Sunday, 3 June 2012

TỪ CHUYỆN XÂY DỰNG TIÊU CHÍ "NGƯỜI HÀ NỘI THANH LỊCH, VĂN MINH" NGHĨ VỀ MỘT NỀN VĂN HÓA CƯỠNG BỨC (Lê Anh Hùng)




Lê Anh Hùng
3/06/2012

Thật sai lầm khi lại mường tượng rằng quá trình tiến hoá biểu thị một xu hướng liên tục nhằm tới sự hoàn hảo. Quá trình đó chắc chắn là liên quan đến sự thay hình đổi dạng liên tục của sinh vật nhằm thích ứng với điều kiện mới, song tuỳ thuộc vào bản chất của những điều kiện như thế mà chiều hướng của những đổi thay này sẽ đi lên hay đi xuống.
T. H. Huxley, The Struggle for Existence in Human Society, 1888

--------------------------

Dù đã hơn một năm trôi qua song hẳn không ít người vẫn chưa hết băn khoăn, ngờ vực trước thông tin UBND Tp Hà Nội đề ra mục tiêu xây dựng tiêu chí “người Hà Nội thanh lịch, văn minh” hầu “nâng cao đời sống văn hoá, tinh thần cho người dân Thủ đô” [1].

Văn hoá là một khái niệm rộng và có rất nhiều định nghĩa khác nhau. Ngay từ năm 1952, Alfred Kroeber và Clyde Kluckhohn đã tập hợp được 164 định nghĩa về văn hoá trong cuốn Culture: A Critical Review of Concepts and Definitions. Năm 2002, UNESCO đã đưa ra định nghĩa về văn hoá (tạm dịch): “Văn hoá cần được coi như một tập hợp bao gồm những đặc trưng về tinh thần, vật chất, tri thức và cảm xúc của một xã hội hay một nhóm xã hội, mà bên cạnh văn học và nghệ thuật, nó còn bao hàm lối sống, phương thức chung sống, hệ thống giá trị, truyền thống và niềm tin” [2].

Như vậy, những gì được coi là “thanh lịch, văn minh” nói trên chính là một phần của văn hoá. Vấn đề đặt ra ở đây là liệu việc áp đặt những tiêu chí đánh giá con người như vậy có khiến cho văn hoá phát triển theo chiều hướng lành mạnh hay nâng cao được “đời sống văn hoá, tinh thần” cho người dân như kỳ vọng hay không? Và một nền văn hoá chịu sự áp đặt duy ý chí như thế sẽ “phát triển” hay “tiến hoá” ra sao?

Dù định nghĩa thế nào thì văn hoá cũng là sản phẩm của con người xã hội: con người được xác định qua sự tổng hoà của các mối quan hệ xã hội. Vì vậy, chính các quy tắc giúp điều chỉnh mối quan hệ giữa người với người, hay nói rộng ra là giữa các chủ thể khác nhau trong xã hội mới là nhân tố quyết định xác định nên văn hoá của một cộng đồng hay một xã hội.

Những quy tắc này ra đời trong xã hội theo những cách khác nhau, chúng ràng buộc cách thức ứng xử vốn dĩ mang tính tuỳ ý và cơ hội chủ nghĩa của con người. Người ta phân biệt hai loại quy tắc (hay thể chế) dựa trên nguồn gốc của chúng:

Các quy tắc bên trong (thể chế bên trong) tiến hoá từ kinh nghiệm của con người và bao gồm những giải pháp có xu hướng phụng sự con người tốt nhất trong quá khứ. Ví dụ ở đây là các tập quán (customs), quy chuẩn đạo đức (ethical norms), quy ước thương mại (conventions in trade), cũng như luật tự nhiên (natural law [3]) trong xã hội Anlo-Saxon. Việc vi phạm quy tắc bên trong thường bị trừng phạt phi chính thức, chẳng hạn là bởi những người khác trong cộng đồng, khi những người có thói hư tật xấu nhận ra rằng họ không còn được chào đón nữa.

Các quy tắc bên ngoài (thể chế bên ngoài) chịu sự áp đặt và chế tài từ trên xuống, sau khi được thiết kế và thiết lập bởi những người đại diện, vốn được uỷ quyền thông qua một quy trình chính trị. Một ví dụ ở đây là pháp luật. Các quy tắc bên ngoài đi kèm với những chế tài rõ ràng, đây là những hình phạt được áp đặt chính thức và có thể được áp đặt bằng cách sử dụng quyền lực hợp pháp (chẳng hạn như lực lượng cảnh sát) [4].

Các quy tắc bên trong tự hình thành trong lòng xã hội và tiến hoá từ kinh nghiệm của con người nên nó tuỳ thuộc vào thiên hướng tự nhiên của một dân tộc, một cộng đồng hay một xã hội, chúng nằm ngoài ý chí của một người hay một nhóm thiểu số. Ngược lại, các quy tắc bên ngoài được thiết kế và áp đặt bởi những người đại diện chính trị, thông qua một quy trình chính trị, nên sự ra đời và áp đặt chúng lại tuỳ thuộc vào ý chí của một số ít cá nhân trong cộng đồng hay xã hội đó. Vấn đề sẽ nẩy sinh bất cứ khi nào mà ý chí của số ít cá nhân đó đi ngược lại ý chí và lợi ích chung của số đông. Trong các xã hội dân chủ, cơ chế vận hành dân chủ của hệ thống chính trị sẽ cho phép người dân giám sát hữu hiệu những người đại diện chính trị của mình và khi cần thì loại bỏ những người đại diện ích kỷ và cơ hội chủ nghĩa. Trong một chính thể độc tài thì lại khác, quyền lực nhà nước không thuộc về nhân dân thông qua các lá phiếu bầu cử dân chủ, mà thuộc về một nhóm người vẫn đang thao túng quy trình bầu cử, khống chế các quyền lực xã hội như báo chí hay xã hội dân sự và lũng đoạn bộ máy nhà nước. Sự ra đời và áp đặt các quy tắc bên ngoài không phục vụ cho lợi ích của quảng đại quần chúng nhân dân, mà chủ yếu là nhằm phục vụ cho lợi ích của một nhóm người nhỏ bé đang nắm quyền lực. Mối quan hệ giữa người với người hay giữa các chủ thể khác nhau trong xã hội vì vậy mà trở nên méo mó và lệch lạc. Hậu quả đương nhiên ở đây là một nền văn hoá với những “sản phẩm” ngày càng xuống cấp, suy đồi.

Tham vọng xây dựng tiêu chí “người Hà Nội thanh lịch, văn minh” trên đây của chính quyền Tp Hà Nội không khỏi khiến người ta rùng mình nhớ lại một giai đoạn đầy bi thương khi mà hàng loạt công trình đền chùa, miếu mạo, nhà thờ… bị phá bỏ không thương tiếc; khi mà những di sản văn hoá truyền thống của dân tộc như ca trù, hát xẩm… bị lên án mạnh mẽ và không còn đất sống bởi những “chỉ đạo” và “chỉ thị”…

Rõ ràng, một chủ thuyết phản tiến bộ kèm theo một thể chế chính trị lệch lạc, “bà đỡ” cho một rừng luật lệ tréo ngoe, phi nhân và bất công, cho những “chỉ đạo”, “chỉ thị” ngẫu hứng và duy ý chí, đã góp phần quyết định trong việc phá vỡ những nét đẹp văn hoá truyền thống của dân tộc, đồng thời nhào nặn nên một nền “văn hoá” mới – “nền văn hoá đậm đà bản sắc chính trị” với những dối trá, bịp bợm và suy đồi, một thực tế mà chúng ta vẫn đang phải chứng kiến hàng ngày ở hầu khắp mọi nơi: “văn hoá giao thông” với phương châm thực dụng “mạnh ai nấy chạy”; “văn hoá phong bì” với sự thống trị lạnh lùng, vô cảm của đồng tiền; “văn hoá tu bổ” với phong trào “bê tông hoá” các di tích văn hoá – lịch sử; “văn hoá cưỡng chế” với những “điển hình” như vụ “khoả thân giữ đất ở Cần Thơ: “văn hoá chụp giật” với đủ hình thức “chặt chém” ở các khu du lịch, lễ hội, v.v. và v.v.

Tại buổi họp báo về cuộc hội thảo khoa học “Mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa, văn học nghệ thuật trong thời kỳ CNH, HĐH” do Hội đồng Lý luận, Phê bình Văn học Nghệ thuật TW tiến hành gần đây, PGS TS Nguyễn Hồng Vinh, Chủ tịch Hội đồng, đã đưa ra nhận định: “Trong những năm qua tăng trưởng kinh tế của nước ta đã cải thiện đáng kể bộ mặt xã hội, nhưng bên cạnh đó đã và đang nảy sinh một thực tế đáng lo ngại là sự xuống cấp nghiêm trọng về văn hóa, về đạo đức xã hội; nhiều chuẩn mực bị đảo lộn; những giá trị tốt đẹp về truyền thống văn hóa của dân tộc đang bị xâm hại nghiêm trọng; các hành vi phi nhân tính của con người bộc lộ ngày càng tăng cả số lượng lẫn tính chất; khoảng cách giàu nghèo và sự chênh lệch trong hưởng thụ văn hóa giữa các vùng miền ngày càng lớn…, tiềm ẩn nguy cơ bùng nổ xã hội” [5]. Bên cạnh đó là vô số tiếng kêu của những người có lương tri trước tình trạng xuống cấp về văn hoá trong các lĩnh vực khác nhau của xã hội [6]. Xin lấy dẫn chứng, một cách ứng xử tuy không mới nhưng gần đây đã trở thành một nét “văn hoá” tiêu biểu – đó là “văn hoá phủi bỏ trách nhiệm” với những biểu hiện “điển hình” như “tôi không ra quyết định nào sai”, “dân bất bình nên phá nhà ông Vươn”, “vụ viêc ở Văn Giang là do các thế lực thù địch dàn dựng”, hay “việc bổ nhiệm ông Dương Chí Dũng là đúng quy trình”, v.v.

Điều đáng nói hơn nữa là quá trình “tiến hoá” về mặt văn hoá mà chúng ta đề cập trên đây vẫn đang diễn ra trong xã hội Việt Nam theo chiều hướng ngày càng suy đồi và đáng báo động, như cái quy luật mà nhà sinh học người Anh Thomas Henry Huxley (1825-1895) đã chỉ ra trong tác phẩm The Struggle for Existence in Human Society (Cuộc đấu tranh sinh tồn trong xã hội loài người, 1888) cách nay hơn một thế kỷ.

Khi người ta nặn ra những “danh hiệu” như “Gia đình văn hóa”, “Thôn văn hóa”, “Làng văn hóa”, “Ấp văn hóa”, “Bản văn hóa”, “Tổ dân phố văn hóa” và đặt việc “phong tặng” chúng vào trong tay chính quyền, người ta đã phó mặc số phận của những gì cấu thành nên khái niệm văn hoá cho sự thất thường và tuỳ tiện của quyền lực độc đoán. Văn hoá là sản phẩm của con người, nhưng với những thứ “văn hoá” như chúng ta đã nêu ra trong bài viết này thì đấy là những “đứa con” mà không một người mẹ có tiết hạnh và phẩm giá nào muốn thừa nhận, bởi chúng là kết quả của sự cưỡng bức quá ư thô bạo do những kẻ vừa bất lương vừa hoang tưởng thực hiện.

Hãy cứu lấy nền văn hoá Việt Nam!

Hà Nội, ngày 3/6/2012
L.A.H.



Ghi chú:

[1] Báo Hà Nội Mới ngày 29/12/2010: Sẽ xây dựng tiêu chí “Người Hà Nội thanh lịch, văn minh” (http://hanoimoi.com.vn/newsdetail/1000_nam_thang_long/419199/se-xay-dung-tieu-chi-nguoi-ha-noi-thanh-lich-van-minh.htm).


[3] Luật tự nhiên (natural law) dựa trên sự khẳng định rằng con người có một số quyền bất khả xâm phạm nhất định. Theo Aristotle, mọi người ai cũng có một số quyền tối quan trọng và bất khả xâm phạm nào đó, bất kể nơi họ sống cũng như những quy ước và luật lệ mà cộng đồng của họ tuân theo. Luật tự nhiên thừa nhận, tất cả mọi người đều bình đẳng trên một số phương diện cơ bản nào đó. Trong kỷ nguyên hiện đại, khái niệm luật tự nhiên với tư cách một nguyên lý pháp lý cấp cao tiếp tục được thừa nhận sau những gì từng xẩy ra với các chế độ toàn trị. Ngày nay nó được thừa nhận rộng rãi như là nguồn gốc của một số quyền tự do thụ động cơ bản (tình trạng thoát khỏi sự can thiệp của các cơ quan quyền lực và những người khác).

[4] Wolfgang Kasper & Manfred E. Streit: Kinh tế học thể chế: Trật tự xã hội và chính sách công (Institutional Economics: Social Order and Public Policy), trang 42 (http://ethongluan.org/index.php?option=com_docman&task=cat_view&gid=59&Itemid=)

[5] Báo Thanh Niên ngày 9/12/2011: Kinh tế phát triển nhưng văn hoá xuống cấp (http://www.thanhnien.com.vn/pages/20111209/kinh-te-phat-trien-nhung-van-hoa-xuong-cap.aspx).

[6] Thử gõ cụm từ “sự xuống cấp văn hoá” trên Google, chúng ta sẽ nhận được vô số bài viết liên quan đến chủ đề này ở Việt Nam hiện nay: “Sự xuống cấp văn hoá của làng thể thao Việt Nam”; “Nghèo chất xám hay sự xuống cấp về văn hoá”; “Văn hoá bóng đá xuống cấp: Nhà dột từ… nóc”; “Văn hoá đọc xuống cấp: mối lo không của riêng ai”, v.v.

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN



No comments:

Post a Comment

View My Stats