Sunday, 10 June 2012

CƯỜNG QUỐC & YẾU HÈN (TS Phạm Ngọc Cương, Toronto - Canada)




Tiến sĩ Phạm Ngọc Cương (Toronto, Canada)
Thứ bảy, ngày 09 tháng sáu năm 2012

1- Tự do

Nhìn vào bề nổi lịch sử thế giới từ sau thế chiến thứ hai đến nay ta thấy một điều là những nước chống Mỹ thường chuốc thất bại, nước nào thuận chiều Mỹ thì thường khá thịnh vượng và thành công. Trong sự thành công của Tây Âu, Nhật, Israel, Nam Hàn, Đài Loan, Mã lai, Singapour, Thái Lan ... đều thấy có bàn tay của Mỹ. Trung Quốc mới lên đà tăng trưởng chỉ sau khi Mao gặp Nixon và Đặng qua Mỹ về lên gân lên cốt đập Việt Nam lấy lập trường. Khối các nước Warsaw sụp đổ, Iran, Iraq thì điêu tàn, kiệt quệ. Cuba, Bắc Hàn ngập trong đói nghèo. Venezuela- nước có trữ lượng dầu mỏ đứng thứ hai thế giới cũng không là ngoại lệ. Vậy chống Mỹ là thua chỉ là hiện tượng hay là bản chất thật của vấn đề? Nếu là bản chất thì đó phải là vấn đề có tính qui luật.
Chẳng lẽ cứ được Mỹ ủng hộ là thành phú cường, thịnh vượng, chống Mỹ sẽ gánh thất bại?
Việt Nam đến hôm nay là nước thắng chiến tranh (thời điểm) mà thua trong hòa bình (đường dài). Cả giai đoạn dài dù được phe XHCN dốc lòng viện trợ, Việt Nam vẫn nhếch nhác đói nghèo, chỉ từ khi Mỹ bỏ cấm vận mới tháo gỡ được nhiều ách tắc.

Vậy Mỹ là gì mà “thiêng” thế? Khởi thủy là một bộ phận dân Á châu, không chịu ở yên châu Á, trèo qua Bering Sea sang châu Mỹ được gọi là thổ dân da đỏ. Sau này là mấy tay Anh, Pháp, Đức, Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha … Từ gốc đến ngọn rặt một dân tứ chiếng có gì đó không thỏa lòng nơi cố hương mà vượt đại dương Tây tiến lập nên dân tộc Mỹ, giờ đang là đầu kéo của văn minh. Vấn đề mấu chốt ở đây là một phương thức sản xuất tiến bộ nhất của nhân loại trong khoảng hai thế kỷ qua mang một cái tên mới ngắn gọn: Mỹ.

Chân lý thuộc về kẻ mạnh. Kẻ mạnh chính đáng này là đại diện cho sức mạnh sản xuất trí tuệ xét về hạ tầng cơ sở và điều tất yếu chế ngự ở bên trên đó nơi thượng tầng kiến trúc là quyền tự do cá nhân thiêng liêng.

Thực ra theo Mỹ và thành công đó chỉ là vế thứ nhất, là nhìn theo góc hiện tượng của vấn đề. Vế thứ hai là những nước chịu ảnh hưởng Mỹ, phát triển tốt trong những năm vừa qua do hội đủ bản lĩnh kịp tiếp thu sàng lọc được nhiều những cái hay của phương thức sản xuất Mỹ, mô hình Mỹ mà nâng cao được nội lực của chính mình. Đó mới là điều quyết định. Là bản chất của vấn đề. Vì không phải cứ Mỹ thì cái gì cũng tốt cả. Dưới vòm trời này, suy cho cùng, có cái gì do con người làm ra mà thật là hoàn bích đâu.

Tự do là nhu cầu phát triển rất Mỹ. Khởi thủy là lớp tinh hoa của di dân không thể tiếp tục chịu sự đè đầu cưỡi cổ của vương triều Anh quyết đòi độc lập đã sinh ra những đại diện vĩ đại như Washington và Jefferson... Tiếp sau đó là các vùng công nghiệp phía Bắc cần những người tự do để làm đời công nhân lấp đầy chỗ cho các nhà máy đang mọc ra như nấm và những điền chủ phía Nam cần nô lệ để đảm bảo canh tác nông nghiệp đã thành nguyên nhân sâu xa của cuộc nội chiến Nam Bắc Mỹ kết thúc bằng chiến thắng của người giương cao lá cờ đòi tự do – Abraham Lincoln.

Cùng với đà công nghiệp hóa, dây chuyền hóa, tự động hóa, khi chất xám là hồng cầu của nền kinh tế tri thức thì nước Mỹ càng ngày càng cần tự do. Trí tuệ cần tự do để phát triển như động vật sống cần ôxy vậy. Vì chỉ có tự do và sự đảm bảo quyền tự do cá nhân thì sự sáng tạo mới mong đạt đến ngưỡng tối đa và liên tục thu hút chất xám đổ về quê hương mới này của tự do. Phát huy tối đa năng lực sáng tạo cá nhân, không đặt biên giới trong mọi lĩnh vực then chốt từ đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, học thuật... là điều sống còn cho xã hội Mỹ. Người Bắc Mỹ chỉ háo hức được nghe, được thấy sự khác biệt. Tự do sẽ sinh ra thật nhiều sự khác biệt. Chính tồn tại nhiều sự khác biệt mới là sống thật, mới tạo ra sức mạnh. Càng nhiều khác biệt càng gia cố sức sống mãnh liệt cho xứ sở này. Vì tự do, vì sự khác biệt mà lại càng cần gia cố luật pháp để tự do của mỗi người không xâm hại đến tự do của mọi người.

Chỉ bậc thánh nhân thì mới có thể đạt khoái cảm tự do dẫu chỉ với tay không. Còn quảng đại con người khi không thể tiếp cận với phương tiện sống thiết yếu rất dễ ngã vào kiếp nô lệ. Không tiền dễ thành nô lệ cho kẻ ban phát sự mưu sinh, yếu thế dễ thành nô lệ cho kẻ mạnh... Vì vậy cơ sở pháp lý chắc chắn cho sự phát triển của mỗi cá nhân được bảo vệ tối đa bởi quyền tư hữu. Chỉ khi có ít nhiều tài sản và trí tuệ con người mới thấy dễ dàng hơn trên con đường mưu cầu và phát triển tự do cá nhân. Từ tư hữu đất đai đến bản quyền sở hữu trí tuệ.

Những viên gạch luật pháp lát con đường tự do cho mỗi người và mọi người cũng chỉ có bấy nhiêu thôi mà mỗi dân tộc lại đi theo những cung bậc thời gian khá khác nhau hoặc ngắn hoặc dài. Trừ giai đoạn đầu của nền cộng sản nguyên thủy còn ở toàn bộ các nền kinh tế tiền tư bản thì quyền tư hữu đất đai là điều khiến quảng đại loài người thao thức ngày quên ăn đêm quên ngủ. Ở nền kinh tế tri thức thì bản quyền sở hữu trí tuệ mới là vấn đề sống còn. Vì vậy ở những nền công nghiệp phát triển, không có hạn chế nhu cầu mua bán đất, bất kể số lượng hay quốc tịch người mua. Thậm chí các ngân hàng lớn thường không cho vay tiền mua đất. Ở đó đất cát từ lâu đã mất vai trò là phương tiện sản xuất chủ yếu. Chất xám đã thay thế đất cát thành cái người ta săn lùng nhất vì là tài sản lớn nhất. Cứ xem nhà đất Mỹ thì rớt giá mà các CEO vẫn được trả bộn thế nào, ngay cả trong những năm kinh tế đại nguy ngập vừa qua.

Việt Nam cả hơn nửa thế kỷ nay chỉ loay hoay với vấn đề đất đai khi các nước văn minh đã dẹp chuyện đất cát ra khỏi bàn nghị sự từ lâu. Lịch sử của đất cũng là lịch sử của sự tản quyền hóa. Đất từng chỉ có một người chủ: chỉ của vua, hoàng đế; sang tay nhiều người chủ: các lãnh chúa, địa chủ; và tiếp tục được sang tay nhiều người hơn nữa như hôm nay khi nhân loại tiến đến bước là hầu như ai có tiền cũng có thể mua và làm chủ đất. Lịch sử của quyền sở hữu đất gắn liền với lịch sử của sự phát triển quyền con người và tỷ lệ thuận với sự phát triển của tự do!
Không lẽ gì một đảng chính trị mạnh như ĐCSVN với từng ấy năm nắm quyền không thấu hiểu sự khát đất của dân chúng. Không trả đất về với dân thì người nông dân còn phải đứng lên chống chính quyền và quan chức còn nhiều cơ hội đục nước béo cò. Làm vậy ĐCSVN đã đánh đổi một đồng minh chiến lược lâu đời vào thế cùng quẫn phản kháng và lập nên một đồng minh thủ đoạn nhất thời là một bộ phận không nhỏ giới công chức lưu manh hóa. (...)

2- Siêu cường và tiểu quốc

Liệu thế giới sẽ ra sao khi chỉ gồm có các nước lớn? Nếu chỉ có Nga, Mỹ, Trung Quốc, Đức, Ấn Độ thì nền chính trị thế giới này chắc là cực kỳ tẻ nhạt, xung khắc và đụng độ. Các nước nhỏ là vùng đệm, là sự thăng bằng, đa dạng, và nhiều khi còn thành điểm tựa cho các nước lớn, là điểm sáng trên bàn cờ quốc tế. Nhân loại đã đến giai đọan văn minh là các nước đều có quyền chung hưởng thế giới và các nước nhỏ không cần thiết phải nhất nhất quỵ lụy nước lớn.

Một nước nhỏ yếu lạc hậu như Afghanistan mà cả Liên Xô cũng như Mỹ không nước nào ôm được chiến thắng ra về.
Khi từ chối gửi quân sang Iraq, thủ tướng Canada Jean Chretien tuyên bố đại ý: “75% hàng hóa xuất khẩu của Canada là sang Mỹ, Mỹ mua không phải là do Mỹ tốt mà do Mỹ cần hàng hóa tốt của chúng ta. Canada không gửi quân sang Iraq nếu không có nghị quyết của Liên hợp quốc”.

Rõ ràng là ở nhiều phần của địa cầu người ta đang la ó Mỹ với nhiều lý do khác nhau. Tuy vậy, thử nghĩ cho công bằng xem nếu cả thế giới này trong mấy thập niên qua chỉ được “soi sáng” bởi chủ nghĩa cộng sản của Liên bang Xô Viết hay chủ nghĩa đại hán trá hình của Mao thì ngày hôm nay nhân loại đang nằm trong cái vực nào?

Thử nghĩ sao có những dân tộc nhỏ như dân tộc Czech không có biển, lọt thỏm giữa châu Âu, luôn xô đi dịch lại cả ngàn năm nay, cạnh những nền văn hóa vĩ đại như Anh, Pháp, Ý, Đức, Nga mà vẫn không bị đồng hóa, có ngôn ngữ và văn hóa riêng phát triển rực rỡ. Trở thành nước công nghiệp từ trước thế chiến.

Có dân tộc nào như dân tộc Sikh, chỉ khoảng 20 triệu trên một đất nước hơn 1.2 tỷ dân mà có tới 20% sĩ quan quân đội cao cấp Ấn Độ là từ sắc dân này. Thủ tướng Ấn hiện nay cũng người Sikh.

Những yếu tố nào để một quốc gia tiến lên vai trò siêu cường và thống trị thế giới? Một trong những yếu tố hàng đầu là phải đại diện cho một phương thức sản xuất tiến bộ mới và có sự thu hút nhất định của một hệ tư tưởng mang sức phổ quát. Mỗi đại cường đều cần phải có một bộ cánh tươm tất và hấp dẫn mà khoác lên người. Nước Pháp đã làm nhân loại choáng ngợp bởi tư tưởng khai sáng của Montesquieu, Voltaire và Diderot. Nước Anh trình làng nền quân chủ nghị viện. Liên bang Nga là chủ nghĩa xã hội nơi hướng chuẩn là sẽ làm theo năng lực hưởng theo nhu cầu, nước Mỹ hút hồn bởi lý tưởng tự do.

Trung Quốc hôm nay còn thiếu một ánh sáng tư tưởng để trở thành siêu cường. Mấy học viện Khổng Tử mở ra đó đây về mặt chính trị chỉ là một sự ăn mày dĩ vãng. Thế giới văn minh hôm nay thật không dễ để bị hấp dẫn. Về kinh tế Trung quốc vẫn đang trên đường thoát nghèo. Về phương thức sản xuất Trung Quốc vẫn đang ở nền văn minh bóc lột tài nguyên thiên nhiên cùng sức lao động rẻ mạt là chính. Trung quốc lại vô trách nhiệm với các vấn đề an sinh xã hội và y tế cộng đồng (Trung Quốc chi phí cho y tế công cộng có hơn 1% ngân sách mà chi phí cho quốc phòng tới hơn 10%). Ngay vấn đề cơ bắp mà chàng đại Hán đang dốc lòng phô diễn cũng chưa hăm dọa được ai. Mới chỉ có dàn trận ở ngay cửa nhà là eo biển Đài Loan, biển Hoa Đông và Biển Đông đã bị la ó quá trời. Có cải cách nhanh chóng và quyết liệt thì Trung Quốc cũng chỉ mong tìm sự ổn định và khỏi vỡ vụn ra thôi chứ thời gian còn dài lắm để đến ngày Trung Quốc giành chức làm bố thiên hạ. Việt và Trung cần làm hàng xóm tốt của nhau. Nhưng muốn Trung Quốc đối xử dễ thở thì Việt Nam ít nhất cần phải vượt Trung Quốc một số điểm. Cần nhìn lại lịch sử triều Lý của cha ông ta và nhận thức rõ hơn bản lĩnh của Nhật, Đài Loan, Nam Hàm, Singapore thì có cách vượt Trung Quốc.

3- Quyền sống

Cùng lên cỗ xe trực chỉ hướng giải phóng con người mà sao Phật giáo và Thiên chúa giáo sống khỏe cả mấy ngàn năm nay, còn chủ nghĩa Marx thì chết yểu? Có muôn vàn lý do nhưng có thể thấy ngay một điều là mấy tôn giáo lớn về mặt lý tưởng lấy sự cứu rỗi toàn bộ kiếp người làm mục tiêu (chứ không phải chỉ ưu ái một giai cấp, và tiêu diệt giai cấp khác) và thiết tha kêu gọi đức tin, sự cảm hóa, tình yêu... (chứ không phải là điểm hẹn của bạo lực chuyên chính).

Xét tiếp đối tượng phục vụ của học thuyết. GDP Canada chỉ có 13% là do công nghiệp mang lại. Học thuyết được Marx đề ra đã bị sức sản xuất vũ bão của nhân loại nhanh chóng biến thành cái để dành cho số ít thì sao thu hút được quảng đại vì không mang tính đại diện cho toàn xã hội. Giai cấp công nhân ngày càng trở thành thiểu số trong bất kỳ nước công nghiệp hóa nào. Giai cấp trung lưu hiện đại- mà thực sự đó là cách gọi khác của giai cấp trí thức- đang là nền tảng của ổn định xã hội và thuế má của các xã hội dân chủ phát triển.

Các khái niệm về vai trò của giai cấp, tài nguyên, tư liệu sản xuất... đều đã thay đổi. Canada có trữ lượng dầu mỏ đứng thứ ba thế giới vậy mà xuất khẩu dầu mỏ chỉ chiếm 2.9% GDP của Canada. Venezuela có trữ lượng dầu cao thứ hai thế giới mà dân đâu có sướng. Chưa kể mấy nước như Libia và Iraq toàn tay tổ về xuất khẩu dầu mà liệu có đồng tiền dầu nào tới được bữa cơm của dân.

Tổng tiền của và tổng hạnh phúc dường như không nhất thiết đồng nhất. Nhưng sở hữu đói nghèo và lạc hậu thì dù chính quyền có trong sạch đến mấy cũng không thể nào làm dân chúng thấy hạnh phúc. Chính phủ giỏi phải luôn tìm ra đồng nhất trong dị biệt. Phải biết thích ứng với một tương lai mở. Biết thúc đẩy song hành khao khát thành đạt của mỗi cá nhân và công bằng xã hội. Biết đối phó không mệt mỏi với các thách thức triền miên. Luôn thể hiện tình yêu dân chúng và chân lý cùng chống trả quyết liệt sự ngu dốt vô bờ bến của các tư duy làm chính sách hạn chế quyền tự do của con người.

4- Mở

Thực tế quá trình tiến hóa chứng minh rằng cái gì có biên độ mở rộng nhất là dễ phát triển nhất.
Có thể nói một trong những yếu tố giúp nước Mỹ thành công là khi phải chọn ngôn ngữ quốc gia, người Mỹ đã chọn tiếng Anh (ngôn ngữ của chính kẻ thù nước Mỹ lúc đó) chứ không phải tiếng Đức hay tiếng nào khác. Anh ngữ phát triển nhanh chóng là ngôn ngữ thống lĩnh mọi mặt hôm nay vì nó vô cùng mở.

Trong các ngôn ngữ của nhân loại hôm nay, tiếng Anh là ngôn ngữ có nhiều từ vựng nhất. Khoảng 172.000 từ sống và rất nhiều từ là du nhập. Trong khi các ngôn ngữ khác chỉ có khoảng dưới 100.000 từ. Cuối năm vừa qua tôi có xin dự giờ một tiết ngữ pháp tiếng Việt ở Hà Nội và thật não lòng khi nghe cô giáo dậy theo giáo trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo giải thích rất kỹ cho các cháu lớp sáu rằng từ này từ nọ trong tiếng Việt là từ Hán Việt.

Tiếng Anh cứ qua tay họ là của họ, họ hồ hởi đón nhận từ vựng từ đủ các ngôn ngữ khác, nhanh chóng và thanh thản coi đó là của mình. Không phân biệt đối xử hay bới tìm gốc gác. Chỉ ở những nơi nghiên cứu sâu ngôn ngữ người ta mới phân ra từ này từ nguồn nào, du nhập vào tiếng Anh năm nào.

Chắc với rất nhiều người, quốc tịch còn là vấn đề thiêng liêng. Vậy mà ở Canada hay Mỹ cứ ở lại hợp pháp từ 3 tới 5 năm (tùy nước) là vào quốc tịch, và có quyền đa quốc tịch. Không sợ mất người, không khắt khe với người nên được người. Thật cởi mở!

Nhận thức chính trị thay đổi cũng không kém phần vũ bão. Khởi điểm là thân phận nô lệ. Từ ngày Martin Luther King bị sát hại (1968) đến ngày nước Mỹ hân hoan chào đón vợ chồng tổng thống da đen đầu tiên của mình (2008) chỉ sau có 40 năm. Cũng mở nốt!

5- Can thiệp

Trong những xã hội phát triển, chính phủ không can thiệp vào chuyện sản xuất hay đường hướng kinh doanh, chỉ can thiệp kỹ lưỡng phần phân phối thặng dư thông qua thuế.

Khi Việt Nam lấy kinh tế quốc doanh làm chủ đạo thì xã hội có... vấn đề ngay! Lập các tổng công ty lại chiều như con cưng nên phá sản và thất thoát triền miên. Nay thấy bất ổn quá lại xiết chặt quản lý vốn chủ sở hữu.

Vẫn con đường vòng của sự can thiệp. Từ Adam Smith nhìn ra sự điều tiết hữu hảo của “bàn tay vô hình” đến lý luận quản lý kinh tế nhà nước tập trung, mà đỉnh cao là các ủy ban kế hoạch nhà nước XHCN. Giữa hai cực đó thì kinh tế tự do sẽ gặp khủng hoảng điều chỉnh nhưng giai đọan sau bao giờ cũng thăng hoa hơn giai đoạn trước, còn các ủy ban kế hoạch nhà nước XHCN thì đã yên nghỉ dưới mồ từ lâu.

Các chính phủ dân chủ cũng không có quyền can thiệp vào chuyện tư tưởng chính trị và đảng phái, sự chọn lựa và chuẩn mực là của mỗi cá nhân. Nhưng họ lại can thiệp sâu sắc vào quan hệ từng gia đình, quyền của từng phụ nữ, quyền từng trẻ em, quyền từng người lao động, và giám sát kỹ lưỡng quyền làm cha làm mẹ. Lỏng cái vĩ mô mà chặt cái vi mô.

Hiện Việt Nam ở trong một tình thế ngược là chính trị gia không thấy gần quần chúng, còn xã hội thì thờ ơ và sợ chuyện chính trị. Sợ chính trị vì thấy không thay đổi được gì. Không quan tâm chuyện chính trị làm gì vì không có khả năng tháo gỡ.

Chính trị là cái vung mà tất cả các hoạt động xã hội là chuyện của trong cái nồi. Nền chính trị nói chung sẽ thiếu sinh khí khi thiếu vắng sự đóng góp của toàn dân. Phải biến nền chính trị thành lực đẩy chứ không thể đi đến chỗ là phản lực, là cái phanh của sự phát triển. Thật hay là tình thế đã đến lúc luật cần cho cả người cầm quyền và người đang bị đè đầu cưỡi cổ.

Cứ xem ông Thủ tướng tự nói ra trước Quốc hội là cần luật biểu tình đủ thấy chính quyền đã dần thấy vai trò của luật như một công cụ can thiệp hữu hiệu. Để có thể thu giữ quyền lợi một cách an toàn và khôn ngoan, cũng như để các bức xúc xã hội không nổ tung thì cả hai phía đều có nhu cầu củng cố luật và được xài luật như một phương tiện lấy thăng bằng, một cứu cánh an toàn.

6- Tốc độ

Việt Nam hiện là đất nước của các nan đề, nhưng không phải là không có lời giải. Việt Nam có cam chịu là một quốc gia yếu ớt hay sẽ tiến đến vai trò cường quốc khu vực?

Lộ trình công nghiệp hóa của một quốc gia từ vài trăm năm nay đã có nhiều nước rút xuống chỉ còn vài chục năm. Làm sao Việt Nam có thể là một trong những nước ấy? Không thể cứ loanh quanh mang dân và nước ra làm thực nghiệm cho một chủ thuyết đã phá sản. Việt Nam phải khẩn trương xây dựng một thể chế đa trí tuệ, đa cách nghĩ, đa văn hóa, đa cách làm nhằm chuyển biến xã hội Việt Nam thành xã hội của các công dân sáng tạo, có đủ tự do để làm chủ đời mình và thực dám nghĩ, dám làm, đóng góp vào sự thịnh vượng chung của đất nước.

Mục tiêu của mọi cải tổ hiến pháp, cùng xây dựng chỉnh sửa các luật là là phải thiết lập ra một cơ cấu có biên độ mở rộng nhất, ít sự can thiệp thô bạo nhất, đa năng nhất bao gồm cả khả năng tự điều chỉnh.

Để kết thúc, gửi tới quí vị khoác áo Cộng sản là câu của Marx trả lời con gái về khẩu hiệu của ông: “Hãy hoài nghi tất cả”. Và trong Bản Tuyên ngôn ĐCS (1848) Marx và Engels viết “Sự luôn luôn hoài nghi và sự vận động làm cho thời đại tư sản khác với tất cả các thời đại trước”.

Từ khi Thomas NewComen chế tạo ra cỗ máy hơi nước sơ khai (1712) đến lúc Marx và Engels đưa ra nhận định này có 136 năm. Ngày nay, ở tận thập kỷ thứ hai của thế kỷ XXI thì người Cộng sản càng cần phải luôn luôn hoài nghi và vận động. Không ráo riết vận động nhanh, phát triển và thích ứng nhanh thì tất yếu sẽ bị đào thải.

Với tất cả các bạn đọc khác, xin chép tặng câu sau của nhà triết học Đức Gotthold Ephraim Lessing (thế kỷ XVIII): “Nếu Đấng toàn năng giữ Chân lý trong bàn tay phải và Xét lại chân lý trong bàn tay trái, hạ cố hỏi ý tôi thích chọn cái nào, tôi sẽ hết sức khiêm tốn nhưng không chút ngần ngại thưa rằng: tôi chọn Xét lại chân lý”!

PNC, Toronto, 06/06/2012



No comments:

Post a Comment

View My Stats