Friday,
September 07, 2012 6:10:37 PM
Một vị giáo sư dậy Việt ngữ báo tin sẽ cho các em học sinh lớp
lớn học bài Bình Ngô Ðại Cáo; một phản ứng rất khích lệ. Ông cũng cho biết bài
trước trong mục này đã viết nhầm câu “Ðem đại nghĩa để thắng hung tàn” thành ra
“Ðem đạo nghĩa...”
Người Việt Online đã sửa lại, nay xin đính chính với quý vị độc
giả báo in. Chữ “Ðại” mới đối với chữ “Chí” trong câu sau:Lấy chí nhân mà thay
cường bạo. Ai có học văn chương cổ điển đều biết chữ Ðạo không thể dùng đối với
chữ Chí. Chép sai như vậy thật là có tội với tác giả và dịch giả.
Ðể
các bạn trẻ thời nay thông cảm với bài văn Nguyễn Trãi viết năm 1427, cần giải
thích cho các em biết bối cảnh lịch sử đưa tới bản tuyên ngôn độc lập thứ nhì
của dân tộc Việt Nam - bản tuyên ngôn trước đó, còn giữ lại được, là bốn câu
thơ của Lý Thường Kiệt, ông nói đã được Thần sông Như Nguyệt đọc cho nghe.
Cuộc
kháng chiến chống quân Minh thành công năm 1428 là một bước quyết định trong
lịch sử dân Việt Nam. Nếu dân Việt không đuổi được quân Minh thì không biết bây
giờ còn nước Việt Nam hay không. Dân Việt vẫn tồn tại sau khi trải qua hơn một
ngàn năm bị người Trung Hoa đô hộ, kể từ năm 179 khi Triệu Ðà chiếm nước Âu Lạc,
cho tới năm 939, khi Ngô Quyền thắng quân Nam Hán trên sông Bạch Ðằng. Trong
thời gian hơn mười thế kỷ đó, các chính quyền bên Trung Quốc đã cố ý đồng hóa
biến dân Việt thành người Trung Hoa, giữ nguyên miền đất họ đặt tên là Giao
Chỉ, Giao Châu nằm trong đế quốc nhà Hán, nhà Ðường.
Lần
sau cùng một triều đình Trung Quốc chiếm nước ta với ý định thi hành một chính
sách đồng hóa khắc nghiệt, áp dụng từ trên xuống dưới, là Minh Thành Tổ (làm
vua từ 1403 đến 1424). Ông ta sai hai tướng Trương Phụ và Mộc Thạnh cầm quân
đánh nước ta vào năm 1406. Tháng Sáu năm sau, họ đổi nước Ðại Việt thành quận
Giao Chỉ thuộc đế quốc Ðại Minh.
Ðể
cho dân Việt hết nhân tài, nhà Minh bắt đem về Trung Quốc những người nào thông
minh, học giỏi, viết chữ đẹp, làm tính giỏi, nói năng hoạt bát, tướng mạo khôi
ngô, khỏe mạnh, giỏi nghề đi biển, làm gạch, làm hương, vân vân, đưa về Trung
Quốc. Ðây là một hình thức cưỡng bách “xuất não” (brain drain) hiếm có trong
lịch sử các đế quốc.
Muốn
rửa sạch đầu óc dân tộc Việt để họ biến thành người Trung Hoa, vua nhà Minh bắt
người Giao Chỉ phải thay đổi phong tục. Phụ nữ phải mặc áo ngắn quần dài như
người Minh, không được mặc váy là y phục cổ truyền của người Việt và dân miền
Ðông Nam Á. Người Minh còn cấm người Việt không được ăn trầu, một thói quen
cũng của dân vùng Ðông Nam Á. Chúng ta biết đến thế kỷ 20 phụ nữ Việt Nam vẫn
mặc váy, nhuộm răng đen, ăn trầu. Nhưng tàn bạo nhất là chủ trương hủy hoại tất
cả các di sản văn hóa của dân Ðại Việt. Minh Thành Tổ viết thư ngày 21 Tháng
Tám 1406 ra lệnh Trương Phụ: “Trừ các sách kinh và bản in của đạo Phật, đạo Lão
thì không tiêu hủy, ngoài ra hết thảy mọi sách vở, văn tự cho đến cả những loại
ca lý dân gian, hay sách dạy trẻ... một mảnh chữ đều phải đốt hết. Khắp trong
nước phàm những bia đá do Trung Quốc dựng từ xưa đến nay thì đều giữ gìn cẩn
thận, còn các bia do An Nam dựng thì phá hủy tất cả, một chữ chớ để còn.” Vua
nhà Minh còn gửi một văn thư thứ nhì, khiển trách các tướng là không giữ đúng
lệnh bắt quân sĩ phải “đốt ngay tại chỗ” vì vẫn thấy có đứa tịch thu sách đem
về nộp! Ngày nay chúng ta gọi hành động này là “diệt chủng văn hóa”.
Sử
gia Ngô Sĩ Liên, trong Ðại Việt Sử Ký Toàn Thư, in năm 1479, viết về tai họa
đốt sách: “...sách vở cả nước thành đống tro tàn.” Lê Quý Ðôn (1726-1784) kể
lại rằng sau khi đuổi được quân Minh, “các bậc danh Nho như Nguyễn Trãi, Lý Tử
Tấn, Phan Phu Tiên cùng nhau sưu tầm các sách vở giấy tờ, nhặt nhạnh từng tờ
giấy còn sót lại; ... mười phần chỉ còn bốn năm phần.”
Minh
Thành Tổ làm vua trong một giai đoạn thịnh trị nhất của Trung Quốc. Trước đây
600 năm, họ đã tổ chức những cuộc hành trình của Ðô Ðốc Trịnh Hòa (1371-1433)
thường đi hơn 50, 60 chiếc tàu, chở theo hơn 27 ngàn người; họ đi vòng quanh
Ðông Nam Châu Á, ghé Ấn Ðộ, bán đảo Á Rập, qua tận Phi Châu, tới đâu tặng quà
và mua các sản phẩm mới lạ đem về. Ði như thế tất cả bảy chuyến trong 30 năm,
cho thấy sức mạnh kinh tế và quân sự của họ như thế nào. Nếu dân Việt tiếp tục bị quân Minh họ đô hộ, cho
tới lúc nhà Minh bị người Mãn Thanh lật đổ vào thế kỷ 17, thì không biết bây
giờ còn nước Việt Nam, còn dân tộc Việt Nam hay không?
Kể
từ lúc quân nhà Ðường, nhà Hậu Lương, Nam Hán phải rút khỏi bờ cõi nước ta, cho
tới đời nhà Minh đã cách nhau năm thế kỷ. Vậy mà một ông hoàng đế Trung Hoa vẫn
chưa bỏ qua tham vọng quay trở lại, chiếm đóng nước ta vĩnh viễn. Lại có kế
hoạch đào hết gốc rễ, xóa bỏ hết văn hóa dân Việt, nhắm mục đích đồng hóa tất
cả! Năm thế kỷ tưởng là dài, nhưng vẫn không làm cho các hoàng đế Trung Hoa
quên giấc mộng làm chúa tể cả thiên hạ, tức là tất cả các thứ nằm dưới bầu
trời! Cho nên không trách từ đó tới nay, người Việt biết mình cứ phải luôn luôn
đề phòng một ông Minh Thành Tổ thứ hai hay thứ ba lại làm chúa tể ở Bắc Kinh!
Sáu trăm năm vừa qua đã có bao nhiêu người cầm đầu Trung Quốc lại ôm giấc mộng
Minh Thành Tổ? Thời 1940 nhà cách mạng Lý Ðông A đã đọc tài liệu nội bộ trong
giới sĩ quan Quốc Dân Ðảng Trung Hoa đề cập đến mưu đồ biến Việt Nam thành một
vùng của Trung Quốc. Thời nay vẫn có những người viết mạng bày kế hoạch chiếm
Việt Nam lần nữa!
Mối
lo ngại của người Việt có lý do thực tế. Vì các chính quyền Trung Quốc đã xâm
chiếm và đồng hóa các sắc dân khác chung quanh nước họ từ lâu rồi. Trước khi
xâm lăng các nước ở phía Nam, lãnh thổ của nhà Tần chỉ bằng một phần tư đến một
phần ba diện tích Trung Quốc bây giờ; chính sử gia Triệu Ðinh Dương ở Bắc Kinh
xác nhận như vậy. Sau đó, người Hoa đã xâm chiếm và đồng hóa tất cả các sắc tộc
ở phía Nam, phía Tây. Các dân tộc Tây Tạng, Uighur, Mông Cổ đã bị cưỡng bách
sát nhập nước Tàu. Ðến bây giờ Bắc Kinh còn vu cáo Ðức Ðạt Lai Lạt Ma là một
người cầm đầu một “phong trào Tây Tạng ly khai” tách khỏi Trung Quốc. Tây Tạng
vốn là một quốc gia cổ với một nền văn hóa lâu đời khác hẳn người Hán, đã xung
đột và ký hiệp ước phân định biên giới với vua nhà Ðường vào thế kỷ thứ tám,
vua hai nước nhận làm anh em. Họ chỉ bị nhà Mãn Thanh chiếm đóng từ thế kỷ 17;
nhưng đến thế kỷ 20 lại tuyên bố độc lập! Nói người Tây Tạng đòi ly khai thì
cũng giống như người Trung Hoa nói Việt Nam cũng là một phần của Trung Quốc; mới
“ly khai” từ thế kỷ thứ 10! Nếu không sớm ly khai, thì bây giờ Việt Nam còn là
một tỉnh; hoặc thấp hơn, chỉ là một huyện trong tỉnh Quảng Ðông hoặc Hải Nam,
có thể nằm chung trong huyện Tam Sa vậy!
Tất
nhiên, chúng ta tin rằng nếu cuộc khởi nghĩa của Lê Lợi thất bại sau 10 năm
đánh giặc thì sau đó chắc chắn còn những ông họ Lê, họ Nguyễn, họ Trần... khác
theo nhau lãnh đạo dân nổi dậy giành độc lập. Bởi vì dân Việt đã sống dưới các
triều đại trước của Trung Quốc trong hơn mười thế kỷ mà vẫn không bị đồng hóa,
thì không lý nào sau khi đã quen sống độc lập năm thế kỷ người mình lại yếu hèn
hơn, nhu nhược hơn mà chịu ách đô hộ mãi mãi. Nhưng công đức Vua Lê vẫn lớn lao
không thể nào quên được.
Nhờ cuộc khởi nghĩa
của Lê Lợi giành lại quyền tự chủ sau 10 năm chiến đấu, dân tộc Việt Nam đã
thoát nạn đồng hóa, không biến thành một tỉnh của Trung Quốc. Cho nên ngày kỷ niệm Lê Thái Tổ
phải tổ chức như một ngày hội lớn, mở hội ăn mừng dân tộc tái sinh! Trong dịp này, mọi
người cùng nhau đọc lại bài Bình Ngô Ðại Cáo, vừa để tỏ lòng biết ơn tổ tiên,
vừa ôn lại lịch sử dân tộc và nuôi lòng yêu nước trong giới thanh niên. Lòng
yêu nước là một tình cảm tự nhiên, không ai cần phải đi xin cấp giấy phép yêu
nước bao giờ! Bao giờ thanh niên nước ta biết như vậy, muốn được thể hiện lòng
yêu nước một cách nhiệt thành, lúc đó tương lai mới sáng sủa!
Đọc thêm :
No comments:
Post a Comment