Tháng Chín 27, 2012
Rất tình cờ, câu chuyện “Nhà nước vờ giả lương, các giáo
sư, tiến sĩ vờ làm việc” lại diễn ra đúng vào ngày Quốc hội “tạm chốt” mức thu
nhập khởi điểm chịu thuế 9 triệu đồng.
Một người có học vị tiến sĩ, ông Hồ Bất Khuất cho rằng tình trạng “người vờ trả lương, người vờ làm việc” là “chúng ta đang lừa nhau”. Còn Giáo sư nổi tiếng Văn Như Cương thì bàn: “Chúng ta lấy người vào cho đông chỉ để đạt mục tiêu không thất nghiệp. Nhưng đi làm mà lương không đủ sống thì cũng chính là thất nghiệp”. Hai phát ngôn diễn ra trong một văn cảnh thoạt nghe tưởng là thô tục “Lương tiến sĩ không bằng lương người dắt chó”.
Vị Giáo sư nổi tiếng sau đó còn kể chuyện ông phải viết thư cho Bộ trưởng trình bày tình hình và đề nghị được tăng lương. Bởi “Nếu chỉ vì tấm bằng phó tiến sĩ mà không được tăng lương thì xin được trả lại”.
Giáo sư sau đó được tăng lương, tất nhiên. Nhưng có lẽ đó là trường hợp đặc biệt. Các giáo sư khác, ngoại trừ cái tên Văn Như Cương, liệu có được tăng lương khi “Kính gửi Bộ trưởng”? Và vô số những người làm công ăn lương, không giáo sư, cũng chẳng tiến sĩ khác lại càng không có tí “tuổi” nào để đòi hỏi, dẫu có khi chỉ đơn giản về một mức lương tối thiểu, đủ cho một cuộc sống tối thiểu.
Câu chuyện lương, giá, và giờ là thuế, phí nói đi nói lại mãi nghe phát nản. Nhưng vẫn không thể không nói, rằng: Mức lương tối thiểu hiện mới chỉ đáp ứng 60% cuộc sống tối thiểu. Đây là con số chính thức được Phó Chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội Quốc hội Bùi Sỹ Lợi khẳng định hôm 24/9, tại Hội nghị giới thiệu Bộ luật Lao động và luật Công đoàn. Nhưng cuộc sống thế nào là tối thiểu lại là chuyện còn phải bàn khi mà mọi tính toán cho, đơn giản chỉ 2.300 calo một ngày lao động- luôn bị lạm phát cho ngửi khói.
Mức lạm phát tháng 9 nhảy vọt lên 2,2% phá vỡ mọi “dự báo”, mọi “kịch bản”. Chuyện thu phí giao thông lại được tái khởi động. Giá xăng “theo cơ chế thị trường” đang đứng trước nguy cơ tăng sau mỗi 10 ngày. Và viễn cảnh “té giá theo xăng” đang nhãn tiền diễn ra.
Vậy mà khi con số khởi điểm chịu thuế 9 triệu đồng được đưa ra, nhân dân vô tư và hồn nhiên bèn quên bẵng đi rằng đây là một con số cứng, một con số chết cứng, cho đến khi Luật được sửa đổi, quên rằng trong 4 năm qua lạm phát cộng dồn lên tới 50%. Thậm chí quên phắt điều tối thiểu nhất là mức giảm trừ gia cảnh 3,6 triệu đồng thực ra không đảm bảo cho một cuộc sống tối thiểu của một người dẫu là phụ thuộc. Nếu ai đó còn có điều gì lăn tăn về chuyện cao-thấp, xin hãy đọc lại lời khẳng định của Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng trong phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa rồi: 9 triệu đồng chỉ đủ sống tạm. 9 triệu là thu nhập chưa cao.
Với lạm phát đến ngay sau suy thoái, ai dám nói đến tháng 7 sang năm, khi Luật thuế chính thức có hiệu lực, người ta có thể sống tạm với 9 triệu đồng, người ta có thể nuôi con với 3,6 triệu, những con số sắp chết cứng trên Luật?
Trở lại với Hội nghị nói trên, trả lời câu hỏi vì sao
phải đợi đến 2015 thì mới đặt ra vấn đề “lương tối thiểu mới đáp ứng được nhu
cầu tối thiểu”, Thứ trưởng Bộ Lao động- Thương binh và xã hội Phạm Minh Huân
cho rằng cần phải “có lộ trình để đưa lương tối thiểu đáp ứng nhu cầu sống tối
thiểu”. Và sau khi đạt mức “không âm không dương” này mới “Điều chỉnh lương tối
thiểu theo chỉ số giá tiêu dùng”.
Sự thật thà của vị thứ trưởng đang cho thấy, lạc quan nhất, đúng tính toán nhất thì cũng phải trong ít nhất 3 năm nữa lương tối thiểu mới đáp ứng được cuộc sống tối thiểu.
Và trong khi chờ đợi lương “hết giả vờ”, không phải chỉ là các giáo sư, tiến sĩ, mà hàng chục triệu lao động vẫn sẽ phải ở vào cảnh: Nhà nước vờ tăng lương. Chỉ khác với các giáo sư, tiến sĩ là người lao động thì không thể vờ làm việc, không thể chạy xô, không thể “chân trong chân ngoài”. Cuộc sống đó là gì nếu không phải là sống “ảo”.
No comments:
Post a Comment