ có thể giải quyết một khi chế độ độc tài không còn nữa.

Văn hóa không thể không có một vai trò nào trong sự giàu-nghèo của một quốc gia, văn hóa luôn luôn biến đổi và thịnh suy theo sự thăng trầm của đất nước, nhưng văn hóa chỉ có tác dụng tích cực trong môi trường tự do. Còn trong hoàn cảnh như đất nước VN hôm nay, khi mọi thứ liên quan đến văn hóa đều nằm dưới sự kiểm soát chặt chẽ của đảng, thì chỉ còn lại một thứ văn hóa nô dịch phục vụ cho đảng mà thôi.

Chúng ta sẽ bàn sâu hơn về tác phẩm “Tại sao những quốc gia thất bại” trong bài tiếp theo tuần tới.

Phạm Hoài Nam

Ghi chú:
(1) Poverty: http://en.wikipedia.org/wiki/Poverty and Poverty Facts and Stats :  http://www.globalissues.org/article/26/poverty-facts-and-stats
(2) The wealth and poverty of nations, page 504
(3) The wealth and poverty of nations, Davied S. Landes page 523
(4) Theo Wilkepidia - Spain Empire, http://en.wikipedia.org/wiki/Spanish_Empire
(5) Culture matters, Lawrance E. Harrion and Samuel P. Huntington, page 19
(6) Culture matters, Lawrance E. Harrion and Samuel P. Huntington, page 13
(7) Backpage of “Why nations fail”.








No comments:

Post a Comment

View My Stats