Lê Quế Lâm
21-9-2012
Đọc Ký
Ức Huỳnh Văn Lang
để
hiểu rõ thảm họa của dân tộc xuất phát từ đâu? (Phần I)
Lê Quế
Lâm
Ông Huỳnh Văn Lang là một nhà văn, nhà báo và cũng là nhà nghiên
cứu sử học lão thành. Năm 2000 ông đã xuất bản bộ “Nhân chứng một chế độ” gồm ba tập gần 1500 trang. Và mới đây, ông
cho xuất bản “Ký Ức Huỳnh Văn Lang”
cũng ba tập gần 2000 trang. Tập 1 Thời kỳ Pháp thuộc, viết từ khi tác giả bắt
đầu đi học năm 1928 đến năm 1955, đã được phát hành năm 2011. Tập 2 Thời kỳ
Việt Nam độc lập từ 1955 đến 30/4/1975, gồm Đệ nhứt và Đệ nhị Cộng hòa, đã ra
mắt độc giả hồi đầu tháng Bảy vừa qua. Tập 3 Thời kỳ lưu vong, chạy giặc cộng
sản từ 27/4/1975 đến năm 2010, chưa xuất bản. Nhưng qua nội dung cuốn “Đã hơn 30 năm rồi” (Việt Nam Du Ký
2006) ghi lại những quan sát và nhận định của tác giả các chặng đường của đất
nước dưới chế độ cộng sản, cho thấy Ký Ức Huỳnh Văn Lang Tập 3 có lẽ sẽ trình
bày những nổi đau thương của dân tộc trong hơn 30 năm qua, cũng như nổi xót xa
của những người ly hương, chạy giặc cộng sản.
Trong Việt Nam Du ký năm 2006, ông HVL diễn tả hoàn cảnh thực sự
đã và đang xảy ra ở VN từ 1975 đến giờ: Miền
Bắc cai trị, đô hộ Miền Nam. Hai tiếng Miền Bắc và Miền Nam ở đây, theo tác
giả không mang ý nghĩa miền địa lý mà mang ý nghĩa ý thức hệ, một bên là chủ
nghĩa Mác-Lê và một bên là chủ nghĩa tự do, dân chủ. Miền Bắc chỉ CS Bắc Việt
theo chủ nghĩa Mác Lê. Miền Nam là MN tự do trong tinh thần nhân bản, dân chủ.
Theo ý nghĩa này, một người sinh trưởng ở MN như Võ Văn Kiệt, Phan Văn Khải
v.v...Nhưng nếu đã theo CS Bắc Việt thì phải được kể như người MB, thấm nhuần
văn hóa cộng sản. Ngược lại, những người tuy sinh trưởng ở MB, nhưng theo chủ
nghĩa tự do, chống chủ nghĩa cộng sản, thì phải được xem như người MN, theo văn
hóa tự do, đa văn hóa của MN.
Miền Bắc cai trị-đô hộ Miền Nam, có nghĩa là Bắc Việt đang đô hộ
MN bằng ý thức hệ cộng sản. Hậu quả tạo ra: -Một xã hội bất công -kẻ giàu quá
sức, người nghèo kổ vô cùng, phân chia giai cấp rõ rệt, MB cai trị/đô hộ, MN bị
trị bị đô hộ, bị triệt để khai thác...-Một nền văn hóa đồi trụy không còn tinh
thần dân tộc. -Một nền giáo dục giảm sút thê thảm với cảnh ‘tiên học phí hậu
học thêm’ với những môn thầy không muốn dạy, học trò không muốn học. Một cô
sinh viên vừa tốt nghiệp đại học Tổng hợp sắp sửa nhận việc dạy học ở Trung học
Cầu Ngang được ông HVL hỏi về chuyện Hai Bà Trưng, Bà Triệu, đã trả lời ông như
sau: “Ông hỏi con về Hồ Chí Minh thì con nói cho ông nghe. Còn về Hai Bà
Trưng, Bà Triệu con có học đâu mà nói”. Một tệ nạn nạn khác là nghề làm đĩ
điếm của nhiều cô gái Miền Nam. Vì thiếu “quan hệ” nên không cách gì tìm được
việc làm. “Quan hệ” tức là quyền lực đỡ đầu. Theo tác giả thì quyền lực đã ở
trong tay người MB từ 1975. Ngay trong nghề buôn son bán phấn này cũng cho thấy
rõ sự khác biệt giữa cai trị-đô hộ và bị trị. Bán trôn nuôi miệng là con gái
Miền Nam, đứng ra tổ chức thị trường thịt người là người Miền Bắc, tức nhiên
cũng theo ý thức hệ.
Về tác phẩm “Ký ức Huỳnh Văn Lang”, nhà văn Nguyễn Mạnh Trinh đã
nhận xét: “Có thể với ông, viết là để giải tỏa ẩn ức, những chèn ép đã từ
lâu nhiều năm nhiều tháng chất chứa trong tâm tư. Tác giả cũng không muốn mình
là người chép sử dù với vai trò của một nhân chứng. Từ cuộc đời ông, đã trải
qua nhiều biến cố lịch sử và nhiều khi là một diễn viên trong những vai trò
khởi động. Ông kể lại, chủ quan với sự hiểu biết của người trong cuộc... Nếu
quan niệm rằng lịch sử không phải chỉ ghi chép lại bởi những sử gia mà còn ghi
dấu lại từ những chứng nhân và từ đó có những tư liệu xác thực. “Ký Ức Huỳnh Văn
Lang” là một trong những tư liệu hiếm quý ấy”. Ông Giao Chỉ (Vũ Văn Lộc)
cũng đề nghị nên tìm đọc tác phẩm của tác giả Huỳnh Văn Lang. Giá trị của tác
phẩm là hết sức chân thật, thẳng thắng, hết sức chủ quan, không vòng vo khách
sáo.
Đối với người viết bài này, những nhận định của tác giả HVL dù
chủ quan, cũng không quan trọng bằng những sự việc ông kể là sự thực lịch sử. Vì lẽ ông là người
Miền Nam, vốn thực thà, nghĩ sao nói vậy, ăn ngay nói thẳng. Nay tuổi đã cao,
là bậc trưởng thượng, ông càng bất chấp mọi thị phi, miễn là trút được nổi lòng
để tâm hồn thanh thản. Vì thế, tôi tìm đọc tác phẩm của ông để chia xẻ tấm lòng
của ông đối với cố TT Ngô Đình Diệm. Có lẽ không riêng gì ông, mà những người
quốc gia, kể cả một cán bộ cộng sản cao cấp là Trần Bạch Đằng cũng đã nhận xét
người sáng lập nền Đệ nhứt Việt Nam Cộng Hòa “thuộc một gia đình tiếng tăm
-cha là Phụ chính đại thần Ngô Đình Khả đã không chịu ký tên vào văn bản đòi
truất phế vua Thành Thái do Pháp chủ trương. Trong hơn chục năm, Diệm như ẩn
dật, được giới thượng lưu cả nước tôn là “chí sĩ”. Về cá nhân, Diệm không vợ
con, rượu chè, sống khắc khổ, có trình độ vừa Tây học vừa Nho học”.
Tháng 6/1954, Quốc trưởng Bảo Đại mời ông Diệm “đứng ra thành
lập nội các để cứu vãn tình thế, vì tình hình đất nước hiện nay vô cùng đen
tối, tổ quốc có thể bị chia cắt”. Ông đã thối thác lời triệu thỉnh với lý
do “sau nhiều năm suy nghĩ, tôi đã quyết định đi tu”. Nhưng ông không
thể từ chối sứ mạng khi Bảo Đại đề cập đến sự tồn vong của đất nước: “Tôi
rất trọng quyết định của ông, nhưng ngày hôm nay tôi kêu gọi lòng yêu nước của
ông. Ông không có quyền trốn tránh trách nhiệm. Sự sống còn của đất nước đòi
hỏi ông phải đứng ra gánh vác việc nước”. Trước bàn thờ Chúa và thánh giá,
Bảo Đại long trọng bảo Diệm: “Ông hãy thề trước thánh giá là ông sẽ giữ toàn
vẹn lãnh thổ mà tôi trao cho ông. Ông sẽ bảo vệ lãnh thổ đó chống lại bọn cộng
sản vô thần và nếu cần chống lại cả người Pháp nữa”.
Tôi còn tìm đọc Ký Ức HVL để chia xẻ với ông về nổi cay đắng “Cám
ơn đời đãi ngộ tôi quá nhiều. Nhưng bây giờ tôi lại thiếu quá lớn, thiếu cả vòm
trời của quê hương”. Cá nhân tôi cũng như nhiều người khác, không được đời
đãi ngộ nhiều như ông, bây giờ cũng cảm thấy mất mác quá lớn y như ông. Mất cả
một quê hương được thiên nhiên ưu đãi, đất đai phì nhiêu, tài nguyên phong phú
về lúa gạo, cây trái, cá tôm. Từ một thế kỷ trước -Sàigòn, thủ đô Miền Nam đã
được thế giới gắn cho mỹ danh “Hòn ngọc Viễn Đông”. Quê hương xinh đẹp, con
người Miền Nam cũng dễ dãi, thực thà, hào phóng...
Năm 1954, để chấm dứt chiến tranh Đông Dương, các cường quốc đã
gặp nhau tại Hội nghị Genève 1954 để phân chia ảnh hưởng ở đây. Miền Nam VN
chịu ảnh hưởng của Mỹ. Trong bức thư gởi Thủ tướng Ngô Đình Diệm, đề ngày
23/10/1954, Tổng thống Eisenhower xác định mục tiêu của HK là “giúp miền Nam
Việt Nam bằng viện trợ để duy trì và phát triển một nhà nước tự do có sức sống
mạnh, có khả năng chống trả lại những mưu toan khởi loạn hoặc xâm lược bằng vũ
lực. HK mong muốn chính phủ Nam VN đáp ứng lại bằng cách thực hiện những cải
cách cần thiết, mở rộng chính phủ có sự tham gia cuả các đảng phái chính trị và
thiết lập các cơ cấu dân chủ hơn”. Khi CS Miền Bắc phát động chiến tranh
giải phóng MN, HK đã gởi trên 3 triệu quân đến giúp VNCH chiến đấu bảo vệ tự
do, gần 60 vạn binh sĩ tử trận với chiến phí trên 200 tỷ đôla. Nhưng kết cuộc
MN sụp đổ tan hoang. Lý do tại sao? Tôi kỳ vọng tác phẩm của ông HVL cung cấp
những sự thật lịch sử mà ông là chứng nhân, để giúp tôi tái thẩm định lại cuộc
chiến VN.
Lên mạng Google, bấm ba chữ Huỳnh Văn Lang, tôi tìm thấy khá
nhiều thông tin. Các bài điểm sách của Gs Nguyễn Thanh Liêm, Nhà văn Nguyễn
Mạnh Trinh, các ông Giao Chỉ, Phạm Hồng Diễm... Bài của cố Gs Hứa Hoành viết
năm 2001: Ông Huỳnh Văn Lang tiết lộ nhiều bí mật lịch sử thời Đệ nhất Cộng hoà
qua 3 tập hồi ký “Nhân chứng một chế độ”. Bài nói chuyện của ông Huỳnh Văn Lang
ở Hội Tác giả Việt Nam hải ngoại Westminster ngày 08-11-2009, tựa đề Sự Thật
Lịch sử: Đệ nhất Cộng Hoà của Miền Nam (1955-1963) -ông Ngô Đình Diệm có “soán
ngôi” vua Bảo Đại? Thư của ông HVL viết ngày Memorial Day, 05-30-2011 gởi Gs Vũ
Quốc Thúc v.v...
Trước hết, tôi xin đề cập đến thư gởi Gs Thúc. Cuối tháng Tư năm
2011, ông Lang xuất bản Ký Ức Huỳnh Văn
Lang Tập 1, Gs Thúc xuất bản hồi ký Thời
Đại Của Tôi Cuốn II. Nhiều năm trước, ông Nguyễn Hữu Hanh xuất bản quyển Làm Việc Với Các Nhân Vật Danh Tiếng Thế
Giới. Cả ba ông đều giữ những chức vụ cao cấp về Tài chánh, Ngân hàng trong
buổi giao thời khi Pháp bàn giao cho VN hồi đầu năm 1955. Gs VQT, sinh năm 1920, quê quán Nam Định, Thạc sĩ kinh tế Paris giữ
chức vụ Phó Thống đốc Ngân hàng Quốc gia kiêm Giám đốc Viện Hối Đoái, sau đó là
Thống đốc NHQG. Ông NHH, sinh năm
1923, quê quán Quảng Trị, tốt nghiệp H.E.C (Hautes Etudes Commerciales) là
trường Thương mại Ngân hàng danh tiếng của Pháp, giữ chức vụ Tổng Giám đốc NHQG
kiêm TGĐ Việt Nam Thương tín. Ông HVL,
sinh năm 1922, quê quán Trà Vinh, tốt nghiệp Cao học kinh tế (HK) giữ chức vụ
Phó Giám đốc, rồi Giám đốc Viện Hối Đoái. Cơ quan này về quyền hành trực thuộc
thủ tướng sau là tổng thống, về hành chánh trực thuộc NHQG.
Cả ba ông đều viết hồi ký và có những nhận định khác nhau, nên
ông HVL viết thư gởi Gs Thúc “để đính
chánh những sai lầm vô tình cũng như những xuyên tạc hữu ý rất tai hại cho
những thế hệ mai sau. Người viết như anh em và tôi đều có trách nhiệm phải để
lại cho hậu duệ của mình một di sản (legacy) mà không có di sản nào hơn sự thật
lịch sử, thuộc văn hóa tinh thần. Vốn chúng ta sanh ra có tên có tuổi (ID) có
ngày tháng (thời gian), có nơi có chỗ (không gian), tự nhiên (per se) là con
người lịch sử. Cho nên nói đến con người là nói đến lịch sử, nhứt là khi họ đã
đóng một vai trò lớn nhỏ nào đó trong lịch sử dân tộc của mình”.
Ông HVL trách Gs VQT “trong hồi ký, không rõ vô tình hay hữu ý
đã bỏ qua vụ chuyển ngân bất hợp pháp qua Pháp cho trên dưới 10,000 sinh
viên ma và ma cà bong (vaguabond), thất thoát trên 1,5 tỷ quan Pháp”. Vụ
chuyển ngân bất hợp pháp này đã xảy ra trước ngày ông VQT và HVL nhận bàn giao
chức vụ Giám đốc và Phó Giám đốc Viện Hối đoái từ Pháp (02-01-1955). Ông Lang
tự nhận đã khám phá sự việc này hồi tháng 7/1955 và đích thân giải quyết. Ông
còn đề cập đến việc Gs Thúc từ chức Thống đốc NHQG hồi tháng 10/1956, vì dù ông
không trực tiếp lỗi lầm, nhưng cấp dưới đã lỗi lầm quá nặng (giấy bạc phải đốt
bỏ đi, lại đem ra lưu hành). Theo ông “đây là tội đại hình như tội làm giấy
bạc giả, nhưng tại sao Gs lại coi nhẹ,
để rồi lại qui tội cho âm mưu chánh trị muốn loại Gs ra, để đưa người đảng
phái (đảng phái nào, Gs ám chỉ đảng nào?)
lên thay để kinh tài. Nếu Gs có biết đảng nào đã dùng NHQG hay Việt Nam Thương
Tín, một sản phẩm của Gs, để kinh tài hay làm tiền, xin Gs trưng ra để làm bằng
chứng? Bằng chăng thì chỉ là những hoài nghi vô lý của một lý thuyết gia”.
Sau đó, ông HVL đề cao Gs VQT để bêu xấu ông Nguyễn Hữu Hanh
(NHH): “Tôi không bao giờ quên Gs, vẫn tôn trọng Gs như là một nhân vật tài
ba lỗi lạc, khi tranh thủ giành lại chủ quyền tài chánh tiền tệ cho VN, cũng
như có công xây dựng từ những ngày đầu, một nền tài chánh tiền tệ quốc gia cho
lớn mạnh mà tác giả NHH, chẳng những là
phủ nhận mà lại cho là của mỗi một mình mình, không phải của Gs và ông
Dương Tấn Tài, vì cho Gs và ông DTT
không biết chút gì về ngân hàng tài chánh cả”. Ông HVL kết luận...”trong
cái rừng già (rain forest) văn học hải ngoại nầy lại lắm trộm đạo, cái may là
trong đó không có tên VQT và HVL”.
Đề cập đến đảng Cần lao, ông HVL chê trách Gs Thúc và ông NHH
đều có “thành kiến đến sai lầm ngu ngơ
về đảng Cần lao, nếu không nói là hoàn toàn vu khống! Là bí thư Liên kỳ bộ Nam
Bắc Việt Cần lao Nhân vị Cách mạng đảng, tôi phải phản đối và lên án tội vu
khống nầy! Cần lao của tôi có tiền, mà không bao giờ nhờ NHQG của Gs hay VNTT
của Gs thành lập và bổ nhiệm anh NHH làm TGĐ. Vốn lương bổng của tôi đã khá
cao (35,000 mỗi tháng) mà Hội đồng Tối cao Tiền tệ và Tín dụng còn cho tôi,
trước khi nộp cho ngân khố quốc gia, lấy ra hay đúng hơn là giữ lại 20% trên
tổng số tiền phạt vạ, mà có vụ VHĐ phạt lên đến 100 triệu bạc. Số tiền này mỗi
3 tháng được lấy ra chia cho nhân viên trong đó có tôi, số tiền tôi nhận được
nhiều lần trên 300 ngàn đồng, nghĩa là gần bằng 10 lần tiền lương. Tôi đã trích
ra một phần 3 để tổ chức Liên kỳ bộ của tôi và thành lập những cơ sở kinh tài
rất nhỏ ở các địa phương. Tuy nhỏ nhưng mỗi cơ sở đủ sức nuôi dưỡng một tiểu tổ
5,7 đảng viên và tài trợ những hoạt động chánh trị của họ ở địa phương”.
“Tuy nhiên, tôi cũng phải
nhìn nhận là có một vụ kinh tài đảng phái do bộ kinh tế của Phó Tổng thống
Nguyễn Ngọc Thơ cho phép và VHĐ chấp thuận, khi tôi vắng mặt từ tháng
11/1958 đến tháng 6,/1959. Đó là vụ khai
thác Guano (phân chim) ở quần đảo Tây sa, do Luật sư Trần Văn Trai, bí thư Đô
thành bộ Cần lao trách nhiệm. Cơ quan VHĐ của tôi trực thuộc tổng thống,
tức nhiên gần như hoàn toàn biệt lập
và Giám đốc VHĐ thành ra có người đề cao ‘dưới
một người trên muôn người’, chỉ trong mỗi một lãnh vực hối đoái mà thôi, không phải như là một tể tướng”.
Qua sự tiết lộ của ông HVL, đảng Cần lao được VHĐ tài trợ một
cách gián tiếp để làm kinh tài và hoạt động chính trị. Về ngân quỹ, chỉ tính
một vụ mà VHĐ phạt lên đến 100 triệu đồng, ông HVL được lấy ra 20% tức 20 triệu
đồng để chia cho nhân viên, phần ông HVL được hưởng có thể lên đến cả triệu
đồng. Lúc bấy giờ 1 lượng vàng giá 4000 đồng, lương một người lính Quốc gia là 1200,
lương một đốc sự hành chánh mới ra trường là 6000 đồng.
Trong ngày ra mắt sách, ông HVL tâm sự: “Tôi không phụ anh em
tổng thống. Người anh phụ tôi, cất chức viện Hối đoái mà không cho tôi biết.
Người em giải tán kỳ bộ Cần lao của tôi mà không có lý do chính đáng. Người ta
phụ tôi nhưng tôi không phụ người. Tôi thương cho người anh mà tiếc cho người
em”. Theo tôi, tổng thống và ông Ngô Đình Nhu đã hành xử đúng. Chả lẽ nói
thẳng với người đệ tử thân tín: anh đã lợi dụng đặc quyền đặc lợi mà chính phủ
dành để nuôi đảng, anh lại trục lợi riêng. Chỉ dành cho đảng một phần, còn anh
hưởng hai phần, có khi lên đến 200,000 đồng một tháng chưa kể tiền lương 35,000
đồng. Nếu phục vụ đất nước, với công lớn như vậy, đáng lẽ ông HVL phải được
tưởng thưởng, nhưng tại sao lại bị cách chức? Có lẽ chỉ vì tội lạm dụng quyền
hành và làm bậy mà thôi. Không bị trừng phạt, không nói lời biết ơn thì thôi,
trái lại ông còn hãnh diện “người phụ mình, chớ mình không phụ người”, ông muốn
chứng tỏ mình xử sự “quân tử” hơn vị lãnh đạo quốc gia hay sao? Ông không phụ
người ban phát bổng lộc cho mình, nhưng ông quên rằng bổng lộc đó là tài sản
của đất nước, ông đã lấy cắp của nhân dân (1955-1962), vô tình ông đã phụ đồng
bào, phụ đất nước, hậu quả là ngày nay ông “thiếu cả vòm trời của quê hương”.
Cá nhân tôi cũng thương và tiếc anh em TT Ngô Đình Diệm, phải
chi hai ông cách chức thêm một số “nịnh thần”, thì có lẽ thảm họa không đến với
gia đình ông và dân tộc cũng tránh được thảm họa lớn. Nhìn lại chuyện cũ, nghĩ
đến việc hôm nay cũng tương tự như vậy, cán bộ cộng sản cũng được ban phát đặc
quyền đặc lợi, làm kinh tài, vừa làm giàu cho đảng, vừa để trục lợi cho cá nhân
và gia đình.
Xin trở lại lá thư của ông HVL gởi Gs VQT, trong đoạn chót ông
viết: “dù sao Gs cũng được ông Diệm trọng
dụng ít nhiều trong 1 thời gian nào đó và xưng hô với Gs là Ngài.
Chỉ có Gs và Thạc sĩ Vũ Văn Mẫu là 2 người được ông Diệm xưng hô một Ngài hai
Ngài trong khi đối thoại. Thế mà trong sách khi viết về Tổng thống NĐD, Gs lại gọi một Ông ta, hai Ông ta. Gs
có thấy cái chỗ khác biệt đó không? Tôi nghĩ Gs là con nhà nho, như Gs kể một cách hãnh diện (đúng) phải biết thế nào là chữ lễ, nhứt là đối với người quá cố, khi sinh tiền Gs gọi
là bằng Cụ! Thiết nghĩ hai giáo sư thạc sĩ VN có cái gì giông giống nhau, Gs có nhắc đến Thạc sĩ Vũ Văn Mẫu cạo trọc
đầu để ủng hộ ông thầy đầu trọc Thích Trí Quang. Sau khi đọc hồi ký của
Gs VQT, sự tôn trọng của tôi từ trước có phần sứt mẽ đi! Đáng tiếc thay”.
Sẳn có quyển Thời Đại Của Tôi Cuốn II, tôi đọc lại xem Gs Thúc đã
viết những gì về ông HVL khiến ông ta có vẻ bực tức, nên nặng lời với người
đồng liêu cũ, nay đều ở tuổi thượng thọ. Tôi xin ghi lại nguyên văn để độc giả
nhận xét.
Gs VQT đã viết ở trang 344 “những chuyên gia đã được Thủ
Tướng Ngô Đình Diệm bổ nhiệm để cùng đi với tôi đến nhận lãnh Viện Hối Đoái.
Tôi thừa hiểu họ là “tai mắt” của anh em Ông Diệm. Những chuyên gia này còn
trẻ, đã học ở HK. Đứng đầu là một chuyên viên trẻ tuổi, trước kia học ở chủng
viện nhưng không tiếp tục sống đạo nữa mà đã hoàn tục, đó là ông Huỳnh Văn
Lang. Ông Huỳnh Văn Lang được sự tín nhiệm của Anh em Ông Diệm và chắc đã đóng
một vai tuồng rất quan trọng trong chế độ Đệ Nhất Cộng Hòa. Tại sao tôi có
quyền nghĩ như vậy? Tại vì ông ta đã trở nên một lãnh đạo cao cấp trong Đảng
Cần Lao. Lúc đó tôi chỉ biết ông ta là một người trẻ tuổi đối với tôi cũng có
nhiều thiện cảm vì ông là con rể của một nhân sĩ danh tiếng đất Bắc: cụ Trương
Đức Âm. Hơn thế nữa người ông của bà Huỳnh Văn Lang là cụ Trương Hoàng Đính
cũng từng quen thân phụ tôi. Vì thế ngay từ đầu, sự cộng tác giữa ông Huỳnh Văn
Lang với tôi đã rất thân hữu”.
Về việc từ chức Thống đốc Ngân hàng QGVN, Gs Thúc đã viết chi
tiết trong hồi ký, trang 359-367, “...Vũ Đình Đa là một nhân viên cũ của
Viện Phát Hành Đông Dương, được lưu dụng vì có kinh nghiệm nhiều năm ở cơ quan
cất giữ giấy bạc cũ rồi thiêu hủy với phương tiện thô sơ là đục lỗ rồi mang di
thiêu hủy. VĐĐ cùng bọn đồng lõa đã nảy gian ý, không đục lỗ và thiêu hủy một
số giấy bạc khoảng 1 triệu đồng. Nội vụ chỉ có thế, nhưng sau khi vụ này xảy ra
người ta đã trình bày nó như một vụ biển thủ rất lớn có thể là hàng chục triệu,
mấy trăm triệu đồng VN. Hơn thế nữa, một số nhật báo đã làm “rùm beng” loan tin
đó là một “âm mưu kinh tài” của phe thân Pháp do tướng Nguyễn Văn Hinh, con
trai Cựu Thủ Tướng Nguyễn Văn Tâm cầm đầu -dĩ nhiên với mục đích lật đổ nền Đệ
Nhất Cộng Hòa mới được Ông Ngô Đình Diệm thiết lập và phục hồi chế độ Quốc
Trưởng của Cựu Hoàng Bảo Đại. Người ta đã cố ý khai thác tư cách cựu Bộ Trưởng
của tôi trong Nội Các Bửu Lộc để gán cho vụ “đánh cấp” này một tầm quan trọng
hoàn toàn tưởng tượng. Ông Bộ Trưởng Tư Pháp Nguyễn Văn Sĩ và ông Tổng Thanh
Tra Hà Văn Vượng đã hỏi đi hỏi lại VĐĐ “Có phải ông Thống Đốc đã ra lệnh cho
anh làm vụ này không? Mặc dù bị thẩm vấn gắt gao bị đe dọa hay được “dỗ dành”.
VĐĐ vẫn giữ nguyên lời khai: “Tôi đã có tội với ông Thống Đốc. Tôi không thể vu
cáo cho ông ấy đã chủ mưu trong vụ này để chạy tội. Tôi hoàn toàn chịu trách
nhiệm”.
Sau đó, TT Ngô Đình Diệm gọi điện thoại và yêu cầu tôi phải vào
trình diện ngay (để chất vấn vụ VĐĐ, sau đó) Ông Diệm nói “Tôi thấy vụ này
rất hại cho chính quyền ta”. Tôi trả lời: “Thưa Tổng thống, tôi không chối bỏ
trách nhiệm. Nếu âm mưu lật đổ chính phủ là có thật, tôi sẳn sàng chịu tội. Nếu
chỉ là một vụ ngụy tạo, bé xé ra to, nhằm vu oan cho tôi, tôi cũng xin từ chức.
Trong vụ này đáng lẽ tôi phải là người đứng ra truy tố Vũ Đình Đa, Tổng Thống
đã cử Ông Bộ Trưởng Tư Pháp đến điều tra, coi tôi như là thủ phạm. Tôi còn mặt
mũi nào để tiếp tục công việc Thống Đốc Ngân Hàng. Tôi có nhiệm vụ kiểm soát
tất cả những ngân hàng thương mại đang hoạt động trên đất nước ta. Một khi tôi
bị mất tín nhiệm như thế làm sao có thể hoàn tất công việc Thống Đốc Ngân Hàng
được nữa. Dù muốn dù không, tôi xin Tổng Thống cho phép tôi từ chức ngay từ giờ
phút này”. Ông Diệm vội vàng trả lời: “Ngài cũng phải đợi cho tôi tìm người
thay thế ngài chứ”. Đang tranh luận như thế, hai ông Nguyễn Văn Sĩ và Hà Văn
Vượng xin vào trình diện ông Diệm kết quả cuộc điều tra Vũ Đình Đa. Lúc đó tôi
chợt hiểu rằng ông Diệm gọi tôi vào ngồi ở đấy để chờ kết quả của vụ điều tra
như thế nào. nếu quả thực tôi có tội chắc chắn tôi đã bị bắt giam ngay tại chỗ
chớ không thể trốn đi đâu được nữa, kế hoạch của người ta là như vậy! Ông Diệm
hất hàm hỏi ông Nguyễn Văn Sĩ, ông Nguyễn Văn Sĩ lắc đầu rồi trình ông Diệm là
“không có gì hết”. Ông Diệm vội vàng đổi thái độ đối với tôi, ông ta niềm nở
trở lại và nói rằng: “Thôi ngài chịu khó ngồi lại, giữ chức Thống Đốc cho hết
tháng này vì chúng ta sắp sửa phải gửi phái đoàn sang dự Đại Hội Đồng Thường
Niên của Ngân Hàng Quốc Tế và Quỹ Tiền Tệ Quốc tế họp ở Washington. Ngài sẽ đi
dự Đại hội đó. Sau khóa họp Ngài bang giao cho ông Trần Hữu Phương và về làm Cố
Vấn cho tôi trong các vấn đế đầu tư”.
“...Nhìn lại sự việc cũ tôi hiểu tại sao người ta đã cố xé to
vụ Vũ Đình Đa. Tất nhiên mục đích chỉ là loại trừ tôi khỏi chức vụ Thống Đốc
Ngân Hàng...Lúc đó đã có một vài đoàn thể yểm trợ ông Diệm mới ra đời nhưng
không có phương tiện tài chánh. Rất có thể người ta cần có một cơ quan cấp phát
tín dụng đứng đằng sau hậu thuẫn. Chuyện kinh tài này tất nhiên người ta không
thể giao cho cho tôi được”.
Tôi cũng tìm đọc Thời Đại Của Tôi Cuốn II, tôi thấy việc Gs VQT
gọi TT Diệm là ông ta hay ông ấy là bình thường trong lối văn kể
chuyện, không có gì gọi là bất kính, không biết lễ độ. Thí dụ: “Tôi đành nói
thực với T.S. Staley là ông Tổng Thống yêu cầu tôi gặp ông ta gấp. Tôi thỉnh cầu ông Staley và các vị trong phái đoàn Hoa
Kỳ thông cảm cho tôi. Tôi hứa sẽ cố gắng thuyết phục Tổng Thống Diệm rồi trở
lại gặp họ; cùng ký tên vào bàn phúc trình để họ kịp lên máy bay” (trang
382). Còn câu “Thiết nghĩ hai giáo sư thạc sĩ VN có cái gì giông giống nhau, Gs có nhắc đến Thạc sĩ Vũ Văn Mẫu cạo trọc
đầu để ủng hộ ông thầy đầu trọc Thích trí Quang”. Tôi cố tìm, nhưng không
thấy trong hồi ký của Gs Thúc. Tôi chỉ thấy câu “một trong những đồng sự của
tôi là giáo sư Vũ Văn Mẫu đã không ngần
ngại cạo trọc đầu để phản đối chính sách của Tổng Thống Ngô Đình Diệm. Sau
đó, một số khá đông sinh viên Trường Luật cho rằng phải công khai bênh vực Phật
Giáo. Tôi là Khoa Trưởng, giữ thái độ hoàn toàn trung lập, không công khai bênh
vực Phật Giáo nhưng cũng khôngi công khai phản đối Phật Giáo”. (trang 415)
Tôi không dám nghĩ, ông HVL đã đặt điều để vu khống Gs Thúc và khinh khi một tu
sĩ Phật giáo... Nhưng chỉ vì bực tức hai ông thạc sĩ được TT Diệm luôn xưng hô
là ngài, lại phản bội: một ông cạo đầu để phản đối tổng thống, một ông giữ thái
độ trung lập, không công khai phản đối Phật Giáo. Phải chăng đó là cái gì giông
giống nhau của hai ông thạc sĩ VN mà ông HVL muốn ám chỉ?
Tóm lại, vì quá ngưỡng mộ cố TT Ngô Đình Diệm, nên ông HVL có
những lời lẽ khá gay gắt đối với những ai không cùng chung ý nghĩ như ông. Điều
này có thể tạo ra phản ứng ngược, làm sứt mẽ thanh danh của ông... Nhưng có lẽ
ông cũng bất cần, vì ông “có trách nhiệm phải để lại cho hậu duệ của mình
một di sản, mà không có di sản nào hơn sự thật lịch sử”. Ông còn khẳng định
ông là “con người lịch sử. Nói
đến con người là nói đến lịch sử, nhứt là khi họ đã đóng một vai trò lớn nhỏ
nào đó trong lịch sử dân tộc của mình”. Tôi xin phép được bổ túc thêm “Và
lịch sử cũng do con người tạo ra, mà lịch sử dân tộc trong hơn nửa thế kỷ qua
quá đổi tang thương”. Đó là do lỗi lầm của những người đã từng đóng một vai
trò lớn nhỏ nào đó trong lịch sử dân tộc. Vì thế nếu tôi có nhận xét gì khiến
ông HVL hoặc những ai khác không hài lòng, chỉ vì tôi tôn trọng tác giả đã thể
hiện được trách nhiệm: để lại sự thật
lịch sử. Sự thật này báo hiệu một triển vọng mới cho dân tộc. Các đảng viên
CS cao cấp hiện nay cũng được hưởng đặc quyền để làm kinh tài cho đảng CSVN và
đặc lợi làm giàu cho cá nhân và gia đình. Họ đã theo vết xe cũ của MN, nhưng tệ
hại hơn là các cơ sở quốc doanh lớn lần lượt bị phá sản, còn đảng viên thì giàu
to. Theo vết xe cũ MN cuối cùng Đảng CSVN cũng sẽ chịu một số phận như MN.
Lê Quế
Lâm
No comments:
Post a Comment