Hà
Tường Cát/Người Việt (tổng hợp)
Saturday,
September 01, 2012 2:25:09 PM
HOA KỲ -Người ta đã nói nhiều đến nỗ
lực phát triển hải quân của Trung Quốc trong hai thập kỷ vừa qua và hiện nay
tình trạng căng thẳng trên biển Ðông do những hành động gây hấn của nước lớn
này khiến có sự lo ngại xung đột có thể xảy ra trong khu vực.
Tuy
nhiên, theo phân tích và nhận định của nhiều quan sát viên quốc tế, mặc dầu với
lực lượng áp đảo, khả năng dùng vũ lực để thực hiện ý đồ bành trướng có nhiều
giới hạn về chính trị, ngoại giao cũng như thực lực của Trung Quốc.
Các
chuyên gia quân sự thế giới đánh giá hải quân Trung Quốc vẫn còn ở chừng mực
“hạm đội duyên hải,” chưa đủ khả năng hoạt động viễn dương. Hiện nay, hải quân
Trung Quốc có khoảng 70 tàu chiến thuộc hạng khu trục hạm hay hộ tống hạm và 60
tàu ngầm trong đó có 10 tàu ngầm nguyên tử. Tàu dân sự hay bán quân sự, kiểu
như các tàu hải giám, có thể hỗ trợ khi có chiến tranh, ngoài ra hàng chục ngàn
tàu đánh cá là một thứ “dân quân trên biển” thi hành được nhiều công tác, nhưng
tất nhiên cũng chỉ trong phạm vi cận duyên hay nhiều lắm là ở một phần biển
Ðông.
Chiếc
hàng không mẫu hạm Variag cũ của Liên Xô hạ thủy từ năm 1988 mà Trung Quốc mua
lại của Ukraine 10 năm sau trong tình trạng giải giới hoàn toàn chỉ còn là một
thân tàu trống, được kéo về và sau đó tân trang hoàn toàn tại quân cảng Ðại
Liên. Năm ngoái, Variag - tên mới chưa chính thức là Thi Lang - đã bắt đầu chạy
thử chuyến đầu tiên. Cuối Tháng Tám vừa qua, báo chí Trung Quốc ồn ào loan tin
Thi Lang chuẩn bị bước vào đợt thử nghiệm thứ 10.
Nhưng
phóng viên David Lague của hãng thông tấn Reuters cho rằng chiếc hàng không mẫu
hạm Trung Quốc chỉ “hữu danh vô thực”. Theo ông, Thi Lang chưa có phi đội máy
bay chiến đấu, trang bị vũ khí và thiết bị điện tử cần thiết cho hoạt động
chiến đấu và nhất là còn thiếu việc huấn luyện nhân sự cũng như khả năng yểm
trợ từ tiếp vận. Hơn nữa, một hàng không mẫu hạm không thể hoạt động đơn lẻ mà
phải ở trong một hải đội bao gồm các chiến hạm hộ tống và tàu tiếp tế.
Trung
Quốc muốn mua máy bay Su-33 của Nga để trang bị cho mẫu hạm, nhưng chỉ đồng ý
điều kiện mua một số ít trong khi Nga đòi hỏi phải mua toàn thể một phi đội vì
hiểu rằng Trung Quốc sẽ sao chép kiểu mẫu để tự chế tạo. Thỏa thuận không đạt
được và Trung Quốc cho biết sẽ dùng máy bay chiến đấu J-15 do xưởng Shenyang
sản xuất, dựa theo mẫu từ một chiếc Su-33 chưa hoàn hảo đã mua lại được của
Ukraine.
Trước
sự quan tâm của Tây phương đối với chương trình bành trướng hải quân, Trung
Quốc nói rằng mẫu hạm của họ chỉ nhằm sử dụng vào mục tiêu huấn luyện. Lời giải
thích ấy có thể là đúng vì cho đến nay hải quân Trung Quốc hoàn toàn chưa có
kiến thức nào về lãnh vực vũ khí này.
Vả
lại, mẫu hạm Thi Lang, trọng tải 60,000 tấn, nguyên thủy theo quan niệm chế tạo
của Liên Xô là một tuần dương hạm mang máy bay (aircraft-carrying cruiser) với
sứ mạng chiến lược không hoàn toàn giống như tàu sân bay kiểu Mỹ (aircraft
carrier). Thi Lang chỉ có thể trang bị khoảng 20 máy bay chiến đấu, đường cất
cánh kiểu “ski jump” cong lên ở mũi tàu không có hệ thống máy phóng (catapult)
nên máy bay không thể mang theo nhiều bom đạn nặng.
Ông
Scott Cooper, một chuyên gia quân sự thuộc Bộ Quốc Phòng Úc, không tin rằng
Trung Quốc có chương trình phát triển hàng không mẫu hạm như Hải Quân Hoa Kỳ,
dù rằng họ có dự án tự đóng thêm ít nhất hai hàng không mẫu hạm khác. Theo ông,
Trung Quốc chưa đủ khả năng chế tạo những siêu mẫu hạm nguyên tử thế hệ Nimitz
như Hoa Kỳ đang sử dụng hiện nay và phải nhiều chục năm nữa hải quân Trung Quốc
mới có thể sử dụng đủ hiệu quả những hệ thống vũ khí này. Ông cũng cho là Trung
Quốc sẽ chưa có tham vọng cạnh tranh quyền bá chủ đại dương trong tương lai
gần, và nếu phải đụng độ với Hải quân Hoa Kỳ, chỉ cần dùng tàu ngầm và hỏa
tiễn.
Do
đó, ông Cooper cho rằng hàng không mẫu hạm của Trung Quốc vào lúc này nhắm đến
mục tiêu chính trị hơn là quân sự và là sự biểu dương đối với các nước láng
giềng Châu Á. Ngay cả chiến tranh với Ðài Loan cũng không cần tới hàng không
mẫu hạm vì máy bay đặt căn cứ ở lục địa có thể là đủ. Nhưng nếu xung đột trên
biển Ðông ở Hoàng Sa hay Trường Sa thì máy bay từ mẫu hạm sẽ có thể hoạt động
hiệu quả hơn vì tầm hoạt động quá xa, máy bay từ đất liền không thể yểm trợ
chiến trận trong một thời gian dài được.
Tuy
vậy, Hải Quân Trung Quốc sẽ không dễ dàng trong những xung đột trên biển Ðông.
Nếu Philippines đến bây giờ chưa đủ lực lượng đương đầu với Trung Quốc dù là
chỉ xung đột nhỏ trong thời gian ngắn thì từ 5 năm nay, tiềm lực quân sự của
Việt Nam đã gia tăng rất nhiều. Tờ China Review News ở Trung Quốc nhận định
rằng trong năm quốc gia Ðông Nam Á ở biển Ðông - Việt Nam, Philippines,
Malaysia, Indonesia, Brunei - thì lực lượng quân sự của Việt Nam, đặc biệt là
hải quân, có khả năng công cũng như thủ toàn diện và mạnh nhất. Nga đã bán cho
Việt Nam nhiều hệ thống vũ khí phòng thủ cũng như tấn công hiện đại, bao gồm
chiến hạm gắn hỏa tiễn loại Gepard, Molnya, và sắp tới là tàu ngầm lớp Kilo.
Tầm hoạt động của máy bay chiến đấu đặt căn cứ ở các sân bay Biên Hòa, Phan
Rang, Cam Ranh... bao trùm biển Ðông, với Su-30MKV là loại máy bay chuyên dụng
chiến đấu trên biển cũng như hỏa tiễn chống chiến hạm Yakhont từ bờ biển Phan
Thiết có tầm bắn tới Hoàng Sa và Trường Sa.
Trong
những điều kiện ấy, Hải Quân Trung Quốc không sẵn sàng để có thể lấn chiếm một
số đảo như ở Hoàng Sa năm 1974 và Trường Sa năm 1988. Vả lại, Hải Quân Trung
Quốc không có lực lượng thủy quân lục chiến và chiến hạm đổ bộ sẵn sàng. Các
trang mạng chuyên về quân sự quốc tế cho biết Trung Quốc đang cố gắng phát
triển loại tàu đổ bộ chạy trên đệm khí LCAC. Việc chiếm các đảo nhỏ và bãi đá ở
Trường Sa không thể sử dụng loại tàu đổ bộ kiểu cổ điển dễ bị mắc cạn, nên cần
đến tàu chạy trên đệm khí hoặc sử dụng trực thăng. Nhưng Trung Quốc hiểu rõ rủi
ro khi đụng độ với Việt Nam, vì vậy những thái độ khiêu khích và gây hấn cho
đến nay chưa hẳn là một dấu hiệu phát triển tới xung đột, trong khi về phía các
nước Ðông Nam Á như Việt Nam và Philippines vẫn luôn luôn kềm chế phản ứng
tránh hành động khơi mào cho chiến tranh.
Cuối
cùng thì dù với hệ thống vũ khí nào và số lượng bao nhiêu, yếu tố căn bản vẫn
là con người, sử dụng như thế nào và kết quả ra sao không ai có thể dự đoán
chính xác. Có lẽ Trung Quốc cũng như các nước Ðông Nam Á ý thức được thực tế
ấy, và xung đột không phải là giải pháp hiệu quả nhất để chắc chắn giải quyết
dứt khoát các tranh chấp.
No comments:
Post a Comment