Monday, 30 April 2012

NGUYỄN VIỆN: NHỮNG SUY NGHĨ VỀ NGÀY 30/4 (Nguyễn Viện / Nguyễn Thị Thanh Bình)




28.04.2012

Bài phỏng vấn dưới đây do nhà thơ Nguyễn Thị Thanh Bình thực hiện. Một bản câu hỏi đã được gửi đến nhiều văn nghệ sĩ trong và ngoài nước. Tiền Vệ sẽ lần lượt đăng tải loạt bài này.

Tiền Vệ

-------------------------


NGUYỄN VIỆN: NHỮNG SUY NGHĨ VỀ NGÀY 30/4

Nguyễn Thị Thanh Bình: Tôi cố tình dành một khoảng trống cho tên gọi ngày 30-4. Bạn là một cây viết cừ khôi, xin bạn thử tìm một tên gọi khác cho ngày này, ngoài những chữ vẫn được gọi kêu thông thường như ngày Quốc Hận, Tháng Tư Đen, ngày Giải Phóng hay ngày Đại Thắng Mùa Xuân...? Và tại sao bạn lại muốn gọi như thế?
Nguyễn Viện: Tôi thật sự cầu mong rằng ngày 30 tháng 4 cũng sẽ như bất cứ ngày nào trong năm. Một ngày của sự bình an và dung thứ. Bởi vậy không cần phải gọi nó là ngày gì.

Nguyễn Thị Thanh Bình: Nhà thơ Nguyễn Duy ở Việt Nam, với bài thơ “Nhìn từ xa... Tổ quốc” mà nhiều người vẫn tâm đắc, đã có lần viết câu thơ sau đây trong bài “Đá ơi”: “Nghĩ cho cùng mọi cuộc chiến tranh / Phe nào thắng thì nhân dân đều bại”. Không biết bạn đồng cảm như thế nào với thi sĩ về hai câu này, cũng như liệu bạn có thể cảm tác thêm một vài câu “lấy liền” cho dòng thơ tháng 4 không?
Nguyễn Viện: Tôi không có khả năng làm vè, cho nên xin được “tha” cho cái vụ ứng tác này. Dù sao thì cũng cám ơn anh Nguyễn Duy về câu thơ đó. Riêng tôi, tôi nghĩ rằng trong tất cả mọi cuộc chiến tranh, nhân dân đều là tốt thí.

Nguyễn Thị Thanh Bình: Cứ mỗi 365 ngày, vào thời điểm này, chúng ta lại có dịp nghe thấy hoặc chứng kiến “người anh em” trong nước tưng bừng giăng thêm khẩu hiệu, biểu ngữ, và cờ phướn tung bay ngập lối, cùng pháo hoa kèn trống diễn binh... như một thứ men say chiến thắng, trong khi đó ở hải ngoại thì những người lữ thứ kỷ niệm ngày 30/4 như một tưởng nhớ đau thương quốc hận. Như thế liệu tâm hồn bạn lúc này đang bay bổng ở đâu, khi gõ lại từng đường dây biến cố lịch sử mỏi mòn ấy? Bạn có nhớ tại sao lúc ấy bạn quyết định ở lại hay ra đi không?
Nguyễn Viện: Lúc nào tôi cũng cảm thấy mình bị mắc kẹt trong lịch sử. Vì thế lúc này, hay lúc khác tôi đều là một nạn nhân tan nát.
Khi ngày 30.4.1975 đến, tôi 26 tuổi và đang làm công chức, sống chung với bố mẹ và các em. Tôi cũng nghĩ đến chuyện đưa cả gia đình đi vì anh tôi là một hạm trưởng hải quân ở Phú Quốc. Nhưng tôi chần chừ và cuối cùng biết là không kịp nữa.
Một trong những lý do của sự chần chừ là tôi cũng muốn được sống như những đồng bào khác của mình với tất cả thân phận nổi trôi của nó. Bởi vì tôi là một nhà văn.

Nguyễn Thị Thanh Bình: Vào những lúc cuối đời, thường thì trong lòng người ta vẫn dấy lên một chút lương tri đạo đức làm người gì đó, và những câu nói sau đây của ông Võ Văn Kiệt được xem như là những điển hình đáng ghi nhận: “Một sự kiện liên quan đến chiến tranh khi nhắc lại, có hàng triệu người vui, mà cũng có hàng triệu người buồn. Đó là vết thương chung của dân tộc, cần được giữ lành thay vì lại tiếp tục làm cho nó thêm rỉ máu”. Là một người dân Việt, mà lại là một người cầm bút tử tế, bạn nghĩ chúng ta phải làm thế nào để có thể băng bó vết thương chung của dân tộc, khi hiểm họa của người phương Bắc càng ngày càng phủ chụp đất nước sau 37 năm Việt Nam vỗ ngực xưng hòa bình thống nhất?
Nguyễn Viện: Vâng, sau 37 năm, “vết thương chung của dân tộc” như chị nói, vẫn chảy máu.
Tôi đã có dịp được đọc về cuộc nội chiến Nam – Bắc Mỹ. Và cái cách của người thắng đối xử với người thua trong cuộc chiến tranh đó của người Mỹ vẫn làm tôi cảm thấy xấu hổ về dân tộc mình, khi chúng ta nói rằng chúng ta có 4000 năm văn hiến.
Làm thế nào để băng bó vết thương ư?
Tôi vừa đọc lại cuốn Chuông gọi hồn ai của Hemingway, cũng là cuốn sách viết về cuộc nội chiến Tây Ban Nha, và tôi nhớ có đoạn Hemingway để cho nhân vật của mình nói, đại ý: Cần phải có một cuộc giải tội tập thể cho cả dân tộc, bất kể anh ở phe nào.
Vâng, tôi ước ao có một ngày mọi người dân Việt dù đang sống ở bất cứ đâu, cùng dành ra một giờ để xưng tội với nhau và xin tha thứ cho nhau. Cho cả những người đã chết, đang sống và sẽ sinh ra làm người Việt.
Chỉ trong sự khoan dung, tha thứ và tin cậy lẫn nhau, chúng ta mới có thể làm lành vết thương và tạo nên một sức sống mới cho dân tộc.

Nguyễn Thị Thanh Bình: Nếu bảo “thất bại trong hòa bình” mới là điều đáng lên tiếng luận bàn cho một lộ trình tương lai đất nước khả quan hơn, thì thử hỏi bạn có dám nói, dám viết, dám kiến nghị để lương tâm và chức năng của một người cầm bút không bị kiến cắn, kiến bò không? Và cho dẫu bạn không hề là một trong 75 vạn người mẹ đớn đau của những người con được phong tước anh hùng liệt sĩ gì đó, hoặc bị xem là “có nợ máu với nhân dân”, thì liệu bạn có phải bịt tai, bịt mắt để khỏi phải nghe hay thấy những bài ca rỗng tuếch nhai đi nhai lại ngợi ca xương máu chiến thắng?
Nguyễn Viện: Với riêng tôi, tôi chưa bao giờ cảm thấy mình là người thua hay thắng trong cuộc chiến vừa qua. Cá nhân tôi chỉ là kẻ mắc kẹt trên đường ray khi chiếc xe lửa lịch sử lao tới. Tôi không mang một mặc cảm hay thành kiến gì. Dù sau ngày 30.4.1975, tôi cũng phải học tập cải tạo tại chỗ 3 ngày và buộc phải viết lời thú nhận “tội ác” của mình với “nhân dân”. Chúng ta đã phải chứng nghiệm quá nhiều cài kiểu “khôi hài đen” đó trong đời sống xã hội xã hội chủ nghĩa. Những cái “khôi hài đen” cho đến tận nay vẫn không thiếu những ví dụ. Mà điển hình nhất có lẽ là bài nói chuyện của ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng ở một trường Đảng của Cuba vừa qua.
Tôi nghĩ điều quan trọng nhất hiện nay là con người cần phải biết tự trọng. Bởi vì, người ta đã đánh mất sự tự trọng của nhân cách, khi tự xóa bỏ mình vừa trong tư cách cá nhân vừa trong mối tương quan xã hội.

Nguyễn Thị Thanh Bình: Ông Lê Duẩn đã từng biện bạch rằng “Đây là thắng lợi của cả dân tộc, không phải là của riêng ai”. Vậy thử hỏi nỗi đau của “triệu người buồn” kia, cũng hệt như nỗi đau của nước sắp mất, và (ngôi) nhà Việt Nam sắp tan, không lẽ không phải là niềm đau chung của dân tộc? Đất nước chắc chắn nào phải của riêng ai, vậy tại sao lại chỉ có thứ độc quyền yêu nước hay bán nước? Sự kiện tiếp tục bỏ tù những trí thức yêu nước độc lập có phải là thái độ sợ hãi của một nhà cầm quyền chỉ muốn củng cố quyền lực hay không? Liệu bạn có thấy phấn khởi khi giới trẻ cũng bắt đầu quan tâm và muốn gánh vác phần nào câu chuyện lịch sử 30/4/1975 của cha ông mình?
Nguyễn Viện: Tôi không biết giới trẻ Việt Nam ở hải ngoại ra sao. Còn ở trong nước, tôi đã thấy một thế hệ mới mà tôi vẫn gọi là thế hệ tự thức, họ vô can trong cuộc chiến vừa qua, mặc dù vẫn có những hệ lụy ít nhiều với từng con người trong số họ. Nhưng họ không nhìn về quá khứ, họ chỉ nhìn về phía trước và họ biết họ phải làm gì bây giờ.

.
.
.


 

Cảm tưởng về ngày 30/4 (tiểu luận / nhận định)

Tháng 4/1975 với quá lắm những cuộc đời mất mát thương đau. Hơn 3 triệu những người con từ hai phía anh em có chung một Mẹ Việt Nam đã bỏ mình lãng phí hiến dâng. Trên 600 ngàn người chết không một nấm mồ vùi sâu dưới biển đông và hải tặc, cho những khát vọng không cùng của tự do. Cả 300 ngàn người thất trận trong chớp nhoáng một tháng đã lãnh đòn thù, cho những cấm cố tù đày hoặc biền biệt rừng sâu.

Danh sách giết người vẫn còn dài dài, mà chúng ta vẫn chưa sắm nổi cái quan tài để đậy nắp bè lũ “trời không tha, đất không dung” này. Vâng, vẫn còn dài, vượt xa cả những con số tàn độc của một Tần Thủy Hoàng và có một không hai của phát-xít Hitler. Cứ thử mở lại lịch sử 4000 năm... dựng nước, đã phải đụng ngay con số cả trăm ngàn oan khiên rớt xuống trong cuộc đấu tố Cải Cách Ruộng Đất, rồi thì trên dưới 5000 những cái đầu già trẻ lớn bé, đàn bà đàn ông bị chôn sống thảm sát trong Tết Mậu Thân...

Ờ nhỉ, không lẽ những cái Đầu của chúng ta cứ tiếp tục mất đi, để cho sự gian ác chễm chệ ngự trị “Còn Đảng còn mình”, khi tứ chi của hình hài chữ S đã lăn lóc tận phương Bắc thống lĩnh là bởi đâu? Như thế này rồi chúng ta ai cũng sẽ phải bước ra khỏi cuộc đời. Có lập đàn giải oan cho đời này thì đời sau con cháu mới thoát nổi oan khiên chăng?

Tháng 4 đến. Niềm hoài cổ nhớ nước cũng đến và càng sâu đậm hơn. Mây tím bay. Lạc dấu chim di trở về. Nỗi nhớ niềm thương hoài đời là những vết thương chưa thể lấp miệng. Có dịp khuấy động thì mưng mủ xót xa vậy thôi.
30/4/75 vẫn không thiếu những giọt lệ thầm lặng bên lề đường Sài Gòn. Dương Thu Hương đã mang nghiệp văn thực sự khi những giọt nước mắt vỡ oà ở vỉa hè Sài Gòn lúc ấy, khi vừa biết tiếc thương chén thanh xuân bỗng vơi cho những đánh tráo hy sinh hoang đường (hay Thiên Đường Mù). Một thứ lý tưởng lãng mạn không hề có thật. Tôi khóc khi biết mình phải đoạn lìa thành phố hoa lệ Sài Gòn, nơi có con đường mang tên Tự Do và sách vở cũng ê hề tự do bị kết án “đồi trụy”. Chúng ta khóc vì không biết đời sống sẽ trôi nổi long đong đến đâu. Ôi những phương trời đi mãi về những bến bờ lưu lạc.

Đã có cả ngàn trang viết về ngày cuối tháng tư bảy lăm. Nhắc hoài một tan rã, một từ biệt vẫn chưa yên nguôi. Trong suốt 37 năm lữ thứ, hay 37 năm chợt làm du thủ, du thực, du khách trên chính quê hương mình.

Thôi được, giờ đây chắc hẳn là có những người muốn biết giới cầm bút nghĩ gì về 30-4-1975. Những người trong giới cầm bút có sẽ đi biểu tình trước các sứ quán của CHXHCNVN? Có làm đêm không ngủ thắp nến nguyện cầu, hát nhạc đấu tranh, hay ăn vận toàn trắng để gởi thông điệp khăn tang hay chim trắng hòa bình?

Với tấm lòng của một nhà thơ thì cuối cùng có lẽ chúng ta cũng chỉ muốn như Cao Tần có dịp được lùa cả nước đi cải tạo yêu thương.

Nghĩ gì hay nhớ về là những nghĩ tưởng, hồi tưởng không tài nào bôi xóa. Nhất là một khi chúng ta chưa thể yên lòng xếp lại mớ lịch sử nhàu nát mỗi ngày một tội tình hơn. Chí ít đây là cảm nhận của riêng tôi. Nói vậy nhưng tôi vẫn chắc như bắp, là những đồng hương trong đợt di tản đầu tiên cùng tôi, thì trong số khoảng 100.000 người cũng sẽ không thiếu 100.000 vọng tưởng ngút ngàn cho ngày đời ly biệt 30/4/75.

37 năm xin bạn một lần gầy lại mùi hương của những tàn y cũ dĩ vãng. Dù thế nào, dù có ném chúng vào ngăn kéo ký ức thì cũng phải giữ mãi nguyên vẹn. Có phải?

Ơi, nghĩ mà tủi thân tủi phận nước mình. Sau 37 năm cho cái gọi là đất nước thống nhất, chúng ta lại tha hồ “đội sổ” về nhiều thứ, ngay cả quyền căn bản làm người cũng đã hụt hẫng trầm trọng, nói chi đến những chi tiêu phát triển kinh tế này nọ. Tôi chịu không thể mường tượng nổi bức dư đồ chữ S sẽ bị những “đầy tớ nhân dân” này vênh váo đổ thêm bao nhiêu mực tàu nữa. Ô, phải nói là những chủ nhân ông quá giỏi điêu ngoa, đã đưa đất nước vào tình trạng lỏng tay lái không phanh nổi.

37 năm nhìn lại với tôi là một chặng đường tuột dốc thê thảm: tước đoạt của mọi tước đoạt, tham tàn trên cả tham tàn, lừa mỵ phản trắc không diễn tả nổi.

Những chiếc bánh vẽ to tướng mà đến cuối đời nhà thơ Chế Lan Viên mới tuồng như thấu hiểu, thì người ta vẫn thay phiên nhau tọng vô họng nhân dân. Coi như dân trí bị dìm thấp, để họ dễ nắm đầu cai quản, nhưng liệu họ có lấy được vải thưa che mắt thánh trong nội bộ về những con số xếp hạng bệ rạc so với láng giềng quốc tế? Sự kiện đau lòng của Văn Giang mới đây nhất hay hàng loạt xâm chiếm, cưỡng chế, lật lọng luật đất đai mà bản chất lừa bịp vẫn trơ tráo, lại còn giả mời mọc cái bánh vẽ định hướng công nghiệp hóa hầm bà lằng. Thú thật, tôi muốn bạn nghĩ ngợi thêm điều này, vì càng ngày càng thấy những viễn tượng quá đen tối cho quê hương mà sợ mà lo.

30/4, chúng ta cũng đã quẩn quanh những tháng tư cắt dán vụng về 37 mảng ước mơ. Vẫn chưa làm được một điều gì cho ra hồn ra vía. Những nhà văn nhà báo nhà dân chủ tự do vẫn lãnh đủ những bản án dàn dựng, phi lý. Điếu Cày có bị họ diễn trò bịp bợm chặt tay hay không hòng dò đo phản ứng răn đe, thì lồng ngực chúng ta vẫn chỉ biết nổ tung những bất kham, và Điếu Cày rồi cũng phải ôm ấp những dòng viết dở dang nơi chốn lao tù.
Cuối cùng vẫn là những tiếng hú của bầy ngựa hoang. Không còn nơi đâu một cánh thảo nguyên mà bắt đầu vó nhịp, mà trở về thật sao?

Nào, bây giờ xin mời bạn cứ hí vang trời đất. Mênh mông một tháng tư. Mênh mông một tấm lòng.























1 comment:

View My Stats