Thứ Sáu
21-9-2012
Chỉ
còn 03 ngày nữa là đến phiên tòa xét xử ba thành viên của Câu lạc bộ Nhà báo Tự
do và 05 ngày nữa là tới phiên tòa phúc thẩm dành cho bốn anh em người Công
giáo còn rất trẻ. Lẽ thường nói đến “Tòa Án” hay “Phiên Tòa” là người ta phải
nghĩ tới Công lý, phải liên tưởng tới những thủ tục nghiêm cẩn, khách quan,
phân minh, chính trực nhằm tìm ra Sự thật và lập lại Công Lý. Nhưng liệu những
“phiên tòa” sắp diễn ra nói trên có thể mang lại Công lý, Sự thật, dù là chút
nhỏ nhoi, không? Hy vọng bài viết sau sẽ giúp chúng ta tìm được câu trả lời cho
câu hỏi khắc khoải này.
Công Khai Là Linh Hồn Của Công Lý
Nam Hải Trường Sơn
Nguyên tắc tòa án mở (open courts) là một nền tảng chủ chốt của
hệ thống tư pháp độc lập trong các xã hội dân chủ tự do và việc xét xử công
khai (public trial) là hiến quyền tại nhiều nước phương Tây. Vào tòa quan sát
việc xét xử cũng dễ dàng và đơn giản như vào thư viện công cộng đọc sách. Kiến
nghị hay xin phép tham dự là chuyện thừa thãi không cần thiết, phí phạm thời
gian và tài nguyên của tòa án cũng như của chính mình.
Mục Đích Của Nguyên Tắc Tòa Án Mở
Nguyên tắc tòa án mở phát xuất từ mục đích phục vụ năm nhu cầu
chủ yếu của một hệ thống tư pháp công chính.
Thứ nhất, tòa án mở có tác dụng duy trì tiến trình duyệt xét
chứng cứ hữu hiệu. Về mặt tâm lý chủ quan, sự hiện diện của khán giả sẽ giảm
thiểu khả năng khai man và bóp méo sự thật của nhân chứng bằng cách khuyến
khích tinh thần trách nhiệm trước dư luận công chúng (qua biểu tượng của khán
giả hiện trường đang sẵn sàng khinh miệt kẻ gian dối trước tòa). Đồng thời, sự
hiện diện của khán giả sẽ khiến nhân chứng e sợ rằng lời khai man của họ có thể
bị những người biết rõ nội tình trong đám khán giả (hoặc những người khác được
khán giả hiện trường báo cho biết về lời khai của nhân chứng) vạch trần. Về mặt
cơ hội khách quan, tòa án mở tạo điều kiện cho những người biết rõ nội tình
tham gia quan sát việc xét xử và qua đó có thể đứng ra làm chứng, cung cấp thêm
thông tin (mà trước đây nguyên cáo hoặc bị cáo cũng như quan tòa và bồi thẩm
đoàn chưa hề biết) để làm sáng tỏ vấn đề hoặc để đối chất với kẻ khai man trước
tòa.
Thứ hai, tòa án mở góp phần đảm bảo rằng quan tòa và bồi thẩm
đoàn hành xử đúng đắn, có nhiệm vụ khắc phục thành kiến cá nhân, và phản ánh
giá trị của cộng đồng để tạo dựng niềm tin cho người thưa kiện rằng trình tự
cũng như kết quả của việc tố tụng là công bằng.
Thứ ba, tòa án mở xúc tiến cảm thức chung của công dân rằng tòa
án hoạt động dựa trên cơ sở chính trực và sự hiện diện của khán giả nâng cao
chất lượng của quá trình thực thi công lý.
Thứ tư, tòa án mở tạo điều kiện để người dân có cơ hội học hỏi
về cơ chế vận hành của hệ thống tư pháp và thấu hiểu việc pháp luật ảnh hưởng
đến cuộc sống hàng ngày của họ được áp dụng như thế nào tại tòa án.
Ngoài bốn mục đích có giá trị về mặt hệ thống và xã hội nêu
trên, tòa án mở còn nhắm vào mục đích phục vụ quyền lợi riêng của nguyên cáo,
bị cáo hoặc những cá nhân khác có liên quan trực tiếp đến nội vụ tố tụng. Tòa
án mở là diễn đàn công cộng được pháp luật bảo vệ để họ có thể mạnh dạn thổ lộ
trước mặt quần chúng những uất ức hoặc bất công mà họ đã phải âm thầm gánh
chịu.
Cơ Sở Pháp Lý Tại Bắc Mỹ
Tại Canada, tòa án là trường sở công cộng và những gì xảy ra tại
tòa án là việc công cho dù tòa án chỉ đang xét xử tranh chấp riêng tư giữa hai
cá nhân hay cá thể. Bởi thế, tòa án phải được mở rộng để công chúng tự do quan
sát, thảo luận, và báo cáo những gì xảy ra tại đó. Tính trọng yếu của nguyên
tắc tòa án mở đã có một lịch sử cao quý kéo dài đến cả mấy thế kỷ nay.
Vào năm 1913, thẩm phán Loreburn, trong án lệ nổi tiếng Scott
v. Scott, đã xác nhận rằng: "Một luật lệ thâm căn cố đế [trong hệ
thống tư pháp của Khối Liên Hiệp Anh] là công lý phải được thực thi giữa tòa án
mở." Cũng trong án lệ này, thẩm phán Shaw đã tuyên bố rằng: "Công
khai là linh hồn của công lý." Hay nói cụ thể như ý kiến đồng thuận của
thẩm phán Halsbury: "[T]ất cả các Tòa Án công lý đều mở rộng để đón tiếp
mọi thần dân của Quốc Vương."[1]
Trong án lệ R. v. Josephson, Tối Cao Pháp Viện Canada tái
khẳng định rằng: "Đặc tính công cộng và mở rộng của tòa án là một nguyên
tắc của luật phổ thông [luật tiền lệ] và nếu những điều kiện đó không được thỏa
mãn thì tòa án sẽ không tồn tại và mọi trình tự đều vô hiệu lực."[2]
Khi Bản Hiến Chương Nhân Quyền Và Tự Do được ban hành vào
năm 1982 (được gọi tắt là Bản Hiến Chương), nguyên tắc tòa án mở của
luật phổ thông được gián tiếp đưa lên địa vị hiến quyền. Trong án lệ Edmonton
Journal v. Alberta (A.G.), Tối Cao Pháp Viện Canada xác nhận rằng quyền tự
do biểu đạt (bao gồm quyền tự do báo chí) được liệt kê trong điều 2(b) của Bản
Hiến Chương có tác dụng bảo vệ quyền tự do tham gia quan sát việc xét xử
tại tòa án.[3]
Tương tự, trong án lệ Richmond Newspapers, Inc. v. Virginia,
chánh án Burger của Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ cũng xác nhận rằng: "Chúng ta
không tìm thấy có chứng cứ gì để gợi ý rằng tính công khai được giả định của
quá trình tố tụng, mà các tòa án tại Anh Quốc về sau gọi là 'một phẩm chất cốt
lõi của một tòa án công lý' ... cũng không phải là một đặc tính của các hệ
thống tư pháp tại thuộc địa Hoa Kỳ .... Từ dòng lịch sử được hậu thuẫn bằng những
lý do có giá trị trong hiện tại cũng như trong nhiều thế kỷ đã qua mà chưa hề
bị phủ nhận và gián đoạn đó, chúng ta buộc phải kết luận rằng tính công khai là
một giả định cố hữu của chính bản chất quá trình tố tụng hình sự trong hệ thống
công lý của chúng ta." Để củng cố truyền thống này, Tối Cao Pháp Viện Hoa
Kỳ đã phán quyết rằng quyền tham quan việc xét xử tại tòa án hình sự của công
chúng cũng tiềm tàng trong những bảo đảm của Tu Chính Án Số I (như tự do hội
tập, tự do ngôn luận, và tự do báo chí) bởi vì "nếu thiếu quyền tự do tham
gia những tiến trình tố tụng mà công chúng đã thực hiện trong nhiều thế kỷ đó,
những khía cạnh quan trọng của tự do ngôn luận và 'tự do báo chí có thể bị moi
ruột,' [nói theo ngôn từ của thẩm phán White trong án lệ Branzburg v. Hayes]."[4]
Giới Hạn Của Việc Xét Xử Công Khai
Tuy nguyên tắc tòa án mở là một phẩm chất cốt lõi của hệ thống
tư pháp dân chủ tự do, tham dự tiến trình tố tụng không phải là một hiến quyền
tuyệt đối. Nói cách khác, tùy theo hoàn cảnh, tòa án có thể hạn chế quyền tham
dự của một số hay toàn bộ công chúng nhằm duy trì trật tự và bảo vệ đạo đức
công cộng, thực thi công lý một cách đúng đắn, hoặc ngăn ngừa việc gây tổn hại
cho quan hệ quốc tế, quốc phòng hay an ninh quốc gia. Sau đây là một số ví dụ cụ
thể.
Tòa án là trường sở công cộng thường có diện tích tương đối hạn
hẹp và số lượng chỗ ngồi dành cho khán giả tương đối ít. Trong trường hợp phiên
tòa thu hút quá nhiều người muốn tham quan, tòa án có thể dùng hệ thống bốc
thăm hay xổ số để phân phát chỗ ngồi cho công chúng và giới truyền thông, dựa
theo nguyên tắc chọn lựa ngẫu nhiên. Tòa án có quyền từ chối tiếp nhận công
chúng nếu sức chứa của tòa đã đạt giới hạn. Tòa án có quyền cấm người quan sát
tụ tập giữa lối đi hay hành lang của tòa, để duy trì việc thông hành. Tòa án có
quyền đuổi những kẻ phá rối trật tự hoặc tỏ thái độ uy hiếp nhân chứng ra khỏi
tòa.
Tại Hoa Kỳ, Tu Chính Án Số I không bắt buộc tòa án phải truyền
hình bất cứ trình tự tố tụng nào. Trong thực tế, khẩu biện trước Tối Cao Pháp
Viện Hoa Kỳ chưa bao giờ được truyền hình cho công chúng xem lần nào cả. Tòa án
có thể nghiêm cấm vệc sử dụng máy chụp hình hay máy truyền hình trong nội thất
tòa án.
Tòa án có quyền ban hành lệnh cấm các cơ quan truyền thông cũng
như công chúng loan báo những gì xảy ra tại phiên tòa để bảo vệ thân phận của
tất cả các nạn nhân hay nhân chứng vị thành niên (thường là dưới 18 tuổi) trong
các vụ án xét xử tội trạng bạo hành tính dục. Tòa án có quyền mời toàn bộ khán
giả ra khỏi tòa án trong khoảng thời gian mà lời khai của nhân chứng thổ lộ bí
mật quốc gia hay bí mật thương nghiệp, nhưng không thể lâu hơn thế, cũng như có
quyền loại trừ sự hiện diện của trẻ thơ dưới hai tuổi mà không cần viện dẫn lý
do.
Cơ Sở Pháp Lý Tại Việt Nam
Điều 131 của Hiến Pháp Việt Nam 1992 (được sửa đổi và bổ
sung năm 2001, và sau đây tôi sẽ gọi tắt là Hiến Pháp) quy định:
"Toà án nhân dân xét xử công khai, trừ trường hợp do luật định." Điều
khoản này có hai ý nghĩa pháp lý chủ yếu. Thứ nhất, tiến hành việc xét xử công
khai là một trách nhiệm hiến định mà bất cứ Tòa Án Nhân Dân nào (bao gồm
Tòa Án Nhân Dân Tối Cao) cũng phải thực thi nghiêm chỉnh. Thứ hai, điều khoản
này gián tiếp thừa nhận rằng công chúng có quyền tự do tham dự việc xét
xử tại tất cả mọi Tòa Án Nhân Dân. Bởi lẽ nếu người dân bị khước từ quyền hạn
này thì điều 131 sẽ trở nên vô nghĩa vì Tòa Án Nhân Dân không thể thi hành
nhiệm vụ xét xử công khai hiến định của mình khi công chúng không có hiến quyền
tương xứng để tự do hiện diện tại tòa án. Hai khía cạnh pháp lý hỗ tương ỷ tồn
này (trách nhiệm của tòa và quyền của công dân) được điều 18 của Bộ Luật Tố
Tụng Hình Sự diễn giải và quy định một cách rõ ràng: “Việc xét xử của Tòa
án được tiến hành công khai, mọi người đều có quyền tham dự, trừ trường hợp do
bộ luật này quy định."
Lý Thuyết Và Hiện Thực
So sánh văn bản hiếp pháp của Canada, Hoa Kỳ, và Việt Nam, chúng
ta có thể thấy rõ địa vị hiến pháp của nguyên tắc tòa án mở tại Việt Nam được
xác lập một cách trực tiếp, mạnh mẽ và hiển nhiên hơn cả. Điều nổi bật đáng nói
là trách nhiệm hiến định của Tòa Án Nhân Dân trong việc xét xử công
khai. Nhưng vẻ đẹp đối tỉ kết thúc hụt hẫng ở ngay đây vì điều trớ trêu đáng ân
hận là tu từ hoa mỹ này chẳng có tí giá trị thực tiễn nào cả.
Lúc còn là sinh viên trường luật tại Canada, một chuyện làm tôi
rất hổ thẹn và đau lòng là khi bàn đến Hiến Pháp của Việt Nam các bạn
học cùng lớp hội thảo luật hiến pháp của tôi đã từng tuyên bố một cách mỉa mai
rằng: "Vietnam's Constitution is a joke!" ("Hiến Pháp
Việt Nam là một trò hề!").
Tôi cứng họng, bởi vì chỉ nhìn vào điều 4 của Hiến Pháp
không thôi là tôi biết mình sẽ đuối lý; nó hiến pháp hóa sự lãnh đạo tuyệt đối
và vô kỳ hạn của Đảng và đồng thời là điều khoản duy nhất được thực sự thi hành
tại Việt Nam. Đối với những phần còn lại, vị giáo sư phụ trách lớp hội thảo này
phê một câu có tính chất ngoại giao cao hơn vì nó mang ý nghĩa nước đôi:
"Just words!" Vừa như khen lại vừa như chê. Khen, nếu chữ
"just" được dùng dưới dạng tính từ: "Ngôn từ công lý!" Chê,
nếu chữ "just" được dùng dưới dạng trạng từ (tương đương với
"only"): "Chỉ là ngôn từ thôi!" Nhưng dẫu hiểu theo cách
nào đi nữa trọng tâm vẫn là chữ "words" với hàm ý là ngôn từ hay lý
thuyết không có giá trị thực tiễn.
Hơn mười mấy năm trôi qua, lời bình của bạn học và thầy cũ của
tôi vẫn giữ nguyên vẹn tính chính xác. Nhưng tôi biết chắc họ sẽ hân hoan vô
cùng nếu ngược lại ý kiến của họ không còn hợp thời nữa. Tòa án mở cũng như
tất cả mọi khía cạnh công lý và bình đẳng khác của xã hội Việt Nam chỉ trở
thành hiện thực khi công cuộc cách mạng dân chủ thành công. Đó là một hành
trình gian nan nhưng chúng ta phải mạnh dạn dấn bước.○
[1]Scott v. Scott, [1913]
A.C. 417.
[2]R. v. Josephson (1949),
7 C.R. 273 (Man. C.A.).
[3]Edmonton Journal v. Alberta (A.G.), [1989]
2 S.C.R. 1326.
[4]Richmond Newspapers, Inc. v. Virginia, 448
U.S. 555 (1980).
(Như Cây Tre Việt Nam trân trọng cảm ơn tác giả đã cho
phép sử dụng bài và biên tập lại cho
phù hợp với bối cảnh hiện thời. Bài gốc có thể xem tại: Blog Nam Hải Trường Sơn)
No comments:
Post a Comment