Tuesday 11 September 2012

11 NGÀN TỶ & NHỮNG NGÔI CHÙA BÀ ĐANH (Đào Tuấn)





Tháng Chín 11, 2012

Có 2 dòng tin xuất hiện trong cùng một ngày: Trong khi bội chi ngân sách tháng 8 lên tới hơn 26 ngàn tỷ đồng thì Bộ Xây dựng có tờ trình thẩm định dự án Bảo tàng lịch sử quốc gia với chi phí vào khoảng 11.277 tỷ đồng.

11.277 tỷ cho một viện bảo tàng, dù là tầm cỡ quốc gia, là cần thiết hay không, có đúng lúc hay chưa, sẽ còn là đề tài tranh luận dài dài. Thế nào cũng có người sẽ nói việc gìn giữ những di sản văn hóa, những hiện vật lịch sử thì không thể dùng thước đo đồng tiền. Nhưng những đồng tiền, hàng ngàn tỷ, ngàn tỷ đã, đang và sẽ chi cho những viện bảo tàng rõ ràng không làm nên những điểm 10 môn sử.

Tháng 5-2005, Cục Di sản tổ chức một hội thảo toàn quốc với câu hỏi đặt ra to đùng “Vì sao bảo tàng vắng khách”. GĐ Bảo tàng Dân tộc học VN, TS. Nguyễn Văn Huy phát biểu, nguyên văn: “Trước hết, chúng ta chưa thực sự hiểu công chúng muốn gì, mong đợi gì ở bảo tàng. Chúng ta vẫn tổ chức trưng bày theo chủ ý của chúng ta”. Các hiện vật trong viện bảo tàng bấy giờ đang chết, đang thiu, đang thiếu hấp dẫn đến mức giống như bày ra trước nhân dân một tảng thịt mỡ, trong một cách thức trưng bày “như gánh hàng xén”. Ông Huy có quyền trả lời câu hỏi đó. Đơn giản là bởi Bảo tàng Dân tộc học là độc nhất vô nhị, trong số 138 viện bảo tàng trên cả nước không rơi vào cảnh “vắng như chùa bà Đanh”.

3 năm sau đó, trong phiên thảo luận về dự thảo Luật quản lý và sử dụng tài sản nhà nước tháng 5-2008, ĐBQH, GS Nguyễn Lân Dũng, tỏ ra gay gắt trước hiện trạng: Viện bảo tàng bên ngoài là quán bia, bên trong là chỗ giữ xe, là hội trường tổ chức đám cưới…

Và nói đến bảo tàng, không thể không nhắc tới Bảo tàng Hà Nội- “công trình ngàn năm” trị giá 2.300 tỷ, từng được Bộ trưởng Võ Hồng Phúc dùng làm “ví dụ” nổi tiếng như một “điển hình” về sự lãng phí. Thậm chí siêu lãng phí.

Nhưng Bảo tàng 11 ngàn tỷ chưa phải là cái cuối cùng. Bởi theo Quy hoạch tổng thể hệ thống bảo tàng Việt Nam đến năm 2020 (đã được phê duyệt từ 2005) thì chỉ trong vài năm nữa, số lượng bảo tàng ở Việt Nam sẽ lên tới con số 172, với 40 ở Hà Nội và 19 ở TP HCM.

Bảo tàng là nơi lưu giữ lịch sử, nhưng không phải là thứ làm nên lịch sử. Bởi vậy, trong tình trạng 138 viện bảo tàng, có tới 137 “vắng như chùa bà Đanh” thì rõ ràng, việc bỏ ra hơn 11 ngàn tỷ từ ngân sách để xây thêm một “chùa bà Đanh”, một “quán bia”, một “hội trường tổ chức đám cưới”, không thể gọi khác hơn là một sự lãng phí. Và đây là sự lãng phí một cách vô tâm, xảy ra trong bối cảnh bệnh nhân viện K phải nằm trị bệnh dưới gầm cầu thang, học sinh Biên Hòa vẫn phải học 3 ca, và ở bất cứ địa phương nào, có vô số những người dân không tâm trí đâu để quan tâm đến bảo tàng, khi mà chuyện đáng lo là một mái nhà che mưa nắng cả đời phấn đấu vẫn chưa có nổi.

Trả lời báo chí ngày hôm qua, nhà sử học Lê Văn Lan cho rằng: “Sẽ tốt hơn nữa khi chúng ta nghĩ ra cách làm thế nào để hàng năm, sau mỗi kỳ thi tốt nghiệp và đại học sẽ không còn cảnh hàng nghìn thí sinh bị điểm “0” môn Lịch sử mà không cần phải tốn kém đến hàng chục nghìn tỷ đồng như dự án xây dựng bảo tàng nói trên”.

Lịch sử do nhân dân viết nên. Lịch sử tồn tại trong lòng dân trước nay vẫn được lưu truyền đời này qua đời khác. Chúng ta cần có những viện bảo tàng để lưu giữ những dấu ấn lịch sử, nhưng đó không thể là việc đổ những núi tiền cho những “ngôi chùa bà Đanh”, nơi hiện vật lịch sử ngập trong bia, lạc lõng trong tiếng nhạc đám cưới và phủ bụi, chết cứng trên giá trưng bày.







No comments:

Post a Comment

View My Stats