Nguyên Ngọc-
Nguyễn Thị Từ Huy
4-9-2012
Lời dẫn của VHNA: Văn hoá và giáo dục gắn liền với cuộc sống và số phận
của mỗi người dân, mỗi gia đình và cả cộng đồng quốc gia – dân tộc. Rõ ràng là
văn hoá và giáo dục của nước ta trong nhiều thập kỷ qua có nhiều biến động và
sa sút, xuống cấp. Cả xã hội đã và đang bàn về vấn đề này và cho đến nay vẫn
đang ở trong vòng quanh co, chưa có một đường hướng rõ ràng, cụ thể để đưa văn
hoá và giáo dục nước nhà thoát ra được cuộc khủng hoảng với những hy vọng có cơ
sở. HDTG giới thiệu cuộc trao đổi của
nhà văn Nguyên Ngọc với TS Nguyễn Thị Từ Huy với hy vọng góp một tiếng nói đáng
tham khảo với bạn đọc.
Nguyễn Thị Từ Huy: Thưa nhà văn Nguyên
Ngọc, từ nhiều năm nay, sự xuống cấp của văn hóa và giáo dục đã trở thành một
sự thật hiển nhiên với quá nhiều bằng chứng được nêu công khai trên báo chí, và
mỗi một cá nhân hay mỗi một gia đình đều trải nghiệm nó trong đời sống hàng
ngày. Thực ra văn hóa và giáo dục liên quan rất chặt chẽ với nhau. Là một người
làm việc trong cả hai lĩnh vực, và đặc biệt quan tâm tới cả hai lĩnh vực (nói
điều này có vẻ thừa nhưng thật ra lại không thừa, vì thực tế là hiện nay ở ta
nhiều người làm việc trong lĩnh vực giáo dục mà không quan tâm đến giáo dục,
làm việc trong lĩnh vực văn hóa mà không quan tâm đến văn hóa), nhà văn có thể
nói rõ hơn về việc sự xuống cấp của cái này kéo theo sự xuống cấp của cái kia
như thế nào ? Đâu là căn nguyên sâu xa của tình trạng suy thoái của văn hóa và
giáo dục hiện nay?
Nguyên Ngọc: Trước hết xin nói về quan hệ giữa văn hóa và giáo dục. Có thể nhận thấy điều
này: ở nhiều nước và là những nước tiên tiến, bộ trưởng giáo dục hầu như bao
giờ cũng là nhà văn hóa lớn. Hơn thế nữa, khi nảy sinh những vấn đề quan trọng
về giáo dục, vị bộ trưởng ấy, hoặc chính thủ tướng chính phủ, thường mời một
hay một số nhà văn hóa lớn, có tầm bao quát sâu rộng về xã hội, thậm chí là nhà
triết học xã hội hàng đầu, làm cố vấn, nghiên cứu, thiết kế, đề xuất những dự
án căn bản về cải cách giáo dục. Và nhiều nhà văn hóa lớn thường cũng là nhà
giáo dục lớn. Trường hợp Edgar Morin ở Pháp là như vậy. Edgar Morin cố gắng
nhận diện xã hội trước những chuyển biến có tính cách mạng của thời đại tác
động dữ dội đến tư duy và cuộc sống của con người, để suy nghĩ, bàn luận và đưa
ra những kiến nghị cơ bản đối với giáo dục.
Như vậy, nói theo cách nào đó, những vấn đề của văn hóa
và của giáo dục là một. Đó là những vấn đề con người của một xã hội, với tất cả
những điều kiện để lại từ quá khứ, những hoàn cảnh hiện tại, và những thách
thức sẽ đến, phải đối diện để tồn tại và phát triển. Vấn đề lớn nhất của giáo
dục bao giờ cũng là vấn đề văn hóa (của xã hội); và để giải quyết văn hóa trong
một xã hội, giáo dục phải lãnh vai trò quan trọng nhất.
Ở ta hiện nay nói rằng văn hóa và giáo dục xuống cấp, cái
này kéo theo cái kia, trong cả xã hội xuống cấp, thì là cách nói chẳng có gì
mới. Tôi nghĩ cần chú ý và nói rõ hơn điều này: đà lao xuống dốc đang tăng tốc
đáng sợ và khủng hoảng đã đến báo động đỏ, cảm giác chung là đụng đến đâu cũng
chạm phải hỗn loạn, mục ruỗng, từ cái cơ bản cho đến cái chi tiết, cụ thể. Tất
nhiên là phải tìm nguyên nhân, nhưng trong một tình hình cực đoan đến vậy thì
phải tìm nguyên nhân rất xa, phải trở lại xa. Tôi thường cố suy nghĩ về điều
này và bắt gặp một lý giải có thể rất gần gũi với ta. Đấy là những ý kiến của
Maxime Gorki năm 1918, nghĩa là ngay giữa những ngày sôi nổi của cách mạng
tháng Mười Nga. Tỉnh táo lạ thường ngay trong không khí hứng khởi tột cùng ấy,
với tư cách của một nhà văn hóa lớn, cực kỳ dũng cảm và đầy trách nhiệm ông
viết : « … Cách mạng đã đánh đổ nền quân chủ, điều đó đúng! Nhưng điều đó có lẽ
cũng có nghĩa rằng cuộc cách mạng đã mang chứng bệnh ngoài da vào bên trong bên
trong nội tạng. Người ta không được phép tin rằng cách mạng đã chữa trị và làm
phong phú cho nước Nga về mặt tinh thần … ». Sau 1975, chúng ta đã không đủ
tỉnh táo và cả dũng cảm để nhận ra và nói rõ rằng cách mạng và chiến tranh giải
phóng anh hùng 30 năm đã giành lại được độc lập và thống nhất cho đất nước,
nhưng những căn bệnh chí tử của xã hội đã khiến dân tộc phải đối mặt với những nan
đề văn hóa và xã hội mà một trăm năm trước các nhà duy tân sáng suốt nhất thời
ấy đã nhận ra và cố tìm cách giải quyết. Những nan đề lớn và lâu dài, cơ bản đó
một trăm năm nay vẫn còn nguyên đấy. Còn nguy hơn, nó lặn vào trong nội tạng.
Chúng ta đã không đủ tỉnh táo và dũng cảm để như Gorki biết và nói rõ rằng cách
mạng và chiến tranh rất vĩ đại nhưng không chữa trị được cho đất nước và xã hội
về mặt tinh thần.
Hơn thế nữa, những phương tiện đã buộc phải mượn để chiến
thắng với bất cứ giá nào trong cách mạng và chiến tranh, éo le vậy, vừa cần
thiết cấp thời lại vừa có « phản ứng phụ » không tốt đối với xã hội và con
người. Nghĩa là nội tạng của xã hội vừa còn nguyên bệnh mãn tính cũ, lại vừa
nhiễm thêm bệnh mới, như ta biết có chỗ đến tận những tế bào cơ bản nhất của cơ
thể xã hội. Nếu không thì làm sao giải thích được sự sa sút cứ như « đột ngột
», lạ lùng, lại ngay sau chiến thắng huy hoàng?
Ai cũng biết lịch sử không có « nếu ». Lịch sử thì đã là
lịch sử. Nhưng nhận ra những gì lịch sử đã tạo dựng cho hôm nay và những gì
lịch sử để lại nợ nần hôm nay phải biết và phải trả, bao giờ cũng là cần.
Chẳng nên trách ai. Trách chăng là ta đã không đủ hiền minh để tỉnh táo sau
1975. Vậy thì bây giờ cần tỉnh táo. Và dũng cảm nhìn vào sự thật thẳng
thắn và sòng phẳng. Hầu như đó là con đường sống duy nhất.
NTTH : Tuy nhiên, dường như có sự khác
biệt rất lớn trong đánh giá về thực trạng của giáo dục và văn hóa. Theo ông
những bộ phận nào trong xã hội cảm thấy lo lắng và hiểu rõ các bất cập của hai
lĩnh vực này, những bộ phận nào của xã hội chúng ta cảm thấy hài lòng, thậm chí
còn cố gắng duy trì tình trạng hiện nay. Và vì sao ?
Nguyên Ngọc: Thực ra ngay trong mỗi bộ phận trên – nếu ta cứ cho là có hai bộ phận như
thế – cũng có những khác biệt. Thấy suy thoái và lo lắng về suy thoái thì
nhiều, song nhận thức về tính chất của suy thoái thì khá khác nhau. Phần đông
nhìn ở những nguyên nhân gần, ở chủ trương, chính sách này nọ, hoặc ở tính khí,
phẩm chất của cá nhân này cá nhân kia … Và khi thấy thay đổi những cái đó rồi hóa
ra cũng lại y như cũ thì hoang mang, chán nản. Một bộ phận nhỏ nhìn xa hơn,
nhưng do những e dè kiêng kị đã thành nếp cũng không dám truy tìm cho đến cùng.
Đấy là nói về phía nhân dân rộng rãi, không bị chi phối nhiều bởi những lợi ích
do chính sự suy thoái kia đem lại.
Đối lại ở phía bên kia là những người hài lòng với tình
trạng hiện nay, trong đó có số do mù quáng, chai lì vì quán tính giáo điều đã
quá lâu, và do bị bưng bít có chủ ý cũng có.
Cuối cùng là những người thật sự ra sức duy trì tình
trạng này, dùng toàn bộ sức mạnh để bảo vệ nó. Đơn giản chỉ vì lợi ích ích kỷ
bất chấp tất cả của họ. Bao giờ cũng vậy, số này không nhiều, nhưng là mối nguy
chính, trước mắt và lâu dài.
NTTH : Nhiều vấn đề cốt lõi của văn hóa
giáo dục đã được thảo luận từ lâu, nhiều kiến nghị đề xuất đã được đưa ra từ
lâu. Nhiều đề xuất dựa trên các nghiên cứu cẩn thận, chẳng hạn như các đề xuất
của nhóm các học giả nước ngoài Ben Wilkinson (Trường Kennedy, đại học Harvard)
và Laura Chirot (trường New School). Tuy nhiên, tình hình chung là các kiến
nghị đó, các đề xuất đó đều bị rơi vào im lặng và quên lãng. Và theo thời gian
thì mọi việc càng ngày càng tồi tệ hơn. Đã đến lúc chúng ta cần phải phân định
một cách rạch ròi trách nhiệm mà mỗi người, mỗi bộ phận chức năng phải đảm nhận.
Ở đây ta chỉ nói đến hai bộ phận sau : bộ phận quản lý (với các cấp khác nhau),
bộ phận thực hiện (giảng viên giáo viên trong lĩnh vực giáo dục, những người
làm công việc phổ biến, truyền bá trong lĩnh vực văn hóa). Theo ông, các bộ
phận này đã đóng vai trò như thế nào trong quá trình suy thoái của văn hóa và
giáo dục ?
Nguyên Ngọc: Đã có những kiến nghị
sâu sắc, khá toàn diện, tâm huyết, không chỉ của các chuyên gia và tổ chức nước
ngoài, mà ngay của các trí thức và tổ chức trong nước. Nói chung đến nay tất cả
đều bị bỏ qua, không chỉ không hề có phản hồi, mà thậm chí không được ngó qua,
đếm xỉa đến. Có một sự tắc trách, vô cảm đến kỳ lạ ở những người và
những bộ phận có trách nhiệm. Song mặt khác, theo tôi có thể do nhiều nguyên
nhân khác nhau, các kiến nghị ấy đều dừng lại ở mấp mé của nguyên nhân gốc, dù
nếu với thiện chí và chăm chú đôi chút người đọc cũng có thể nhận ra những ý tứ
không quá che kín. Tôi nghĩ đã đến lúc sòng phẳng nói ra một lần cho rõ, bởi
chắc chắn nếu không nhìn thẳng đến tận đấy thì rồi sẽ cứ lẩn quẩn mãi trong bế
tắc lùng nhùng, không sao gỡ ra được, như lâu nay đã là thế.
Tôi không chia những người phải chịu trách nhiệm thành bộ
phận quản lý và bộ phận thực hiện. Tôi nghĩ theo cách khác: Cần có một sự phản
tư cơ bản của toàn xã hội về nguyên nhân gốc của suy thoái, tất nhiên trước hết
là ở những bộ phận có trách nhiệm và có quyền ở tầm vĩ mô, song rồi sau đó cũng
phải thành nhận thức chung của mọi người. Một sự nhìn nhận lại thẳng thắn và
bình tỉnh.Nhân đây tôi cũng muốn nói rõ thêm điều cần thiết này. Khi ta nói
thẳng chẳng hạn về sự sa sút tệ hại của giáo dục thì không nên nghĩ đó là đánh
giá chung về phẩm cách của tất cả những người thầy giáo chúng ta. Thậm chí
ngược lại, có thể nói trong tình trạng chung hiện nay, còn giữ được giáo dục
chưa đổ nát hoàn toàn là công của những giáo viên và cán bộ giáo dục vô danh
tâm huyết, nhất là ở cơ sở. Tuy nhiên lại cũng phải nói rằng thật khó cho họ
giữ mình trọn vẹn dưới áp lực của một nền giáo dục dang suy thoái có tính chất
hệ thống như vậy. Gần đây, trong một ngữ cảnh khác có người đã dùng đến cách
nói « tội làm hỏng dân ». Ai làm hỏng ? Đương nhiên là cái hệ thống kia.
NTTH : Nếu không có sự cải thiện, nếu
chúng ta tiếp tục tuột dốc như hiện nay thì sẽ có những nguy cơ nào cho tương lai
chung của chúng ta.
Nguyên Ngọc : Nguy cơ đã nhãn tiền: sẽ mãi mãi là một đất nước lạc hậu lân đận ở hàng
cuối nhục nhã ngay cả đối với trong khu vực, và do đó cả an nguy của quốc gia
cũng bị thách thức.
NTTH : Cuối cùng, để có thể cải thiện
tình trạng văn hóa và giáo dục hiện nay, những người quản lý văn hóa và quản lý
giáo dục cần có những năng lực nào, những phẩm chất nào ?
Nguyên Ngọc : Đương nhiên có rất nhiều chuyện cụ thể phải giải quyết về văn hóa và giáo
dục. Nhưng tất cả đều chỉ
có thể giải quyết đến nơi đến chốn trong một tổng thể mới trên cơ sở phản tư sâu sắc về nguyên nhân gốc của suy thoái.
Nếu không thì cố gắng đến mấy cũng sẽ chỉ là vá víu lặt vặt, có khi càng làm
rối và nặng thêm tình hình.
Vì vậy tôi cho rằng năng lực và phẩm chất quan trọng nhất
của người làm văn hóa và giáo dục hiện nay trước hết là năng lực truy tìm đến
nơi đến chốn nguyên nhân gốc của khủng hoảng, và ý chí thay đổi trên nhận thức
sâu sắc đạt được ấy.
Cũng tất nhiên trước hết là ở người chịu trách nhiệm và
có quyền lực cao nhất.
Không có được điều ấy, thì sẽ là vô vọng.
Hội An, ngày 20/8/2012
Theo VHNA
-------------------------------------------------
Nguồn :
Nguyên Ngọc - Nguyễn
Thị Từ Huy (VHNA)
Thứ hai, 03 Tháng 9 2012 10:38
Các bài liên
quan:
Nghĩ
về ý tưởng "gây dựng một nền văn hóa riêng cho dân tộc Việt nam" của
Nguyễn Triệu Luật (29/08/2012)
Cái
kết “có hậu”(!) của câu chuyện dài – Đại học Hùng Vương: Nỗi buồn của kỷ cương,
phép nước! (28/08/2012)
Giáo
dục học sinh qua những câu danh ngôn (27/08/2012)
Phải
chăng chúng ta đang ngày càng thiếu văn hóa? (26/08/2012)
Văn
hóa đọc đang chuyển động (20/08/2012)
Giáo
dục học sinh qua những câu danh ngôn (19/08/2012)
Bảo
tồn và phát huy văn hóa thờ Mẫu của người Việt (09/08/2012)
Văn
hóa xếp hàng của người Việt (08/08/2012)
No comments:
Post a Comment