Saturday 28 April 2012

TÌM HỌC & HIỂU NGÀY ĐẢN SANH ĐỨC PHẬT - VISAKHA (GS Nguyễn Phúc Bửu Tập)




04/25/2012

Sau Thế Chiến Hai, biến cố trọng đại nhất trong lịch sử thế giới là việc hình thành các quốc gia đã thoát ra được ách thực dân của người phương Tây. Một trong những ước vọng tiềm tàng của các dân tộc mới thâu hồi được tự do là tái lập vị thế tôn giáo cổ truyền của họ, đã bị chính quyền người Tây phương hiếp đáp quá nhiều trong hơn hai trăm năm trước. Mọi tôn giáo muốn tồn tại trong sinh hoạt dân gian phải được tổ chức, và tín đồ phải biết khép cánh hỗ trợ. Vì lẽ đó mà trong thập niên năm mươi sau Thế Chiến II, tín đồ Phật giáo đã tổ chức Đại Hội Kết Tập (Sangiti) lần Sáu tại Miến Điện. Sangiti là đại hội quy tụ các nhà lãnh đạo Phật giáo để san định kinh sách và quyết định cương lĩnh cấp thời của đạo. Đại hội chọn lá cờ Phật giáo và quyết định lấy ngày trăng tròn từ giữa tháng Tư sang giữa tháng Năm dương lịch làm thành ngày khánh lễ Đản Sanh đức Phật Thích-ca. Tất cả các quốc gia tham dự Đại Hội Sangiti lần Sáu đều thỏa nhận quyết định thiết lễ Visakha vào ngày trên.

Bài sưu khảo nhỏ này tìm hiểu lề lối người xưa xác định ngày Đản Sanh của đức Phật. Chúng ta sẽ không tránh được phải nhắc tới các điểm trầm luân trong sinh hoạt tôn giáo người Á đông và Đông Nam châu Á mà đạo Phật đã là một yếu tố tiềm tàng và năng động nhất. Để hướng việc học đạo Phật vào hệ thống, ngữ vựng trong bài này sẽ dựa vào cuốn Phật Học Từ Điển của thầy Minh Châu (nhà xuất bản Khoa học Xã hội, Hà-nội 1991). Các danh từ chung hay riêng sẽ được cố gắng giữ hình thức chữ Sanskrit (S.) hay Pali (P.), dịch một lần qua chữ Hán hay tiếng Việt đặt trong vòng đơn, trừ trường hợp những danh từ quá thông dụng. Như vậy sẽ giúp được người đọc dễ theo dõi, so sánh, tra cứu với các tài liệu bằng tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Đức… ngày nay rất phong phú tại các thư viện, trong khi tài liệu bằng Hán văn đã trở thành khan hiếm, không còn trong tầm tay của bạn trẻ.

Trong một cơ hội trước, tác giả bài này đã có dịp trình bày về năm sanh của đức Phật (Tìm hiểu năm sanh xác thật của Đức Phật Thích-ca, Tạp chí Hoa Sen, và Giao Điểm, California; Bán nguyệt san Ngày Nay, Texas; Hương Sen, Paris…). Như ta đã thấy, truy tầm năm sanh của đức Phật rất khó, sự cách biệt giữa các con số đề ra và chứng minh bằng lý thuyết xa nhau cả chục năm, vì trong số lượng khổng lồ kinh sách Phật, chưa ai tìm ra một dữ kiện chính xác, khó chối cãi được, về năm sanh của đức Thích-ca. Về ngày sanh của đức Phật cũng vậy. Ta chỉ thấy ở sau là sự việc chỉ dựa trên truyền thống. Nguyên ủy sự việc có thể giải thích, nhưng khó mà chứng minh được bằng dữ kiện. Điểm này không phải chỉ riêng của đạo Phật, mà ngay trong tôn giáo lớn nhất và giàu mạnh nhất trên thế giới ngày nay là đạo Cơ-đốc, năm sanh và ngày sanh của Chúa Jesus cũng chưa hề được xác định (Đọc Nguyễn Hoài Vân: “Tìm hiểu Ngày Giáng sinh”, Thế kỷ 21, số 104, 1997).

Một điểm khác cần được lưu ý là đạo Phật trường Mahayana (Đại thừa Phật giáo của dân Trung Hoa, Nhật Bổn, Đại Hàn, Tây Tạng, Việt Nam v.v…) thiết lễ Đản Sanh riêng biệt, khác với các ngày lễ khác của đức Phật như lễ Thích-ca Thành Đạo, lễ Thích-ca Nhập Niết Bàn. Đạo Phật trường Theravada Nguyên Thủy (còn gọi là Tiểu Thừa mà một số tín đồ tránh dùng danh từ này, xem là có ý khinh nhẹ, của các sắc dân Nam Ấn Độ, Tích Lan, Miến Điện, Cao Miên, Ai Lao…) thiết lễ Đản Sanh chung với các lễ Thành đạo và Nhập niết bàn, gọi là đại lễ Visakha, danh từ Hán việt là Tam Hợp. Việc này liên hệ với quan niệm giáo lý Theravada, ta sẽ có dịp nói ở sau.

TÀI LIỆU CỔ NHẤT VỀ LỄ ĐẢN SANH.
Sau Thế Chiến Hai, Hội The Pali Text Society ở Luân-đôn là tổ chức sưu khảo về đạo Phật quy mô nhất, tiếp tục chương trình nghiên cứu và cộng tác với Viện Đại học Colombo ở Tích Lan để dịch thuật, giảng giải các tài liệu cổ văn Pali trên các bia đá, lá cót… tại các chùa. Năm 1972, nữ học giả tì-kheo Isabel Horner, Chủ tịch Hội The Pali Text Society công bố một số tài liệu mới tìm được trong quốc sử Mahavamsa của nước Tích Lan. Một tài liệu nói về lễ cầu mưa Gangarohana là một tập tục của dân Tích Lan theo đạo Phật, ngày nay còn tồn tại từ vùng quê đến thị thành. Một tài liệu khác quan trọng hơn nói về lễ đản sanh của đức Phật. Dưới triều vua Dutthagamani (101-77 trước Tây lịch, TL), quốc sử ghi chép lễ Đản Sanh do nhà vua thiết lễ cầu nguyện, có cuộc rước kiệu tượng đức Phật do một nghìn thanh niên cầm cờ kéo liễn đi hộ tống.

Thế nhưng tài liệu này về lễ Đản Sanh không thể xem là tài liệu cổ nhất học giả đạo Phật tìm kiếm ra được. Ta phải trở lại các trụ đá Asoka (đại đế A-dục). Đức Phật mất năm 544 trước TL. Hai trăm năm mươi năm sau, nước Ấn Độ có vua Asoka hoằng dương đạo Phật. Vua cho khắc trên trụ đá và vách đá các bổn ngự chỉ tuyên dương sự tích và những lời răn dạy của đức Phật. Cho đến bây giờ, các nhà khảo cổ đã tìm ra được 35 di tích ngự chỉ, đánh số, khám đọc và giải thích căn kẽ. Ngự chỉ số Bốn, tìm được tại núi Kandahar, ngày nay thuộc đất Afghanistan, ghi lời dạy của nhà vua cho con cháu phải tiếp tục phụng thờ đức Phật và dặn dò mỗi năm ngày lễ Đản Sanh, phải tổ chức trọng thể, thiết lập cuộc rước kiệu đức Phật. Ngự chỉ số Sáu ở núi Girnar, miền Tây Ấn Độ ghi rõ hơn cách lập kiệu để rước tượng và di tích đức Phật, khi tổ chức lễ Đản Sanh. Như vậy, lễ Đản Sanh đức Phật đã được thiết hơn hai ngàn ba trăm năm trước, đặc biệt huy hoàng dưới triều đại vua Asoka là vị đại đế đã dựng lên 84 ngàn ngôi tháp thờ Phật.

LỄ ĐẢN SANH TẠI CÁC QUỐC GIA TÂY VỰC.
Dưới thời đại đế Asoka, đạo Phật đi vào các quốc gia ở miền Vịnh Địa Trung Hải và các quốc gia ở miền Bắc và Tây Bắc nước Ấn Độ. Từ Ấn Độ sang Trung Hoa, phía Đông Bắc có dãy núi Hy-mã-lạp-sơn là một một bức trường thành bằng thép ngăn cản lưu thông. Phía Tây Bắc, dọc theo sườn núi Kunlun (Côn luân) sát vào hồ lớn Alma Ata là một số đô thị như Kashgar, Yarland. Chokkuta và Khotan. Cao hơn trên phía Bắc, đọc theo sườn núi Thiên sơn (Tianshan) là đất Thổ Nhĩ Kỳ tư-thản (Chinese Turkestan), gồm bốn tiểu quốc cùng chung văn hóa là các nước Aksu (còn gọi là Baruka), Kucha, Karashar (ngày nay là quận Yen-ki thuộc Trung Hoa), và Turfan (ngày nay gọi là Kao-chang). Các quốc gia này kết thành một trục gọi là Đường Lụa, trục giao thông căn bản giữa Trung Hoa và các nước phương Tây ngày đó. Từ đầu thế kỷ Hai-mươi, các phái bộ khảo cổ Tây phương khai quật các động đá nằm trên trục Đường Lụa như Huân tước Aurel Stein, Albert Grunwedel, Paul Pelliot (thuộc trường Viễn Đông Bác Cổ Hà-nội, ta rất quen thuộc), và các công trình khảo cổ này phát xuất từ hai quan điểm tranh đua nhiều khi đi gần đến chỗ thù nghịch của hai trường khảo cổ La tinh và Anglosaxon, lại cũng đã đi tới một số kết luận rất giống nhau. Những điểm kết luận đó có thể tóm tắt làm ba mục: thứ nhất là các dân tộc sống trên con Đường Lụa từ hai mươi thế kỷ trước đã thấm nhuần đạo Phật rất sâu sắc; thứ hai là đạo Phật của các sắc dân này mang nặng tập tục đại thừa Mahayana; và thứ ba – điều quan trọng đối với người tìm học Phật ngày nay như chúng ta – là các tài liệu văn tự của các bậc cao tăng Trung Hoa “đi Tây vực tìm học đạo, đã quan sát tận chỗ, viết thành sách” để lại, đã được chứng minh là những tài liệu này rất sát với sự thật, gần như là sự “thật khoa học” ta quan niệm ngày nay.
Bởi lẽ đó mà ta phải lục soát trong tài liệu văn tự của các nhà sư Trung Hoa đi Tây vực (Ấn Độ) thỉnh kinh nói về lễ Đản Sanh. Các nhà khảo cổ tìm được tài liệu cổ nhất liên hệ tới lễ Đản Sanh trong cuốn sách của Thầy Pháp Hiển (Fa-Hsien). Thầy là một vị cao tăng người Trung Hoa lần đầu tiên hành hương qua đất Phật ở Ấn Độ vào cuối thế kỷ thứ Bốn, ở lại 16 năm học đạo (399-414 TL), để lại cuốn sách Pháp Hiển truyện, còn gọi là Phật Quốc ký, có bổn dịch tiếng Pháp của Abel Remusat (Foe Koue Ki ou Relation des Royaumes Bouddhiques, Ernest Leroux, Paris, 1836).

Thầy Pháp Hiển theo con Đường Lụa, đến đất Khotan mà thầy phiên âm là Cổ sơn, ngày nay là thủ đô của khu tự trị Tân Cương (Uighur). Khi ghé qua Khotan, thầy được tham dự buổi lễ Phật Đản được tổ chức rất trọng đại. Dân chúng chuẩn bị lễ Phật Đản từ ngày mồng một tháng Tư (thầy dùng âm lịch Trung Hoa), kéo dài tới ngày 29 tháng Tư. Cuộc rước kiệu rất vĩ đại, xe kiệu cao mười thước, trần thiết lộng lẫy, ở giữa đặt tượng đức Phật hài đồng, có vua và hoàng hậu đất Khotan theo nghênh giá.

Thầy Pháp Hiển tiếp tục hành trình xuống đất Ấn Độ vào thành Patalipatra (thầy phiên âm là Ba-tra-li-phất) ngày nay gọi là thành phố Patna (Hoa thành). Một nghìn năm trước đây là kinh đô của vương quốc Maghada (Ma-kiệt-đà), láng giềng của quê hương đức Phật, sáu trăm năm trước, đây là nơi đóng đô của đại đế Asoka. Thầy Pháp Hiển được chứng kiến và tả lại đầy đủ chi tiết một buổi lễ Phật Đản, vào ngày mồng tám tháng Hai âm lịch. (Đọc Nguyễnphúc Bửu-Tập: “Tìm hiểu Lễ Rước Kiệu Phật và Lễ Tắm Phật”, Hoa sen số 23, 1994).

Cũng trong kho sách đại thừa ở Trung Hoa, một tài liệu có liên hệ đến lễ Đản Sanh tìm thấy trong cuốn Đại Đường Tây Vực ký của thầy Huyền Trang. Thầy tả lễ Đản Sanh thầy được tham dự ở Kucha (tiếng Anh viết là Koucha, cách phiên âm mới là KuChe). Kucha ngày xưa là một ốc đảo lớn nhất nằm ngay trên con Đường Lụa, là một trục chánh con đường đạo Phật du nhập vào đất Tàu. Thầy Huyền Trang gọi đất Kucha là Dao Tần; ông có cảm tình với đất này vì nơi đây là quê hương của Cưu-ma-la-thập (Kumarajiva), người đã đóng góp nhiều nhất trong việc phiên dịch 400 bộ kinh từ chữ Sanskrit sang chữ Hán (thế kỷ thứ Năm T.L.). Lễ Phật Đản tại Kucha cử hành vĩ đại, có cuộc rước kiệu gồm một nghìn chiếc xe hoa dựng tượng Phật. Ngày lễ Đản Sanh tại Kucha lại thiết vào ngày thu phân, tháng Chín, ngày 22. (Mỗi năm có hai ngày đặc biệt trong đó thời gian giữa ngày và đêm bằng nhau, gọi là xuân phân và thu phân; lễ Đản Sanh ở Kucha được chọn vào ngày thu phân.)

Tại Tây Tạng (Tibet), trước khi bị Trung Hoa cộng sản cưỡng chiếm, nơi đây là đất Phật. Tây Tạng có một nền văn minh riêng, căn bản là giáo lý nhà Phật. Niên lịch Tây Tạng ghi ngày lễ Đản Sanh là ngày 15 tháng Giêng âm lịch, ngày quốc lễ lớn nhất trong năm, gọi là lễ Son-lan-chen-po (Lễ Đại nguyện), liên hoan từ ngày mồng bốn cho đến ngày 21 tháng Giêng. Đêm Đản Sanh tại thủ đô Lhassa, mỗi cơ sở công hay tư, mỗi gia cư đều treo đèn, kết hoa. Đức Hoạt Phật Đạt-lai lạt-ma ngồi trên kiệu có ban quốc nhạc và đội binh bảo giá tháp tùng, đi viếng và chấm điểm từng đơn vị trong thủ đô, nơi nào có trần thiết lễ. Dân chúng từ mọi nơi trong nước, và cả ở ngoài nước như Mông Cổ, kéo về thủ đô tham dự lễ Đại nguyện, cầu xin đức Phật ban ơn một năm đầy hạnh phúc.

LỄ ĐẢN SANH TẠI TRUNG HOA.
Nước Trung Hoa cổ có bộ môn sử ký chép sự việc theo nguyên tắc trung thực và theo thời gian. Theo thứ tự năm tháng, ta đọc trong Pháp Uyển Châu Lâm, vào đời Đông Tấn (318-420 TL) có người Thái Kiều đúc năm tượng Phật hài đồng để dùng vào lễ Rước Kiệu, trong ngày lễ Đản Sanh. Một tư liệu cổ khác tìm thấy trong sách Cao Tăng Truyện, viết vào thời Ngũ hồ, cũng tại Đông Tấn (319-351 TL), có người mộ đạo tên là Thích Lộ, mỗi năm vào ngày mồng Tám tháng Tư đến chùa làm “lễ chiêm bái đức Phật ra đời”, bằng cách tắm tượng Phật bằng nước cam lồ. Học giả đạo Phật Trung Hoa cho là truyền thống Đản Sanh tại nước Tàu bắt đầu từ các chi tiết này.

Kế đến, trong sách Ngụy Tấn Nam Bắc Triều Luận Tập có đoạn ghi vua Thái Võ Đế nhà Ngụy (408-452 TL) nhân ngày Đản Sanh, ngự giá ra ngoài thành, thiết lễ rước kiệu Phật. Vua và hoàng hậu đứng trên đài rải hoa lên tượng Phật hài đồng lúc đoàn kiệu đi qua. Một tư liệu cổ khác, theo thứ tự thời gian, đọc được trong Phật Tổ Thống Ký, kể chuyện vua Cao tổ Võ Đế nhà Tống tên là Lưu Dũ, năm 462 TL, ngày mồng Tám tháng Tư, thiết lễ Đản Sanh ngay trong cung điện nhà vua. Cũng trong Phật tổ Thống ký, ta lại thấy vua Hiếu Võ nhà Tây Ngụy (467-499 TL) cho lệnh rước tượng Phật trên kiệu từ các ngôi chùa lớn ở Lạc Dương vào cung đình, dâng hương hoa làm lễ Đản Sanh ngày mồng Tám tháng Tư, và ra lệnh mỗi năm từ đó phải thiết lễ Phật Đản như vậy. Lại sách Lạc Dương Già Lam Ký, mỗi năm trước một hôm ngày Phật đản mồng Tám tháng Tư, các chùa trong vùng Lạc Dương phải rước tượng Phật trên kiệu đến Thanh Minh Thiền Viện, tất cả hơn một nghìn tượng Phật để cử hành đại lễ ngày hôm sau. Buổi lễ được cử hành rất tưng bừng náo nhiệt đến nỗi một nhà sư từ Tây Vực đến viếng Lạc Dương kể lại là “(ngày Phật Đản) hoa vàng ngời sáng dưới ánh dương, lọng hoa lợp kín như mây phủ, cờ phướn giăng lên như rừng cây, trầm hương xông lên dầy đặc như sương phủ, tiếng kinh và tiếng nhạc rung chuyển đất trời.” (Kenneth Chen: Buddhism in China, Princeton, 1973, trang 279)

Đời nhà Đường ở Trung Hoa là thời đại hoàng kim của đạo Phật ở châu Á. Ta theo dõi được là dưới đời nhà Đường được ghi chép trong Đại Đường Tây Vực Cầu Pháp Cao Tăng Truyện của thầy Nghĩa Tịnh (I Tsing, 635-713 TL) và qua đời nhà Tống (được ghi chép trong Đại Tống Chính Biên) tức là từ năm 618 đến năm 1279, lễ Đản Sanh được thường xuyên cử hành tưng bừng trong các chùa lớn nhỏ trong dân gian.

Sách Phật Tổ Thống Ký thuật là dưới đời Đường, vua Hỷ tông năm 873 TL, ngày Tám tháng Tư, thiết lễ Phật đản bằng cách rước kiệu di tích đức Phật từ Phụng hoàng Pháp môn về Lạc Dương. Vua và hoàng hậu ngự ra cửa An Phúc đón võng Phật vào nhà Thái Miếu; dân chúng hân hoan nổi nhạc đốt pháo vui mừng. Dưới đời Đường, lúc đạo Phật cực thịnh, người ta đem từ Ấn Độ sang ít nhất năm di tích xá lợi, của đức Phật. Chùa Pháp môn ở phía Bắc Kinh thành Lạc Dương có một lóng xương tay của đức Phật; bốn chùa khác trong thành mỗi chùa thờ trên tháp một chiếc răng của đức Phật. Mỗi năm vào ngày Phật đản hay ngày rằng tháng Bảy, di vật này được chưng bày cho dân gian lễ bái chiêm ngưỡng. Riêng di tích xá lợi lóng xương tay ở chùa Pháp môn thì hằng năm, ngày lễ Phật đản, lại được rước trên kiệu vào cung đình cho nhà vua hành lễ. Mỗi lần rước kiệu lễ Phật Đản là một cơ hội đình đám quá lớn, dân chúng tham gia quá sức náo nhiệt, lắm khi thành hỗn loạn. Vì lý do đó, Hàn Dũ, một nhà Khổng học bảo thủ quá khích, chống đạo Phật, năm 819 viết bài sớ xin nhà vua bãi lệ Phật Đản (Chen, sđđ, trang 280).

Đầu thế kỷ thứ Mười TL, tại Huệ Lâm Thiền Viện phủ Khai Phong, vị trụ trì là đại sư Nguyên Chiếu, muốn làm giảm mối căng thẳng giữa đạo Nho và đạo Phật nên chấn chỉnh và tiết giảm nghi lễ thờ Phật, đặt ngày Phật đản, lễ Tắm Phật (còn gọi là Quán Phật) vào ngày mồng tám tháng Tư. Lễ rước kiệu cũng chỉ làm trong khuôn viên chùa. Chi tiết sự việc đều ghi trong sách Đông Kinh Mộng Hoa Lục Chú (Đông Kinh là phủ Khai Phong).

Dưới đời Nguyên, người Mông Cổ vào đất Trung Hoa là những người mộ đạo Phật, nên vẫn giữ tục lệ thiết Phật Đản lớn vào ngày tám tháng Tư. Người khai sáng ra nhà Minh, Chu Nguyên Chương, lúc thiếu thời đi tu ở chùa, nên khi lập quốc, tôn thờ và chỉnh đốn đạo Phật. Dưới đời Thanh, người Mãn Châu vào chế ngự Trung Hoa cũng là những người mộ đạo Phật, nên giữ các tập tục làm lễ Phật Đản đã có từ nghìn năm trước, cho tới khi tiếp xúc với Tây phương.

Nghi lễ của đạo Phật tại Trung Hoa, từ cuối thế kỷ Mười-chín cho đến cuộc cách mệnh Cọng sản được một nhà học giả phương Tây Holmes Welch mô tả kỹ càng trong sách The Practice of Chinese Buddhism 1900-1950 (Harvard University Press, 1973). Trước Đại hội Kết Tập Sangiti lần Sáu, người Trung Hoa cử hành lễ Phật Đản vào ngày tám tháng Tư, tại chùa có đông đúc thiện nam tín nữ tham dự, nghi thức được tả rõ trong sách Holmes Welch (sđđ, trang 109 và tiếp theo). Nghi lễ tại các chùa lớn ở Trung Hoa ngay cả trong thời kỳ Dân quốc, đều cử hành theo quy luật ghi trong sách Bách Trượng Thanh Quy có từ đời Tống, và được thay đổi ít nhiều dưới triều Minh, gọi là Chỉnh Huấn Bách Trượng Thanh Quy, dùng làm khuôn thước lễ nghi.

LỄ ĐẢN SANH TẠI NHẬT BỔN.
Nước Nhật Bổn tiếp nhận đạo Phật vào thế kỷ thứ Sáu và người Nhật phát huy đạo Phật vững mạnh cho tới ngày nay. Người Nhật thiết lễ Đản Sanh đức Phật ngày Tám tháng Tư gọi là tiết Hana Matsuri; lễ Thích-ca Thành Đạo ngày 15 tháng Hai, tiết lễ Nehan, và lễ Phật Nhập Niết Bàn ngày Tám tháng Mười hai, tiết lễ Rohatsu. Theo Sử ký Nhật Bổn Nihonshoki, buổi lễ Đản Sanh đầu tiên được thiết vào ngày mồng Tám tháng Tư năm 606 TL (người Nhật dùng dương lịch, nhưng các lễ Phật nhiều lúc vẫn theo âm lịch Trung Hoa. Nữ hoàng Suy-Cơ (Sui-Ko, 593-628 TL) và người cháu làm phụ chính là Thánh Đức Thái tử (Shokotu) rất mộ đạo Phật, ra lệnh cho tất cả các chùa, trong dịp Đản Sanh phải thiết lễ và phát chẩn. Trong các chùa lớn và đền Thần Đạo tại Nhật ngày nay, một số tượng Phật Đản Sanh (hình tượng đức Phật lúc mới sanh, một tay chỉ xuống đất, một tay chỉ lên trời, miệng đọc câu “duy ngã độc tôn”), tạc từ thời đại Nại Lương (Nara) vẫn còn giữ được nguyên vẹn, làm bằng chứng là lễ Phật Đản đã được cử hành trong các thế kỷ Bảy, Tám tiếp theo. Từ thế kỷ Tám đến thế kỷ Mười-hai (triều đại Bình an Hei-an, 749-1185 TL), đạo Phật ảnh hưởng mạnh vào sinh hoạt xã hội và văn hóa nước Nhật, các buổi lễ Phật càng được cử hành lớn, dựa vào hoàng gia và quý tộc.

Qua triều đại Kiếm Thương (Kamakura, 1186-1335 TL) Phật giáo Nhật Bổn bắt đầu nhận chân những mối bất lợi vì lễ bái cúng tế hào nhoáng gây ra, và trường Thiền trở nên hưng thịnh. Thêm vào đó là mối cạnh tranh với Thần đạo bây giờ có nhiều khuynh hướng thực tiễn và ái quốc, nên Phật giáo phải nhẹ việc phô trương thanh thế bên ngoài, vì vậy càng giúp cho trường Thiền nẩy nở mạnh hơn, và buổi lễ Đản Sanh đã cử hành đơn giản hơn. Ta nhận thấy sự kiện này trong một tập Ký ức của Koka Shiren: “Nhiều năm qua, ngay tại thủ đô, người ta thiết lễ Phật Đản vào ngày mồng Sáu để tránh một ngày lễ lớn Thần Đạo vào ngày mồng Tám tháng Tư.” Trong một bổn Đại tự Nhật ký của chùa Kenchoji do Đạo Lan Đan Khê (Doryu Rankey) viết năm 1249, rõ ràng và hàm ý châm biếm cách thức thiết lễ Đản Sanh nhuộm màu Thần Đạo: “(Năm nay) ngày Phật Đản, lễ tắm Phật do các vị phu nhân ‘shoguna’ (vợ của các vị chính quyền tướng quân) phụ trách, gây ra nhiều điều lạ mắt. Ngày xưa (vào lễ Phật Đản) có bao nhiêu chi tiết đẹp ý đẹp lòng, như lễ cắm hoa. Ngày nay kiểu cách mới được đem vào chùa làm lạ tai lạ mắt người theo Phật.” Sau đó có lẽ chính quyền Võ Sĩ Đạo muốn tránh quần chúng dị nghị, nên từ thế kỷ Mười ba, tổ chức buổi lễ Thần Đạo vào ngày mồng Chín, dành ngày mồng Tám cho các chùa và dân chúng làm lễ Đản Sanh. Gần đây hơn, ta đọc được trong Nhật Bổn Niên Giám Ký Sự 1953 một đoạn viết về lễ Đản Sanh: “Mỗi năm trên toàn quốc, vào ngày mồng Tám tháng Tư (lễ Phật Đản) dân chúng đi hái mọi loại hoa rừng, cắm vào cành tre vót nhọn, làm lễ Phật. Các bó hoa này gọi tên là hoa hướng thiên đường (tentobana), hay là hoa tôn quý (takahana).” Cũng vì tục lệ đẹp đẽ này mà tại Nhật, ngày Tám tháng Tư còn gọi là Ngày Lễ Hoa. Ta cần nhắc thêm là người Nhật mộ đạo tin là nhân loại sẽ được hoàn toàn cứu rỗi trong tương lai khi đức Phật Di-lạc ra đời, và nếu mỗi năm thành tâm thiết lễ Phật Đản, thì ngày đức Phật Di-lạc hiện đến sẽ gần hơn. Vì vậy mà ngày tám tháng Tư lại có thêm tên là ngày Nguyện Cầu (Ryu ye-e), tên của một tông phái tại Nhật thờ Phật Di-lạc.

Một biến cố Phật đản liên quan đến tổ chức Gia đình Phật tử Nhật cần nhắc lại đây. Gia đình Phật tử Nhật gồm thiếu nhi và thanh niên hoạt động rất mạnh. Trong cuộc canh tân nước Nhật cuối thế kỷ Mười chín do đại đế Minh trị Thiên hoàng lãnh đạo, đạo Phật vì tôn chỉ chuộng hòa bình, bị nghi ngờ là chống giới quân phiệt, lực lượng nồng cốt ủng hộ nhà vua. Gia đình Phật tử Nhật, nhờ hoạt động khéo léo đã làm mối dây liên lạc giữa đạo và phong trào quốc gia Võ sĩ đạo. Năm 1912, ngày Phật Đản mồng Tám tháng Tư, Gia đình Phật tử cử hành lễ tại công viên Asakusa Park, hội họp tất cả đại biểu đoàn viên trong nước, lấy tên buổi họp đoàn là Hanamatsuri. Từ đó, Hanamatsuri được tổ chức mỗi năm, ngày họp bạn của nhi đồng và thanh niên toàn nước Nhật, nhân ngày lễ Phật đản, dung hoà được hai xu hướng ái quốc và tín ngưỡng.

LỄ ĐẢN SANH TẠI CÁC NƯỚC THỜ PHẬT GIÁO THERAVADA.
Tại các nước thờ Phật giáo nguyên thủy, ngày Phật Đản gọi là Visakha Puja (chữ Sanskrit viết là Vaisakha; Tích Lan: Vesak; Cao Miên: Vissakh bochea; Thái Lan: Vaishaka Puja; Lào: Vixakha bouxa). Lễ này kỷ niệm ba biến cố quan trọng trong đời đức Phật: đản sanh, thành đạo, và nhập niết bàn vào một ngày… Chữ Nho ta gọi là lễ Tam Hợp. Người Phật tử phái Nguyên Thủy tin là đức Phật đã chọn sanh ra đời, thành đạo và mất vào cùng một ngày. Nói chung tại Đông Nam-Á Nguyên thủy, Visakha là ngày quốc lễ nhưng được thiết trong khuôn viên chùa (vat, wat). Lễ được thiết vào ngày trăng tròn, giữa tháng Tư và tháng Năm dương lịch. Trong dịp lễ, dân chúng tụ họp tại chùa, đọc kinh, nghe thuyết giảng về đời sống của Thích-ca. Tại Thái Lan chẳng hạn, buổi thuyết giảng pathama-sambodhi, bắt đầu từ trưa, kéo dài suốt đêm. Bài giảng kể lại lễ thành hôn của vua Tịnh Phạn và hoàng hậu Maya (vương phụ và vương mẫu của đức Phật), đời sống lúc trẻ của đức Phật, quyết định đi tu cho tới khi thành đạo, hoằng pháp và nhập diệt… Bài giảng kết luận nêu lên các nguyên lý đạo Phật bị tru diệt tại Ấn Độ, để cho tín đồ suy nghĩ đừng phạm vào lỗi lầm cũ mà mất đạo.

Tại Ai Lao, lễ Tam Hợp còn gọi là ngày Buon Bang Fay, có nghĩa là Hội Pháo. Trong năm Hội Pháo là ngày vui nhộn nhất. Các chùa thi nhau làm pháo bông, cùng một loạt ban đêm đốt lên, xem chùa nào đẹp nhất lãnh thưởng, làm trò vui cho dân chúng.

Tại Nepal, đạo Phật pha trộn gắn bó với Ấn Độ giáo, nhưng Phật Đản vẫn là một ngày quốc lễ, gọi là Bahiravajatra, thiết vào ngày trăng tròn tháng Năm dương lịch. Vào ngày lễ, dân chúng mổ trâu bò làm tiệc, và nhảy múa suốt đêm ngoài lộ.

Tại Sri-Lanka (Tích Lan), lễ Phật Đản gọi Vesak, là ngày quốc lễ trọng đại nhất trong năm, vào ngày trăng tròn tháng Năm. Như trên đã nói, sử Tích Lan Mahavamsa chép là lễ Đản Sanh được thiết từ ngày đạo Phật được hoàng tử Mahinda, con trai của đại đế Asoka vâng lệnh vua cha đem đạo của đức Thích-ca vào nước Sri-Lanka. Bắt đầu từ thế kỷ thứ Tư, lễ được chính thức cử hành mỗi năm, có cuộc phát chẩn cho dân nghèo và cuộc dâng y bát cho người tu sĩ. Người Anh đến thôn tính nước Sri-Lanka năm 1815, chịu áp lực của các giáo hội truyền giáo Tây phương, ra lệnh bỏ tục lệ Vesak, làm cho dân bị trị mất tục lệ cúng Phật. Cuối thế kỷ Mười chín, nhóm lên phong trào kháng Anh do Phật giáo đề xướng, lấy chủ đề là chấn hưng Phật giáo. Buổi lễ Vesak lần đầu tiên được tái lập sau bảy mươi năm bị chính quyền Anh cấm đoán, cử hành vào ngày 17 tháng Tư năm 1885. Một người Hoa Kỳ thờ Phật giáo, đại tá Henry Steele Olcott, trong cuốn ký ức Old Diary Leaves thuật lại là phong trào có sáng kiến lập một lá cờ Phật giáo gồm sáu màu thoát ra từ hào quang chiếc áo đức Phật, dùng để tượng trưng ý niệm hợp đoàn của người theo đạo Phật. Lá cờ này từ đó được Phật giáo thế giới nhìn nhận là lá cờ của đạo Phật, dùng trong mọi quốc gia, đặc biệt vào ngày Phật Đản. Tại Nam Việt Nam, tám mươi năm sau, có lẽ vì không để ý tới cái lý do tượng trưng thiêng liêng này của lá cờ Phật giáo mà một số người trách nhiệm đã gây ra sự sụp đổ của nền Đệ nhất Cộng Hoà. Phật đản tại Sri-Lanka gồm ba lễ lớn: atasil là lễ cầu nguyện; dan-sai, lễ cúng thực phẩm cho tăng ni và phát chẩn cho đại chúng; và thứ ba là đại lễ liên hoan: treo cờ kết hoa, vui chơi suốt mất ngày đêm trong nhà, ngoài phố. Ở Sri-Lanka còn có một tục lệ rất đẹp là mỗi năm vào ngày Phật đản Vesak, mỗi người gởi thiệp chúc mừng thăm viếng nhau, tương tự như tục trao đổi thiệp mừng của người theo đạo cơ-đốc, nhân ngày đức Chúa Christ giáng sanh.

Ta đã duyệt qua các truyền thống lựa chọn ngày lễ Phật Đản của hai phái Đại Thừa và Nguyên Thủy. Mối thắc mắc ngày mồng Tám tháng Tư có đúng là ngày sanh của đức Phật hay không cũng được giải tỏa. Nước Ấn Độ không dựa vào hệ thống biên niên để viết sử nên ta không tin tưởng vào ý niệm ngày tháng của Ấn Độ. Người Trung Hoa vốn chuộng thực tiễn, lại có tinh thần phân tích nhiều hơn, cũng đã chấp nhận truyền thống Ấn Độ hoàn toàn vì đức tin. Ta có thể dẫn chứng cớ trong Ngọc Phật cung tự kinh của thầy Nghĩa Tịnh (Itsing/Yijing, đã dẫn ở trên).
“Lý do (người xưa) đã lựa mồng Tám tháng Tư làm ngày Phật Đản, vì qua mùa xuân cho đến mùa hạ, mọi tai ương đều chấm dứt, tạo vật thức tỉnh sống lại, không còn chướng vật nào ngăn chận nẩy nở; và khí trời cũng vậy, không lạnh quá không nóng quá. Cho nên ngày đó thích hợp nhất để làm lễ Đản sanh.”

Như vậy, đọc lại lịch sử và nhận định qua các truyền thống, ta có thể kết luận không sợ sai lạc nhiều là ngày Đản Sanh đã được lựa chọn để thiết lễ, và chưa ai chứng minh được ngày nào đích là ngày sinh nhật đích xác của đức Phật. Thật ra, không chỉ riêng với đạo Phật mà đối với một tôn giáo trẻ hơn đạo Phật nhưng được soi sáng nhiều hơn bằng các dữ kiện khoa học, như đạo Cơ-đốc, ngày sanh của Chúa Christ cũng đã được chứng minh từ lâu không phải chính xác là ngày người Tây phương làm lễ Giáng sanh (Encyclopedia of Religion and Ethics; Nguyễn Hoài Vân, đã dẫn ở trên). Thiết tưởng vấn đề trọng đại là cử hành lễ, chi tiết ngày tháng người xưa không cố chấp xem là quan trọng.

Một điểm cuối để kết luận bài khảo sát nhỏ này về mặt triết lý, siêu hình và hướng linh là việc giải thích vì sau ngày trăng tròn tháng Vassa của lịch Ấn Độ (từ giữa tháng Tư sang giữa tháng Năm dương lịch) được chọn làm lễ Đản Sanh. Trước tiên là vì truyền thống này đã có từ lâu trong trường Nguyên Thủy Theravada. Như trên đã nói người theo Phật Giáo Nam Tông tin là đức Phật đã chọn ngày ra đời, thành đạo, và nhập niết bàn cùng vào một ngày. Giáo lý lại còn nhiều lý do để giải thích việc lựa chọn. Lý do thiết thực hơn cả là vì niên lịch Phật giáo thiên về âm (mặt trăng) và ngày xưa Visakha là ngày đẹp nhất trong năm. Mùa mưa bắt đầu, tu sĩ phải tập họp vào một nơi để tu học, và ngày Visakha là ngày khởi đầu giai đoạn hợp đoàn. Lại nữa, mưa bắt đầu, cỏ cây sống lại, sinh vật cũng bắt đầu nẩy nở, người tu sĩ phải tránh di chuyển để tránh sát sinh.

Còn một lý do nữa, siêu việt hơn được dẫn trong giáo lý thâm sâu của nhà Phật là sự phối hợp âm dương. Giáo lý trên bình diện siêu hình, răn dạy phải tránh sự phối hợp hai yếu tố âm dương, vì sự phối hợp này là nguyên nhân chính tạo ra nghiệp. Mùa xuân giữa thiên nhiên là yếu tố âm, người tu sĩ mang yếu tố dương, phải tránh tội lỗi bằng cách khép mình, xa tránh môi sinh năng động. Visakha khởi đầu việc chuẩn bị vào hạ, người tu sĩ Theravada sẽ an cư kiết hạ sau Visakha, tránh các cuộc sinh hoạt náo nhiệt.
.
.
.

1 comment:

View My Stats