Wednesday, 12 September 2012

BẦU CỬ HOA KỲ & MẶT TRẬN KINH TẾ (Nguyễn Xuân Nghĩa & Thanh Hà - RFI)





09/12/2012

Thu vào 15 mà chi ra 25 thì tiền đâu ra để tăng chi mãi mãi?

Tạp Chí Kinh Tế RFI: Sau đại hội toàn quốc của hai đảng Dân chủ và Cộng Hòa, hai ứng cử viên tổng thống Mỹ lập tức lên đường chinh phục cử tri với cùng một mục đích: thể hiện sự khác biệt về chính sách kinh tế để đem lại công việc làm cho người dân.

Vào lúc hai ông Barack Obama hay Mitt Romney ráo riết thuyết phục cử tri về khả năng vực dậy kinh tế cho Hoa Kỳ, tạp chí chuyên đề The Economist của Anh số cuối tháng 8/2012 đặt câu hỏi với 1 700 chủ doanh nghiệp của thế giới: Barack Obama hay Mitt Romney có hy vọng cải thiện tình hình kinh tế toàn cầu? Theo cuộc thăm dò dư luận đặc biệt đó có tới 42% những người được hỏi cho rằng kinh tế thế giới sáng sủa hơn, nếu như tổng thống Obama tái đắc cử. Ông Romney chỉ được có 21% tín nhiệm. Ngược lại, trong mắt các doanh nhân Mỹ thì uy tín của ứng cử viên đảng Cộng hòa lại cao hơn: gần 40% các doanh nhân Mỹ tin tưởng vào tài cầm lái của ông Mitt Romney (31% cho ông Obama). Nói cách khác, giới này cho rằng ứng cử viên đảng Cộng hòa sẽ bảo vệ quyền lợi của họ tốt hơn.

Dù vậy, đối với đại đa số người dân Mỹ, thì các cuộc thăm dò dư luận được công bố sau khi đại hội đảng Dân chủ kết thúc cho thấy, cách biệt về ý định bỏ phiếu đang nghiêng về phía ông Obama. Đại diện của đảng Dân chủ bỏ xa đối thủ của đảng Cộng Hòa là Mitt Romney 5 điểm.

Căn cứ vào nghiên cứu do viện Rasmussen thực hiện được công bố ngày 10/09/2012, theo thứ tự, các ông Obama và Romney được 50 và 45 % cử tri ủng hộ. Thăm dò của viện Gallup cũng đưa ra chênh lệch là 5 điểm. Còn theo thăm dò của CNN–Opinion Research thì khác biệt giữa hai ông Romney và Obama là 6 điểm. Phần thắng thì vẫn nghiêng về phía tổng thống mãn nhiệm.

Các nhà bình luận ở Mỹ cho rằng, điểm tín nhiệm của ông Barack Obama tăng lên sau đại hội toàn quốc ở Charlotte, bang Bắc Carolina tuần qua do ứng cử viên đảng Dân Chủ đã tỏ ra rất thực tế trong bài diễn văn của ông. Ông Obama không ngần ngại nhìn nhận thực tế phũ phàng: hơn 8% người dân Mỹ không có việc làm. Tỷ lệ này cao hơn 3% so với thời điểm 2009 khi ông bước vào Nhà Trắng.

Lên cầm quyền vào đỉnh điểm của cơn khủng hoảng tài chính và kinh tế 2007-2009, tổng thống Barack Obama cam kết đem lại công việc làm cho người dân ngay trong năm đầu nhiệm kỳ. Thậm chí có lúc tỷ lệ thất nghiệp tại Hoa Kỳ nhảy vọt lên đến 10% (tháng 10/2009), nhưng thực tế cho thấy trong 43 tháng liên tiếp, tỷ lệ thất nghiệp vẫn không giảm xuống dưới mức 8% và để giải quyết việc làm cho người dân, thì mỗi tháng nền kinh tế Hoa Kỳ phải tạo thêm được 125 000 việc làm.

Trên toàn quốc, trong tháng 8/2012 kinh tế Mỹ tạo thêm 96 000 chỗ làm, thấp hơn nhiều so với con số 125 000 như mong đợi. Thống kê của bộ Lao động lại càng gây thất vọng khi biết rằng trong tháng 7/2012 kinh tế Hoa Kỳ đã tuyển dụng thêm 140 000 người. Điểm son duy nhất là tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ trong tháng 8 thấp hơn so với hồi tháng 7/2012 (8,1% thay vì 8,3%). Các con số về thất nghiệp kể trên là cơ hội để đảng Cộng Hòa tấn công vào chính sách kinh tế của chính quyền Obama.

Ứng cử viên Mitt Romney nhấn mạnh: «Đây là bằng chứnng rõ rệt nhất cho thấy Barack Obama không giữ lời hứa với cử tri và chính sách kinh tế của ông ta thất bại hoàn toàn».

Trên con đường chinh phục Nhà Trắng, ứng cử viên Romney và đảng Cộng Hòa khai thác hai nhược điểm kinh tế của ông Obama: tăng trưởng yếu kém của kinh tế Hoa Kỳ và tình trạng nợ nần chồng chất của Mỹ. Trong bốn năm cầm quyền dưới thời tổng thống Barack Obama nợ công của Hoa Kỳ tăng thêm 6 000 tỷ đô la để đạt tới ngưỡng 16 000 tỷ, tức tương đương với 100% tổng sản phẩm nội địa của siêu cường kinh tế số 1 thế giới.

Hồ sơ kinh tế là mối quan tâm hàng đầu của cử tri và cả hai ứng cử viên tổng thống đều hiểu được rằng đây sẽ là một trong những chiếc chìa khóa của thành công trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng năm nay. Vậy một cách cụ thể nhất hai ứng cử viên tổng thống Hoa Kỳ, Barack Obama và Mitt Romney đã đưa ra những biện pháp nào để vực dậy kinh tế và giải quyết thất nghiệp? Đâu là khác biệt giữa hai người về chính sách thuế khóa, vào lúc nợ công của Mỹ cứ lớn dần? Chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa từ Hoa Kỳ lần lượt trả lời các câu hỏi trên:

Nguyễn-Xuân Nghĩa:
- Năm nay, dân Mỹ sẽ chọn người cầm đầu Hành pháp là Tổng thống và Phó Tổng thống, nhưng cử tri cũng bầu lại tất cả 435 Dân biểu tại Hạ viện, 33 ghế Nghị sĩ tại Thượng viện, và 13 chức Thống đốc Tiểu bang hay Đặc khu Hành chính như Puerto Rico và West Samoa.

- Dù dư luận chỉ chú ý đến cuộc tranh cử Tổng thống, thật ra vai trò của Tổng thống Mỹ lại bị hạn chế về kinh tế và xã hội. Ngược với ấn tượng của nhiều người trên thế giới, về nội chính Hành pháp Hoa Kỳ không có nhiều quyền hạn bằng Lập pháp, là Thượng và Hạ viện trong Quốc hội, nhất là Hạ viện. Tổng thống Mỹ cũng chẳng thể can thiệp vào quyết định tiền tệ và tín dụng của một định chế độc lập là Ngân hàng Trung ương, lại còn bị chi phối bởi phán quyết của Tối cao Pháp viện.

- Hiện tại, đảng Cộng Hoà đang chiếm đa số 240/190 tại Hạ viện và hy vọng bảo vệ được đa số đó trong Quốc hội khoá 113 sau cuộc bầu cử tháng 11 này. Ngược lại, đảng Dân Chủ vẫn kiểm soát Thượng viện với đa số rất mỏng là bốn ghế Dân Chủ và hai ghế độc lập nên có thể bác bỏ các đạo luật của Hạ viện Cộng Hoà. Đây là một lý do khủng hoảng chính trị tại Hoa Kỳ vì hai đảng không tìm ra sự dung hòa trong khi Tổng thống Obama bị bó tay và phát biểu về các vấn đề chồng chất thật ra nằm ngoài tầm tay của ông ta vì còn tùy vào Quốc hội.

Về toàn cảnh kinh tế chung của Hoa Kỳ

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Hoa Kỳ sản xuất ra một năm cỡ 16 ngàn tỷ đô la thì nhà nước xài gần 25% mà chỉ thu vào công quỹ có 15% nên bị bội chi ngân sách 10% là gần 1.600 tỷ. Kết quả là gánh nặng công trái đã vượt tổng sản lượng quốc gia là 16 ngàn tỷ hôm mùng năm vừa rồi, trong đó có năm ngàn tỷ là món nợ của bốn năm qua do các biện pháp tăng chi để kích cầu mà không công hiệu. Như vậy, bài toán trước mắt là phải tăng thu và giảm chi.

- Hồ sơ thứ hai là quỹ An sinh Xã hội trong đó có tiền hưu bổng và trợ cấp người nghèo cũng bị đe dọa. Trong dài hạn thì vì tỷ trọng người cao niên lãnh lương hưu sẽ tăng mạnh so với người đi làm và góp tiền vào quỹ này. Trong ngắn hạn thì thành phần nghèo khốn cần trợ giúp đã tăng đến mức kỷ lục do nạn suy trầm kinh tế năm 2008-2009 và phục hồi rất chậm trong ba năm kế tiếp.

- Hồ sơ thứ ba là quỹ Bảo hiểm Y tế Medicare còn bị hao hụt nặng hơn nữa vì thành phần cao niên ngày càng đông nhờ tuổi thọ kéo dài cũng lại là thành phần cần nhiều chi phí về y tế vốn dĩ đã tăng quá mạnh và vượt khỏi tầm kiểm soát của nhà nước. Chinh phủ Mỹ tốn cho những người trên 65 tuổi một lượng tiền gấp bảy lần những chi phí cho thành phần dưới 25 tuổi.

- Trong hoàn cảnh ấy, người ta khó đẩy lui nạn thất nghiệp, vốn dĩ xảy ra vì sự thay đổi lâu dài về dân số và cơ cấu sản xuất mà càng trầm trọng vì đình trệ kinh tế. Đó là bối cảnh chung của cuộc tranh cử là khi người ta còn nhìn thấy sự sa sút trường kỳ của các doanh nghiệp Mỹ trong việc cạnh tranh với các quốc gia công nghiệp hoá khác trên thế giới.

Khác biệt về triết lý chính trị trong đường lối kinh tế

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Bên Dân Chủ thì cho là phải tăng cường vai trò nhà nước để vừa kích thích sản xuất qua việc nâng đỡ thành phần trung lưu và trợ cấp giới nghèo khốn. Song song, đảng này cũng muốn bảo vệ môi sinh và phát triển công nghệ xanh để giải trừ nạn ô nhiễm và nhiệt hoá địa cầu.

- Kết quả quá nghèo nàn từ cuộc bầu cử năm 2006, là khi đảng này chiếm đa số bên Lập pháp và cuộc bầu cử năm 2008 là khi Hành pháp cũng lọt vào tay đảng Dân Chủ, kết quả ấy dẫn tới phản ứng dội ngược của cử tri vào năm 2010 khi đảng Cộng Hoà chiếm đa số tại Hạ viện và làm cho nước Mỹ bị ách tắc, bị phân cực còn trầm trọng hơn trong hai năm qua.

- Bên đảng Cộng Hoà thì cho là phải thu hẹp vai trò của nhà nước và cắt giảm công chi lẫn các mục trợ cấp khó kiểm soát để tiến dần tới quân bình ngân sách. Song song, phải cải tổ chế độ thuế khóa theo chiều hướng giảm thuế đồng loạt để kích thích sản xuất và trám bớt quá nhiều lỗ hổng trong bộ luật thuế vụ để ngân sách khỏi bị thất thu. Cũng từ triết lý chính trị đó, đảng này chủ trương giản lược hoá hệ thống hành chánh và luật lệ kiểm soát để doanh nghiệp hăng hái đầu tư hầu tạo thêm việc làm.

- Trong hoàn cảnh gọi là ách tắc chính trị vì không thống nhất về giải pháp, đảng Cộng Hoà không chỉ đòi chiếm lại Hành pháp mà còn muốn thắng tại Thượng viện. Đó là tình hình tổng quát của trận đấu về lý luận. Còn lại thì cử tri bị nhức óc vì lời cáo buộc hàm hồ lẫn hứa hẹn khó kiểm chứng hay nhiều lập luận về đạo đức hay xã hội rất ít ảnh hưởng tới kinh tế, nhưng dễ gây phản ứng trong thành phần cử tri gọi là nòng cốt của hai đảng.

Về các giải pháp cụ thể

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Phía ông Mitt Romney thấy là dù Tổng thống Obama chưa thành công về kinh tế nhưng là người dễ mến đối với đa số nên cố trình bày rõ hơn về viễn kiến Cộng Hoà. Ông Romney chọn Dân biểu Paul Ryan đứng phó, là người vừa am hiểu hồ sơ ngân sách phức tạp và lại có lý luận nên nâng tầm tranh cử lên một trình độ khác. Một nhân vật kín đáo mà có ảnh hưởng trong ban tham mưu về chính sách công quyền của Romney là giáo sư Lanhee Chen, gốc Đài Loan sinh tại Mỹ, mới 34 tuổi có bốn văn bằng tại Harvard, có lập trường chặt chẽ về kỷ luật ngân sách và nghiêm khắc với Trung Quốc.

- Chương trình kinh tế bên Cộng Hoà được sự ủng hộ của 500 kinh tế gia, kể cả năm giải Nobel về kinh tế, theo năm hướng giải quyết căn bản, với 59 biện pháp. Năm hướng đó là 1) phát triển năng lượng nội địa để tự túc và tạo thêm việc làm cho dân Mỹ; 2) mở rộng phần thị trường cho sản phẩm Mỹ trên thế giới qua việc thương thuyết các hiệp định tự do thương mại mới và đối phó với nạn ăn cắp tác quyền công nghệ của Trung Quốc; 3) nâng tay nghề của công nhân viên qua việc đưa các chương trình huấn nghệ và đào tạo về cấp tiểu bang cho sát với yêu cầu của thị trường; 4) triệt để giảm chi nhưng không tăng thuế mà cải tổ thủ tục ngân sách và bộ luật thuế vụ; và 5) cải thiện chế độ kiểm soát doanh nghiệp để tạo môi trường thuận lợi cho tiểu doanh thương, trong đó có cả biện pháp cải tổ đạo luật bảo dưỡng y tế của ông Obama. Như thông thường, đây mới chỉ là chương trình hành động tổng quát mà tính chất khả thi thì chưa chắc, thí dụ như sẽ tạo ra 12 triệu việc trong bốn năm tới.

- Đảng Dân Chủ lại còn lúng túng hơn về viễn kiến vì sau gần bốn năm thử nghiệm mà chưa có kết quả. Bài diễn văn nhận trọng trách vào ngày 06/09/2012 của ông Obama có phản ảnh điều ấy vì bị nhiều nhà phân tích ngay trong đảng Dân Chủ đánh giá là thiếu chiều sâu, kém tài hùng biện truyền thống của ông ta. Và nhất là tránh nói đến thành tích nổi bật của ông là đạo luật y tế vẫn gây tranh cãi. Trong ban tham mưu của Obama, nhiều kinh tế gia thời Tổng thống Bill Clinton đã ra đi và nay chỉ còn Gene Sperling là cố vấn trưởng, nhưng ông Obama cũng huy động sự quyên góp và đóng góp ý kiến của nhiều doanh gia cự phú cầm đầu các đại tổ hợp và ngân hàng lớn tại Wall Street.

- Về cụ thể, bên Dân Chủ cũng đề nghị giảm chi nhưng vẫn tăng chi mà họ gọi là "đầu tư", chủ yếu là trong lĩnh vực xây dựng hạ tầng để tạo thêm việc làm. Họ cũng chủ trương giản lược hóa bộ luật thuế vụ nhưng tăng thuế nhà giàu, các hộ gia đình có lợi tức từ 250 ngàn đô la một năm trở lên, giảm thuế cho thành phần trung lưu và duy trì trợ cấp thất nghiệp. Theo truyền thống thì đảng này cũng muốn phát triển công nghệ xanh để bảo vệ môi sinh và tìm ra con đường mới cho các doanh nghiệp Mỹ.

- Có chi tiết đáng chú ý trong bài diễn văn và chuỗi lý luận của ông Obama là đề cao Tổng thống Franklin D. Roosevelt, người mở ra kỷ nguyên bao cấp của Hoa Kỳ khi phải đối phó với cuộc Tổng khủng hoảng 1929-1933. Chi tiết này cho thấy đảng Dân Chủ vẫn giữ truyền thống can thiệp và sẽ gây thêm tranh cãi.

RFI: Trước những khó khăn kinh tế của khối sử dụng đồng tiền chung châu Âu, và chủ trương cắt giảm chi tiêu công cộng để giải quyết nợ công, "truyền thống can thiệp" không hẳn là một sai lầm.

Đe dọa khủng hoảng chính trị kéo dài sau bầu cử

Nguyễn- Xuân Nghĩa:
- Đáng chú ý hơn vụ tranh cử Tổng thống chính là bầu cử Quốc hội vì Quốc hội khóa 113 mới là quả cân quyết định giữa hai hướng.

- Dân Mỹ hiện rất bất mãn với Quốc hội của họ, là định chế có mức tín nhiệm thấp nhất trong xã hội, và đa số cử tri đều nghĩ là các dân biểu nghị sĩ đương nhiệm không đáng tái đắc cử. Nhưng từng người thì vẫn muốn đề cử lại vị đại diện ở địa phương! Lý do là trong Quốc hội liên bang họ gom tiền tăng chi về cho địa phương của mình. Năm xưa, một Nghị sĩ Dân Chủ có nói là mọi chuyện chính trị đều quy về địa phương! Cử tri Mỹ vì vậy có thể lại bầu ra một Quốc hội không thể giải quyết vấn đề của quốc gia và sẵn sàng đồng ý tăng thuế nhưng là tăng thuế người khác chứ không cắt xén phúc lợi của họ. Có lẽ nước Mỹ vẫn bị bế tắc chính trị giữa cơn khủng hoảng về nợ nần, ngân sách và việc làm. Đấy mới là kịch bản bi quan cho Hoa Kỳ trong hai năm tới.




No comments:

Post a Comment

View My Stats