Hà Hưng Quốc
Xin cống hiến đọc giả của Dân Luận và cụ bà Lê Hiền Đức một đoạn ngắn trong
tập sách Lãnh Đạo của TS Hà Hưng Quốc. Iris Vinh Hayes
Dân
Luận
Chủ
Nhật, 10/06/2012
"Daw Aung San Suu Kyi (1945 - hiện tại) sinh ra tại
Ragoon, trong một gia đình có tiếng. Là người con gái trưởng của Tướng Aung
San, một công trình sư của nền độc lập Miến Điện, và bà Daw Khin Kyi, nữ đại sứ
duy nhất của xứ này. Lúc Daw Aung Suu Kyi được 2 tuổi, ông Aung San bị ám sát,
vào tháng 7 năm 1947, cùng với 6 người khác là thành viên nằm trong “nội các
tiền độc lập” (pre-independence cabinet) của ông. Năm 1960 bà theo mẹ, chức
vụ đại sứ, qua New Dehi của Ấn Độ.
Trong thời gian tại đây bà trở nên ưa thích với triết
thuyết đối kháng bất đạo động của Mahatma Gandhi. Sau khi theo học chương trình
chính trị tại Đại Học New Dehi, bà theo học chương trình Triết, Chính Trị Và
Kinh Tế tại St Hugh của Đại Học Oxford ở Anh Quốc và tốt nghiệp Cử Nhân.
Từ năm 1967 cho tới 1971, bà là phó bí thư của Ủy Ban Cố
Vấn Về Vấn Đề Quản Trị Và Ngân Sách trực thuộc Văn Phòng Tổng Thư Ký Liên Hiệp
Quốc tại New York. Năm 1972 Daw Aung Suu Kyi trở thành là viên chức nghiên cứu
của Bộ Ngoại Giao Bhutan và trong năm này bà kết hôn với Tiến Sĩ Michael Aris,
một học giả người Anh đang dạy học cho hoàng gia Bhutan.
Sau đó hai người có được hai đứa con trai và, bên cạnh
vai trò làm mẹ làm vợ, bà tiếp tục theo đuổi công việc học tập nghiên cứu trong
nhiều năm. Nói một cách khác, bà yên ấm với hạnh phúc trong tầm tay.
Nhưng định mệnh không dành cho bà con đường bằng phẳng.
Đầu tháng 4 năm 1988, nhận được tin mẹ đau nặng, Daw Aung Suu Kyi đã vội vã trở
lại Ragoon để săn sóc cho mẹ, đúng vào lúc mà tình hình chính trị Miến đang sôi
sục.
Từ khi Tướng Ne Win làm một cuộc đảo chánh lật đổ chính
quyền năm 1962 và nắm trọn quyền bính, Miến Điện đã nằm dưới sự cai trị của một
chế độ độc tài độc đảng. Kết hợp quái dị giữa một đảng xã hội chủ nghĩa sắt máu
với những tên quân phiệt côn đồ nặng mê tín dị đoan đã tàn phá Miến Điện và làm
cho nó trở thành một đất nước nằm trong số những quốc gia nghèo đói nhất trên
thế giới. Và Daw Aung Suu Kyi có mặt vào thời điểm mà sự phẫn uất của quần
chúng đã lên đến cao độ.
Ngày 8 tháng 8 năm 1988, một cuộc biểu tình chống chính
quyền thật lớn đã nỗ ra tại Ragoon và lan ra khắp đất nước. Hàng ngàn người bị
giết trên đường phố. Lúc khăn gói trở lại quê nhà Daw Aung Suu Kyi không có ý
định tham dự vào nội bộ Miến nhưng những cảnh tượng đàn áp phi nhân tính của
nhà cầm quyền Miến đập vào mắt bà đã làm sôi sục dòng máu đấu tranh trong con
tim của người phụ nữ hiền hòa này.
Rồi Daw Aung Suu Kyi quyết định nhập cuộc. Bà xuống đường
cùng với nhân dân Miến để đòi quyền sống. Có lúc đối mặt với bạo quyền bà đã
hiên ngang đi tới bất chấp đe dọa và cái uy lực toát ra từ người phụ nữ này đã
buộc hàng hàng súng đạn và lưỡi lê phải thụt lùi. Giữa đám đông hơn nửa triệu
người, ngày 26 tháng 8 năm 1988, trước Chùa Shwegadon, đứng dưới bức hình của
cha cô, Daw Aung Suu Kyi đã tuyên bố “là con gái của cha tôi, tôi không thể
tiếp tục làm ngơ với những gì đang diễn ra trước mắt.”
Chỉ trong vòng vài tuần lễ sau đó, bà cùng với những con
tim khao khát tự do dân chủ đã thành lập xong tổ chức NLD (National League for
Democracy) và bà được bầu là Tổng Bí Thư. Daw Aung Suu Kyi kêu gọi nhà cầm
quyền chấm dứt sử dụng bạo lực đàn áp quần chúng.
Một cuộc đảo chánh giả ngày 18 tháng 9 trong năm được
giàn dựng để cho một hội đồng gồm 21 sĩ quan cao cấp lên cai trị đất nước, the
SLORC (The State Law and Order Restoration Council), cầm đầu là Saw Maung, Tổng
Tư Lệnh Quân Đội. Họ hứa hẹn sẽ tổ chức một cuộc bầu cử tự do và công bình
nhưng lại khẩn cấp ban hành thiết quân luật. Tất cả mọi sự tập họp từ 4 người
trở lên đều bị cấm.
Kháng lệnh của nhà cầm quyền Daw Aung Suu Kyi với tư cách
là tổng bí thư của tổ chức NLD đã đi khắp nơi trên đất nước - Rangoon, Pegu,
Magwe, Sagaing, Mandalay, Moulmein, Tavoy, Mergui, Pakkoku, Taunggyi,
Kyaukpadaung, Monywa, Myinmu, Myitkyina, và những nơi khác - để diễn thuyết tất
cả hơn 100 lần, để kêu gọi người dân hãy đứng lên tranh đấu giành lại quyền làm chủ đất nước dầu là có sợ hãi đi nữa, đồng thời kêu gọi
sự can thiệp của UN cũng như tố cáo với mọi người là Ne Win đã đứng phía sau
đạo diễn mọi thứ, và bà chủ trương đường hướng đấu tranh bất bạo động.
Tháng 7 năm 1989 Daw Aung Suu Kyi bị nhà cầm quyền giam
lỏng tại tư gia của mình. Mặc dầu bà không được ra ngoài vận động, tổ chức NLD
vẫn thắng 82% số ghế trong cuộc bầu cử ngày 27 tháng 5 năm 1990. Nhưng tập đoàn
quân phiệt từ chối giao quyền lại cho những người được dân chọn. Và từ đó về
sau, Daw Aung Suu Kyi nhiều lần bị nhà cầm quyền giam cầm.
Có thể nói là bà bị giam cầm gần như suốt hai thập niên. Hai mươi năm của
một đời người không phải là ngắn. Trong hai mươi
năm đó Daw Aung Suu Kyi có sự chọn lựa khác dễ dàng hơn, nếu muốn, đó là rời
khỏi Miến Điện để trở về với chồng con của bà, và nhà cầm quyền chắc chắn sẽ
rất vui mừng để giúp bà thực hiện điều đó.
Nhưng Daw Aung Suu Kyi đã không làm như vậy. Bà chọn lựa
sự hiến dâng trọn vẹn để cứu nguy tổ quốc và giải phóng dân tộc khỏi áp bức,
độc tài, nghèo đói, một chọn lựa vô cùng khó khăn và không kém bi thảm. Và sự
chọn lựa của bà đã làm cho người dân Miến coi bà là thần thánh và nhiều người
khác trên thế giới ngưỡng mộ.
Hai mươi năm trước trên đường phố của Ragoon và trên mọi
nẻo đường của đất nước Daw Aung Suu Kyi đã tỏa sáng hào quang. Hai mươi năm sau
Daw Aung Suu Kyi vẫn tỏa sáng hào quang. Dầu chỉ có thể đi loanh quanh ngay
trong hãm địa, cách ly với quần chúng, nhưng trái tim Daw Aung Suu Kyi và trái
tim của nhân dân Miến vẫn đập cùng một nhịp, và tay của Dawn Aung Suu Kyi vẫn
nối dài tay nhân dân Miến.”
No comments:
Post a Comment