Sunday 10 June 2012

CHUNG QUANH KHU DI TÍCH VƯỜN MỘ SÀO NAM PHAN BỘI CHÂU Ở HUẾ (Huỳnh Hữu Ủy)




Huỳnh Hữu Ủy

Ngày 30 tháng 6 năm 1925, cụ Phan Bội Châu bị mật thám Pháp bắt cóc ở Thượng Hải,đưa về Hải Phòng bằng đường thủy, trên tàu Angkor của hãng Messageries Marimes, rồi đưa ra xét xử trước phiên tòa Đề hình công khai ngày 23-11-1925 ở Hà Nội. Phiên tòa định y án tử hình theo các bản án tử hình khiếm diện trước đây (1), rồi giảm xuống chung thân khổ sai.

Vụ Án Phan Bội Châu

Trước phiên tòa ngày 23 tháng 11 năm 1925, ông già phiến loạn Phan Bội Châu đã tuyên bố:
“Thành thực mà nói, tôi tự nhận đã có âm mưu chống lại vua của tôi nhằm lật đổ chế độ quân chủ, tạo nên một nước Việt Nam Cộng hòa. Tôi cũng tự nhận đã có nhiều nỗ lực, bằng lời nói và cây bút, để thức tỉnh đồng bào tôi một tấm lòng yêu nước mà từ trước chưa có, đã phê phán chính phủ bảo hộ trong bước đầu của giai đoạn lưu đày và trách cứ họ để cho nước Nam ngập ngụa trong vòng ngu tối; tôi cũng tự nhận quá nghiêm khắc đối với quan trường và trách cứ họ về những sự nhũng lạm thái quá. Nếu như các ông thấy rằng những hành động của tôi xứng đáng phải tội chết, thì hãy lấy đầu tôi đi, tôi sẽ sẵn lòng rơi đầu cho các ông bởi đã từ lâu tôi đã tự hiến thân mình phục vụ cho lý tưởng của mình. Tôi đã hăng say tranh đấu vì hạnh phúc của tổ quốc tôi, của dân tộc tôi, song chưa hề một phút nào đi chệch khỏi phẩm chất của tôi. (2)

Lời phát biểu của cụ Phan cùng với lời biện hộ hùng hồn đầy rung động của hai luật sư Larre và Bona đã biến phiên tòa kết án cụ Phan thành phiên tòa xét xử chế độ thực dân.

Những cuộc vận động đòi ân xá cho cụ Phan lan rộng khắp nơi, từ trong nước ra đến ngoài nước. Biểu tình tuần hành, trường học bãi công, truyền đơn, điện tín đòi phóng thích cụ Phan tung ra khắp mọi nẻo đường, đặc biệt nhất là ở Hà Nội, Hải Phòng và Huế. Một hình ảnh rất cảm động là các bà cao tuổi tập trung đông nghẹt nơi đoàn xe chở toàn quyền đi qua và họ đồng loạt quì xuống xin ân xá cho cụ Phan.

Ở nước ngoài, chúng ta có thể nhớ lại trường hợp vận động điển hình của cụ Nguyễn Thế Truyền, chủ bút báo Le Paria ở Paris. Với sự hỗ trợ của Hội Liên Hiệp Thuộc Địa (Union Intercoloniale), Nguyễn Thế Truyền đã viết một kiến nghị phản đối việc bắt giữ cụ Phan với các lý lẽ: Pháp bắt cụ Phan bất chấp luật lệ quốc tế, vi phạm chủ quyền Trung Quốc vì bắt cụ Phan trong lãnh thổTrung Quốc, lại không xin Trung Quốc dẫn độ (Extradition) cụ Phan. Bản kiến nghị của Nguyễn Thế Truyền viết được in thành 4.000 bản, tung ra rộng rãi khắp nơi, đặc biệt gửi đến Hội Quốc Liên (Sosiété des Nations), Tòa án quốc tế La Haye, Hạ viện Pháp, Thượng viện Pháp, Tổng Thống Pháp, Tổng trưởng Bộ Thuộc địa Pháp, Toàn quyền Đông Dương, gửi cho nhiều báo chí Pháp và gửi về phổ biến trong nước. Khi được tin cụ Phan bị kết án chung thân khổ sai, Nguyễn Thế Truyền kêu gọi một cuộc hội họp rộng lớn của kiều bào Việt Nam ở trụ sở Hội Bác Học (Salle des Sociétés Savantes) ở Paris ngày 3-12-1925 để phản đối việc kết án, rồi sau đó đã gửi điện văn phản đối cho toàn quyền Varenne (3).

Áp lực rộng lớn của những cuộc vận động đòi ân xá cho cụ Phan đã đánh trúng vào yếu huyệt của Pháp, chủ nghĩa yêu nước đã đạt được thắng lợi lớn, Toàn quyền Alexandre Varenne phải phóng thích cụ Phan. Varenne đề nghị cụ giữ chức Thượng Thư Bộ Học hoặc cố vấn riêng của Toàn quyền nhưng cụ từ chối, chỉ nhận chiếc can bằng gỗ mà sau này cụ vẫn thường dùng. Cụ bị đưa về giam lỏng ở Huế suốt 15 năm, cho mãi đến ngày qua đời.

Vừa về Huế, cụ đến tạm trú nơi chái nhà của Thị Lang Bộ Binh Nguyễn Bá Trác, nguyên cũng là đồng chí của cụ thời hoạt động cách mạng ở bên Tàu. Rồi chỉ một thời gian ngắn, ngày 10-1-1926, cụ dọn về căn nhà tranh trên đầu dốc Bến Ngự, cạnh ngay chùa Từ Đàm. Căn nhà đơn sơ nhưng cũng thanh nhã, có vườn trồng cây, có bể thả cá, có hòn non bộ (4).

Lều Tranh Bến Ngự

Hai cụ Hunh Thúc Kháng và Ngạc Am Võ Liêm Sơn đã mua khoảng vườn và dựng mái nhà tranh này với số tiền 2.000 đồng Đông Dương do đồng bào quyên góp khắp ba k cùng với số tiền quyên góp của kiều bào ở Pháp gửi về. Cái nhà ấy dựng theo kiểu cụ Phan vẽ ra, gồm hai gian rộng ở hai đầu, gian giữa hẹp hơn vừa đủ chỗ cho một cái giường, cái bàn và cái tủ làm buồng riêng của cụ, có song mở ra bốn phía, tỏ ý rằng chủ nhân là một người sống quang minh chính đại, ai cũng có thể thấy từ gan ruột bên trong, chính kiểu nhà ấy là tượng trưng của ba kBắc-Trung-Nam. (5) Cho đến ngày cụ Phan qua đời, căn nhà ấy vẫn không có gì thay đổi, đúng như Nguyễn Thiệu Lâu nhớ lại: Một cái cổng tre con, ở giữa một hàng rào cây xanh, một cái sân đất, ở giữa có trồng mấy cây cảnh lơ thơ, rồi đến một cái nhà tranh ba gian hai chái. (6)

Chính dưới mái nhà tranh ấy, mặc dầu bị bao vây, rình rập tứ phía, Sào Nam vẫn tiếp tục có những hoạt động đặc biệt, để giữ ngọn lửa trong lòng mình, cũng chính là ngọn lửa hùng khí của dân tộc.

Mái nhà tranh của “Ông Già Bến Ngự vẫn là nơi lui tới thường xuyên của những người yêu nước, của đồng bào khắp nơi. Nhất là vào những năm đầu, như Đào Duy Anh đã có dịp hồi tưởng:Nhà cụ tấp nập người qua lại, vì không những cụ là tượng trưng của tinh thần ái quốc mọi người ngưỡng mộ, mà chính cái đức độ bao dung ân cần và lễ nhượng của cụ đối với mọi người, cùng là cái dáng vẻ quắc thước, cái phong thái ung dung đường hoàng của cụ có một sức hấp dẫn đặc biệt. (7)

Chúng ta thử đọc lại bài thơ dưới đây của Nguyễn Vỹ, cũng đủ thấy lòng ngưỡng mộ của đồng bào, đặc biệt là của thanh niên, lúc bấy giờ đối với cụ Phan như thế nào. Nguyễn Vỹ được hầu chuyện với cụ Phan trên chiếc thuyền của cụ một đêm trăng mùa hè năm 1936, được cụ Phan mời uống rượu, rồi hứng khởi đã họa lại bài thơ ứng khẩu của cụ ngay trên khoang thuyền lai láng ánh trăng. Người thư ký của cụ đọc lại bài thơ, cụ lắng nghe và rưng rưng lệ.

Hơn đọc ngàn đêm sách Thánh Hiền,
Một đêm với Cụ, một con thuyền.
Trời, mây, trăng, gió, Dân đành phận,
Thành-quách, lâu-đài, Nước tủi duyên!
Chén rượu Thừa-lương, cười rướm lệ,
Câu thơ tâm phúc, lạ thành quen.
Nước Non, Non Nước, tình lai láng,
Một nét quan-hoài, chẳng dám quên. (8)

Hay như cảm giác của Nguyễn Thiệu Lâu, ông sử gia cuồng sĩ có tiếng bất cần đời, lúc bấy giờ 1938-1939 đang dạy sử-địa ở trường Khải Định đến thăm viếng cụ nhiều lần, luôn luôn bị hấp dẫn vì một sức mạnh k lạ toát ra từ cái đơn giản và đạm bạc bên ngoài của cụ: Qua cửa, tôi thấy gian giữa, trên một bộ ván thấp, có trải một cái chiếu đã cũ, ngồi tựa lưng vào bàn thờ gỗ mộc, trên có một bộ thờ gỗ mộc, giữa chiếu đặt tích nước,đĩa chén, ngọn đèn Hoa K và cái điếu cầy: Đó là cụ Phan. Cụ mặc cái quần nâu đã cũ, cái áo cánh kiểu Huế, có nút cài dưới nách. Cụ ngồi, nhưng tôi nhận thấy Cụ, thân hình vạm vỡ, trán hói thật cao, bộ râu dài, đôi mắt sáng quắc... (9)

Trong những người lui tới nhà cụ Phan, có một nhân vật đặc biệt là ông Ngô Đình Diệm, vừa từ chức Thượng Thư Bộ Lại, một nhân vật có tiếng thông minh và liêm khiết trong chính trường thời bấy giờ. Chính cụ Phan Bội Châu cũng rất kính nể ông Ngô, cảm phục khí tiết ông quan trẻ tuổi, nên có bài thơ tặng khi vị thượng thư đầu triều này từ bỏ quyền cao chức trọng để phản đối chính quyền Pháp và Nam triều tay sai.

Dưới đây là bài thơ cụ Phan Bội Châu tặng ông Ngô Đình Diệm năm 1933 (chép lại theo bản sao lục của Vũ-Kim-Lão-Nhân, in trên nguyệt san Việt Nam Hải Ngoại số 147, tháng 10,1983, in lại trong Kỷ Niệm 200 Năm Cố Đô Huế (1820-2002), Dòng Việt, California, số 12, 2002, trang 321.)

Ai biết trời Nam vẫn có người,
Sịch nghe tưởng ngỡ sấm bên tai.
Lông hồng coi nhẹ vàng muôn lượng,
Ngôi quý xem nhường dép nửa đôi.
Phơi tỏ cùng trời gan đỏ chói,
Nhá nhem thây kệ mắt đen thui.
Ví chăng kịp lúc làm vai vế,
Sau ngựa Châu xin quất ngọn roi.

Theo Vũ-Kim-Lão Nhân, bài thơ này đã được cụ Nghè Hunh Thúc Kháng cho in trên báo Tiếng Dân, số phát hành ngày 27-12-1933. Chính quyền đương thời kiểm duyệt câu thứ 4; về sau trên tuần báo Văn Đàn của Phạm Đình Tân ở Sài Gòn khoảng năm 1960 đã in lại đầy đủ toàn bài thơ.

Gần đây, ông Vương Đình Quang nguyên là thư ký của cụ Phan, trong một bài viết trên tạp chí Sông Hương khoảng năm 1988 ở Huế cũng có nhắc lại. Vương Đình Quang lúc bấy giờ đã thưa với cụ Phan là tại sao cụ lại hạ mình như vậy với Ngô Đình Diệm là một người lớp sau, trong khi cụ là bậc trên, ở hàng cha, hàng anh. Nhưng cụ Phan nói thẳng rằng, cụ là người hoạt động cách mạng, chứ nếu cụ ở trong giới quan trường thì cụ cũng không chắc được như ông Diệm.

Và cũng từ bài thơ trên của Phan Bội Châu, mà ở Huế những người đi theo ông Ngô Đình Diệm thường nói rằng ông Ngô đã vứt chiếc ghế thượng thư như ném bỏ một đôi dép rách. (10)

Nói tắt lại, mái nhà tranh của “Ông già Bến Ngự” vẫn là nơi gặp gỡ và chỗ dựa cho nhiều hoạt động yêu nước, vẫn là kỳ vọng của đồng bào. Mọi thành phần, lực lượng, đảng phái vẫn tìm cách liên lạc với cụ Phan, như một nhận định trong bản báo cáo gửi Toàn Quyền Đông Dương của Khâm Sứ Trung Kỳ ngày 13 tháng 9 năm 1929:
“Quả thật những người tham gia đảng phái quốc gia, bài ngoại và cả đảng Cộng Sản không bao giờ ngừng thường xuyên liên hệ với Phan Bội Châu là người chắc chắnđược thông tin về các vận động, hoạt động, ý đồ, phương cách của họ, nếu như không phải là cố vấn của họ.” (11)

Trong cảnh cá chậu chim lồng, hoạt động hữu hiệu nhất của cụ là tiếp tục trước tác để giáo dục quốc dân, nuôi dưỡng tinh thần yêu nước của thanh niên, cùng lúc cũng để nghiên cứu lại nền tư tưởng, cổ học, và đạo lý cổ truyền phương đông. Có thể kể đến các tác phẩm điển hình: Cao Đẳng Quốc Dân,Giác Quần Thư, Nam Quốc Dân Tu Tri, Nữ Quốc Dân Tu Tri, Lời Hỏi Thanh Niên, Khổng Học Đăng, Phật Học Đăng, Chu Dịch, Nhân Sinh Triết Học, Xã Hội Chủ Nghĩa, Sào Nam Thi Văn Tập, hàng trăm thơ phú, văn tế, câu đối, tạp văn, đặc biệt quan trọng là tập hồi ký Tự Phán, tức Phan Bội Châu Niên Biểu là tập sử liệu rất quan trọng của pho sử đấu tranh của dân tộc thời cận đại.

Trong khu vườn bao quanh mái lều tranh của Ông già Bến Ngự,chủ nhân có dựng nhà bia kỷ niệm bà “Ấu-Triệu Lê Thị Đàn, là đồng chí của cụ đã tiết tháo hy sinh trong nhà ngục để bảo vệ bí mật của tổ chức cách mạng, gọi là Ấu Triệu bi đình.

Trên bia ấy, có câu:
Tâm khả huyền ư thiên nhật nguyệt,
Thân tằng giá dữ Việt giang san.

(Lòng trong trắng có thể sánh ngang cùng mặt trăng mặt trời, Tấm thân đã gả cho non sông đất Việt.) (12)
Năm 1934, cụ Phan cũng làm sẵn ngôi mộ rất đơn giản cho mình, với tấm bia ghi rõ Phan Bội Châu sinh huyệt tự minh bằng chữ Hán, với lời dặn nghiêm khắc về cách an táng cụ, không được quan quách, không theo lễ nghi tập tục rườm rà ghi sẵn trên bia. Dưới đây là lời dặn trên bia được phiên âm và dịch nghĩa.

Phiên âm
“Phan Bội Châu sanh huyệt tự minh.
“Dư vạn cổ trạch dã, dư tử, tức tống táng ư thị, thả thiết tuân như hạ sở liệt chi chúc ngữ:
“Cấm chỉ quan quách, khâm liệm, trúc phần, thiết điện đẳng nhất thiết tục lệ.
“Cấm chỉ tang phục, tang nghi, khốc tụng đẳng, nhất thiết hư văn.
“Cấm chỉ phó tang, cáo ai đẳng, nhất thiết hư văn. Thân bằng cố cựu, hữu nhân cố bất cập tri dư tử giả, tận khả tâm thích. Phàm ngã hậu nhân thành ái dư giả, duy kế chí thuật sự thượng hỹ, dư câu bất tất.
“Nam-lịch Giáp-Tuất niên nguyệt nhật.
Tây-lịch nhất thiên cửu bách tam thập tứ niên nguyệt nhật.”

Dịch nghĩa

Lời tự minh sanh huyệt Phan Bội Châu.
Đây là nhà ở muôn đời của ta, khi ta chết thì phải chôn ngay tại đây và phải tuân theo lời dặn sau nầy:
Cấm không được khâm liệm, quan quách, đắp mộ, lập đền thờ theo tục lệ.
Cấm không được để tang, cúng tế theo lối hư văn.
Thân bằng cố hữu vì không được biết tin ta chết, chỉ để lòng thương nhớ thôi. Phàm kẻ sau thành tâm thương ta, chỉ kế chí thuật sự, ngoài ra chả cần gì khác.
Nam lịch, Năm Giáp Tuất, tháng... , ngày...
Tây lịch năm 1934, tháng... , ngày...

Suốt những năm tháng bị giam lỏng ở Huế, cụ Phan thường bị đám mật thám rình rập suốt ngày. Trong khi ấy, hai con chó Ky, chó Vá cụ nuôi trong nhà thì lại tỏ ra rất trung thành với chủ. Khi con Ky và Vá chết, cụ chôn trong vườn nhà, lập bia mộ kỷ niệm, và gọi chúng là loài vật có trí, nghĩa, nhân, và dũng. Những dòng khắc trên bia tưởng nhớ như là lời cười cợt cay đắng, nhưng chính thực là để mắng bọn chó săn, chim mồi, cũng là một thứ ngụ ngôn thâm thúy để lại cho đời của nhà cách mạng lão thành. Bài minh trên bia được khắc bằng chữ Hán và chữ quốc ngữ. Dưới đây là lời trên bia văn ấy:

Bia Con Ky
Người hơi có đức nhân thường kém về phần trí. Người hơi có đức trí thường kém về phần nhân. Vừa trí vừa nhân thật là hiếm thấy!
Ai ngờ con Ky nầy lại đủ hai đức đó:
Chung nhau thờ một chủ, thời xem nhau như là anh em, chẳng bao giờ như mèo với chó, thực là nhân đó.
Thấy không phải chủ, thời xem bằng cừu thù, chẳng bao giờvì miếng ăn dẫn dụ, thiệt là trí đó.
Trí vừa nhân, nhân vừa trí,
Trong giống súc mà người, e đến mày mới thấy.
Mầy sao vội chết?
Hỡi trời! Hỡi trời!
Lòng ta đau đớn,
Phải tạc mấy lời.
Đau đớn quá! đau đớn quá!
Kìa những hạng muông người!

Bia Con Vá
Vì có dũng nên liều chết phấn đấu, vì có nghĩa nên trung thành với chủ.
Nói thì dễ, làm thiệt khó, người còn vậy, huống gì chó!
Ôi! Con Vá mầy đủ hai đức đó, há như ai kia mặt người lòng thú; nghĩ thế mà đau, dựng bia mộ chó!

CỤ PHAN LÂM CHUNG

Vào lúc cuối đời, sức đã yếu, cái chết gần kề, cụ Phan ghi lại trên ảnh của mình mấy lời thực cảm động mà cũng thực hào tráng: Cứu quốc tồn chủng, hữu chí vô tài, kim cánh dữ quốc dân trường từ, tội thậm khất thứ (Cứu nước giữ nòi, có chí nhưng bất tài, nay vĩnh biệt quốc dân, tội nặng xin đồng bào tha thứ.)
Mấy lời trên ảnh ấy, cụ Phan viết dài hơn, thành lời vĩnh quyết gởi đồng bào nhờ cụ Huỳnh Thúc Kháng in trên báo Tiếng Dân ngày 31-10-1940.

Lời Từ Biệt của cụ Phan

Phan Bội Châu, một tên dân Việt Nam, trước lúc gần chết mà chưa tắt hơi, kính có mấy lời rất thành thực từ biệt cùng anh em đồng bào. Trước kia không kể, từ năm 1906 (...kiểm duyệt bỏ) khiến cho người nước, kẻ ở người đi, kẻ còn người mất và bị lụy rất nhiều, toàn là tội ác về tay tôi gây nên. Mà may quá! Từ năm 1925, tôi mang cái sống thừa về nước đến giờ, anh em đồng bào đã không ai trách tội tôi mà lại quá thương yêu tôi, tôi thực là hổ thẹn với đồng bào ta và cảm ơn vô cùng. Trải 15 năm nay, nằm co trong túp lều ở Bến Ngự cùng chiếc đò trên sông Hương, đoạn đời sống thừa của tôi, không việc gì đáng nói và đồng bào đã thừa rõ. Bây giờ tôi đã đến lúc lâm biệt, xin có lời từ biệt.
Bội Châu từ trước đến nay, đối với đồng bào đã không có chút gì là công, mà lại tội ác quá nặng. Bây giờ tôi đã chết, thiệt là một tên dân trốn nợ và vỡ nợ, đồng bào có thứ lượng cho tôi, thì xác tôi tuy chết mà tinh thần tôi vẫn cám ơn đồng bào luôn luôn.
Người đến khi gần chết, lời nói hẳn lành.” Nay tôi đã đến lúc “gần chết” đó, xin có mấy lời gan phổi tỏ lời hy vọng cuối cùng với đồng bào:
Đồng bào Việt Nam ta có trên 20 triệu, bấy nhiêu đầu óc, bấy nhiêu tai mắt, bấy nhiêu chân tay, nếu biết thương yêu nhau, đồng lòng hợp sức làm cái bổn phận quốc dân đối với Tổ Quốc (...kiểm duyệt bỏ). Không thế thì trên mặt địa cầu sau này sẽ không có hình bóng dân tộc Việt Nam nữa, thì Bội Châu nầy dẫu có trốn nợ, vỡ nợ cũng may mà được chết trước anh em, tôi lấy làm một điều hạnh phúc.
Mấy lời trên, tôi xin từ biệt và cảm ơn đồng bào.
Kính,
Phan Bội Châu quyết biệt.”

Mấy ngày trước khi cụ Phan qua đời, cụ Huỳnh Thúc Kháng cùng một phái đoàn đến viếng. Cụ Huỳnh đọc bài văn“sanh vãn” khóc cụ Phan, tức là bài văn tế sống, là một phác họa trong mấy nét về toàn bộ cuộc đời Phan Bội Châu, từ khí chất, tâm tình, trí tuệ, cho đến con đường hành động, dấn thân cứu nước. Bài văn “Sanh vãn” có mấy câu cuối: “Tiếc đấng anh hùng; xót tình dòng họ. Uống nước nên nhớ nguồn cơn! Khắc đá hãy ghi lời phế phủ.
Vàng ngọc nhớ ơn chỉ bảo, rượu ba tuần dâng nén tâm hương. Tiên trần ngã rẽ ngả tử sinh, ngâm một khúc thay lời phỉ lộ. Nào dám bảo sinh sau hơn trước. Chỉcầu mong người khuất như còn, chín suối có thiêng dắt hậu bối lên đường tiến bộ.” (Xin xem toàn bộ bàiđiếu văn này ở phần phụ lục).

Nghe xong bài văn “sanh vãn”, cụ Phan dù rất mệt nhọc cũng gượng sức ứng khẩu mấy vần tâm sự cuối cùng, vẫn đầy hào hứng, chứa chan nỗi lòng nhiệt huyết, vẫn đặt hết hy vọng ở đàn hậu tử.

TỪ GIÃ BẠN BÈ LẦN CUỐI CÙNG
Mặc sầu tiền lộ vô tri kỷ,
Thiên hạ thùy nhân bất thức quân? (13)
Bảy mươi tư tuổi trót phong trần,
May được bạn tinh thần mới hoạt hiện.
Nhữngước anh em đầy bốn biển
Ai ngờ trăng gió nhốt ba gian.
Sống xác thừa mà chết cũng xương tàn,
Câu tâm sự gởi chim ngàn cá biển.
Mừng được đọc bài văn “Sinh vãn”,
Chữ đá vàng in mấy đoạn tâm can.
Tiếc mình nay sức mỏng trí thêm khan,
Lấy gì đáp khúc đàn tri kỷ?
Nga nga hồ, chí tại cao sơn,
Dương dương hồ, chí tại lưu thủy. (14)
Đàn Bá-Nha mấy kẻ thưởng âm?
Bỗng nghe qua khóc trộm lại đau thầm,
Chung-Kỳ chết, ném cầm không gảy nữa.
Nay đang lúc tử thần chờ trước cửa,
Có vài lời ghi nhớ về sau:
Chúc phường hậu tử tiến mau.

ĐÁM TANG NHÀ CHÍ SĨ

Ngày 29-10-1940, một ngày mưa sầu gió thảm của xứ Huế, cụ Phan vĩnh biệt quốc dân. Cụ đau chỉ mấy ngày rồi qua đời một cách thản nhiên nhẹ nhàng như người đang nằm ngủ. Bên giường lúc cụ Phan lâm chung có hai người bạn cùng chí hướng và đồng khoa thi Hương năm Canh Tý (1900) là Minh-Viên Huỳnh Thúc Kháng và Trúc-Khê Võ Bá Hạp, hai người con của cụ Phan: Phan Nghi Huynh, Phan Nghi Đệ. Nhờ vào ký ức của cụ Tùng-Chi Võ Như Nguyện hiện đang sống tại Pháp, là người có mặt ở lều tranh Bến Ngự vào giờ phút đau buồn trọng đại ấy (15), chúng ta biết thêm về sự diện diện của các cụ Trần Đình Phiên, Trần Hoành, Trần Đình Dần, Trần Kiêm Trình, Võ Đình Long, Đào Duy Anh, Tôn Quang Phiệt, và mấy thanh niên lớp sau: Trần Quang Huy, Võ Như Vọng, Nguyễn Tuân (tức Anh-Minh Ngô Thành Nhân) (16). Ngày hôm sau có thêm bác sĩTrần Đình Nam từ Đà Nẵng ra. Bác sĩ Trần Đình Nam là em cụ Trần Đình Phiên. Cụ Trần trước đây đã tham gia phong trào Duy Tân ở Phan Thiết khoảng trước 1908, là sáng lập viên của công ty Liên Thành, bấy giờ đang giúp cụ Huỳnh Thúc Kháng lo việc quản lý nhà in và nhà báoTiếng Dân. Hai ông Võ Như Nguyện, Võ Như Vọng là con cụ Cử Võ Bá Hạp, cháu nội cụ Võ An-Hòa. Gọi là cụ Võ An-Hòa, vì nhà ở vùng An-Hòa, cũng gọi là Võ Thợ Giày vì cụ có mở tiệm đóng giày dừa cho các vương tôn công tử, hoàng thân quốc thích và giới quan quyền ở trong Đại Nội.) Cụ Phan Bội Châu vì vụ án “hoài hiệp văn tự nhập trường” năm Đinh Dậu (1897), chạy vào Huế, có một thời gian ngồi dạy học ở nhà cụ Võ Thợ Giày.

Theo tường thuật của Anh Minh, chiều ngày 31-10-1940, trời trở rét nặng, mưa càng to gió càng lớn, nước ngập đầy“sinh huyệt,” lễ an táng vẫn được cử hành. Mấy người thanh niên trai tráng làm việc ở báo Tiếng Dân và trong gia đình thay phiên nhau dùng chiếc thùng thiếc tát cho cạn nước trong mộ huyệt để có thể đặt quan tài xuống, nhưng mưa to gió lớn quá sức, mạch nước chảy ra quá mạnh, nên không tài nào tát cho cạn được. Thêm vào đó là chuyện Sở Liêm Phóng và Nha Bang Tá đặt người theo dõi, nhòm ngó chung quanh, rình mò người đến thăm viếng. Nên để tránh chuyện phiền hà, cụ Huỳnh Thúc Kháng bàn với hai người con trai cụ Phan là nên an táng ngay cho kịp trong ngày. Lúc sáu giờ chiều, quan tàiđược đặt xuống mộ huyệt ngập đầy nước, bốn người phải đứng dằn bốn góc và nắp huyệt được đúc bằng xi-măng từ trước được đậy lại. Sở Liêm Phóng Trung Kỳ bắt buộc tang chủ phải mua quan tài khâm liệm cụ Phan, chứ không cho phép thực hiện theo di chúc của cụ là cấm chỉ khâm liệm quan quách. Mưa vẫn như trút; trời đất dường như cũng góp phần tạo nên cảnh sắc bi tráng mà thê lương cho một cuộc đời anh hùng, cho đến cả lúc lâm chung. (17)

Vài tháng sau, với số tiền đồng bào phúng điếu hơn 900 đồng, cụ Huỳnh Thúc Kháng cho tiến hành xây lăng (như vẫn thấy hiện nay) và dựng đền thờ Sào-Nam Phan Bội Châu. Cụ Huỳnh ủy nhiệm ông Võ Như Nguyện, ủy viên kiểm soát công ty Huỳnh Thúc Kháng lo liệu việc này. (18)

Cụ Phan qua đời, đất nước rúng động, quốc dân đau buồn, có nhiều thơ văn, câu đối ai điếu, thương khóc nhà chí sĩ, chúng tôi trích lục lại đây mấy câu đối khóc cụ Sào-Nam của Tôn Quang Phiệt, Phan Thúc Ngô, và Hoàng-giáp Nguyễn Đức Lý. (19)

1.Câu đối của Tôn Quang Phiệt

Công chi vãng sự túc nhân văn, ức Phú-sơn vũ kiếm, Ngô-thịxuy tiêu, thiếu tráng hà thời, hồ hải vân tiêu hồng hộc chí.
Quốc đáo kim nhật nhu tài thậm, ta Thiếu-mai trường từ,Tây-hồ vĩnh quyết, anh hùng kỷ tại, quan hà phong vũ đổ quyên thanh.

Tạm dịch
Chuyện Tiên-sinh lúc trước người nước đã từng nghe; nhớ những đất Ngô (a) thổi địch, non Phú (b) mài gươm; son trẻ tự bao giờ, bể rộng trời cao hồng vỗ cánh.
Việc non nước bây giờ đang cần người lắm tá; thảm thiết nhỉ Thiếu-mai chầu trời (c), Tây-hồ viếng Phật (d), anh hùng đâu đấy tá, non sầu bể thảm quốc khan hơi.

Tôn Quang Phiệt
Hiệu trưởng trường Thuận Hóa (Huế)
(a) Xin xem chú thích về tiếng sáo Ngũ-viên ở phần phụ lục, bài điếu văn của cụ Huỳnh Thúc Kháng.
(b) tức Nhật-bản, ý nhắc lại việc cụ Phan sang Trung-hoa và Nhật.
(c) Tức Mai-sơn Nguyễn Thượng Hiền.
(d) Tức Tây-hồ Phân Châu Trinh.

2.Câu đối của Phan Thúc Ngô

Tiên sinh trương hà chi, sơn hồ vị tất đồi, mộc hồ v tất nuy, tang hải ba đào tam biến hậu;
Tiểu tử đội đại hĩ, bệnh bất năng cập sàng, tang bất năng cập phất, sư sinh tâm sự cửu thiên trung.

Tạm dịch
Thầy vội bỏ đi đâu, núi sao vội lở, cây sao vội tàn, dâu bể đổi thay đất biết;
Trò tôi tội lớn lắm, bệnh không tới giường, tang không tới khóc, thầy trò tình nghĩa trời hay.

Phan Thúc Ngô, môn sinh của cụ Phan,
người huyện Thanh-Chương, tỉnh Nghệ-An (20)

3.Câu đối của Hoàng-giáp Nguyễn Đức Lý (làm dùm cho ông Lê văn Lới, Hội đồng tỉnh hạt Nghệ-An).

Vì nước vì dân, lòng đến lúc già càng thấy sắt;
Toàn danh toàn tiết, tượng sau khi chết đáng nên đồng.

TỪ ĐƯỜNG PHAN BỘI CHÂU VÀ LIỆT SĨ CÁCH MẠNG TIỀN BỐI

Năm 1955, theo một chỉ thị bất thành văn của Thủ tướng Ngô Đình Diệm, thủ hiến Nguyễn Đôn Duyến ký nghị định thành lập Ủy Ban Trùng Tu Nhà Thờ Phan Bội Châu. Ngôi nhà thờ khang trang đồ sộ được xây dựng theo họa đồ thiết kế của họa sĩ Tôn Thất Sa, một họa sĩ danh tiếng đã có nhiều đóng góp với nền mỹ thuật Huế. Nhà thầu khoán Nguyễn Văn Ấm lo việc xây dựng. (21) Cả hai ông Tôn Thất Sa và Nguyễn Văn Ấm đều tự nguyện hiến công sức đóng góp trong việc cất nhà thờ cụ Phan. Ngôi nhà thờ hoàn tất, có tấm biển đề ở mặt tiền: “Từ Đường Các Liệt Sĩ Tiền Bối và Phan Bội Châu Tiên Sinh.” Nơi cổng vào là bốn trụ biển rất đồ sộ, hai trụ giữa cao ngất trời và một bờ tường gạch bao quanh tạo nên vẻ tôn nghiêm đặc biệt cho khu nhà thờ và vườn mộ nhà chí sĩ. Ở bên trong nhà thờ, ngoài án thờ chính thờ cụ Phan Bội Châu, còn có di ảnh nhiều nhà cách mạng tiền bối như Lý Tuệ, Tiểu La Nguyễn Thành, Kỳ Ngoại hầu Cường Để, Huỳnh Thúc Kháng, Võ Bá Hạp, Nguyễn Thượng Hiền, Phan Chu Trinh... treo ở trên cao.

Nhà thờ Phan Bội Châu và các liệt sĩ cách mạng tiền bối khánh thành đúng vào dịp miền Nam Việt Nam thu hồi nền độc lập toàn vẹn từ tay đế quốc Pháp, công bố thể chế Cộng hòa, và bản hiếp pháp đầu tiên được ban hành. Ủy Ban Trùng Tu Nhà Thờ cũng đã biên soạn được một tập hồ sơ liệt sĩ cách mạng tiền bối, đặc biệt là các liệt sĩ hy sinh trong các nhà tù của đế quốc mà ít người biết tới, bằng cách đi tìm lại nhân chứng và lấy lời khai của những nhân chứng ấy. Tập hồ sơ này được đánh máy thành nhiều bản, một bản được lưu trữ ở nhà thờ cụ Phan, một bản khác được trình lên ông Ngô Đình Diệm và tổng thống Diệm rất hân hoan tán thưởng.

Vài năm sau, di hài cụ Tăng Bạt Hổ, trước đây được cụ Cử Võ Bá Hạp an táng ở vùng Hương Trà được cải táng về đây, để dù đã trở thành nắm xương tàn, hai nhà cách mạng tiền bối lừng lẫy vẫn có thể an nghỉ bên nhau đời đời.

CụTăng Bạt Hổ, tự Sư-Triều hay Nguyên-Ba, hiệu Diễm Bát Tử, võ quan triều Thiệu Trị, cầm đầu nhóm Cần Vương ở Bình Định, Phú Yên. Xuất dương qua Tàu, Nhật, Nga, Xiêm La, rồi năm 1902 trở về nước, làm điểm hẹn cho các nhóm hoạt động chống Pháp của Tôn Thất Thuyết và Tán Thuật, lại đi vận động khắp nơi cho phong trào Đông Du đang phát triển ở Nhật.

Thời ở Nhật, cụ đã từng gia nhập vào lực lượng hải quân và cũng đã từng tham chiến trong các trận thủy chiến lớn ở Đài Liên, Lữ Thuận, được ban thưởng huy chương quân công, đã từng được Nhật hoàng rót rượu ban thưởng. Cụ nâng chén rượu vua ban, uống cạn, rồi òa lên khóc. Tất cả mọi người ở chung quanh đều tỏ vẻ ngạc nhiên thì cụ nói: “Tôi thật không phải là người Nhật, mà là một người Việt Nam vong quốc,được bệ hạ tin dùng. Nay thấy quý quốc thắng Nga một cách vẻ vang, làm cho giống da vàng được hãnh diện lây; tôi nghĩ đến tình cảnh nước tôi nên không cầm được giọt lệ. Biết bao giờ nước tôi mới mở được một bữa yến như vầy?” Nhật hoàng rất khen ngợi và an ủi cụ, từ đó cụ quen biết được nhiều chính khách danh tiếng của Nhật Bản, mà cũng từ đó, theo lời khuyên của họ, cụ đã trở về nước góp tay với phong trào Đông Du, tìm cách đưa thanh niên sang Nhật du học (22).

Năm 1906, cụ bị bệnh nặng phải vào tá túc ở nhà cụ Võ Bá Hạp ở Huế, chỉ mấy tuần sau thì mất trên tay cụ cử Võ, trên một chiếc thuyền con đậu dưới bến sông. Trong sách “Tự Phán”, cụ Phan có viết về Tăng Bạt Hổ: “Than ôi! Khi tôi xuất dương thật có nhờ ông, mà tôi chưa từng một phút nào được phụng sự ông. Chí lớn lưng chừng, tuổi trời ngắn ngủi, ông xanh kia độc ác như thế ư?” (23). Cụ Tăng qua đời, cụ Phan viết sách “Kỷ Niệm Lục” đặt truyện Tăng Bạt Hổ lên trước hết. Về sau, cụ Phan viết sách “Việt Nam Nghĩa Liệt Sử”về các anh hùng, liệt sĩ, cũng vẫn đặt truyện Tăng Bạt Hổ lên trước hết.

Năm 1987, pho tượng đúc đồng Phan Bội Châu, kiệt tác của nhà điêu khắc Lê Thành Nhân cũng được đưa về dựng rất trang trọng trong khu vườn này. Tượng Phan Bội Châu của Lê Thành Nhân rất đẹp, với một thứ nghệ thuật rất mới, mà vẫn giữ được vẻ cổ kính tự nhiên, phô diễn được nét mặt hùng tráng của nhà ái quốc vĩ đại, linh hồn cuộc đấu tranh của dân tộc cuối thế kỷ 19 qua đầu thế kỷ 20. Pho tượng cao hơn 2 mét; tượng đã được hoàn tất năm 1974, nhưng nằm hoang phế mãi ở phường Đúc Long Thọ vì biến cố 1975, nay mới được đưa về đây, góp thêm nét đặc sắc cho vườn mộ và từ đường Phan Bội Châu, một địa chỉ văn hóa và lịch sử quan trọng của Huế mà cũng là của toàn đất nước, nơi thờ phượng một đại anh hùng, nhà chí sĩ và bậc hiền giả, là một đền đài thiêng liêng của dân tộc Việt Nam.

Thành phố Vườn, tháng 5, 2006
Huỳnh Hữu Ủy

CHÚ THÍCH

(1) Cụ Phan đã bị tòa án Nam triều ở Hà Tĩnh ngày 27-5-1908 và ở Nghệ An ngày 7-2-1910 kêu án “tử hình khiếm diện.” Tòa Đề hình Hà Nội cũng xử cụ “tửhình khiếm diện” vào năm 1913 (CF. Chương Thâu, Hồsơ Vụ án Phan Bội Châu, Nxb Văn Hóa-Thông Tin, Hà Nội 2002, trang 7).

(2)Việt Nam Hồn, Paris, số 2, tháng 2-1926. In lại trong Việt Nam 1920-1945: Cách Mạng và Phản CáchMạng thời Đô hộ Thuộc địacủa Ngô Văn, Chuông Rè/L'Insomniaque, Montreuil, Pháp; bản in ở Mỹ, California, 2000, trang 57.

(3)Đặng Hữu Thụ, Làng Hành Thiện và các Nhà Nho Hành Thiện triều Nguyễn, Paris, 1992, trang 358.

(4) Nguyễn Khắc Ngữ viết theo quan sát của một ký giả báoThanh Niênđến thăm và phỏng vấn cụ Phan Bội Châu ngay lúc bấy giờ. (CF. Nguyễn Khắc Ngữ, Vụán Phan Bội Châu và phong trào dân chúng vận động xin ân xá cho cụ năm 1925,TưTưởng, Viện đại học Vạn Hạnh, Sàigòn, số 8-9, tháng 11-12, 1973).

(5)Đào Duy Anh, NhớNghĩ Chiều Hôm, Hồi Ký, Nxb Văn Nghệ T.Ph HCM, 2003, trang 51.

(6) Nguyễn Thiệu Lâu, Kýức về cụ Phan Bội Châu, bài viết trên nhật báo Sống của Chu Tử năm 1964, in lại trong Quốc Sử Tạp Lục, Khai Trí xb khoảng 1970, phổ biến lại trên Quán Gió online

(7)Đào Duy Anh, sđd, trang 51.

(8) Nguyễn Vỹ, Phan Bội Châu & Huỳnh Thúc Kháng hai nhà thơ cách mạng,Văn-Thi-SĩTiền Chiến, Nxb Khai Trí, Sài Gòn, 1970, trang 296-306.

(9) Nguyễn Thiệu Lâu, đã dẫn ở trên.

(10) Bản sao lục bài thơ cụ Phan tặng ông Ngô của Vũ-Kim Lão Nhân dường như có hơi khác bản của Vương Đình Quang (như tôi đã được đọc). Về ý tứ thì giống nhau, về cách dùng chữ thì có khác một vài chỗ. Tôi tiếc là hiện nay không có trong tay số báo Sông Hươngđã đăng bài thơ này để trích dẫn thêm ở đây.
Chung quanh bài thơ này, vào thập niên 80 của thế kỷ trước,đã có nhiều lời ong tiếng ve, cả tranh luận lẫn bôi bác, nhưng sự thật thì vẫn luôn luôn là sự thực. Người làm chính trị, hoặc viết hồi ký chính trị, có thể giải thích sự kiện lịch sử theo cách nhìn của mình, hoặc thậm chí có thể xuyên tạc lịch sử cho phù hợp với ý đồ của mình, nhưng người viết sử thì không thể như thế được, mà phải giữ đức trung chính, phải tôn trọng sự thật.
Nhắcđến bài thơ cụ Phan Bội Châu tặng ông Ngô Đình Diệm, tôi lại nhớ đến lời truyền tụng ở Huế về cụ NgôĐình Khả với lời đồng dao “Đày vua không Khả, Đào mả không Bài.”Sau cách mạng tháng 8, Ngô Đình Diệm bị chính quyền Cộng sản bắt giữ và bị giam tại Bắc Bộ phủ; HồChí Minh quyết định thả ông Diệm, đã nói với Vũ Đình Huỳnh, thư ký riêng của mình: “Các chú không ở Huếkhông biết, chớ dân Huế có câu: ‘Đày vua không Khả,Đào mả không Bài,’ là nói về cụ thân sinh ông Diệmđấy. Vị người cha thả người con là điều nên làm lắm chứ. Các chú không nên hẹp hòi!” (VũThư Hiên,Đêm Giữa Ban Ngày,Nxb Văn Nghệ, California, 1997, trang 226-227).
Tôi là người Huế, mới năm tuổi đã biết đến câu đồng dao ấy rồi. Vậy mà gần đây, trong quyển sách Lịch Sử Phật Giáo Xứ Huếcủa Thích Hải Ấn và Hà Xuân Liêm, với lời đề tựa của tiến sĩ Lê Mạnh Thát, viết rằng: “Ngô Đình Khả,người làng Đại Phong, Quảng Bình, là người đã ký giấy cho bọn thực dân Pháp đày vua Thành Thái sang Réunion. Dân Huế còn truyền tụng câu: “Đày vua, ông Khả; đào mả, ôngBài”tức Nguyễn Hữu Bài. Ngô Đình Khả cũng làm đến chức Thượng thư trong triều đình Huế.”(ThíchHảiẤn và Hà Xuân Liêm,Lịch Sử Phật Giáo Xứ Huế, Nxb Th.ph Hồ Chí Minh, trang356.)Hỡi ôi! Viết sử mà như thế thì chẳng biết họ đang viết cái gì? Lịch Sử Phật Giáo Xứ Huế in rất đẹp, dày hơn 730 trang, biên soạn có vẻ công phu với một thưmục tham khảo rất phong phú, nhưng đáng tiếc thay, chỉlà một nguồn tài liệu bất khả tín!

(11) Chương Thâu, HồSơ Vụ án Phan Bội Châu, sđd, trang 34.

(12) Trịnh Thu Tiết, “Phan Bội Châu, người khai sáng những tư tưởng tiến bộ vềvấn đề phụ nữ trong văn học Việt Nam”trongPHAN BỘI CHÂU: Về tác giả và tác phẩm, Nxb Giáo Dục, Hà Nội, 2001, trang 210.

(13)Mạc sầu tiền lộ vô tri kỷ/Thiên hạ thùy nhân bất thức quân?= Đừng buồn vì trên đường không gặp người tri kỷ,Trong thiên hạ ai là người không biết anh? (thơ Cao Thích, thi sĩ đời Đường).

(14)Nga nga hồ, chí tại cao sơn. Dương dương hồ, chí tại lưu thủy= Chót vót thay! Chí mình đang ở trên ngọn núi cao. Mênh mông thay! Chí mình đang nơi dòng nước chảy.

(15) Tùng Chi, “Tang lễ Nhà Cách Mạng Phan Bội Châu tại Huế”, Tiếng Sông Hương, Dallas, Texas, 1997, trang 185-187.

(16) Anh Minh Ngô Thành Nhân, học trò của hai cụ Phan Bội Châu và Huỳnh Thúc Kháng, người Quảng Nam, tính khí hiền hòa, nho nhã, nói năng nhỏ nhẹ, chứ không “sửng cồ,hay cãi”. Anh Minh được cụ Huỳnh ủy thác giữ gìn nhiều di cảo quý giá của các cụ. Anh Minh đã có công lao rất lớn bảo quản những tài liệu này trong thời kỳ tối tăm của cuộc chiến tranh Việt-Pháp, nên sau khi hòa bình được lập lại sau năm 1954, chúng ta đã được đọc nhiều di cảo của cụ Phan Bội Châu, Huỳnh Thúc Kháng, Phan Chu Trinh, Ngô Đức Kế... do Nxb Anh Minh ấn hành ở Huế.
Ngay trong thời chiến tranh còn diễn ra ác liệt, Anh Minh cũng đã dựa vào tài liệu của cụ Phan, cụ Huỳnh mà biên soạn nhiều tác phẩm hữu ích cho việc tìm hiểu, nghiên cứu những trang sử đấu tranh giải phóng thời cận đại như Dật sự cụ Phan Sào Nam(xb 1950), Kỳ Ngoại Hầu Cường Để với Phan Bội Châu (xb 1951), Những chí sĩ cùng học sinh du học Nhật Bản dưới sự hướng dẫn của cụ Sào Nam Phan Bội Châu(xb 1952). Anh Minh gần gũi với lều tranh của “Ông già Bến Ngự”, làm việc trong công ty Tiếng Dân nhưng có khuynh hướng về ông Ngô Đình Diệm, chứ không hướng về miền Bắc như nhiều người khác. Sau 1954, Anh Minh lại từng là quận trưởng Tiên Phước, Quảng Nam, thời ông Diệm vừa về chấp chánh, trấn giữ một vùng địa đầu đối với Cộng sản nên không lạ gì ông đã bị các sử gia miền Bắc tấn công dữ dội với những lời lẽ rất nặng nề, khiếm nhã.
Dù gì đi nữa thì cũng cần ghi nhận rằng, nếu ở miền Bắc, tài liệu sách vở về các hoạt động cách mạng chống Pháp rất được lưu ý, thì ở miền Nam, tủ sách Anh Minh là một kho tàng quý giá về cuộc đấu tranh giành độc lập của dân tộc. Chỉ hơi tiếc là cách trình bày tài liệu của Anh Minh thường chỉ là bằng tấm lòng, là lòng sùng bái tôn kính đối với các anh hùng dân tộc, các nhà cách mạng tiền bối, mà thiếu một phương pháp khoa học cần thiết nên rất dễ bị đám tiểu tâm xuyên tạc.

(17) Theo tường thuật của Anh Minh, trích lại trong sách Sào Nam Phan Bội Châu: Con người và Thivăncủa Nguyễn Quang Tô, Tủ sách Văn học Bộ Văn hóa Giáo dục và Thanh niên, Sài gòn, 1974, trang 144.

(18) Cụ Tùng-Chi Võ Như Nguyện hẳn là có nhiều duyên nghiệp với các liệt sĩ cách mạng tiền bối. Trước tiên, là lo xây lăng cụ Phan, rồi sau này, khoảng 1956-1957 dưới thời chính phủ Diệm, lại cùng mấy anh em cũ đi xây lăng cụ Huỳnh Thúc Kháng trên núi Thiên Ấn ở Quảng Ngãi. Cùng với thời đi xây lăng mộ cụ Huỳnh, cụ Võ Như Nguyện cũng cho cải táng hài cốt hai cụ Thái Phiên và Trần Cao Vân về ở chùa Châu Lâm. Di cốt hai cụ,trước đây, khoảng năm 1922, được cụ bà Trương ThịDương, người gốc Hải Lăng, Quảng Trị, cải táng từAn Hòa về chôn chung trong một mộ đôi ở Phong Sơn, huyện Phong Điền.

(19) Câu đối điếu Phan Bội Châu của Tôn Quang Phiệt, Phan Thúc Ngô, và Hoàng-giáp Nguyễn Đức Lý được trích từSào Nam Phan Bội Châu: Con người và Thi văncủa Nguyễn Quang Tô, sđd, trang 363 và 365.

(20) Phan Thúc Ngô hoạt động trong phong trào Cường Để, bịViệt Minh giết năm 1946 ở Quảng Ngãi. Vậy nhưng người con trai trưởng vẫn đi kháng chiến và ở lại miền Bắc sau năm 1954 (như trường hợp Phạm Tuyên, con trai của cụPhạm Quỳnh). Người con gái và thứ nam là Phan Thúc Hùng thì ở miền Nam, con trai út Phan Thúc Hoán du học Pháp, tốt nghiệp y khoa rồi chết ở Pháp. Dưới thời chính phủ Ngô Đình Diệm, di hài cụ Phan Thúc Ngô được cácđồng chí cũ và gia đình cải táng về Huế, có đưa vềbái yết ở nhà thờ cụ Phan Bội Châu.

(21) Ông Nguyễn Văn Ấm là con rể cụ Ngô Đình Khả, thân phụ Hồng y Nguyễn Văn Thuận.

(22) Xem Lê Văn Đức,Việt Nam Tự Điển, quyển thượng, phần “Tục ngữ, Thành ngữ, Điển tích”, nhà sách Khai Trí,
Sài gòn, 1970, trang 162.

(23) Phan Bội Châu, TựPhán, bản in lại của Nhân Chủ Học Xã, California, 1987, trang 106.


PHỤLỤC

Bài văn “Sanh Vãn” , tức là bài văn tế Minh Viên Huỳnh Thúc Kháng viết và đọc cho cụ Phan Bội Châu nghe lúc còn sống và đang nằm trên giường bệnh.

Đất linh tú núi Hoành biển Quế, khí trăm năm un đúc sinh đấng vĩ nhân;
Trời cạnh tranh gió Mỹ mưa Âu, đường muôn dặm mịt mù nhớngười hướng lộ.
Bởi Tiên-Sinh vì nước hy sinh;
Nên hậu bối nặng lòng khâm mộ.

Nhớ Tiên-sinh xưa!
Sinh đất Hồng Lam,
Học nguồn Trâu Lỗ (1)
Khí hào hùng đã lỗi lạc khác thường;
Tuổi thiếu tráng mà đầu sừng sớm trổ.
Khoa cử nợ nhà toan trả sạch, trường thi trận bút, bảng một tên lừng lẫy tiếng làng văn; (2)
Gian nan vận nước phải lo âu, chiếc ngựa thanh gươm, đất bốn biển tìm tòi miền dụng võ.

Từ đấy:
Hai tròng mắt trắng, mang lốt nhà Nho;
Một tấm lòng son, dâng mình nước tổ.
Trường Quốc Giám mượn chân dị nghiệp; lần lượt vào Nam ra Bắc, họp anh hùng gây hội phan long; (3)
ThơLưu Cầu (4) khêu mối đồng tâm, lân la cuối chợ đầu rừng, khắp Yên, Triệu kết phường đồ cẩu (5)
Nội tình đã định sẵn phương châm;
Ngoại thế lại rộng xem hoàn vũ.
Cuộc thế giới gió xoay chiều cạnh thắng, mở thị trường, tranh thuộc địa, khói năm châu mây nghìn nghịt đen;
Vùng Phù-tang đuốc dọi tia văn minh, dẹp Trung quốc, đuổi cường Nga, trời một góc lửa phừng phừng đỏ.
Gương tự cường toan theo gót Tây âu;
Thuyền mạo hiểm mới tếch dòng Đông độ.

Quả nhiên:
Diều lướt trên không,
Cá lìa khỏi đó,
Bệnh lâu năm vì nỗi nước đau;
Tiên ba đảo cầu phương thuốc bổ. (6)
Lệ Thân-Tư giọt dài giọt vắn, Tần đình cảm động Khuyển-dưỡng,Đại Ôi; (7)
Sáo Ngũ-Viên khúc nổi khúc chìm, Ngô thị vang lừng Hoành-tân, Thần-hộ, (8)
Miệng giọng quac vạch trời kêu giật một, giữa tầng không mù cuốn mây tan;
Tay ngòi lông vỗ án múa chầu ba, đầy mặt giấy mưa tuôn sấm nổ.
Núi cao reo bốn phía dội vang;
Buồng kín tỉnh ngàn năm giấc ngủ.
Chỉlối đem đường bài Khuyến học (9); trước sau mấy lớp bạn thiếu niên chồng chất gót chân;
Rung chuông gõ mõ sách Huyết thơ (10); tai mắt ba kỳ, người hưởng ứng xôn xao tiếng mõ.

Chưng khi ấy:
Anh tài Âu Á hiệp mặt một nhà;
Đoàn thể trong ngoài chia vai mấy bộ.
Kẻhọc môn này, người lo việc nọ.
Sách Quang-phục (11) tính đà đủ chước, hai mươi năm từng trải, kinh doanh ngón thợ tay thầy;
Hồn nước nhà gọi đã hao hơi, ngàn muôn dặm xa xôi, mơtưởng rừng cây ngọn cỏ.
Hẳnđã ngoài trời bay liệng, thảy đều trông côn hóa cánh bằng;
Dầu cho đường thế éo le, đâu đến nỗi trĩ vương lưới thỏ.

Ôi thôi!
Hùm rủi sa cơ,
Chim quay về tổ.
Thượng-hải mấy tuần;
Hỏa lò mấy độ.
Án quốc phạm tử hình tòa đã kết, hồn còn dầu xác chết,đầu đài toan trả nợ nước nhà xong;
Ơn Pháp đình đặc cách điện vừa sang, tình bạn đãi người cừu, kinh đô Huế lại đạp chân thành quách cũ.

Phải như ai:
Mượn chữ Tùy thời;
Quên câu thủ tố.
Cát lầm theo chiều gió đon đưa;
Đường mật nếm miếng mồi cám dỗ.

Thôi thì:
Sướng đã đến đâu;
Muốn gì chẳng có.
Xoay ngọn cờ một cái, ngang dọc nhà lầu xe điện, kém gì ai bả phú quý rêu;
Thảquảng cáo mấy lời, huênh hoang hè hội đít-cua, cũng thừa chán lối văn minh vỏ.

Song le:
Lòng giữ kiên trinh; cảnh cam cùng khổ.
Trống kèn bốn mặt, tai chẳng thèm nghe;
Xe ngựa đầy đường, mắt không thèm ngó.
Lò thế lợi nung chì chảy thiếc, tuổi vàng cao mặc sức lửa nung;
Biển trầm mê cuốn rác trôi bèo, cột đá vững tha hồ sóng vỗ.
Chốn kinh thành về đã bao năm;
Lều Bến Ngự nằm queo một xó.
Khi ghế chiếc ba câu kệ Phật, đá cúi đầu nghe;
Lúc thuyền trôi mấy chén rượu Tiên, núi nghiêng mình đổ.
Trò chuyện xưa nay kiếm hiệp, ngày phăng phắc lặng, đàn nói gươm bốn vách rì rền giông;
Bạn bè Kinh Truyện thánh hiền, đêm dằng dặc dài, phòng đọc sách một đèn hiu hắt gió.
Biển Á trời Âu xa cách mấy, giấc mộng đi mây về điện,vết Hồng(12) in tím lại khắp năm châu;
Sông Hương núi Ngự quạnh hiu thay, tiếng reo trận gió hồi mưa, cơn gà gáy dậy sôi bốn ngõ.
Nhà ngọa du thu hẹp bức giang sơn;
Phường hậu tấn trông vào đàn kỳ cổ.
Nhữngước gan vàng mình sắt, dầu ngày mạt lộ, sống trăm năm mà làm bạn quốc dân;
Nào hay móc sớm sương mai, chán kiếp dư sanh, đau một bệnh bỗng ra người thiên cổ.

Hỡiơi!
Trời cướp danh nhân;
Đất vùi ngọc thỏ.
Hào kiệt đi đâu?
Non sông trơ đó!
Hồn cố quốc về chăng hay chớ, ào ào gió thổi, tứ mùađỉnh núi sóng thông reo;
Gương vĩ nhân treo mãi chẳng mờ, vằng vặc nước trong, ngàn thuở lòng sông vừng nguyệt tỏ.

Chúng tôi:
Tiếc đấng anh hùng;
Xét tình dòng họ.
Uống nước nên nhớ nguồn cơn!
Khắc đá hãy ghi lời phế phủ.
Vàng ngọc nhớ ơn chỉ bảo, rượu ba tuần dâng nén hương tâm;
Tiên trần rẽ ngã tử sinh, ngâm một khúc thay lời phỉlộ. (13)
Nào dám bảo sinh sau hơn trước, một lòng đến kính đưa tiên sinh về cõi trường sinh;
Chỉ cầu mong người khuất như còn, chín suối có thiêng dắt hậu bối lên đường tiến bộ.
Hỡi ôi! thương thay. (14)



Chú thích:
(1)Trâu Lỗ:Trâu là quê của thầy Mạnh Tử, Lỗ là quê của đức Khổng Tử; nói rộng là nguồn gốc của Nho giáo, tức là nói về nền Nho học.
(2)Bảng một tên:Cụ Phan đỗ thủ khoa trường thi Nghệ An năm Canh Tí (1900) với bài thi đạt kết quả tối ưu, được chủkhảo trường thi Khiếu Năng Tĩnh cho yết tên tuổi, quê quán vị giải nguyên trên một bảng riêng, 29 vị cửnhân khác được yết trên một bảng khác.
(3)Phan Long:Do từ câu Phan Long Lân Phụ Phượng Dựctrong Hán thư. Ý muốn nói Phan Bội Châu mượn con đường học Quốc Tử Giám tìm cách kết nạp đồng chí tạo nên lực lượng, rồi lại dùng đến lá bài Cường Đểthuộc dòng đích hệ vua Gia Long, vin mình rồng, để mưuđồ đại sự.
(4)Lưu Cầu:Lưu Cầu Huyết Lệ Tân Thưcụ Phan viết năm 1903, tác phẩm truyền tay nhau đã gây sôi nổi xôn xao khắp giới quan trường ở Huế.
(5)ĐồCẩu:Giết chó; thời Chiến quốc, hai nước Yên, Triệu có nhiều nhân tài đại chí ẩn náu những nơi làm thịt chó; tức nói đến việc Phan Bội Châu gian nan lặn lội khắp nơi để tìm đồng chí.
(6) Nói đến việc Phan Bội Châu đi tìm phương lược cứu nước ở xứ Phù Tang.
(7)Thân Tư:tức Thân Bao Tư, đời Đông Châu là tôi nước Sở, khi Sở bị Ngô đánh, Thân Bao Tư cầu viện nước Tần. Tần không chịu giúp, Bao Tư khóc lóc thảm thiết bảy ngàyđêm, không ăn uống gì cả, vua Tần cảm động mới chịuđưa binh sang giúp Sở, đẩy lui binh Ngô. Đấy là nói đến việc Phan Bội Châu cầu viện sự giúp đỡ của Nhật-bản, và hai chính khách Nhật Khuyển Dưỡng Nghị và Đại Ôi Bá tước đã giúp Phan rất nhiều trong thời kỳ cụ lưu vong ở Nhật.
(8)Sáo Ngũ Viên= tức tiếng sáo Ngũ Tử Tư. Ngũ Tử Tư người nước Sở, văn võ toàn tài. Cha và anh Tử Tư bị Sở Bình Vương giết chết, nên Tử Tư trốn qua Ngô tìm kế trả thù. Có hôm, ở đất Mai Lý, Ngũ Tử Tư bỏ tóc xõa, bôi mặt giả làm một người điên, tay cầm ống tiêu, vừa đi vừa thổi khúc hát như vầy: “Ngũ Tử Tư! Ngũ Tử Tư!Thù nhà nợ nước, tấm thân lưu lạc bơ vơ! Biết bao giờ mới trả được hận thù. Ngũ Tử Tư ! Ngũ Tử Tư!Một đêm lo nghĩ bạc đầu! Mối thù sâu! Nay chưa báođáp, nghĩ mãi lòng đau! Thù không báo được, dẫu sống cũng dư.” (Đông Châu Liệt Quốc, Quyển hai, hồi 73, bản dịch MộngBình Sơn).Ở đây, dùng hình ảnh Sáo Ngũ Viên để nói về bóng dáng cụ Phan chạy vạy trên đất Nhật, khắp Hoành Tân, Thần Hộ để tìm đường cứu quốc tồn chủng.
(9)Khuyến Học= tức là Khuyến Thanh Niên Du Học Văn, cụ Phan viết năm 1905, Tăng Bạt Hổ mang về trong nướcđể kêu gọi việc đưa thanh niên ra nước ngoài học tập.
(10)Huyết Thư= tức Hải Ngoại Huyết Thưcụ Phan viết năm 1906.
(11)Quang Phục= tức Quang Phục Quân Phương Lượcdo Phan Bội Châu và Hoàng Trọng Mậu viết năm 1912, là tài liệu huấn luyện nghĩa quân của Việt Nam Quang Phục Hội.
(12) Vết Hồng = dấu chân chim Hồng (Hồng trảo); dấu chân của Phan Bội Châu in lại nhiều nơi trên đường bôn ba cứu quốc.
(13) Phỉ Lo= tên một bài thơ trong Kinh Thinói về việc tống táng.
(14) Bài văn tế này được sao lục từ CụSào Nam 15 năm bị giam lỏng tại Huếcủa Anh Minh. nxb Anh Minh, Huế, 1956; in lại trong Nguyễn Quang Tô, Sào Nam Phan Bội Châu: Con Người và Thi Văn, tủ sách Văn Học Bộ Văn Hóa Giáo Dục và Thanh Niên, Sài gòn, 1974, trang 351-355.








No comments:

Post a Comment

View My Stats