Saturday, 22 September 2012

QUYỀN TỰ DO NGÔN LUẬN (Trần Khải)





09/19/2012

Nghề cầm bút tại Việt Nam lúc nào cũng đầy bất trắc. Giá để tra cho niềm đam mê nghề viết lên sự thật này có khi là cái chết, có khi là tù đày.

Những chuyện đàn áp hung hiểm như vụ án Nhân Văn Giai Phẩm vẫn còn chưa quên nổi. Thời đó, khi Nhân Văn Giai Phẩm bị trù dập, cả nước  im lặng phăng phắc.

Nhưng gần đây nhất là trường hợp nhà báo Hoàng Khương bị tòa kêu án 4 năm tù vì dám sử dụng những kỹ thuật tác nghiệp đã được ban biên tập chấp thuận để tìm thông tin viết về chuyện công an ăn hối lộ. Lần này, cả nước không im lặng -- có lẽ, nói cho chính xác, là khoảng 16,000 nhá báo chính thức im lặng, nhưng đã có hàng chục bloggers từ nhiều nơi lên tiếng bênh vực.

Thời cả nước im lặng để chứng kiến Nhân Văn Giai Phẩm bị trù dập qua rồi.

Nhà báo Bùi Tín trên blog ở đaì VOA có bài phân tích tựa đề "Cả làng báo bị khinh miệt và khiêu khích," đã kể về những giới trẻ công khai bày tỏ lòng yêu thương với Hoàng Khương:

"Nhà báo Hoàng Khương bị tòa án mang tên Nhân dân ở Sài Gòn tuyên án 4 năm tù giam về tội “đưa hối lộ” viên chức nhà nước đang làm phận sự.

Phiên tòa được bà con Sài Gòn, Hà Nội và đồng bào trong cả nước chăm chú theo dõi. Từ sáng sớm trụ sở toà án đã đông người, bà con kéo đến đông thêm trong khi tòa xét xử, và khi kết thúc, khá đông người, phần lớn là các bạn trẻ vẫy chào, chạy theo xe thùng chở anh Hoàng Khương về nhà tù, với tình cảm quý mến, thương yêu và xót xa..."(hết trích)

Và hôm 18-9-2012, trang Dân Làm Báo đã đăng "Bản lên tiếng chung của các Bloggers và Nhà báo Tự do về trường hợp nhà báo Hoàng Khương," trong đó nội dung đúng là bản tuyên ngôn mới về nhu cầu đòi hỏi quyền tự do báo chí tại VN.

Bản lên tiếng với cập nhật danh sách lúc 10h45, 18.09.2012 như sau:

"Trong bối cảnh tham nhũng là quốc nạn, tình trạng lợi dụng chức quyền để tham ô bòn rút túi tiền của người dân ngày càng phổ biến, mục tiêu của nhà báo Hoàng Khương là chính đáng, là tích cực góp phần vào nỗ lực chung của cả nước nhằm làm trong sạch guồng máy điều hành quốc gia.

Trong môi trường hoạt động vô cùng khó khăn và hiểm nghèo của làng báo Việt Nam, trước những đe doạ vô hình lẫn hữu hình mà mỗi phóng viên luôn phải đối diện hàng ngày, hành động tác nghiệp của nhà báo Hoàng Khương là hành động can đảm, xứng đáng với đạo đức, danh dự và lương tâm của một nhà báo chân chính.

Các phóng sự của Hoàng Khương, cụ thể là “Đồng tiền xóa sạch hồ sơ”, “Cảnh sát giao thông giải cứu xe đua trái phép”, “Nhức nhối nạn mãi lộ, ghê hơn cướp cạn”... không những góp phần soi sáng những góc tối tiêu cực của những người đang nắm trong tay trách nhiệm duy trì, gìn giữ kỷ cương pháp luật mà còn là bằng chứng hùng hồn nhất về động cơ việc làm chính đáng của nhà báo Hoàng Khương.

Dựa vào mục tiêu và việc làm, đối chiếu với những tiêu chuẩn về giá trị đạo đức, nền tảng công bằng, minh bạch của một nền pháp lý đúng đắn và những kết quả đóng góp tích cực cho đất nước của nhà báo Hoàng Khương, chúng tôi, những Bloggers và Nhà báo tự do tin tưởng và khẳng định rằng:

- Hoàng Khương là một nhà báo có lương tâm nghề nghiệp, có trách nhiệm và đặt lợi ích chung của xã hội lên trên hết.

- Hoàng Khương là một công dân Việt Nam có trách nhiệm, đã can đảm dấn thân góp phần tích cực nhằm lành mạnh hóa xã hội để phát triển đất nước.

Do đó,

- Trong một phiên tòa mà cơ quan chủ quản nơi Hoàng Khương đang làm việc không được phép tham gia tranh tụng để chứng minh hành động tác nghiệp của nhà báo Hoàng Khương hoàn toàn không có dấu hiệu vi phạm hình sự bởi bản chất hành động ấy đã góp phần làm giảm bớt mối nguy cơ do tệ nạn tham nhũng trong xã hội thì không thể kết án nhà báo Hoàng Khương. Vì vậy, bản án sơ thẩm 4 năm tù dành cho anh là một bản án bất công.

- Đây không những chỉ là bản án bất công đối với nhà báo Hoàng Khương mà còn là một bản án treo đối với những nhà báo có lương tâm, tích cực chống tham nhũng. Nó chính là sợi dây thòng lọng treo lơ lửng trên đầu giới báo chí Việt Nam.

- Bản án này hoàn toàn đi ngược lại tinh thần của mọi tuyên bố từ Đảng và Nhà nước trong việc chống sai trái, lạm quyền, lạm chức; phản bội những khát vọng và nỗ lực của nhân dân trong sứ mệnh bài trừ tham nhũng, tham ô, hối lộ, cửa quyền đã và đang phá nát xã hội Việt Nam.

Cho dù nhà báo Hoàng Khương bị cầm tù bởi bản án bất công thì hành trình anh đi vẫn sẽ được tiếp nối bởi bước chân của chúng tôi và sự đồng tình của nhân dân. Người ta có thể giam cầm anh nhưng không thể bắt nhốt sứ mệnh của anh vốn là sứ mệnh chung của bao nhiêu người.

Việc làm có ý nghĩa nhất, thực tế nhất, có lợi cho đất nước thân yêu là chúng ta sẽ luôn đứng bên anh, đứng cùng chiến tuyến của anh, và tiếp tục dấn thân vào cuộc chiến giữa thiện và ác này.

Những người ký tên:

1. Blogger Hành Nhân
2. Blogger Huỳnh Công Thuận
3. Blogger Huỳnh Thục Vy
4. Blogger Trịnh Kim Tiến
5. Blogger Quang Minh Đỉnh
6. Blogger Mẹ Nấm
7. Blogger Vũ Đông Hà
8. Blogger Phạm Văn Hải
9. Blogger Phương Bích
10. Blogger Đào Hữu Nghĩa Nhân...”(
hết trích)

Bản Lên Tiếng lúc đó đã có 43 người ký tên, từ nhiều thành phần và từ nhiều nơi trên thế giới. Trong đó có Ký giả Trương Minh Đức, một người vừa mới rời nhà tù và đang bị quản chế ở Miền Tây VN, có Linh mục Ân Thanh của Dòng Chúa Cứu Thế Sài Gòn, có Nhà báo tự do Lê Diễn Đức cũng là một người viết blog ở RFA, và nhiều người viết blog khác.

Bản Lên Tiếng cũng ghi thêm:

“Các bạn thân mến,

Trên đây là bản lên tiếng về bản án nặng nề của nhà báo Hoàng Khương do một số bloggers và nhà báo tự do khởi xướng. Chúng tôi mong rằng mọi người đọc và chia sẻ thông tin, nếu ai đồng ý ký tên xin vui lòng gửi thông tin đăng ký gồm: Họ tên - Tên blog - Email về email: lentiengvihoangkhuong@gmail.com

Tất cả các bạn bloggers xin vui lòng đăng tải Bản Lên Tiếng này trên blog cá nhân nếu ủng hộ.

Chân thành cám ơn tất cả mọi người!”
(hết trích)

Xin chúc lành, và xin mời gọi cùng góp tiếng cho quyền tự do ngôn luận ở quê nhà.




No comments:

Post a Comment

View My Stats