Monday, 16 April 2012

VÁN BÀI TẨY MIẾN ĐIỆN (Thụy My, RFI)



Thụy My  -   RFI
Chủ nhật 15 Tháng Tư 2012

Liên quan đến châu Á, Le Point có bài viết mang tựa đề « Ván bài tẩy Miến Điện ». Tác giả đặt câu hỏi, sau chiến thắng của bà Aung San Suu Kyi, liệu giới lãnh đạo quân sự có thực sự quay về doanh trại ?

Thông tín viên của tờ báo kể lại trường hợp của Phyu Phyu Thin, một trong số 42 thành viên của Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ đã trúng cử vào Quốc hội, trong kỳ bầu cử bổ sung 45 ghế trống vừa qua. Người nữ y tá 40 tuổi này trước đây do ủng hộ lãnh tụ đối lập Aung San Suu Kyi nên đã bị tập đoàn quân sự tống vào tù. Bà kể lại : « Bốn tù nhân bị nhốt trong phòng giam 9 m2, mỗi ngày chỉ được ra ngoài hai lần, mỗi lần 10 phút. Không có nhà vệ sinh, chỉ có một chiếc xô… ».

Vì sao một chế độ độc tài bỗng dưng thay đổi ? Theo Ko Ko Gyi, thuộc tổ chức Thế hệ 88 – năm diễn ra phong trào nổi dậy sinh viên, ra tù vào tháng Giêng, thì « đó là vì lý do kinh tế. Với lại Miến Điện sẽ là chủ tịch ASEAN vào năm 2014, và muốn có các đối trọng khác trước ảnh hưởng của Trung Quốc ».

Theo tác giả, thì chính quyền Miến Điện đã dùng 45 chiếc ghế đại biểu Quốc hội lần này để đổi lấy cảm tình của cộng đồng quốc tế - một cái giá không đắt, và đã thành công. Hoa Kỳ loan báo sẽ giảm nhẹ trừng phạt, còn Liên hiệp châu Âu cũng sẽ bàn bạc về việc này ngày 23/4 tới. « Chỉ có điều giới lãnh đạo Miến Điện vẫn phải đến Singapore nếu muốn mua xe siêu sang, đồng hồ hàng hiệu, không thể gởi con cái đến học ở Havard hoặc đi chơi ở Disneyland » - một doanh nhân Pháp mỉa mai.

Nhưng với vỏn vẹn 43 ghế trên tổng số 664 ghế ở Quốc hội, liệu Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ có gây được ảnh hưởng ? Làm thế nào để sửa đổi Hiến pháp – cần phải có đến 75% đại biểu ủng hộ - để tránh việc quân đội nắm quyền trở lại trong trường hợp khủng hoảng, và cản trở bà Aung San Suu Kyi ra tranh cử tổng thống ?

Theo ông Olivier Guillard, giám đốc nghiên cứu của Iris, thì « sẽ dễ gây ảnh hưởng bên trong hơn, cho dù Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ không thể thay đổi được Miến Điện trong lúc này ». Còn rất nhiều việc phải làm, trong một đất nước phong phú tài nguyên, nhưng lại thuộc hạng nghèo nhất châu Á. Bên ngoài phạm vi các thành phố, những nông dân với gánh nặng nợ nần phải làm lụng vất vả trên các thửa ruộng, sống trong những căn nhà sàn không điện nước. Tất cả đều bầu cho Daw Shu – người dân Miến Điện gọi bà Aung San Suu Kyi như thế - với hy vọng bà sẽ làm thay đổi cuộc sống của họ.

Năm nay 66 tuổi, lãnh tụ đối lập có sức khỏe kém, và người ta không biết bà có thể đại diện cho đảng mình trong kỳ bầu cử năm 2015 trong cuộc đấu tranh giành 75% số ghế còn lại trong Quốc hội hay không. Một vấn đề khó khăn nữa là xung đột ở các vùng dân tộc thiểu số, đặc biệt là ở bang Kachin. Nhưng nói chung với đa số người dân Miến Điện, Daw Shu gần như là một á thánh, và trên đôi vai gầy của bà đè nặng tương lai của cả một dân tộc.

Tin liên quan : 



.
.
.


No comments:

Post a Comment

View My Stats