Friday, 7 September 2012

CÁC BÀI BÌNH LUẬN về BẢN ÁN 4 NĂM đối với PHÓNG VIÊN HOÀNG KHƯƠNG (Thùy Linh, Mẹ Nấm, Huỳnh Bá Hải)





Thứ sáu, tháng chín 07, 2012

Cả ngày hôm nay mình ám ảnh nụ cười của Khương trong tòa án mà phóng viên chụp được. Nụ cười rất hiền, dịu dàng và quyến rũ. Nụ cười của người biết mình đang ở đâu, đã làm gì và cái gì đang chờ đợi bạn. Không chứa đựng một tia hy vọng nhưng cũng không hề thấy một sự thất vọng trong nụ cười và gương mặt ấy…Với mình bạn đã chiến thắng.


Những người dấn thân đi tìm sự thật ở một đất nước có quá ít sự thật và sự thật luôn bị che giấu đã tự nhận về mình những nguy cơ đầy tiềm ẩn cho an nguy của mình. Chính thế nghề báo tự thân đã hàm chứa lòng can đảm, dấn thân, hy sinh vì khao khát tìm ra sự thật và nói lên sự thật. Khương là số ít nhà báo đã làm được điều đó, dám làm điều đó. Bạn đã đổi tự do của mình để vạch mặt ít nhất được một kẻ sâu mọt – một cái giá không hề rẻ. Nhưng sự thật có bao giờ là giá rẻ?

Cha của Hoàng Khương, sau khi tòa tuyên án 4 năm tù. Ảnh: FB


Mới đây thôi dân cư mạng sôi sục vì cái án 4 năm tù cho trung tá Nguyễn Văn Ninh do tội đánh chết ông Trịnh Xuân Tùng chỉ vì cái mũ bảo hiểm. Một mạng người chỉ đổi bằng cái án 4 năm. Sự thật vụ án hiển nhiên như thể ban ngày thì không cần thắp đèn đọc sách. Nhưng Kim Tiến, con gái ông Tùng, đơn độc một mình chiến đấu lại cả bộ máy hành pháp, tư pháp đồ sộ để chỉ nói lại sự thật, và cô đã không thể chiến thắng. Sự thật trong vụ án này đã bị chà đạp, đã bị làm nhục. Kẻ chiến thắng có tên là tội ác.

Cách đây chưa lâu, một cô gái đã bị chín tháng tù vì tát cảnh sát giao thông đang làm nhiệm vụ. Cô bé còn rất trẻ, nông nổi, nóng nảy, thiếu suy nghĩ. Cô bị đưa ra tòa và bị kết án dù khóc như mưa, rồi xin lỗi, ân hận…Một cái tát đổi 9 tháng tù giam so với một mạng người là 4 năm. Mạng người quá rẻ so với cái má anh cảnh sát. Sự thật đã bị phóng đại lên quá lớn.

Cách đây mấy năm, anh Nguyễn Công Nhật cũng đến trụ sở công an rồi không trở về. Gần đây đã có kết luận của cơ quan điều tra: Anh Nhựt treo cổ chết vì ân hận? Một người đang làm việc bình thường, có một người vợ để yêu thương, một gia đình ấm cúng, cớ sao ân hận đến mức treo cổ, mà lại treo cổ trong cơ quan công an? Sự thật này mãi mãi được bao che chôn vùi trong bóng tối, trừ khi có phép màu khiến anh Nhựt tái sinh và kể lại.

Gần đây nhất, một người dân vào trụ sơ công an xã đã bị đánh chết chỉ vì mâu thuẫn nho nhỏ với hàng xóm. Bốn công an xã đã bị bắt. Sắp tới hãy chờ xem bản án dành cho bốn người này. Để xem sự thật có đúng là sự thật?

Khi kết án Khương, nhà giam mất 4 năm để cầm giữ bạn. Khương cũng mất ngần ấy năm tự do. Nhưng chính thể sẽ mất rất nhiều năm để xóa đi vết nhơ đã tự gây ra như các vụ án trước đây.

Bốn năm án tù cho Khương nghe thì dài nhưng cũng nhanh thôi để bạn trở lại với nghề cầm bút. Thời gian đó đủ để bạn chiêm nghiệm về một thời khốn khổ, tang thương của lũ cầm bút chúng ta. Hãy ngẩng cao đầu đi Khương. Hãy giữ nụ cười hiền và tĩnh tại như khi bạn đến tòa án. Và quan trọng khi trở về, bạn có còn nhuệ khí, dũng cảm để cầm lại cán bút mà lúc đó sẽ trở nên quá nặng nếu bạn không vượt qua được nỗi ám ảnh?

Và bản án này có phải là thông điệp của chính quyền đưa ra cho những người cầm bút không chịu cúi đầu - những người muốn tìm hiểu sự thật, đi đến cùng sự thật? Họ muốn những người cầm bút nên mua sự thật với cái giá rẻ mạt do họ chào mời?

Và, bạn bè của tôi…Các bạn coi đây là tấm gương nên tránh hay là lúc trầm tĩnh lại, chuẩn bị cho mình tư thế để chấp nhận cuộc chơi với thứ “quyền lực thứ tư” đầy mạo hiểm với rất ít sự bảo hiểm cho an toàn cá nhân và gia đình?


Friday, September 7, 2012 at 7:48am

Một năm có 365 ngày, con số 1460 trên tiêu đề bài viết này của tôi chính là khoảng thời gian 4 năm - mức án dành cho trung tá Nguyễn Văn Ninh đánh chết ông Trịnh Xuân Tùng tại Hà Nội, và phóng viên Hoàng Khương báo Tuổi Trẻ tại Sài Gòn.

Điểm chung duy nhất khiến tôi phải làm phép so sánh này đó là cả hai vụ án đều có liên quan đến lực lượng bảo vệ luật pháp - ngành công an.

Phóng viên Hoàng Khương là một nhà báo có nhiều bài viết chống tiêu cực sắc sảo của báo Tuổi Trẻ, đặc biệt là loạt bài viết bóc trần tình trạng tiêu cực, tham nhũng của lực lượng Cảnh sát giao thông - nơi mà cho đến nay chưa cơ quan chủ quản là Bộ Công an vẫn chưa tìm ra cách giải quyết dứt điểm tệ nạn này.

Nguyễn Văn Ninh là một trung tá công an, đã đánh chết ông Trịnh Xuân Tùng và lạnh lùng trước tòa cho rằng ông ta rất bình tĩnh trong khi thi hành công vụ - trong khi đánh gãy cổ người dân.

Ở vụ án thứ 1: Ngày 13/01/2012, trong phiên sơ thẩm vụ án trung tá công an Nguyễn Văn Ninh đánh chết dân, Viện kiểm sát (VKS) đã đề nghị mức án từ 3-4 năm tù giam cho bị cáo Ninh với tội danh "làm chết người trong khi thi hành công vụ".

Ở vụ án thứ 2: Chiều ngày 7/09/2012, Kiểm sát viên Phạm Thị Thu Hà (VKSND TP.HCM) trong phần luận tội vụ án "đưa hối lộ, nhận hối lộ và làm môi giới hối lộ" đã đề nghị mức án 6-7 năm tù giam đối với phóng viên Hoàng Khương báo Tuổi Trẻ với tội danh "đưa hối lộ" và Huỳnh Minh Đức, nguyên cán bộ Đội cảnh sát giao thông - trật tự - phản ứng nhanh Công an Q.Bình Thạnh với tội danh "nhận hối lộ".

Đề nghị của Viện kiểm sát cho ta thấy một góc nhìn và thể hiện những vô lý, bất công cũng như những dàn xếp để dẫn đến những cái gọi là "bản án bỏ túi" đằng sau hậu trường tòa án:
Làm chết người: đề nghị 3-4 năm.
Hối lộ: đề nghị 6-7 năm.

Tôi đơn giản chỉ làm một phép so sánh giữa hai đề nghị mức án của VKS để thấy rõ ràng rằng, vị trí của ngành công an, lực lượng được mệnh danh là "thanh kiếm và lá chắn bảo vệ chế độ" có sự ưu ái trước pháp luật.

Trước phiên tòa sơ thẩm, trung tá Ninh không thừa nhận hành vi tội ác của mình và ông không hối lỗi vì cho rằng đó là tai nạn nghề nghiệp và đề nghị được hưởng án treo.

Trong phiên tòa sơ thẩm, trước những thế lực bủa vây, nhà báo chống tiêu cực Hoàng Khương đã phải xác định mình có lỗi, hành vi là có chỉ vì sai sót về nghiệp vụ, với động cơ hoạt động trong sáng là phát hiện tiêu cực và đấu tranh chống tiêu cực, đúng với chủ trương của đảng và nhà nước.

1460 ngày giam giữ - cho hành vi đánh dân gãy cổ và bỏ mặc nạn nhân trong tình trạng nguy hiểm cho đến chết tại đồn công an Thịnh Liệt của trung tá Nguyễn Văn Ninh.
Kết quả là ngày càng có thêm nhiều người dân bị đánh, bị dùng nhục hình tra khảo và bị tra tấn cho đến chết tại đồn công an.

1460 ngày giam giữ - cho hành vi hối lộ của một phóng viên thừa nhận mình đã "sai sót về nghiệp vụ trong quá trình tác nghiệp" đối với lực lượng CSGT vốn có tì vết về nạn mãi lộ.
Đây là đòn dằn mặt cho tất cả những ai có ý định bóc trần sự thật hoặc đụng chạm đến "thanh kiếm và lá chắn bảo vệ chế độ".

Trên Facebook của mình nhà báo Huy Đức có viết:
Hành động của nhà báo Hoàng Khương có dấu hiệu vi phạm pháp luật nhưng không thể coi là tội phạm vì không những không nguy hiểm cho xã hội mà còn làm giảm nguy hiểm cho xã hội.
Đối với tôi, trong tất cả sự công tâm và dựa vào nền tảng đạo đức và nhất là mục tiêu thật sự của vụ việc, nhà báo Hoàng Khương hoàn toàn không vi phạm pháp luật. Mục tiêu sau cùng của anh không bao giờ là "đưa hối lộ, nhận hối lộ và làm môi giới hối lộ" để mang lại một lợi lộc gì cho riêng anh mà chỉ để qua đó có đủ bằng chứng sống về những hành vi sai trái của công an. Nếu anh có lỗi thì lỗi của anh là đã dựng bẫy công an thoái hóa.
Nhưng mục tiêu việc làm của anh nhất định là một mục tiêu trong sáng.
Mục tiêu việc làm của anh nhất định là để phục vụ và làm tốt xã hội.
Mục tiêu việc làm của anh nhất định nằm trong ý hướng chân chính của một nhà báo có lương tâm.
Tòa xử anh 4 năm tù không phải là nặng hay nhẹ mà là KHÔNG THEO LUẬT (Khoản 4, Điều 8 của Bộ luật hình sự: “Những hành vi tuy có dấu hiệu của tội phạm, nhưng tính chất nguy hiểm cho xã hội không đáng kể, thì không phải là tội phạm và được xử lý bằng các biện pháp khác”). (Trích Facebook Osin HuyDuc)

Với hai vụ án được xem như "án lệ" này thì:

1. Công an sẽ tự tung tự tác hơn khi sử dụng bạo lực với dân.
2. Các nhà báo chống tiêu cực sẽ dè chừng hơn.

Và mức án 4 năm, 1460 ngày bị giam giữ - mức thời gian dành cho 2 bản án - một kẻ giết người & một người phạm tội danh "đưa hối lộ" - chung quy chỉ để chứng tỏ rằng lực lượng "thanh kiếm và lá chắn bảo vệ chế độ" là bất khả xâm phạm.

Hay nói một cách khác: "Luật là tao, tao là luật"

Trên trang Dân Làm Báo, ngay sau khi có kết quả bản án của phiên tòa xét xử phóng viên Hoàng Khương, đã có một bài viết: Vụ án Hoàng Khương: Im lặng hay lên tiếng?
Câu trả lời dứt khoát phải là: chúng ta phải lên tiếng.

Phóng viên Hoàng Khương mỉm cười cùng đồng nghiệp tại phiên tòa. Ảnh: Thuận Thắng - báo Tuổi Trẻ


8-9-2012

Hoàng Khương bị tuyên 4 năm tù tại phiên sơ thẩm ngày 7.9.2012. Thêm một trận thua đau nữa của báo chí trước quyền lực công an tại Việt Nam. Không như các "trận" trước, "trận" này đau đớn hơn và gần như thua trắng. Lần này là sự trả thù của công an nhằm bịt miệng hoàn toàn những phóng viên, những cơ quan báo chí dám phanh phui tiêu cực của ngành công an.

Trong vụ án PMU18 thì các phóng viên Nguyễn Văn Hải (Tuổi Trẻ) và Nguyễn Việt Chiến (Thanh Niên) đụng vào ngành giao thông vận tải nên mức án chỉ như là "cảnh cáo" nhẹ hơn nhiều so với Hoàng Khương hiện nay. Các bài viết của phóng viên Nguyễn Văn Hải và Nguyễn Việt Chiến thì gay gắt hơn các phóng sự của Hoàng Khương nhưng án họ nhẹ nhàng hơn. Vì sao? Vì Hoàng Khương đánh thẳng vào công an, dù cú đánh có nhẹ nhàng cỡ nào cũng phải bị công an trả thù nặng nề.

Trong vụ Hoàng Khương, phải chăng báo Tuổi Trẻ chọn chiến lược thỏa hiệp kiểu "nín thở qua sông" không dám lên tiếng mạnh như vụ bảo vệ phóng viên Nguyễn Văn Hải. Báo Tuổi Trẻ hi vọng rằng sự nhẫn nhịn của mình sẽ giúp Hoàng Khương được tại ngoại về ăn Tết hay mức án nhẹ hơn. Nhưng kết quả diễn ra tại phiên sơ thẩm cho thấy là chiến lược "im lặng" của Tuổi Trẻ bị thất bại hoàn toàn.

Cha của nhà báo Hoàng Khương khóc tại sân tòa - Ảnh: Thuận Thắng (Báo Tuổi Trẻ)

Báo Tuổi Trẻ luôn dè dặt khi đưa tin gì về Hoàng Khương, ngay cả lịch xét xử thì họ cũng dẫn nguồn từ báo Thanh Niên chứ không dám đưa tin từ luật sư hay các phóng viên của báo Tuổi Trẻ. Dù các phóng viên nội chính của Tuổi Trẻ và các nguồn tin của họ mạnh hơn nhiều các báo khác. Trường hợp phóng viên Chi Mai có rất nhiều người thân đang làm trong ngành an ninh là một ví dụ.

Chắc chắn là Hoàng Khương sẽ kháng án và báo Tuổi Trẻ sẽ mạnh miệng hơn khi dám bảo vệ phóng viên của mình. Sau khi tuyên án, một phóng viên báo SGGP nói: Cơ quan báo chí lên tiếng thì bị răn đe là sẽ bị xử mức khung! Nhưng suốt quá trình im lặng đã qua của báo Tuổi Trẻ thì Hoàng Khương cũng bóc lịch 4 năm. Vậy thì im lặng cũng chết mà có lẽ trước khi chết kêu lên một tiếng thì cũng được an ủi ít nhiều.

Công an Huỳnh Minh Đức bị tuyên 5 năm tù chắc là sẽ không kháng án nhưng chắc chắn là anh này sẽ ra tù trước thời hạn so với bản án 4 năm tù của Hoàng Khương. Ngành công an "còn đảng còn mình" vẫn luôn là "vùng cấm" đối với cuộc chiến chống tiêu cực tham nhũng của báo chí. Chắc chắn các phóng viên nội chính sẽ chùn tay khi viết bài chống tiêu cực sau vụ án này.

Dùi cui và còng số 8 đã thành công khi bịt miệng và uy hiếp báo chí. Nhưng rõ ràng càng ngày càng có nhiều nhà báo bất mãn với chế độ bạo quyền. Khi quyền lực công an bao trùm luật pháp thì hơn ai hết các phóng viên nội chính dù là người rất thân với an ninh như phóng viên Chi Mai cũng bất mãn với những phiên tòa rừng rú như phiên xử nhà báo Hoàng Khương.


Rất đông người thân, đồng nghiệp, bạn bè chạy theo chia sẻ động viên Hoàng Khương rời tòa án chiều 7-9 - Ảnh: Thuận Thắng (Báo Tuổi Trẻ)






No comments:

Post a Comment

View My Stats