Thursday 6 September 2012

NHỮNG ĐIỀU ÔNG OBAMA PHẢI LÀM (Nguyễn Văn Khanh)





Nguyễn Văn Khanh
Wednesday, September 05, 2012 6:41:51 PM

Tối hôm nay, Tổng Thống Hoa Kỳ Barack Obama sẽ đọc bài diễn văn nhận lời đề cử của đảng Dân Chủ ra tranh cử nhiệm kỳ thứ nhì.

Ðây là bài diễn văn rất quan trọng vì sẽ quyết định sự nghiệp chính trị của ông trước cuộc đua rất cam go: các cuộc thăm dò cử tri đều cho thấy vẫn chưa thể biết ông sẽ được tín nhiệm để ở lại Tòa Bạch Ốc thêm bốn năm nữa, hay phải trao chiếc chìa khóa mở cửa Phòng Bầu Dục cho ông Mitt Romney, đại diện của Ðảng Cộng Hòa.

Trong 24 giờ qua, rất nhiều cuộc tranh luận đã diễn ra giữa các bình luận gia và những nhà quan sát chính trị Hoa Kỳ về những điều ông Obama phải trình bày trong bài diễn văn đọc tối hôm nay. Các điểm quan trọng nhất đã được nói đến gồm có:

1. Những điều gì cần nhất mạnh? Ðại Hội Ðảng Dân Chủ 2012 diễn ra không với khí thế và hứng khởi của cử tri Hoa Kỳ cũng như của người ủng hộ. Bốn năm trước đây ở Denver, mọi người xếp hàng chờ vào sân vận động Miles High để nghe ông nói chuyện. Hình ảnh này sẽ không có ở Charlotte, North Carolina, chứng tỏ ngay chính những người từng hết lòng ủng hộ ông cũng đang thất vọng vì không thấy ông thực hiện được lời hứa “thay đổi” (change) và “hy vọng” (hope) mà ông đã từng nói. Trách nhiệm của ông là phải lấy lại niềm tin của cử tri, cho họ biết ông đã làm được những gì và sẽ làm những gì trong bốn năm tới.

Ðây là điều chính ông Obama biết không dễ làm, và không thể làm một mình. Bằng chứng là ông đích thân gọi điện thoại nhờ Cựu Tổng Thống Bill Clinton giới thiệu ông với cử tri, và trong bài diễn văn đọc tối hôm qua, lời nhắn gửi của ông Clinton đến mọi người là “đã chọn đúng người lãnh đạo,” và chẳng có lý do gì để cử tri không cho ông Obama cơ hội phục vụ thêm bốn năm nữa, “kết thúc trách nhiệm quá khó khăn.” Ông Clinton đóng vai trò của người mở đường, ông Obama phải đi nốt đoạn đường còn lại: trình bày thật rõ ràng những gì ông sẽ làm để hoàn tất những chính sách, kế hoạch ông đang làm.

Những điều ông trình bày phải giải tỏa được những thắc mắc của cử tri, đặc biệt nhất là những cử tri muốn nghiêng về phía đảng Cộng Hòa, sau khi nghe hai ông Mitt Romney và Paul Ryan nói chuyện trước đại hội hồi tuần trước, để chỉ trích ông Obama là người “hứa” mà “không làm.” Bài diễn văn của ông Ryan đặt câu hỏi, “Nếu không thay đổi lãnh đạo ngay lúc này, làm sao nước Mỹ và gia đình chúng ta sẽ khá hơn trong bốn năm sắp tới?” Ông Romney nói rõ hơn: Bốn năm trước đây cùng với mọi người ông vui mừng đón nhận ông Obama, nhưng bốn năm sau ngày ông Obama nhậm chức, “niềm vui mừng đó có còn hay không?”

Ðể trả lời những câu hỏi đảng Cộng Hòa đưa ra, ông Obama còn phải nhắc lại cho dân chúng thấy những gì ông đã làm được: chính sách kích cầu kinh tế của ông giúp tỷ lệ thất nghiệp đứng ở mức trên 8% - chứ không vượt mức 10% như các kinh tế gia đã dự đoán; kỹ nghệ xe hơi không chỉ vững mà còn mạnh hơn trước - thay vì phải khai phá sản, hàng triệu người mất việc; ông giết được kẻ thù Osama Bin Laden, giải quyết được hai cuộc chiến Iraq và Afghanistan; tạo dựng mối quan hệ vững chắc với cộng đồng thế giới, đưa nước Mỹ trở lại vị trí hàng đầu của thế giới, đặc biệt với chính sách trở lại Châu Á-Thái Bình Dương, vùng đất đã bị bỏ quên trong tám năm Tổng Thống George W. Bush của đảng Cộng Hòa ngồi ở Tòa Bạch Ốc.

2. Làm sao cho cử tri biết thành quả về kinh tế? Mọi người dự đoán chắc chắn ông Obama sẽ nhắc lại điều ông đã từng nói rất nhiều lần: ông nhận lãnh di sản quá nặng nề do ông George W. Bush để lại. Ðoán biết được điều đó nên ở Ðại Hội Ðảng Cộng Hòa, em trai ông “W” là Cựu Thống Ðốc Jeb Bush của tiểu bang Florida nói rằng đã đến lúc ông Obama “phải nhận lãnh trách nhiệm của một nhà lãnh đạo, đừng tiếp tục đổ lỗi cho người khác.” Quảng cáo vận động tranh cử mới nhất của đảng Cộng Hòa đặt câu hỏi: nếu chính sách ông Obama đã làm làm đúng, tại sao vẫn còn 23 triệu người không có việc làm?

Trách nhiệm của ông Obama là phải giải thích cho mọi người biết chính sách kinh tế của ông đã đem lại những gì cho quốc gia. Ông sẽ trình bày lại lúc ông nhậm chức, quốc gia đang đứng trên bờ vực thẳm, trong 42 tháng qua nước Mỹ đã vượt qua được thời kỳ khó khăn nhất, không còn lo sợ suy thoái hay khủng hoảng kinh tế. Ông sẽ phải cho cử tri thấy vực một nền kinh tế không là điều dễ làm, trước khi giải thích những khác biệt giữa những điều ông đang làm và sẽ làm với những lời hứa hẹn của liên danh Romney-Ryan. Ông còn phải cho mọi người thấy sự khác biệt và các điểm vượt trội của chính sách mà ông sẽ thực hiện ở nhiệm kỳ hai so với những chính sách mà đảng Cộng Hóa hứa hẹn sẽ làm sau ngày vào Tòa Bạch Ốc.

Thông điệp ông phải gửi đến mọi người: “Họ (Romney-Ryan) chỉ hứa giải quyết tình trạng kinh tế, tạo công việc cho dân chúng, tôi (Obama) là người đang làm công việc giúp quốc gia phát triển kinh tế, đang bước vào giai đoạn tạo công việc vững chắc cho dân chúng.”

3. Làm sao lấy được lá phiếu của tập thể cử tri da trắng? Trong những cuộc bầu cử gần đây, tỷ lệ phiếu tập thể cử tri da trắng dành cho đảng Dân Chủ ngày một ít đi. Ðối với ông Obama, điều này xảy ra ở những cuộc bầu cử sơ bộ 2008 khi ông phải tranh phiếu với bà Hillary Clinton và ở cuộc bầu cử tổng thống khi ông tranh phiếu với Thượng Nghị Sĩ Cộng Hòa John McCain.

Mặc dù những cuộc thăm dò mới nhất cho thấy ông Obam vẫn thu hút được lá phiếu của tập thể nữ giới, thành phần cử tri tốt nghiệp đại học, Hispanic, da đen và cộng đồng Châu Á, nhưng ông không thể bỏ sót tầm quan trọng của tập thể cử tri da trắng. Ngay chiến lược gia Dân Chủ Mark Mellman cũng nói rõ trong cuộc phỏng vấn trên đài truyền hình CBS: “Ông Obama sẽ không thắng được phiếu của cử tri da trắng, nhưng thua 20% khác xa với thua 40%.”

Ðể “chỉ thua 20%,” ông Obama phải nhấn mạnh đến những chính sách mang mục đích “bảo vệ thành phần trung lưu và giới tiểu thương” ông đã cho thực hiện trong bốn năm qua, đánh mạnh vào điểm Ủy Ban Vận Ðộng của ông từng nói trong ba tháng qua: ông Romney ủng hộ thành phần giầu có, sẵn sàng đuổi công nhân miễn là có lợi như ông ta đã làm lúc còn điều khiển công ty Bain Capital.

4. Ông phó Joseph Biden đóng vai trò gì? Bốn năm trước đây ông Biden được chọn để trám chỗ trống “ngoại giao, quốc phòng” mà ông Barack Obama không có. Lần này ông Biden giữ hai nhiệm vụ quan trọng: tấn công liên danh Romney-Ryan, lôi kéo tập thể cử tri da trắng cho ông Obama. Ðây là hai công tác Phó Tổng Thống Biden đã làm từ đầu mùa Hè đến giờ.

Ông Obama nổi tiếng là người có lối nói thuyết phục, ông Biden nổi tiếng là người ăn nói hoạt bát. Thành công do ông phó đem lại thì chưa thấy, chỉ thấy những lần ông phó “lỡ lời” khiến Ủy Ban Vận Ðộng phải mất thì giờ “chữa cháy” và tạo bất lợi cho cuộc tranh cử.


No comments:

Post a Comment

View My Stats