Wednesday 12 September 2012

BẮT ĐẦU CUỘC CHẠY NƯỚC RÚT (Nguyễn Văn Khanh)






“Làm ứng viên tổng thống có nghĩa là phải làm việc 25 tiếng đồng hồ mỗi ngày”, ông Thị Trưởng Rahm Emanuel của “thành phố gió” Chicago chia sẻ nhận xét với các nhà báo trong cuộc tiếp xúc bỏ túi giữa tuần trước ở Charlotte, North Carolina, nơi Đảng Dân Chủ tổ chức đại hội để tái đề cử ông Barack Obama vào chức vụ lãnh đạo quốc gia. Nhân vật từng có thời giữ vai trò Chánh Văn Phòng Tòa Bạch Ốc nói thêm: đương nhiên thời gian vận động chiếm nhiều thì giờ nhất, khoản thời gian đi quyên tiền tranh cử cũng chẳng phải là ít.

Cứ nhìn vào chương trình hoạt động và những bữa ăn của 2 ứng viên Dân Chủ và Cộng Hòa trong vài ngày vừa qua sẽ thấy rõ những gì ông Emanuel muốn diễn tả. Chương trình vận động tranh cử của ông Obama cho thấy trong 4 ngày đi qua 6 tiểu bang để gặp cử tri tại 7 thành phố; ông Mitt Romney và ông Paul Ryan của đảng Cộng Hòa cũng vậy: 7 tiểu bang, 10 địa điểm. Bận rộn tới mức ngồi trên xe từ phi trường đến gặp cử tri ở Portsmouth, New Hampshire, ông Obama còn ăn vội miếng bánh mì lót dạ; ông Romney cũng chẳng kém, ngay sau khi rời Orange City, Iowa cùng ban tham mưu ăn vội ăn vàng bữa cơm chiều đựng trong hộp giấy mua ở một tiệm fastfood.

Từ nay cho tới ngày mùng 6 tháng Mười một, cả 2 ứng viên Dân Chủ và Cộng Hòa đều dồn nỗ lực tranh cử, đặc biệt nhắm vào những tiểu bang được các nhà phân tích chiến lược bầu cử xem là những nơi quyết định chiếc ghế tổng thống vào đầu tháng 11 năm nay. Phần lớn những cuộc thăm dò cử tri được thực hiện sau 2 đại hội cho thấy ông Obama vẫn đang dẫn đầu về tỷ lệ cử tri ủng hộ lẫn số phiếu cử tri đoàn, nhưng chưa có đủ 270 phiếu phải có để ở lại Tòa Bạch Ốc thêm 4 năm nữa. Các cuộc thăm dò cũng cho thấy ông Romney vẫn theo sát nút, và vẫn có cơ hội chiến thắng -dù phải vất vả hơn ông Obama-.

Từng có lúc các nhà phân tích dự đoán có tới 12 tiểu đang nắm lá phiếu quyết định cho ghế tổng thống 2012, nhưng đầu tuần này con số rút xuống chỉ còn có tám, gồm có:

1- Colorado: chỉ có 9 phiếu cử tri đoàn nhưng lại chiếm vị trí quan trọng nhất ở miền Tây Hoa Kỳ. Cả 2 đảng bỏ ra rất nhiều tiền để vận động tranh cử, bên ông Romney nhắm vào các cộng đồng Thiên Chúa Giáo và được tập thể cử tri quân đội ủng hộ. Ông Obama ráo riết kiếm phiếu của cộng đồng Hispanic. Quyết định thắng bại nằm ở thành phố Denver và các vùng phụ cận.

2- Florida: với 29 phiếu cử tri đoàn, đây là tiểu bang ông Romney phải thắng để gây ảnh hưởng trước khi các phòng phiếu miền Tây và Trung Tây đóng cửa (giờ Florida đi trước giờ miền Tây 3 tiếng). Với lực lượng nồng cốt hùng hậu ở các quận hạt, với số dân cử Cộng Hòa các cấp và khí thế gầy dựng được sau Đại Hội Đảng ở Tampa, ông Romney hiện đang nắm lợi thế, dù vẫn vướng 3 trở ngại: số cử tri Dân Chủ ghi danh đi bầu hơn số cử tri Cộng Hòa tới 450,000 phiếu, ban tham mưu của ông Obama đưa Cựu Tổng Thống Bill Clinton về Florida vận động, tập thể cử tri từ 55 tuổi trở lên chưa rõ chính sách Medicare của ông Romney như thế nào (ông Obama đã cam kết không dụng chạm tới Medicare ở nhiệm kỳ 2). Lợi điểm cho ông Romney: có những dấu hiệu cho thấy cộng đồng gốc Cuba và cộng đồng Puerto Rico bắt đầu nghiêng về phía đảng Cộng Hòa.

3- Iowa: đây là tiểu bang rất khó đoán cử tri sẽ bỏ phiếu ủng hộ ai. Năm 2000, cử tri dồn phiếu cho ông Al Gore của đảng Dân Chủ, năm 2004 quay sang ủng hộ ông George W. Bush của đảng Cộng Hòa, đến năm 2008 lại quay về ủng hộ ông Obama. Trong cuộc bầu cử giữa kỳ hai năm sau đó, cử tri lại dồn phiếu cho các ứng cử viên Cộng Hòa.
Lợi thế của ông Romney: được sự ủng hộ của tâp thể cử tri Công Giáo, số cử tri Cộng Hòa ghi danh đi bầu nhiều hơn số cử tri Dân Chủ tới 22,000 người. Lợi thế của ông Obama: ứng viên tổng thống đầu tiên ghé thăm và vận động ở tất cả 99 quận hạt trên toàn tiểu bang, tỷ lệ thất nghiệp rất thấp, chỉ có 5.3%

4- Nevada: từ đầu năm đến giờ ông Obama dẫn đầu tất cả các cuộc thăm dò ở tiểu bang này, nhưng vì tỷ lệ thất nghiệp cao nhất, số nhà bị ngân hàng kéo cũng cao nhất nên không ai dám vội đoán trước ông Obama hay ông Romney sẽ lấy được phiếu ở đây.
Ông Obama được dự đoán sẽ thu hút phiếu của tập thể cử tri Hispanic, ông Romney lấy được phiếu của cử tri da trắng và nhờ sự vận động của đồng Mormon, có nhiều hy vọng thu hút được phiếu của các cử tri trẻ. Quyết định thắng bại nằm ở Clark County, nơi có thành phố nổi tiếng Las Vegas.
New Hampshire: có 4 phiếu cử tri đoàn, trong 16 năm qua thắng bại chỉ cách nhau chừng 10,000 phiếu. Ông Obama thành công hồi 2008 nhưng năm 2010 cử tri lại ủng hộ đảng Cộng Hòa. Ông Romney có lợi thế vì có nhà ở đây, lại từng làm thống đốc tiểu bang Massachusetts nằm ngay bên cạnh, nhưng thành phần nữ cử tri đang nghiêng về ông Obama.

5- North Carolina: đây là tiểu bang ông Romney tin tưởng sẽ thành công. Cuộc trưng cầu ý kiến tổ chức hồi tháng Năm vừa rồi cho thấy cử tri trong tiểu bang có chung quan điểm với đảng Cộng Hòa: không chấp nhận đồng tính kết hôn.
Sau ngày đại hội đảng kết thúc ở Charlotte, phía ông Obama nói sẽ chiến thắng ở tiểu bang này. Chưa có gì đảm bảo điều đó đúng.

6- Ohio: ông Obama có lợi thế vì quyết định bỏ tiền cứu nguy kỹ nghệ xe hơi, nhưng tỷ lệ cử tri ủng hộ ông vẫn không quá cao so với tỷ lệ ủng hộ ông Romney. Ông Romney được sự ủng hộ của tập thể nam cử tri, nhưng muốn chiến thắng phải có thêm sự ủng hộ của tập thể nữ giới.
Hiện ông Obama đang dẫn đầu các cuộc thăm dò ở những thành phố lớn, nhưng lá phiếu cử tri miền Tây Ohio lại dồn cho ông Romney. Một yếu tố lịch sử: gần đây, tất cả những vị tổng thống Cộng Hòa đều thắng ở tiểu bang này.

7- Virginia: bỏ phiếu ủng hộ ứng viên Cộng Hòa trong suốt thời gian kéo dài từ 1964 cho tới 2004, đến năm 2008, bất ngờ nghiêng về phía đảng Dân Chủ. Đa số các cuộc thăm dò đều nói chưa thể đoán biết năm nay cử tri sẽ dồn phiếu cho ai.
Các chuyên gia bầu cử dự đoán 2 khu vực nắm quyết định thắng bại: vùng Northern Virginia (nằm sát Washington D.C.) và khu vực Norfolk-Virginia Beach-Newport News. Cũng có dự đoán cho rằng thắng bại tùy thuộc vào số phiếu nhiều, ít, của tập thể cử tri da đen.

8- Wisconsin: từng được dự đoán sẽ thuộc về đảng Dân Chủ cho tới khi ông Romney mời Dân Biểu Paul Ryan đứng chung liên danh. Sự xuất hiện của ông Ryan giúp ông Romney thêm nhiều hy vọng thành công ở tiểu bang này (Wisconsin là tiểu bang nhà của ông Ryan).
Bên ông Obama vẫn vững tin vào chiến thắng vì 2 lý do: từ năm 1984 đến giờ Wisconsin luôn bỏ phiếu cho đại diện của đảng Dân Chủ; năm 2008 ông Obama đã thắng lớn tại đây (hơn Thượng Nghị Sĩ Cộng Hòa John McCain tới 14% số phiếu).

© Đàn Chim Việt






No comments:

Post a Comment

View My Stats