Monday 24 September 2012

SỰ TRẢ THÙ MẤT TRÍ (Thùy Linh)





Thứ hai, tháng chín 24, 2012

Ảo tưởng ban đầu về một nhà nước vì dân, do dân, của dân khiến người ta tự nguyện thế chấp sổ đỏ Hoài bão để tham gia cuộc đấu tranh long trời lở đất. Khi giành được chính quyền mọi người hân hoan và cho rằng, sự thế chấp sổ đỏ đó là xứng đáng.

Để chính quyền đó tồn tại và phát triển, người dân tiếp tục tự nguyện thế chấp sổ đỏ Hy sinh. Họ hy sinh xương máu, chịu đựng mọi gian khó để chính quyền không bị xâm hại. Vẫn tin tưởng sự hy sinh đó sẽ được tưởng thưởng xứng đáng.

Khi chính quyền bộc lộ những yếu kém, người dân cố gắng thế chấp sổ đỏ Ảo tưởng rằng, để chính quyền vững mạnh, cần có những thất bại để làm bài học cho tương lai. Và chính quyền đang nỗ lực vì một tương lai cho chính họ và gia đình họ. Ảo tưởng khiến người dân tiếp tục hy sinh, chịu đựng.

Tới lúc chính quyền bộc lộ quá nhiều khiếm khuyết, hạn chế người dân kiên nhẫn gán nợ sổ đỏ Cam chịu để hy vọng sự hồi tâm của kẻ có chức quyền – những người mà họ đã từng cưu mang, bảo vệ khi chiến tranh, loạn lạc, nghèo đói. Sự cam chịu lâu đến mức trở thành nét tính cách khiến họ bị “thua lỗ” trong cuộc thế chấp mịt mùng không lối thoát.

Sau những gì chính quyền của dân, do dân, vì dân thể hiện, người ta không còn tự nguyện mà bị cưỡng bức thế chấp sổ đỏ Niềm tin. Tước đoạt sổ đỏ này, chính quyền viện trợ “không hoàn lại” sự tuân phục. Tới đây người dân bắt đầu bị phân hóa: người cúi đầu ngoan ngoãn sử dụng sự tuân phục không hé lời; kẻ biến sự tuân phục có lợi cho bản thân mình trong con đường hoan lộ danh lợi, tiền tài…

Khi không còn gì hết ngoài sổ đỏ Chán ngán thì chính quyền thu gom theo nhiều cách, mà cách thông thường nhất là thu hồi đem tiêu hủy. Nhiều người buông xuôi để người ta sử dụng sổ đỏ đó theo tùy thích vì họ cũng không biết dùng để làm gì ngoài sự bất mãn, khó chịu. Số người khác đem sổ đỏ này đi thế chấp để mua Sự thật một cách âm thầm theo những cách có thể. Biết sự thật để thêm đau đớn, khổ sở, và sẽ càng khốn khổ nếu như họ lâm vào tình thế bất lực. Số ít không cam chịu nên dùng sổ đỏ Chán ngán đầu tư cho Niềm tin của mình và nhiều người khác. 

Tới lúc người dân không còn gì, ngoài lòng căm hận thì chính quyền độc tài tung dự án Đàn áp ra để chiếm đoạt sổ đỏ Tự do của con người. Sẽ có người bị khuất phục như là lý lẽ cuộc sống. Nhưng phần lớn là thất bại như là chân lý của lẽ phải. Vì có kẻ độc tài nào thu gom được Tự do tâm hồn? Tù đày, giam cầm, án phạt, bạo lực chỉ càng khiến những chiến binh thực thụ củng cố, tăng trưởng Tự do cho tâm hồn họ. Với những chiến binh này chính quyền đừng hy vọng bắt họ thế chấp sổ đỏ của Tự do – mà cao cả nhất, điều mà không một sức mạnh nào có thể tước đoạt được, đó là tự do tâm hồn. Những 12, 10 hay 4 năm tù đày chỉ là thời gian giam cầm thân xác, nhưng sức mạnh của những tâm hồn tự do kia có thể dẫn truyền đến hàng triệu người có lương tri trên toàn thế giới – một sức mạnh hơn cả bom nguyên tử, một sức mạnh không thể hủy diệt. 

Bản án dành cho những blogger cất tiếng nói ôn hòa gấp ba lần án tù cho những kẻ khoác áo công quyền để giết người đã là bản án tự kết án cho chế độ được tạo ra từ những nghịch lý: Ảo tưởng, Bất tin, Bất tín, Căm hận, Chán ngán…Và người xưa đã đúc kết: “bạo phát, bạo tàn”. Nếu chính phủ tiếp tục phát hành những “trái phiếu độc đoán, chuyên chế” thì họ sẽ gặt về dự án Sụp đổ như đã từng trước đây với những Vinashin, Vinaline…Bởi nhân dân không còn gì để thế chấp, không còn gì để họ có thể cướp bóc, đàn áp ngoài sự oán thán, căm hận – những cái mà chính quyền không hề muốn nhân về.

Không biết còn kéo dài bao lâu nữa sự trả thù mất trí này?  

*
Một bạn gửi cho xem lại bài thơ của nhà thơ Lưu Quang Vũ - Bài thơ dường như viết dành cho tâm trạng những ngày này...Post để tặng bạn bè nhé:

Việt Nam ơi

Những áo quần rách rưới
Những hàng cây đắm mình vào bóng tối
Chiều mờ sương leo lắt đèn dầu
Lũ trẻ ngồi quanh mâm gỗ
Lèo tèo mì luộc canh rau

Mấy mươi năm vẫn mái tranh này
Dòng sông đen nước cạn
Tiếng loa đầu dốc lạnh
Tin chiến trận miền xa

Những người đi chưa về
Những quả bom hầm hào sụt lở
Những tên tướng những lời hăm dọa
Người ta định làm gì Người nữa
Việt Nam ơi?

Mấy mươi năm đã mấy lớp người
Chia lìa gục ngã
Đã tận cùng nỗi khổ
Người ta còn muốn gì Người nữa
Việt Nam ơi?
Người đau thương, tôi gắng gượng mỉm cười
Gắng tin tưởng nhưng lòng tôi có hạn
Chiều nay lạnh, tôi nghẹn ngào muốn khóc
Xin Người tha thứ, Việt Nam ơi

Tổ quốc là nơi tỏa bóng yên vui
Nơi nghĩ đến lòng ta yên tĩnh nhất
Nhưng nghĩ đến Người lòng tôi rách nát
Xin Người đừng trách giận, Việt Nam ơi

Tôi làm sao sống được nếu xa Người
Như giọt nước bậu vào bụi cỏ
Như châu chấu ôm ghì bông lúa
Người đẩy ra tôi lại bám lấy Người
Không vì thế mà Người khinh tôi chứ
Việt Nam ơi.

Không vì tôi đau khổ rã rời
Mà Người ghét bỏ?
Xin Người đừng nhìn tôi như kẻ lạ
Xin Người đừng ghẻ lạnh, Việt Nam ơi

Người có triệu chúng tôi, tôi chỉ có một Người
Tất cả sẽ ra sao
Mảnh đất nghèo máu ứa?
Người sẽ đi đến đâu
Hả Việt Nam khốn khổ?
Đến bao giờ bông lúa
Là tình yêu của Người?

Đến bao giờ ngày vui
Như chim về bên cửa?
Đến bao giờ Người mới được nghỉ ngơi
Trong nắng ấm và tiếng cười trẻ nhỏ?
Đến bao giờ đến bao giờ nữa
Việt Nam ơi?
 
(Lưu Quang Vũ - Tập thơ Bầy Ong Trong Đêm Sâu)








No comments:

Post a Comment

View My Stats