Hùng Tâm/Người Việt
Wednesday,
September 05, 2012 3:53:37 PM
Giới
Thiệu:
Thời sự dồn dập hàng ngày trên Ðịa cầu có thể giúp chúng ta biết được rằng
chuyện gì đang xảy ra trên thế giới. Tuy nhiên, nhiều khi chúng ta không hiểu
được vì sao lại xảy ra một biến cố như vậy, và hậu quả sau này sẽ ra sao....
Cũng vì lý do ấy, nhật báo Người Việt mở thêm một tiết mục và lưu trữ trên
trang mạng Người Việt Online để quý độc giả tham khảo. Ðó là mục “Hồ Sơ
Người-Việt”, xuất hiện ngày Thứ Năm mỗi tuần, với nội dung trình bày khung cảnh
khách quan của một vấn đề và, nếu có thể, một số dự báo về tương lai hầu độc
giả khỏi ngỡ ngàng khi sự biến xảy ra. Xin trân trọng giới thiệu cùng quý độc
giả...
Hillary
Clinton trở lại Ðông Á
Nếu tháng 6 năm 2008, khuynh hướng thiên tả của đảng Dân Chủ
không bất ngờ bỏ rơi Nghị Sĩ Hillary Clinton để ủng hộ Nghị Sĩ Barack Obama thì
có lẽ giờ này, Tổng Thống Hillary Clinton đang tái tranh cử và bận rộn tại đại
hội đảng Dân Chủ ở thành phố Charlotte của tiểu bang North Carolina.
Nhưng
thay vì có một nữ tổng thống đầu tiên, Hoa Kỳ có một tổng thống đầu tiên gốc
Phi Châu và tuần này, Ngoại Trưởng Hillary Clinton hoàn toàn vắng mặt trên
chính trường Mỹ.
Bà
quay về Châu Á. “Hồ Sơ Người-Việt” theo dõi chuyến đi vì nó phản ảnh một sự
xoay chuyển chậm rãi mà đa diện của Hoa Kỳ.... Chậm rãi vì khởi sự từ đã lâu và
sẽ chỉ có kết quả trong vài năm tới và đa diện vì gồm cả khía cạnh an ninh lẫn
kinh tế. Xin bắt đầu từ Ngoại Trưởng Clinton.
Ngoại Trưởng Clinton và Châu Á
Không
đứng phó cho liên danh Dân Chủ trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2008, bà
Clinton nhận lời làm ngoại trưởng cho Tổng Thống Obama và mở đầu sự nghiệp
ngoại giao của mình bằng chuyến Á du đầu tiên vào tháng 2 năm 2009 để thăm Nhật
Bản, Nam Dương (Indonesia), Nam Hàn và Trung Quốc. Ðấy là một sự lạ vì thông
thường, các ngoại trưởng Mỹ đều bắt đầu sự nghiệp ngoại giao qua chuyến viếng
thăm các nước đồng minh tại Âu Châu.
Có
hai lý do giải thích sự hãn hữu này. Thứ nhất là về nội tình chính trị Hoa Kỳ.
Sau
khi chấp chánh từ đầu năm 2009, Tổng Thống Obama muốn trực tiếp giám sát chính
sách đối ngoại của Mỹ tại những điểm nóng nhất qua việc bổ nhiệm các đặc sứ làm
đại diện trực tiếp của ông và báo cáo thẳng cho ban tham mưu về an ninh và đối
ngoại tại Tòa Bạch Cung. Các hồ sơ nóng, liên quan đến thế giới Hồi Giáo, đến
chiến trường Iraq hay Afghanistan, đến Trung Ðông và Israel, được ông trao cho
người khác, như George Mitchell hay Richard Holbrook, chứ không nằm trong phạm
vi giải quyết của ngoại trưởng. Với Liên Bang Nga thì đó là trách nhiệm của Phó
Tổng Thống Joe Biden. Vì vậy, bà Clinton đành nhận phần vụ thu hẹp tại Á Châu.
Lý
do thứ hai là bề nào thì Hoa Kỳ cũng đang tìm cách giải kết khỏi hai chiến
trường nóng và mối quan tâm kéo dài cả chục năm về thế giới Hồi Giáo để trở lại
khu vực trọng yếu hơn cho kinh tế và an ninh của nước Mỹ. Khu vực đó hết là Tây
Âu như trong thế kỷ 20 mà là Ðông Á. Chính quyền George W. Bush cũng đã trù
tính việc đó mà không kịp trở tay vì vụ khủng bố Hồi Giáo vào tháng 9 năm 2001.
Vì
vậy, Ngoại Trưởng Clinton chuẩn bị cho việc Hoa Kỳ trở về Ðông Á.
Do
chủ trương hòa hoãn của tổng thống Mỹ, trong chuyến Á du đầu tiên vào tháng 2
năm 2009, bà Clinton đưa ra lập luận quá ôn hòa với Bắc Kinh (“không nên để vấn
đề nhân quyền chi phối quan hệ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc”). Sau đó bà đã nhiều
lần trở lại Ðông Á và thăm viếng mọi quốc gia trong khu vực, kể cả Việt Nam,
ngoại trừ bốn nước là Bắc Hàn, Brunei, Ðông Timor và Ðài Loan, nhưng nêu lên
những nhận xét cứng rắn hơn với Trung Quốc.
Trong
các phiên họp định kỳ, hai năm một lần, của Diễn đàn Ðối thoại về Kinh tế và
Chiến lược với Trung Quốc, bà Clinton là trưởng đoàn của phái bộ Mỹ và nói
chuyện trực tiếp với Ủy Viên Quốc Vụ Viện Ðới Bỉnh Quốc, người chỉ đạo chánh
sách ngoại giao của Trung Ương Ðảng Cộng Sản Trung Hoa. Tin tức từ các buổi
tiếp xúc này cho thấy Ngoại Trưởng Clinton có lời phát biểu thẳng thắn hơn chứ
không còn ngoại giao như trong lần đầu tiên viếng thăm Bắc Kinh.
Tuần
này, bà Clinton ghé Cook Islands để tham dự Diễn đàn Hải đảo Thái Bình Dương
rồi bay qua Indonesia, Trung Quốc, Ðông Timor, Brunei trước khi kết thúc 12
ngày Á du bằng hội nghị cấp ngoại trưởng của Diễn đàn Hợp tác Á Châu Thái Bình
Dương APEC, năm nay được Liên Bang Nga tổ chức tại Vladivostok, một thành phố
Viễn Ðông của Nga.
Trong
các ngoại trưởng Hoa Kỳ, từ Thomas Jefferson cho đến nay, Hillary Clinton là
người chú ý nhiều nhất đến Châu Á, có lẽ còn hơn Ngoại Trưởng Henry Kissinger
cách đây 40 năm. Tháng 11 năm ngoái bà còn viết bài tiểu luận trên tạp chí
Foreign Policy với tựa đề Thế Kỷ Thái Bình Dương của Hoa Kỳ (America's Pacific
Century) có nội dung tái khẳng định sự quan tâm rất chính đáng của nước Mỹ về
khu vực chiến lược này.
Vì vậy, nếu theo dõi kỹ, người ta có
thể thấy ra hai ba chuyện tại thủ đô Hoa Kỳ.
Thứ nhất, Ngoại Trưởng
Clinton đón đầu lịch sử mà đưa hồ sơ Á Châu lên hạng ưu tiên và trở thành
chuyên gia Châu Á trong hàng ngũ những người làm chính sách đối ngoại của nước
Mỹ. Thứ hai, các đại tổ hợp Hoa Kỳ
thì vẫn muốn duy trì một chính sách hòa hoãn với Bắc Kinh và tác động mạnh vào
chính quyền Obama, nhất là trong một năm tranh cử rất cần tiền vận động như năm
nay. Nhưng trong nỗ lực chuyển hướng, Ngoại Trưởng Clinton được giới chức quân
sự và an ninh hậu thuẫn vì họ thấy ra vị trí quan trọng của Châu Á cho quyền
lợi lâu dài của Hoa Kỳ. Từng ở trong Ủy Ban Quân Vụ Thượng Viện khi còn là nghị
sĩ, bà Clinton đã có quan hệ khắng khít với các tướng lãnh và được họ nể trọng.
Nhưng vấn đề không chỉ là cá nhân của
Hillary Clinton vì nhìn trong trường kỳ thì nước Mỹ phải chuyển hướng quan tâm
về Châu Á. Lý do đơn giản chính là sự
lớn mạnh và quá hung hăng của Trung Quốc.
Một sự xoay chuyển 360 độ
Về
đại lược, chính quyền Obama vẫn nói giọng ôn hòa với Bắc Kinh và duy trì cách
giải quyết đầy tính chất thỏa hiệp của Tổng Trưởng Ngân Khố Timothy Geithner.
Có thể là do sự vận động của doanh gia tài phiệt đang kiếm lời nhờ thị trường
Trung Quốc. Nhưng trong thực tế thì Ngoại Trưởng Hillary Clinton đã lặng lẽ
đóng chốt ở các trung tâm nhạy cảm nhất của khu vực Ðông Á.
Chúng
ta nên chú ý đến các trung tâm này.
Thí
dụ như vì sao bà lại đi mãi tới phía cực Nam của Thái Bình Dương để dự hội nghị
của Diễn đàn Hải đảo Thái Bình Dương ở Cook Islands? Khu vực hẻo lánh ấy tiếp
giáp với New Zealand (Tân Tây Lan) và Úc nhưng lại được Trung Quốc kín đáo
chiếu cố từ nhiều năm nay với các dự án đầu tư và viện trợ tại Fiji hay Solomon
Islands và thậm chí Cộng Hòa Ðông Timor.
Sau
vụ khủng hoảng Ðông Á và sự sụp đổ của chế độ Suharto tại Indonesia vào năm
1999, quan hệ giữa Úc và các quốc gia hải đảo nhỏ xíu tại Nam Thái Bình Dương
đã có lúc nguội lạnh và tạo cơ hội cho Bắc Kinh nhấn tới. Vì vậy, chính quyền
Úc mới tìm cách cải thiện mối bang giao với các quốc gia này và sau khi ký kết
hiệp ước quân sự Darwin với Hoa Kỳ để sẽ nhận 2,500 binh lính Thủy Quân Lục
Chiến trong những năm tới, việc mở ra Diễn đàn Hải đảo Thái Bình Dương là một nỗ
lực kết hợp với Hoa Kỳ.
Ngoại
Trưởng Clinton đến dự hội nghị tại Cook Islands là trong chiều hướng đó.
Một
trung tâm khác đã được bà thăm viếng và thắt chặt quan hệ hợp tác là Hiệp Hội
ASEAN của 10 quốc gia Ðông Nam Á. Bên trong ASEAN có năm nước dưới hạ nguồn
sông Mekong, thành viên của Ủy Ban Tiểu Vùng Mekong, là Miến Ðiện, Thái Lan,
Lào, Cam Bốt và Việt Nam. Clinton là ngoại trưởng đầu tiên của Mỹ đã dự hội
nghị Tiểu Vùng Mekong và đưa ra nhiều sáng kiến hợp tác cùng viện trợ.
Lần
này, bà đến Indonesia và Brunei cũng trong ý hướng đó vì Brunei sẽ làm chủ tịch
luân phiên của Hiệp Hội ASEAN trong niên khóa 2013. Sau khi Cambodia nói ngang
giở bướng về lập trường chung của khối ASEAN với Bắc Kinh, Hoa Kỳ không để tái
diễn tình trạng thiếu thống nhất đó. Nhất là khi Ngoại Trưởng Dương Khiết Trì
của Trung Quốc cũng đã tới Brunei hồi đầu năm để tìm một đòn bẩy khác nhằm ly
gián khối này.
Ngẫm
lại thì việc yểm trợ sự chuyển hóa của Miến Ðiện qua thể chế dân chủ cùng với
nỗ lực tăng cường hợp tác với Lào và Cambodia vẫn nằm trong một chiến lược
chung là tranh thủ niềm tin của các nước ASEAN, để từng nước khỏi bị Bắc Kinh
lung lạc và gây rạn nứt bên trong tổ chức. Người ta cũng không quên rằng sau
khi chính quyền Phnom Penh cản trở một bản thông cáo chung của ASEAN, Ngoại
trưởng Indonesia có phản ứng rất mạnh. Lần này gặp gỡ bà Clinton, tất nhiên là
ông sẽ nhắc đến nhu cầu củng cố sự thống nhất ý kiến của ASEAN.
Không
phải ngẫu nhiên mà thông tấn xã Kyodo của Nhật loan tin là một sĩ quan Hải Quân
Philippines đã cho biết hôm mùng 4 rằng Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ đang dự tính
thiết lập một tiền trạm trên đảo Palawan của Philippines, đối diện với vùng
quần đảo Spratly (Trường Sa). Dự án đó của Hoa Kỳ tất nhiên là phải có sự thỏa
thuận, hoặc yêu cầu, của chính quyền Manila.
Nhưng
sự chuyển hướng của Hoa Kỳ còn đa dạng hơn vậy.
Vòng đai xuyên Thái Bình Dương
Khi
kiểm lại một vòng đối ngoại của Hillary Clinton, giới quan sát có thể thấy ra
một điểm là Hoa Kỳ xoay đủ 360 độ và không để một kẽ hở nào ở chung quanh Trung
Quốc.
Từ
việc hợp tác và tập trận với Nam Hàn đến việc nâng tầm phòng thủ chiến lược cho
Nhật Bản, Hoa Kỳ đã lặng lẽ củng cố thêm sức mạnh cho các cường quốc Ðông Bắc Á
đang đối diện với Trung Quốc. Mối quan tâm đáng chú ý hơn thế chính là các nước
Ðông Nam Á. Ngoại Trưởng Clinton nhấn mạnh như vậy trong chuyến Á du kỳ này và
cũng để chuẩn bị cho Tổng Thống Obama xuất hiện tại Cambodia vào tháng 11 tới
đây.
Trước
những động thái mở rộng của Hoa Kỳ, lãnh đạo Bắc Kinh và nhiều chiến lược gia
quốc tế có thể nghĩ đến không khí Chiến Tranh Lạnh trước năm 1991, khi Hoa Kỳ
phải be bờ ngăn chặn Liên Bang Xô Viết. Nhưng hình như điều ấy không còn đúng
với thực tế của thế kỷ 21.
Kinh
tế thế giới ngày nay đã “nhất thể hóa” vì các nước đều tấp nập buôn bán với
nhau trong luồng giao dịch thống nhất và toàn cầu. Hoa Kỳ không thể phong tỏa
kinh tế Iran chứ đừng nói đến kinh tế Trung Quốc, một đối tác mậu dịch và đầu
tư quan trọng của Mỹ. Nói cách khác, kinh tế toàn cầu hóa đã khiến các nước đều
phải buôn bán và thực tế là cần nhau.
Nhưng
lãnh đạo Trung Quốc lại không nghĩ như vậy vì chính họ mới bị sức hút của quá
khứ nên nhìn mọi chuyện như một cuộc đấu tranh theo lối mất còn.
Khi
ấy, ta mới trở lại sáng kiến thành lập hệ thống Ðối tác Kinh tế Chiến lược
Xuyên Thái Bình Dương (Trans-Pacific Strategic Economic Partnership Agreement)
do Tổng Thống Bush khơi mào từ đầu năm 2008 để tiến dần tới Hiệp định Ðối tác
Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương hay TPP. Ðây là diễn đàn hợp tác chiến
lược về tự do mậu dịch giữa 12 quốc gia trong khu vực Thái Bình Dương và sẽ còn
mở rộng cho nhiều nước khác mà không có Trung Quốc.
Nỗ
lực kết hợp ấy của Hoa Kỳ khiến Bắc Kinh cực kỳ khó chịu nhưng khó phản ứng vì
cái tội căn bản: không tôn trọng luật lệ bảo vệ tác quyền mà còn bảo vệ hệ
thống kinh tế nhà nước.
Ðầu
tháng tháng 9 sẽ có kỳ họp thứ 14 do Hoa Kỳ triệu tập tại thành phố Leesburg
bên Virginia để hy vọng hoàn tất bản hiệp định TPP nội năm nay như Tổng Thống
Obama đề nghị. Chỉ tiêu ấy có khi là quá lạc quan. Trong bối cảnh tranh cử, với
thất nghiệp quá cao và việc bảo vệ tác quyền không được tôn trọng, chính hiệp
định TPP lại thành đề mục tranh cãi giữa hai đảng về đối sách với Trung Quốc.
Phía
Dân Chủ sẽ lúng túng trước áp lực Cộng Hòa nếu tiếp tục bỏ qua nhiều vi phạm và
nhất là nạn ăn cắp tác quyền của Trung Quốc. Trong một kỳ khác, “Hồ Sơ
Người-Việt” sẽ trình bày chuyện ăn cắp này, xin quý độc giả đón xem.
Kết luận ở đây là gì?
Vòng liên hoàn đang
được đan kết chung quanh Trung Quốc vẫn nhắm vào một nhược điểm sinh tử của Bắc
Kinh: họ không tôn trọng
luật chơi của quốc tế. Ngoại Trưởng Hillary Clinton có đi khắp
vùng Châu Á để nói về vai trò Thái Bình Dương của Mỹ thì vẫn dẫn đến lập luận
là Trung Quốc phải tôn trọng luật chơi của thế giới và không thể xâm phạm quyền
lợi của Hoa Kỳ.
Quan
điểm của bà cũng là quan điểm của phe Cộng Hòa trong đối sách cứng rắn hơn với
bắc Kinh!
Trung
Quốc lâm thế kẹt vì Hoa Kỳ xây dựng vành đai phòng thủ mà vẫn mở cánh cửa hợp
tác kinh tế miễn là Bắc Kinh chấp nhận quy luật hành xử của các nước trên thế
giới. Bảo rằng Mỹ nói nước đôi cũng đúng, mong là Hoa Kỳ sẽ tích cực bảo vệ các
nước khác thì chưa chắc. Nhưng Bắc Kinh khó tự tung tự tác và sẽ càng khó hơn
kể từ năm tới, dù Hillary Clinton hết làm ngoại trưởng như bà đã nói nhiều lần.
No comments:
Post a Comment