Sunday, 2 September 2012

SINH HOẠT ĐẢNG CỘNG SẢN TẠI BA LAN - CHUYỆN BÂY GIỜ MỚI KỂ (Mạc Việt Hồng)







Đọc các phần viết trước:


Lãnh đạo hội đoàn đang khấn vái ở điện thờ Hồ Chí Minh trong trụ sở ĐSQ VN tại Ba Lan. Ảnh Queviet.pl

Quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Ba Lan có từ những năm 1950s. Cũng từ đó, sinh viên, nghiên cứu sinh và các đoàn cán bộ Việt Nam đặt chân tới Ba Lan. Cùng với họ là các sinh hoạt đảng cộng sản. Trải qua mấy chục năm, ở Ba Lan đã hình thành một cộng động khoảng 50 ngàn người Việt.

Sẽ không có gì đáng nói, nếu như chế độ cộng sản ở Ba Lan không sụp đổ, và sau đó, Hiến pháp Ba Lan không đưa điều khoản loại trừ chủ nghĩa cộng sản như một nguyên tắc cơ bản trong sinh hoạt chính trị và xã hội của đất nước.
Song, bất chấp sự nghiêm cấm của Hiến pháp Ba Lan, sinh hoạt đảng CS trong cộng đồng người Việt vẫn diễn ra đều đặn trong 2 thập niên qua.

Sở dĩ có chuyện “bây giờ mới kể” vì tâm lý dĩ hòa vi quý của nhóm hoạt động đối lập người Việt; vì quan điểm làm được gì tốt cho cộng đồng thì làm, còn chuyện buôn lậu, trốn thuế, hay sinh hoạt đảng; không ai bới ra làm gì.

Nhưng “phe cộng sản” dường như không hiểu điều này, khi họ ngày càng tỏ ra ngang ngược và vi hiến. Nên, đã đến lúc, chuyện này cần phải ra công luận, và qua đó, chúng tôi hy vọng tìm được một giải pháp chung.

Chủ tịch hội “Người Việt Nam tại Ba Lan” là đảng viên cộng sản

Trước tiên, xin được bắt đầu với ông Lê Thiết Hùng, chủ tịch hội “Người Việt Nam tại Ba Lan”.

Câu chuyện xung quanh “thân thế sự nghiệp” của chủ tịch Hùng có vẻ nhiều rắc rối. Trong đời sống hàng ngày, ông Hùng thường nói, mình tuổi canh dần (1950), nhưng trên giấy tờ, ông sinh năm 1953. Chuyện đảng tịch cũng vậy, với người này ông nói là đảng viên, với người khác lại nói không.

Chẳng những là đảng viên, ông Hùng còn là một người CS yêu đảng đến cuồng nhiệt, mong đảng ngày càng vững mạnh, trường tồn mãi mãi. Thậm chí, ông còn hàm hồ đại diện cho người Việt cả trong và ngoài nước để bày tỏ sự tin yêu của mình:
“Là đảng viên Ðảng CS Việt Nam, tôi thật sự vui mừng và xúc động khi được tận mắt chứng kiến những thành tựu lớn lao của công cuộc đổi mới do Ðảng và Nhà nước tiến hành. Từng về thăm quê hương nhiều lần, tôi nhận thấy đất nước có nhiều đổi thay, kinh tế tăng trưởng khá, xã hội ổn định, đời sống nhân dân được nâng cao. Thành quả này thể hiện đường lối đúng đắn của Ðảng CS Việt Nam lấy dân làm gốc, coi trọng nhân tố con người trong sự nghiệp phát triển kinh tế. Nhân kỷ niệm 75 năm Ngày thành lập Ðảng CS Việt Nam, tôi tha thiết mong mỏi Ðảng ta ngày càng vững mạnh, xứng đáng với niềm tin yêu của toàn dân tộc Việt Nam ở trong và ngoài nước.”


Đây là lời phát biểu của ông trên báo Nhân Dân, nhân kỉ niệm 75 ngày thành lập đảng CS Việt Nam. Khi đó ông còn là phó chủ tịch Hội người VN tại Ba Lan “Đoàn kết và Hữu nghị”. Giờ, ông đã là chủ tịch và hội cũng đã đổi tên thành hội “Người Việt Nam tại Ba Lan”.

Phát biểu trên đã xua tan những ngờ vực xung quanh chuyện là đảng viên hay không của ông chủ tịch.

Từ thời điểm đó tới nay, đã có những thay đổi lớn trong cuộc đời ông Hùng, khi ông chính thức từ bỏ quốc tịch Việt Nam vào tháng 12/2010 để nhập tịch Ba Lan. Nhưng quan điểm của ông, có lẽ, vẫn không thay đổi. Ông đem theo cả tình yêu đảng, cả khí thế chống phản động hừng hực như thời cải cách ruộng đất, khiến mấy tổ chức phản động người Việt tại đây co rúm lại, chỉ còn hoạt động trên mạng, như phát biểu mới đây trên tờ Hà Nội Mới.

Danh sách thôi quốc tịch VN, trong đó có tên ông Hùng. Danh sách này gồm 14 người, Đàn Chim Việt cắt bỏ phần cuối.


Thực tế cho thấy, nhiều lãnh đạo hội đoàn người Việt tại Ba Lan từng là đảng viên đảng CS hoặc đang là đảng viên, điều đó giải thích phần nào, tại sao các hội đoàn tại đây kém tính độc lập.

Các chi bộ và hoạt động đảng

Theo đáng giá của một đảng viên, tại Warszawa, ngoài chi bộ sứ quán, còn có khoảng 30 đảng viên đăng ký sinh hoạt.

Trung tâm của hoạt động đảng là tòa đại sứ.Thông thường, đại sứ giữ vị trí bí thư đảng ủy, còn bí thư thứ nhất của tòa đại sứ phụ trách cộng đồng làm phó bí thư đảng ủy”- một người có thâm niên sinh hoạt đảng qua nhiều nhiệm kỳ đại sứ cho chúng tôi biết.

Những cuộc họp đảng ủy được tổ chức tại tòa đại sứ Việt Nam, nhưng họp chi bộ, thường diễn ra trong lãnh thổ Ba Lan.
“Họp cũng không cố định ở đâu, thường ở nhà một người mà anh em cảm thấy thuận tiện, cũng có khi ở một địa điểm kín đáo nào đó“- Đảng viên lâu năm tiếp tục kể.
“Các cuộc họp cũng thoáng hơn, nhiều khi chỉ họp ít phút, điểm qua tình hình, có chỉ thị gì thì thông báo, rồi bia bọt. Chủ yếu thỉnh thoảng họp hành để nhắc nhở nhau, mình còn là đảng viên“.

Vẫn theo ông, trong những cuộc họp chi bộ đó, không còn treo cờ búa liềm và ít khi gọi nhau là đồng chí, đảng phí 10 Zua-ty/ tháng, có khi đóng luôn 2 năm”.

Ngay tại Warszawa, có nhiều chi bộ đảng. Cứ 3-4 người là có thể lập một chi bộ.

Thâm niên nhất có lẽ phải kể đến chi bộ các Cựu cán bộ. Họ là những người được cử qua đây công tác, có người làm ở Thương vụ, cán bộ đường sắt, cán bộ ngoại giao mãn hạn.v.v.

Bí thư chi bộ Cựu cán bộ những năm trước kia là ông Trần V. H. Ông H đã làm một việc, nghe nói là vô tiền khoáng hậu, khi khảng khái viết đơn xin ra khỏi đảng để nhập quốc tịch Ba Lan. Người thay ông Trần V. H vào vị trí bí thư là ông Nguyễn M. H- một cán bộ thương vụ trước kia, nhưng đã nhiều năm chuyển sang kinh doanh trong lĩnh vực ăn uống và nhập khẩu thực phẩm.

Chi bộ Cựu cán bộ còn có thêm vài người nữa như ông Hòe – C, bà Trần T. T., ông Lương… Những đảng viên này cũng có cuộc sống bình thường như mọi người khác trong cộng đồng. Ông bà H- C lâu nay vẫn cần mẫn giao hàng thực phẩm cho các quán bar, bà Trần T. T. được nhiều người đánh giá là “người có tư tưởng cấp tiến”.

Tiếp đến là chi bộ Nghiên cứu sinh, Thực tập sinh, chi bộ trường WAT (Wojskowa Akademia Techniczna)- tức Học Viện Kỹ Thuật Quân Sự. Ông Nguyễn V. T- một người có vai vế trong cộng đồng hiện nay- theo một nhân chứng- từng làm bí thư chi bộ Nghiên cứu sinh. Những đảng viên tích cực trong số nghiên cứu sinh phải kể tới ông Nguyễn X. N, H- L, Cường- Th, Hoàng T. Đ.v.v. Ông Hoàng. T. Đ hiện đã về Việt Nam, nhưng vẫn giữ định cư tại Ba Lan và một năm qua lại đôi lần. Người giữ chức vụ quyền bí thư hiện nay, nghe nói, là Đặng N. H. Ông H từng về tận Việt Nam để xác minh lý lịch đối tượng đảng cho sinh viên. Theo đánh giá của một số người có quan hệ thường xuyên, thì đây là một đảng viên trung kiên và bảo thủ.

Chi bộ viện WAT những năm trước kia là một chi bộ rất mạnh. Do các học viên quân đội có kỷ luật hết sức nghiêm ngặt. Hơn nữa, những nghiên cứu sinh qua đây đa phần là sĩ quan (có người cấp tá) nên 100% là đảng viên. Các sinh viên khác, nếu chưa đảng viên, cũng thường là đối tượng đảng. Nhưng dòng xoáy buôn bán những năm giao thời ở Ba Lan đã khiến nhiều người ‘đảo ngũ’. Những sĩ quan này, phần lớn ở lại Ba Lan, có người giữ sinh hoạt đảng, có người không. Một số người- theo nhân chứng cho biết – từng có lúc này, lúc khác sinh hoạt đảng như các ông Minh, Thoại, Hùng, Hiệp, Hình, Đạo, Bắc…

Nếu những năm trước kia, sinh hoạt đảng diễn ra đều đặn, ngày 10 hàng tháng trên đại sứ quán, thì bây giờ, một đảng viên mới được kết nạp cách đây đôi năm cho biết “lúc nào gọi thì lên”.

Sinh hoạt ngày trước cũng ‘giầu tính đảng’ hơn, khí thế hơn. Một đảng viên sinh hoạt những năm 90s kể, trong một cuộc họp đảng tại đại sứ quán cũ (trên phố Kazimierzowska), đã diễn ra cuộc tranh luận về “mấy thằng Phương Đông” và đảng viên Nguyễn Đ. V – xuất thân từ quân đội, nghe đâu bạn đồng khóa với Nguyễn Chí Vịnh- đã đòi trục xuất “chúng nó về” và “cho chúng nó đi tù”. Đây là nhóm sinh viên ra tờ báo đầu tiên trong cộng đồng và họ đã trở thành đối tượng để các “chú Sứ” thời đó quăng lên quật xuống. Báo giấy Phương Đông đình bản sau vài năm. Trong nhóm chủ trương, Nguyễn Giang trở thành trưởng ban Việt ngữ BBC, Lê Hải là biên tập viên BBC trong nhiều năm và hiện nay là nhà báo tự do đồng thời là thông tin viên của đài RFI.

Bên cạnh các chi bộ tại Warszawa, Kraków cũng là nơi có sinh hoạt đảng. Đảng viên Bình T.C – em của một cựu phu nhân đại sứ- nay đã về nước nhưng vẫn giữ vai trò đại diện tại Việt Nam cho một số hoạt động của hội Người Việt.

Cũng có nghi vấn rằng, Bình T. C liên hệ mật thiết với cơ quan an ninh. Bằng chứng là mới đây, ông Bình T. C đã ‘lập thành tích’ lừa ông Tôn Gia Khai, bố của cô Tôn Vân Anh tới giao vào tay công an Việt Nam. Khi ông Khai về nước, an ninh Việt Nam nhiều lần nhắn gặp, nhưng ông đều từ chối. Lợi dụng sự quen biết từ thưở ở Ba Lan, Bình T. C đã thân tình tới tận nhà đón ông Khai qua chơi. Nhưng khách chưa kịp ngồi nóng chỗ, thì an ninh đã ập vào và cuộc nói chuyện sau đó không hứa hẹn điều gì tốt đẹp!

Kết nạp đảng tại Ba Lan

Không những đảng CS tổ chức hoạt động tại Ba Lan mà họ còn không ngừng phát triển đảng.

Có nhiều đảng viên từng được kết nạp tại Ba Lan. Một sinh viên mới vào đảng cách đây vài năm cho biết, chỉ tiêu là 2 đảng viên/ năm. Tuy vậy, cũng có khi 3-4 năm liền không kết nạp được ai, nhưng năm 2010, 2011, mỗi năm đều có 2 sinh viên vào đảng. Vẫn theo nhân chứng này, thì hiện có khoảng 10 cảm tình viên! Nguyên tắc kết nạp cũng giống như ở Việt Nam, phải có 2 đảng viên giới thiệu, qua giai đoạn cảm tình, có người về địa phương tại Việt Nam xác minh lý lịch.v.v.

Lễ kết nạp diễn ra tại đại sứ quán.

Trong số những trường hợp kết nạp tại Ba Lan, điển hình phải kể tới ông Lê. V. M. Nghe nói, ông từng là một sinh viên giỏi, được chuyển tiếp sinh sau đại học. Ông cảm tình đảng cả chục năm trời, từ khi chuyển tiếp sinh, tới khi về nước công tác, rồi quay sang Ba Lan với hệ nghiên cứu sinh tiến sĩ. Và cuối cùng, đảng đã không phụ lòng ông! Ông M được kết nạp vào quãng năm 2000, vài năm sau ông ung dung vào quốc tịch.

Một người có tiếng khác là soái Thân. Song, cũng có người nói, soái Thân cảm tình đảng tại Ba Lan, lúc sắp kết nạp thì về Việt Nam, khi quay lại đã là đảng viên và tiếp tục sinh hoạt đảng bên này. Ông Thân nổi tiếng là một trong số vài soái lớn tại Ba Lan trong những năm 90s.

Những sinh viên hiện đã thành danh trong cộng đồng từng được kết nạp tại đây phải kể tới Mai. H. L, Mạc Đ. M, Hải – O (đã về Việt Nam và công tác trong bộ Ngoại Giao). Vài đảng viên mới kết nạp gần đây như Nguyễn T. K. C, Lê Th. Đ, Hoàng V. M.

Danh sách đảng viên còn khá dài, nhưng chúng tôi tạm thời không công bố tên tuổi một số người, do chưa xác minh được họ còn sinh hoạt nữa hay không, ví như bà đại tá dạy múa hay ông trung tá cầm bút.v.v.

Câu chuyện trên đây chỉ là phần nổi của tảng băng chìm, được ghi lại theo lời kể của một số nhân chứng và những lượm lặt trong cộng đồng. Có nhân chứng cam kết, sẵn sàng ra làm chứng trước tòa. Nhưng mục đích của chúng tôi không phải là đưa ai đó ra tòa, mà nhằm gióng lên tiếng chuông về những hoạt động vi hiến và xúc phạm tới tình cảm của dân tộc Ba Lan.

Ăn nhờ, ở đậu ở đất nước này, được hưởng sự bao bọc của những con người hiền lành và nhân ái; được sống trong một xã hội công bằng và tự do; nếu không làm được gì để đền đáp, thì thiết nghĩ, cũng nên biết “nhập gia tùy tục”.

© Đàn Chim Việt

Đón đọc phần kế tiếp: “Hội ông Hùng” và mưu đồ thâu tóm cộng đồng





No comments:

Post a Comment

View My Stats