Sunday, 23 September 2012

BAO GIỜ NÔNG DÂN VIỆT NAM MỚI THOÁT KHỔ ? (Song Chi)





Song Chi
Friday, September 21, 2012 7:39:28 PM

Báo chí đưa tin ngày 20 tháng 9, khi một số người dân xã Mỹ Hòa, huyện Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long đứng ra ngăn cản vụ lấy đất làm đường nhưng không đền bù, công an đã dùng súng bắn khiến ba người phụ nữ bị thương.

Lực lượng công an, cán bộ bảo vệ thi công con đường ở ấp Mỹ Thới 2, xã Mỹ Hòa huyện Bình Minh, Vĩnh Long sáng 20 tháng 9 mà công an đã bắn 3 phụ nữ trọng thương. (Hình: VietNamNet)

Máu của người nông dân lại đổ trong thời bình!

Còn nhớ ngày 5 tháng 1, 2012, khi hai anh em “người kỹ sư chân đất” Ðoàn Văn Vươn, Ðoàn Văn Quý vì bị chính quyền huyện Tiên Lãng, thành phố Hải Phòng dồn đến đường cùng, đã nổ súng tấn công lực lượng cưỡng chế khiến 6 nhân viên công an bị thương, dư luận trong và ngoài nước đã thực sự nổi sóng.

Có đến mấy trăm bài báo từ trên các trang blog cá nhân, báo chí Việt Nam, báo chí quốc tế viết về sự kiện này.
Nhiều người ví von ông Ðoàn Văn Vươn là “người nông dân nổi dậy” của Việt Nam, là anh Pha, Chí Phèo thời nay. Từ vụ Ðầm Cống Rộc, Tiên Lãng, người ta lại liên tưởng đến tới vụ án Ðồng Nọc Nạn nổi tiếng một thời, người khác cảnh báo sẽ có nhiều quả bom/nhiều thùng thuốc nổ Ðoàn Văn Vươn khác sẽ nổ ra...

Dưới sức ép mạnh mẽ của dư luận, chính quyền huyện Tiên Lãng và cả Hải Phòng buộc phải có vài động tác sửa sai. Một số lãnh đạo huyện Tiên Lãng bị kỷ luật, thành ủy Hải Phòng phải đứng ra nhận trách nhiệm trước Bộ Chính Trị...

Gia đình ông Vươn và những người dân đang trong diện bị cưỡng chế lại được tiếp tục sử dụng đất.

Ðang trong những ngày dư luận khắp nơi đều nóng hầm hập về vụ Tiên Lãng, ông thủ tướng, sau những ngày họp nghe báo cáo vụ việc, đã lên tiếng. Rằng UBND huyện Tiên Lãng, thành phố Hải Phòng đã có những sai phạm trong giao đất, cưỡng chế thu hồi đất cũng như phá dỡ nhà của ông Ðoàn Văn Vươn.

Ngay sau đó báo chí trong nước đồng loạt viết bài ca ngợi sự sáng suốt, công tâm của thủ tướng, người dân xã Vinh Quang, huyện Tiên Lãng nức lòng, gia đình ông Vươn rưng rưng nước mắt cảm ơn thủ tướng...

Quả là một cú tự PR tuyệt vời của ông thủ tướng, nhằm vớt vát lại uy tín đang bị sứt mẻ nghiêm trọng sau vụ Vinashin.

Nhưng rồi niềm vui ngắn chẳng tày gang. Chỉ một thời gian ngắn sau, lại nổ ra vụ cưỡng chế đất với quy mô lớn chưa từng thấy ở huyện Văn Giang, Hưng Yên ngày 24 tháng 4.

Lực lượng cưỡng chế đông đảo hàng trăm hàng ngàn người gồm đủ thành phần, mặc thường phục và sắc phục công an các loại, trang bị dùi cui súng ống đầy đủ, đối đầu với hàng ngàn người dân quyết tâm giữ đất.

Những cảnh đánh đập, bắt bớ hết sức thô bạo diễn ra, có cả video clip, hình ảnh đầy đủ, tung lên mạng. Không chỉ người dân mà cả hai nhà báo của VOV cũng bị công an đánh sưng vù cả mặt mũi.

Nhưng trái ngược với vụ Tiên Lãng, báo chí nhà nước lần này im ắng hẳn như được lệnh từ “trên”, có những bài vừa đưa lên đã bị gỡ xuống, hai nhà báo bị đánh lúc đầu cũng lặng im mãi sau mới dám lên tiếng.

Sau đó, những vụ cưỡng chế vẫn tiếp tục xảy ra như từ trước đến nay, không hề có gì thay đổi. Lâu lâu chúng ta lại đọc thấy tin, bài, chủ yếu trên các trang blog, báo chí bên ngoài về những vụ cưỡng chế đất đai chỗ này chỗ kia. Về những lần người dân từ các nơi rồng rắn kéo về Hà Nội biểu tình, khiếu kiện về đất đai.

Thỉnh thoảng lại thấy xảy ra những vụ xô xát giữa người dân và chính quyền các cấp, với những hình ảnh nhói lòng. Như hình ảnh bà con nông dân xã Liên Minh, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Ðịnh đồng loạt chít khăn tăng thể hiện quyết tâm giữ đất đến cùng. Hình ảnh hai mẹ con bà Phạm Thị Lài ở quận Cái Răng, thành phố Cần Thơ khỏa thân phản đối cưỡng chế đất, bị đám bảo vệ lôi đi xềnh xệch trên mặt đất giữa trời nắng chang chang.

Và bây giờ là ba người phụ nữ ở huyện Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long bị bắn.

Mâu thuẫn giữa người dân và chính quyền các cấp từ những vụ cưỡng chế đất đai, giải tỏa/giải phóng mặt bằng ngày càng căng thẳng. Và sẽ không thể chấm dứt khi nào đảng và nhà nước cộng sản chưa thay đổi luật về sở hữu đất đai.

Khi người dân chỉ là chủ nhân hình thức, còn nhà nước quản lý đất đai, có quyền thu hồi bất cứ lúc nào, vào bất kỳ mục đích gì.

Khi lòng tham vô tận của những kẻ có chức có quyền cấu kết với giới tư bản đỏ khiến họ không từ bất cứ thủ đoạn gì để cướp trắng những vùng đất tốt nhất, với bao công sức của người nông dân cho những dự án, công trình các loại.

Kể từ thời Pháp thuộc cho đến tận bây giờ, đã 67 năm sau ngày Việt Nam tuyên bố độc lập, thành lập chính quyền mới. Nhưng thân phận của người nông dân thực chất vẫn chẳng khá gì hơn.

Sau một thời kỳ dài đói rã họng vì phương thức canh tác tập thể xã hội chủ nghĩa, đến khi nhà nước giao lại đất cho người nông dân tự canh tác, chỉ trong vài năm, Việt Nam không những đủ gạo ăn mà còn có dư để xuất khẩu. Và cho tới bây giờ là quốc gia xuất khẩu gạo nhiều thứ nhì trên thế giới.

Những đồng tiền kiếm được từ mồ hôi nước mắt của hàng triệu người nông dân đã là nguồn ngoại tệ bền vững, ổn định trong nhiều năm qua, giúp cho cái nhà nước này rất nhiều. Khi sự điều hành quản lý kém cỏi cộng với nạn tham nhũng nặng nề khiến cho nền kinh tế vĩ mô thường xuyên bị bất ổn, tiền bạc thất thoát, nợ nước ngoài tăng nhanh chóng.

Nói thẳng ra hai thành phần nhân dân mà cái nhà nước này phải mang ơn nhiều nhất, bây giờ cũng như trong thời kỳ đầu của cuộc cách mạng, là công nhân và nông dân. Và đó cũng là hai thành phần bị bóc lột nhiều nhất, chịu bất công nhất. Nông dân thậm chí còn khổ hơn.

Có dịp đi về nông thôn mới thấy đời sống người nông dân Việt Nam vẫn còn nghèo khổ quá so với các tầng lớp khác trong xã hội. Ðời sống vật chất đã vậy, đời sống tinh thần lại càng thua thiệt.

Nên giới trẻ ở nông thôn khi lớn lên phần lớn đều tìm cách thoát khỏi lũy tre làng, và cuộc sống làm ruộng làm vườn chân lấm tay bùn, lên thành phố đi làm công nhân hoặc làm đủ thứ nghề. Hoặc cố học vào đại học để mong đổi đời. Hoặc cầm cố nhà cửa, mượn nợ ngân hàng để chạy tiền đi xuất khẩu lao động.

Mặc dù con đường đi làm thuê nước ngoài cũng chả sung sướng gì. Ðôi khi không may lại gặp tai nạn chết trên xứ người, như 14 công nhân bị chết cháy và 4 người khác bị thương nặng trong một xưởng may tại Nga ngày 11 tháng 9 vừa qua.

Rất nhiều trường hợp, người lao động Việt Nam bị lừa phải làm việc trong những điều kiện quá tệ hại mà đồng lương lại quá ít. Thực chất họ chỉ là nạn nhân của nạn buôn nô lệ lao động một cách chính thức ở Việt Nam dưới cái tên gọi “xuất khẩu lao động” mà thôi.

Tổ chức CAMSA (Coalition to Abolish Modern-day Slavery in Asia-Liên minh bài trừ nạn nô lệ tân thời tại Á Châu), một tổ chức đã từng giúp đỡ, giải thoát cho rất nhiều người lao động Việt bị lừa vào những đường dây buôn nô lệ hợp pháp và không hợp pháp, đã lên tiếng rất nhiều lần với thế giới về tình trạng này.

Cũng chính vì cái nghèo mà hàng ngàn cô gái trẻ ở vùng Ðồng Bằng Sông Cửu Long hoặc vùng nông thôn phía Bắc đã nhắm mắt chấp nhận những cuộc hôn nhân mai mối, hoàn toàn không tương xứng với những ông chồng xa lạ từ Ðài Loan, Hàn Quốc, Trung Quốc...

Và không ít người trong số đó đã chịu đủ bất hạnh từ những cuộc hôn nhân không tình yêu này, thậm chí trả giá bằng cái chết. Như các nạn nhân Thạch Thị Hoàng Ngọc, Huỳnh Mai, Hoàng Thị Nam, Phạm Thị Loan... đều lấy chồng Hàn Quốc, nạn nhân Phạm Thị Thanh Trúc lấy chồng Ðài Loan, v.v.

Những người nông dân Việt Nam những năm 30, 40 theo đảng đi làm một cuộc cách mạng nhân danh họ, mong lật đổ chế độ phong kiến thực dân và mơ về một xã hội tốt đẹp hơn, nhân bản hơn, công bằng hơn... như lời của đảng. Có bao giờ họ ngờ được, cái đảng và nhà nước mà họ đã góp phần nuôi dưỡng, và cho đến tận bây giờ vẫn đang còng lưng nuôi, lại đưa họ đến cái hiện thực của ngày hôm nay?







No comments:

Post a Comment

View My Stats