Nguyễn-Xuân Nghĩa
Monday,
September 10, 2012 2:18:53 PM
Một
ngày sau khi đại hội toàn quốc của đảng Dân Chủ kết thúc trong niềm hoan lạc
thì thống kê của Bộ Lao Ðộng lại như xối nước lạnh với một cái tin rất nóng.
Trong Tháng Tám, thất nghiệp giảm 0.2% nhưng kinh tế chỉ tạo thêm có 96 ngàn
việc làm.
Người
lạc quan thì mừng là thất nghiệp hạ dần và coi đó là ly nước đã đầy một nửa. Bi
quan thì nói rằng số 96 ngàn việc ngoài canh nông còn thấp hơn dự đoán khá bi
quan của giới kinh tế là 125 ngàn. Câu chuyện nó rắc rối hơn vậy!
Thống
kê lao động được công bố vào lúc 8:30 sáng ở miền Ðông. Sau đó, thị trường
chứng khoán không tuột dốc như đầu Tháng Năm khi có tin xấu về nhân dụng mà xập
xình rồi lại lên. Chỉ vì từ tin kém vui mà thiên hạ đoán tiếp là Ngân Hàng
Trung Ương đành tung bửu bối cấp cứu “quantitative easing” lần thứ ba! Ðâm ra
tin xấu mà đưa đến kết luận tốt, làm sao mà người bình thường hiểu ra?
Nhưng
vấn đề nào chỉ có vậy, vì còn chuyện... trái trứng nở ra con gà hay con gà đẻ
ra quả trứng? Là tương quan nhân quả của thất nghiệp. Hoặc cái vòng luẩn quẩn
như sợi dây thun.
Kinh
tế Mỹ tùy thuộc đến hơn 70% vào tiêu thụ, nhà tiêu thụ mới là vua là chúa. Nếu
giới tiêu thụ lại là Chúa Chổm vì mắc nợ hoặc thất nghiệp thì kinh tế khó tăng
trưởng: Doanh nghiệp sợ ế, ngại đầu tư và tuyển người. Chưa kể là cứ ló đầu lên
là sợ bị gọt tóc vì lưỡi hái thuế vụ đang lơ lửng trên đầu. Nghĩa là làm sao?
Kinh
tế tăng trưởng thấp vì thất nghiệp và thất nghiệp cao càng làm giảm mức tiêu
thụ nên càng cản đà tăng trưởng trong vòng u ám khôn nguôi. Vì xâu chuỗi nhân
quả như vậy, các chính khách tha hồ rao bán liều thuốc cứu nguy kinh tế mà
người dân bình thường khó kiểm được lẽ đúng sai.
Muốn
nhìn cho ra lẽ, ta phải trở lại thống kê nhân dụng - và thấy ra một nghịch lý
khác trong phương pháp thống kê. Số là hàng tháng, Bộ Lao Ðộng tiến hành hai
loại khảo sát tại ngọn và tại gốc về tình hình lao động trong tháng, với những
dữ kiện sơ lược còn phải điều chỉnh.
Loại
một là cuộc khảo sát một dân số mẫu là sáu vạn hộ gia đình, gọi là “Household
Survey” để xem là trong tháng qua, có bao nhiêu người khai báo là đã thất
nghiệp trong vòng bốn tuần trước. Kết quả khảo sát vừa công bố là tỷ lệ thất
nghiệp 8.1% với số thất nghiệp chính thức là 12 triệu rưỡi. Nhưng kết quả này
còn sai trệch do định nghĩa của chữ “thất nghiệp”.
Ðịnh
nghĩa ấy loại bỏ thành phần nhân lực đông đảo bị khiếm dụng. Ðó là tám triệu
người phải làm việc bán thời dù muốn làm toàn thời, thêm hai triệu sáu những
người dật dờ khi làm khi nghỉ, đôi khi có tìm việc trong 12 tháng qua. Trong số
hai triệu sáu này có 84 vạn người nản chí khỏi đi kiếm việc nữa vì tìm mãi
không ra...
Nếu
cộng cả số chính thức (12.5 triệu) và khiếm dụng (tám triệu bán thời và hai
triệu sáu “dính sơ vào thị trường lao động” - marginally attached) thì có 23
triệu người đang khốn đốn nên phải chi tiêu dè sẻn và càng làm kinh tế khó tăng
trưởng.
Trong
Ðại Hội Cộng Hòa, bài ứng khẩu của Clint Eastwood trong vai danh hài đối thoại
với cái ghế trống của Tổng Thống Obama là một tuyệt chiêu - mà nói không sai về
con số 23 triệu người thiếu việc. Nhiều nhà bình luận lại bảo rằng ông ta nói
láo và báo chí cứ thế mà nói theo.
Làm
sao báo chí còn hiểu ra một chi tiết khác về tiêu chuẩn tính toán?
Xưa
nay, được coi là thuộc thị trường lao động những ai đã có lúc tìm việc trong
bốn năm trước. Từ năm 1994, chính quyền Bill Clinton cho sửa định nghĩa “lực
lượng lao động” khi ra tiêu chuẩn mới là “có tìm việc trong 12 tháng qua”. Nếu
áp dụng tiêu chuẩn cũ (bốn năm) thì mức thất nghiệp có thể còn cao hơn ít nhất
là 1%.
Mà
lực lượng này không kể đến chín triệu người lãnh bảo hiểm vì khuyết tật -
disability insurance. Xưa nay họ vẫn có khả năng đi làm nếu thấy hưng phấn và
có cơ hội, nhưng nay thì đành ngồi nhà lãnh lương hàm. Hai chục năm trước, cứ
35 người lao động là có một người khuyết tật, ngày nay, tỷ số đó là 16/1: Công
quỹ thêm hao tốn mà mức khiếm dụng thật lại còn cao hơn một hai phần trăm!
Nói
rằng nước Mỹ chưa khai thác hết tiềm năng nhân lực thì hơi trừu tượng. Chỉ xin
nhớ tỷ lệ tham dự vào lực lượng lao động hiện nay của Hoa Kỳ ở khoảng 63.5%,
mức thấp nhất kể từ hơn ba chục năm qua.
Cuộc
khảo sát thứ hai đi vào gốc, nơi tuyển người, gọi là “Establishment Survey”.
Người
ta thăm dò ý kiến 160 ngàn cơ sở tư doanh và công quyền, là dân số đại diện cho
400 ngàn nơi tuyển dụng thành phần công nhân viên ngoài nông nghiệp, loại thừa
hành, không thuộc lớp đốc công hay chỉ huy. Kết quả khảo sát là số việc làm ăn
lương của khu vực dân sự, với chi tiết về mức lương, giờ lao động của các ngành
nghề trong tháng qua. Thống kê vừa công bố hôm Thứ Sáu là một sự thất vọng
khác.
Tháng
Tám chỉ có thêm 96 ngàn việc, trong số này có 28 ngàn việc hầu bàn và rót rượu.
Xin hiểu cho là lương thấp, việc khó bền - đôi khi là của cử nhân bị khiếm dụng
nên lấy chỗ của sinh viên, học sinh. Ðấy là tiểu tiết để nhắc nhở bà con nhớ
cho tiền “tip” khi vào nhà hàng! Chi tiết khác: Việc làm trong khu vực biến chế
lại giảm (15 ngàn) khi các hãng xe thải thợ để tu bổ cơ xưởng mà tuyển lại còn
ít hơn trước! Còn lại, các khu vực kia thì chẳng nhúc nhích.
Chuyện
bi đát hơn vậy là thù lao nói chung chỉ thêm 1.7% trong cả năm - thấp hơn mức
lạm phát - tức là lợi tức thật còn bị giảm. Và số giờ làm việc hụt mất 10% của
một giờ. Sáu phút nhỏ nhoi ấy mà nhân với số giờ lao động trên toàn quốc thì có
nghĩa là vài trăm ngàn việc đã bị mất. “Cái được dễ thấy, cái mất khó tìm và dễ
che giấu” là một quy luật kinh tế. Làm ít, lương nghèo thì tiêu thụ phải giảm.
Ðâm ra trứng lép nở ra gà còi.
Nhìn
trên trục thời gian thì còn ngán ngẩm hơn.
Mọi
cuộc khảo sát hàng tháng đều chỉ là sơ khởi và cần điều chỉnh. Thống kê Tháng
Tám điều chỉnh và hạ thấp kết quả của hai tháng trước: Mỗi tháng số việc làm bị
giảm thêm hai vạn. Y như năm ngoái, tình hình nhân dụng có vẻ khả quan trong ba
tháng đầu năm rồi lại tuột dốc.
Khi
kinh tế Hoa Kỳ bị suy trầm, chính thức là từ Tháng Mười Hai năm 2007 đến Tháng
Bảy năm 2009 thì thất nghiệp tất nhiên phải tăng. Nhưng vẫn chưa giảm sau giai
đoạn hồi phục èo uột từ ba năm nay. So với đỉnh điểm suy trầm thì kinh tế mất
thêm bốn triệu bảy việc, vì thế nếu mỗi tháng mà chỉ tạo thêm mươi vạn công
việc thì bốn năm nữa ta mới trở về mức thất nghiệp cũ! Trong khi ấy dân số đến
tuổi lao động vẫn thêm hơn ba triệu, riêng trong Tháng Tám thì tăng 213 ngàn
người.
Thống
kê lao động là một tài liệu 38 trang khó nhá chứ không hấp dẫn bằng truyện võ
hiệp hay trinh thám. Người viết vẫn phải ngốn để vẽ ra bức tranh nhân dụng
trong một bài ngắn với một số giải thích về phương pháp thu thập và khai thác
thống kê.
Chuyện
đáng nhớ nhất là số người Mỹ đang có việc làm chỉ bằng mức Tháng Tư năm 2000,
dù rằng từ đó đến nay dân số đã thêm 31 triệu. Và 45 triệu người đang lãnh
phiếu lương thực, một tỷ lệ dân số là 15%, gần gấp đôi con số trung bình của 30
năm cuối của thế kỷ 20, 1970-2000.
Khung
cảnh u ám chưa từng thấy từ một thế hệ khiến ta biết được khó khăn trước mắt và
nên hoài nghi phép lạ kinh tế mà các ứng cử viên đang hứa hẹn với cử tri. Và
nên e chừng liều thuốc đổ bệnh đã từng thấy.
Cái
chuyện gà què ăn quẩn và nuốt phải dây thun như vậy thì xin để kỳ khác...
No comments:
Post a Comment