Thomas
Fuller
The New York Times
21-9-2012
Người dịch: Đỗ
Uyên
Posted by Administrator on September 24th, 2012
Văn phòng của ông ta một thời là trung tâm thẩm vấn, do các nhân
viên cảnh sát quân sự đáng sợ của Nhật Bản điều hành, suốt Thế chiến II. Và đó
là lý do vì sao quý ông Tint Swe mang biệt danh: kẻ tra tấn chữ nghĩa.
“Chúng tôi không bắt, không tra tấn ai cả, nhưng chúng tôi phải
tra tấn những gì họ viết” – ông Tint Swe nói, bộ mặt nghiêm nghị nhường chỗ cho
một nụ cười mơ hồ.
Ông Tint Swe là tổng kiểm duyệt gia cuối cùng của Myanmar, là
viên trọng tài hùng mạnh phán xét những gì công chúng được phép đọc – và phán
xét xem cái gì sẽ bị xóa khỏi chính sử.
Suốt gần 5 thập niên, các chính quyền quân sự ở Myanmar kiểm tra
từng cuốn sách, từng cái tựa đề, từng bức ảnh và tranh minh họa, từng bài thơ,
trước khi chúng được in ra. Đó là một công việc quan trọng sống còn đối với
quân đội – lực lượng tìm cách kiểm soát gần như toàn bộ mọi mặt của đời sống
dân sự.
Văn phòng kiểm duyệt được biết đến với một cái tên từ thời
Orwell (George Orwell, nhà văn Anh, nổi tiếng với hai tiểu thuyết phê phán chủ
nghĩa toàn trị là “Trại súc vật” và “1984”, từng sinh sống ở Myanmar hồi thập
niên 20 của thế kỷ trước – ND): Cục Giám sát và Đăng ký Báo chí. Văn phòng này
từng làm nhiều thế hệ người viết phát điên, phát khùng. Các nhân viên kiểm
duyệt trả lại bản thảo với những dòng gạch đỏ, sau quá trình kiểm tra toàn
diện. Thường là họ cấm cả sách, báo. Bất kỳ ý đồ chống đối/ bất mãn thoảng qua
nào nhằm vào lực lượng quân sự, hoặc hàm ý gì về chính quyền tham nhũng, đều bị
xóa bỏ. Miến Điện (Burma) – tên cũ của đất nước này – bị gạch đi để chỉ dùng
tên Myanmar là tên mà Hội đồng Quân sự thích.
Ngay cả các trang vàng trong danh bạ điện thoại cũng phải đi qua
văn phòng kiểm duyệt.
Khoảng 100 kiểm duyệt viên, phần lớn là phụ nữ, ngồi trên những
chiếc ghế mây cũ kỹ và làm việc bên những chiếc bàn gỗ tếch cũ kỹ. Một số phần
việc được tiến hành trên máy tính, song nhiều kiểm duyệt viên vẫn phải đặt sẵn
bút đỏ trong lọ đựng bút. Văn phòng ngổn ngang những chồng sách, báo, bản thảo,
mà nhân viên văn phòng cho biết là họ phải phun thuốc diệt mối thường xuyên để
xử lý mối mọt.
Nhưng hiện nay, văn phòng yên ắng rõ rệt. Cách đây một tháng,
ông Tint Swe đã triệu tập các tổng biên tập, chủ bút và người làm xuất bản hàng
đầu của đất nước đến đây và ra một tuyên bố trọng đại: Sau 48 năm và 14
ngày, chế độ kiểm duyệt sẽ bị vứt vào đống đống nát của lịch sử.
Đối với thế giới, những thay đổi chính trị ở Myanmar – có thể kể
đến một số việc như trả tự do cho các tù nhân bất đồng chính kiến, thành lập
Quốc hội để tranh luận được diễn ra sôi nổi, và quyền tự do báo chí mới trao –
vừa đột ngột lại vừa khó hiểu. Trong lịch sử cận đại, mới chỉ có vài trường hợp
độc tài quân sự từ bỏ quyền lực mà không có bạo lực và đổ máu.
Câu chuyện của ông Tint Swe cho thấy những thay đổi từ trong
chính quyền, một sự tự nhận thức dần dần ở rất nhiều công chức, rằng ách cai
trị quân sự là không thể trụ vững được. Năm ngoái, ông Tint Swe và các quan
chức khác trong Bộ Thông tin đã vạch lộ trình cho việc xóa bỏ chế độ kiểm duyệt
– chỉ vài tháng sau khi chính quyền dân sự của tổng thống lên nắm quyền.
“Công việc mà tôi đã làm đó không phù hợp với thế giới, không
phù hợp với thực tế” – ông Tint Swe phát biểu tại văn phòng của mình, nơi mà
các khẩu hiệu của chính quyền treo gần kín các bức tường.
“Chúng tôi không thể không thay đổi” – ông nói. “Cả nước muốn
thay đổi”.
Chính thức thì ông Tint Swe, 47 tuổi, là một thế lực hùng mạnh
đứng sau cỗ máy tuyên truyền khủng khiếp của phe quân sự. Nhưng trong một biểu
hiện cho thấy quyền lực của chế độ đã sụp đổ trong những năm suy vong của nó,
nhà tổng kiểm duyệt này đã có một thời gian sống hai mặt. Trong một cuộc phỏng
vấn hiếm hoi, ông ta thú nhận rằng bản thân cũng là một cây viết đầy khát vọng.
Vào những ngày cuối tuần, ông Tint Swe viết nhiều bài dài về lịch sử quân sự,
vũ khí, và các đề tài khác. Một trong những cuốn sách ưa thích của ông là về
lịch sử quân sự Mỹ.
Ông ta đưa bài lên Facebook – việc này khiến nhiều nhà báo cười
giễu rằng ngay cả đến nhà tổng kiểm duyệt cũng biết phải làm thế nào để tránh
hội đồng kiểm duyệt.
Những tiến bộ công nghệ đó đã thách thức chính quyền. Điện thoại
cầm tay, tivi vệ tinh, và thế giới xuất bản số, tất cả đều nằm ngoài tầm tay
của giới kiểm duyệt. Và chúng đều không phải là những thực thể trừu tượng đối
với các quan chức như ông Tint Swe. Họ và gia đình họ cũng đều đang sống trong
thay đổi.
Các nhà báo Myanmar cho biết ông Tint Swe, vốn là cựu quan chức
trong quân đội, đã thay đổi dần dần trong thời gian 5,5 năm qua làm cái nghề
gọi là tra tấn chữ nghĩa. (Trong quá khứ, tra tấn về thể xác ở Myanmar thường
được sử dụng để hành hạ tù chính trị, và việc này do các cơ quan khác trong
chính quyền đảm trách).
Ban đầu là một công chức nghiêm khắc, thô bạo và cứng rắn – xuất
thân từ một quan chức quân đội trong một chính thể độc tài – ông Tint Swe đã
trở nên ngày càng thân thiện và khoan hòa hơn, ông đã nhận ra rằng kiểm duyệt
là điều không thể tồn tại trong kỷ nguyên Internet. Năm nay, ông đi xa hơn,
bằng việc giúp các tổng biên tập tổ chức hội nghị về tương lai của báo chí
trong nước.
Saw Lynn Aung, chủ bút tờ tuần báo Naypyitaw Times, nhớ lại cơn
giận dữ không kiềm chế được của ông Tint Swe cách đây 5 năm, khi ông ta ra lệnh
phải xóa bỏ một bài viết chống tham nhũng ở một bộ nọ.
“Anh biết luật rồi đấy!” – ông Aung nhớ lại rằng ông Tint Swe đã
hét lên như thế. “Tôi có thể đóng cửa báo các anh!”.
Ông Tint Swe làm công việc của nhà tổng kiểm duyệt vào một trong
những thời kỳ khó khăn nhất đối với phe quân sự cầm quyền: cuộc nổi dậy của các
nhà sư vào mùa thu năm 2007, phản ứng vụng về của chính quyền trong thảm họa
bão Nargis, cơn bão làm chết ít nhất 130.000 người vào tháng 5-2008. Ông bảo,
những ngày đó, kiểm duyệt là cần thiết, để duy trì ổn định, trật tự.
Các nhà báo cho biết, kể từ sau những biến cố đó, ông bắt đầu
bộc lộ các dấu hiệu cho thấy một sự uyển chuyển hơn.
Ông Saw Lynn Aung nói: “Ông ấy bảo: ‘Xin kiên nhẫn, đợi đã,
rồi sẽ có thay đổi’. Cá nhân tôi cho rằng ông ấy đi trước mọi sự thay đổi một
chút”.
Ông Tint Swe cho biết, giống như bất kỳ người nào khác, ông đã
quan sát cẩn thận, tìm các dấu hiệu thay đổi ở tầng lớp lãnh đạo cao nhất. Ông
đọc rất kỹ bài diễn văn nhậm chức năm ngoái của ông Thein Sein, bài diễn văn
này tập trung vào hòa giải dân tộc và giảm nghèo.
“Bài diễn văn làm tôi có cảm giác rằng một sự thay đổi thật sự
đang đến” – ông Tint Swe nói.
Ba tháng sau khi tổng thống nhậm chức – phải mãi sau này các nhà
quan sát bên ngoài mới bắt đầu tin rằng quá trình cải cách là có thật – ông
Tint Swe và các quan chức khác đã có những bước đi đầu tiên nhằm phá bỏ hệ
thống kiểm duyệt. Vào tháng 6-2011, các bài báo nói về giải trí, y tế, trẻ em
và thể thao bắt đầu được miễn kiểm duyệt.
Tiếp sau đó là các chủ đề khác, và đỉnh cao là tháng trước, với
chính trị và tôn giáo trở thành hai lĩnh vực cuối cùng tháo bỏ kiểm duyệt.
Trong khi tàn tích của chế độ độc tài dần lui vào quá khứ, cũng
vẫn có những nhà cố vấn lo sợ về một sự tái xuất hiện độc tài. Liệu các ông
trùm kinh doanh – vốn kiếm tiền từ chế độ độc tài, độc quyền và những hợp đồng
được chính quyền quân sự ban cho – có làm chậm bước tự do hóa kinh tế không?
Liệu những người kiên quyết thay đổi có chi phối được phe cải cách không?
Bàn về vấn đề kiểm duyệt, ông Tint Swe tỏ ra rất dứt khoát.
“Không có chuyện quay trở lại” – ông nói.
Tuy nhiên, vẫn tồn tại những thắc mắc về quyền tự do báo chí ở
Myanmar. Báo chí vẫn phải có giấy phép mới được xuất bản.
Kyaw Min Swe, chủ bút Tuần báo Tiếng nói (The Voice Weekly) –
một tờ báo dấn thân đã từng bị chính quyền tạm đình bản 6 lần – nói rằng xóa bỏ
kiểm duyệt là chưa đủ. Ông nhận định rằng toàn bộ Bộ Thông tin cũng phải bị xóa
bỏ.
“Bộ Thông tin nói chung là để phục vụ độc tài” – ông Kyaw Min
Swe nói.
Ông Tint Swe cho biết, số phận của văn phòng kiểm duyệt và các
nhân viên của nó vẫn còn đang được xem xét quyết định. 100 nhà kiểm duyệt thú
nhận, họ có thừa thãi thời gian rảnh tay và chẳng bao lâu nữa, sẽ ít việc hơn:
trách nhiệm cho đăng ký xuất bản ấn phẩm giờ đây được giao lại cho mỗi bang tự
quyết. (Myanmar theo chế độ liên bang – ND).
Ông Tint Swe nhìn một lượt quanh văn phòng, và bảo rằng ông có
cảm giác mất mát.
Ông nói về chế độ kiểm duyệt: “Tôi tự hào rằng tôi đã là
người chấm dứt nó. Nhưng tôi cũng là một con người. Văn phòng của tôi đã một
thời đầy những cây viết, nhà văn, người làm xuất bản”.
“Bây giờ thì văn phòng của tôi trông như một thành phố ma”.
Ảnh: Ông Tint Swe đã là tổng kiểm duyệt gia cuối cùng của
Myanmar – thế lực hùng mạnh đằng sau cỗ máy tuyên truyền khủng khiếp của quân
đội.
Nguồn: The New York Times
Bản tiếng Việt © Ba Sàm 2012
No comments:
Post a Comment