Phạm
Hồng Sơn thực hiện
Tháng
4 28, 2012
pro&contra: Hai anh em, ông
Huỳnh Nhật Hải sinh năm 1943, ông Huỳnh Nhật Tấn sinh năm 1946, là những người,
vào cuối năm 1988, đã cùng nhau tự ra khỏi Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN) đồng
thời từ bỏ luôn những chức vụ đang đảm nhiệm kèm theo những tiềm năng rất lớn
về quyền lực, quyền lợi: Phó Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân Thành phố Đà Lạt kiêm
Thành ủy viên (đối với ông Huỳnh Nhật Hải) và Phó Giám đốc Trường Đảng tỉnh Lâm
Đồng kiêm Tỉnh ủy viên dự khuyết (đối với ông Huỳnh Nhật Tấn).
Điều
gì đã khiến hai đảng viên cộng sản đầy tiềm năng của một gia đình có truyền
thống cách mạng từ trước năm 1945 lại có quyết định chia tay cách mạng khi sự
nghiệp “cách mạng giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước”đã thành công hoàn
toàn?
___________________
Phạm
Hồng Sơn:
Hai ông có thể cho biết con đường nào đã đưa các ông đến với ĐCSVN?
Huỳnh
Nhật Hải:
Có thể nói hai anh em chúng tôi đã được “nhuộm đỏ” từ bé. Chúng tôi đã có thiện
cảm, tinh thần ủng hộ, và làm những việc có lợi cho những tổ chức của cách mạng
như Việt Minh hay Mặt trận Dân tộc Giải Phóng miền Nam Việt Nam (Mặt trận) ngay
từ khi còn rất nhỏ tuổi. Vì ba má tôi là một gia đình tư sản ủng hộ Việt Minh
tại Đà Lạt từ trước năm 1945. Ba tôi là hội viên Công hội Đỏ và tham gia cướp
chính quyền tại Đà Lạt vào năm 1945 và sau đó trở thành đảng viên bí mật của
Đảng Cộng sản Đông Dương (tên gọi lúc đó của ĐCSVN). Hai anh trai tôi là những
người đi tập kết ra Bắc sau năm 1954.
Huỳnh
Nhật Tấn:
Có thể nói là ngay từ nhỏ, mở mắt ra là chúng tôi đã được nghe, được thấy, được
sống trong tinh thần của cách mạng, tôi cứ tạm gọi là “cách mạng” đi. Đó là
những năm thơ ấu của chúng tôi ở trong “vùng tự do” liên khu 5, khi gia đình
chúng tôi phải tránh sự truy lùng của Pháp từ khoảng cuối 1945 đến năm 1954, và
cả thời gian sau đó khi ba má tôi trở lại Đà Lạt (sau Hiệp định Genève) để tiếp
tục nhiệm vụ ủng hộ bí mật cho ĐCSVN và Mặt trận dưới hình thức là một gia đình
tư sản.
Phạm
Hồng Sơn:
Hai ông có nhớ đã có ảnh hưởng nào đến từ ngoài gia đình không?
Huỳnh
Nhật Tấn:
Có, những trí thức như giáo sư, nhà văn, nhạc sĩ có tên tuổi lúc đó mà đi với
Việt Minh hay Mặt trận cũng gây cho chúng tôi sự lôi cuốn, cảm hứng âm thầm
nhưng rất lớn. Đặc biệt là qua quan sát, tiếp xúc với những cán bộ hoạt động bí
mật đã sống ở nhà tôi thì hai anh em tôi thấy đó là những con người rất đáng
khâm phục, họ vừa có tinh thần kỷ luật, chịu đựng, hy sinh rất lớn vừa có những
lý tưởng rất cao đẹp là quyết giành lại độc lập cho đất nước và tự do cho dân
tộc.
Huỳnh
Nhật Hải:
Một yếu tố nữa cũng làm cho chúng tôi ủng hộ Mặt trận là sự xuất hiện của quân
đội Mỹ tại miền Nam. Sự xuất hiện đó làm cho những người như chúng tôi cảm thấy
bị xúc phạm về chủ quyền dân tộc. Chúng tôi cảm thấy là miền Nam đang bị người
Mỹ xâm lăng và cần phải chống lại họ và chính quyền thân Mỹ tại miền Nam.
Phạm
Hồng Sơn:
Thời gian từ khi Mặt trận được thành lập (năm 1960) cho tới năm 1975 các ông
làm những việc gì để ủng hộ “cách mạng”?
Huỳnh
Nhật Hải:
Công việc của cả hai anh em chúng tôi đều cùng có hai giai đoạn khác nhau,
trước và sau khi chúng tôi “nhẩy núi”, tức là phải bỏ gia đình để vào tận căn
cứ trong rừng sâu để hoạt động. Tôi “nhảy núi” vào đúng mồng 3 Tết Mậu Thân
1968 còn em tôi, Huỳnh Nhật Tấn, “nhảy núi” trước đó vài tháng khi đã bị lộ.
Huỳnh
Nhật Tấn:
Trước khi “nhảy núi”, anh em chúng tôi làm công tác liên lạc, vận động trong
giới thanh niên, học sinh, sinh viên tại Đà Lạt để thành lập các nhóm, tổ chức,
đoàn thể hoặc in, tán phát truyền đơn hay khẩu hiệu đấu tranh cho Mặt trận.
Huỳnh
Nhật Hải:
Sau khi “nhảy núi”, hai anh em chúng tôi, mỗi người một nơi, nhưng đều ở bộ
phận công tác phong trào thanh niên học sinh, sinh viên. Anh em chúng tôi
thường phải đi vào những “vùng lõm“ (vùng dân cư mà ban ngày do chính quyền
Việt Nam Cộng hòa kiểm soát còn ban đêm thuộc về lực lượng của Mặt trận) để bắt
liên lạc, tiếp nhận hay vận động ủng hộ về vật chất, tinh thần cho Mặt trận.
Phạm
Hồng Sơn:
Những công việc đó chắc phải rất mạo hiểm và hết sức khó khăn?
Huỳnh
Nhật Tấn:
Đúng thế, chúng tôi phải rất kiên trì, khôn khéo trong công tác vận động và
không phải lần vận động nào cũng thành công. Cả hai anh em chúng tôi cũng đã bị
phục kích hoặc chạm trán với lực lượng quân đội của Việt Nam Cộng hòa, nhưng rất
may cả hai chỉ bị thương nhẹ trong một, hai lần.
Phạm
Hồng Sơn:
Sau 30/04/1975 các ông được giữ ngay chức Phó Chủ tịch UBND Thành phố hoặc
Phó Giám đốc Trường Đảng?
Huỳnh
Nhật Hải:
Không phải như thế. Sau 30/04/1975 tôi tiếp tục công tác ở Thành đoàn, sau đó
mới chuyển qua công tác chính quyền. Năm 1977 tôi được kết nạp Đảng. Năm 1979
làm Chủ tịch khu phố I Thành phố Đà Lạt, rồi sau khi đi học Trường Đảng ở Tây
Nguyên trong một năm đến năm 1981 là tôi trở thành Phó Chủ tịch UBND Thành phố
Đà Lạt, là Thành ủy viên.
Huỳnh
Nhật Tấn:
Tôi thì được kết nạp Đảng từ năm 1972 sau khi “nhảy núi”. Ngay tháng 10/1975
tôi đã được chọn vào số cán bộ đầu tiên gửi ra Bắc học ở Trường Tuyên huấn
Trung ương ở khu Cầu Giấy, Hà Nội trong 3 năm rồi trở về giảng dạy môn kinh tế
chính trị tại Trường Đảng tỉnh Lâm Đồng. Và sau lần ra học tiếp ở Hà Nội tại
Trường Tuyên Huấn Trung Ương trong 03 năm nữa, đến năm 1986 tôi được bổ nhiệm
vào chức Phó Giám đốc trường Đảng tỉnh Lâm Đồng, đồng thời được cơ cấu vào cấp
Tỉnh ủy, là Tỉnh ủy viên dự khuyết.
Phạm
Hồng Sơn:
Một cách ngắn gọn, lý do gì đã khiến hai ông gần như đồng thời quyết định từ
bỏ Đảng kiêm các chức vụ đó?
Huỳnh
Nhật Tấn:
Tôi còn nhớ trong lá đơn xin ra khỏi Đảng lúc đó tôi có viết một câu: “Tôi
không tin ĐCSVN có thể lãnh đạo đưa đất nước đạt được những điều tốt đẹp như
Đảng thường nói.”
Huỳnh
Nhật Hải:
Còn trong lá đơn của tôi viết sau ông em tôi một vài tháng, tôi nhớ đã viết là:
“Tôi không còn động cơ để phấn đấu cho mục tiêu và lý tưởng của Đảng nữa.”
Nhưng thực sự trong thâm tâm thì cũng giống như ông em tôi đã nói ở trên. Tôi
không tin ĐCSVN nữa.
Phạm
Hồng Sơn:
Quá trình đi đến sự bất tín đó diễn ra như thế nào?
Huỳnh
Nhật Hải:
Đó là một quãng thời gian kéo dài khoảng 5-7 năm, thông qua những quan sát, tìm
hiểu, trao đổi, bàn bạc và trằn trọc từ mỗi bản thân và gần như chỉ giữa hai
anh em chúng tôi.
Huỳnh
Nhật Tấn:
Có thể nói chúng tôi đi đến sự bất tín vào ĐCSVN là dựa vào những gì chúng tôi
thấy, chúng tôi gặp trên thực tế hơn là từ vấn đề lý luận.
Phạm
Hồng Sơn:
Những “thực tế” nào quan trọng nhất khiến hai ông nhận thức lại ĐCSVN?
Huỳnh
Nhật Tấn:
Đó chính là những chính sách về quản lý xã hội, điều hành kinh tế và việc tôn
trọng các quyền tự do, dân chủ của người dân của ĐCSVN. Về quản lý xã hội, ĐCSVN
đã không quản lý bằng pháp luật mà bằng sự tùy tiện, áp đặt, gần như hoàn toàn
chỉ dựa theo các chỉ thị, ý muốn từ lãnh đạo Đảng. Ví dụ việc tịch thu nhà cửa,
tài sản hay đưa đi “học tập cải tạo”, thực chất là bỏ tù con người, đều không
dựa trên pháp luật hay xét xử của tòa án. Điều hành kinh tế thì lúc đó chúng
tôi thấy những chính sách rất kỳ cục và phản khoa học, ví dụ như có những chỉ
thị là Đà Lạt phải sản xuất bao nhiêu rau hay các huyện khác phải sản xuất bao
nhiều mì[i] mà không cần biết khả năng và lợi thế về thổ nhưỡng,
thói quen canh tác của người dân hoặc việc giao quyền lãnh đạo kinh tế không
dựa vào chuyên môn, kinh nghiệm mà lại dựa vào thành phần giai cấp và sự gắn bó
với Đảng. Về các quyền tự do dân chủ của người dân, càng ngày chúng tôi càng
thấy thực tế lại tồi tệ và khó khăn hơn rất nhiều so với thời Việt Nam Cộng
hòa. Ví dụ như khi hoạt động trước 1975, chúng tôi đã từng cho một số viên chức
chính quyền đọc cả cương lĩnh của Mặt trận nhưng những người đó không coi chúng
tôi là thù địch, họ coi việc khác biệt quan điểm là chuyện hết sức bình thường.
Nhưng sau năm 1975 mọi thứ không như thế nữa, tất cả mọi hoạt động, kể cả trong
tư tưởng, mà khác với quan điểm của ĐCSVN thì đều không được chấp nhận. Báo chí
tư nhân, biểu tình, bãi công, bãi thị đã hoàn toàn bị cấm ngặt mặc dù những bất
công, nhu cầu lên tiếng của xã hội hết sức bức bối. Có thể nói điều lớn nhất để
chúng tôi nhận thức lại ĐCSVN là sự độc tài toàn trị dựa trên bạo lực và không
tôn trọng những quyền căn bản của người dân.
Phạm
Hồng Sơn:
Các ông đã quen biết những nhân vật như ông Hà Sĩ Phu hay ông Mai Thái
Lĩnh,…những cư dân tại Đà Lạt lúc đó chưa?
Huỳnh
Nhật Hải:
Chúng tôi chưa biết ông Hà Sĩ Phu, còn ông Mai Thái Lĩnh thì chúng tôi đã biết
nhau từ hồi cùng “nhảy núi” nhưng sau 30/04/1975 chúng tôi gần như chưa trao
đổi hay bàn luận gì với nhau cả. Anh em chúng tôi trước khi quyết định bỏ về đã
nói với nhau là “chúng ta đi làm cách mạng không phải để xây dựng nên một nhà
nước chuyên chính độc tài như thế này.”
Phạm
Hồng Sơn:
Gia đình, những người thân và bạn bè đồng chí của các ông có phản ứng gì
trước quyết định đó?
Huỳnh
Nhật Hải:
Lúc đó ba má tôi đều đã qua đời nhưng chúng tôi tin rằng nếu còn sống ba má tôi
cũng ủng hộ việc từ giã ĐCSVN của chúng tôi. Hai bà xã của chúng tôi ủng hộ
hoàn toàn quyết định về nhà tự làm ăn của chúng tôi.
Phạm
Hồng Sơn:
Thế còn hai anh trai, những người đã đi tập kết sau 1954, và những đồng chí
thân quen của hai ông?
Huỳnh
Nhật Tấn:
Anh trai cả của chúng tôi thì gần như không có ý kiến gì, còn người anh trai
thứ hai thì không đồng ý. Còn những đảng viên đồng sự khác và các cấp lãnh đạo
lúc đó hoàn toàn ngạc nhiên, gần như tất cả mọi người đều khuyên chúng tôi xem
xét lại. Có người lúc đó đã nói với tôi là nếu về thì cuộc sống sẽ rất khó
khăn, nhưng tôi xác định trong lòng là trước đây khó khăn nguy hiểm như thế mà
còn chịu được thì lẽ nào bây giờ lại không.
Phạm
Hồng Sơn:
Khi “trằn trọc” để đi đến quyết định cuối cùng, hình ảnh hay tư tưởng của
lãnh tụ Hồ Chí Minh có vấn vương trong “trằn trọc” đó?
Huỳnh
Nhật Tấn:
Có. Chúng tôi lúc đó cũng thấy cần phải xem lại cả ông Hồ Chí Minh – lãnh tụ,
người sáng lập ra ĐCSVN.
Phạm
Hồng Sơn:
Các ông thấy thế nào?
Huỳnh
Nhật Hải:
Sau khi cùng tìm hiểu, trao đổi, bàn luận chúng tôi
nhận thấy tình trạng mất tự do, phi dân chủ hay có thể nói là cuộc sống kìm
kẹp, đau thương của nhân dân, của giới trí thức sau chiến thắng 30/04/1975 ở
miền Nam hoàn toàn là sự lặp lại y nguyên tình trạng ở miền Bắc sau chiến thắng
Điện Biên Phủ năm 1954 – thời kỳ mà ông Hồ Chí Minh vẫn hoàn toàn ở trên đỉnh
cao quyền lực.
Huỳnh
Nhật Tấn: Tôi đã từng tự hỏi là mục tiêu sâu xa của ông Hồ Chí Minh là
gì? Với những gì lịch sử đã diễn ra khi ông Hồ Chí Minh còn sống thì tôi thấy
mục tiêu của ông Hồ Chí Minh vì quyền lực là chính, còn mục tiêu độc lập cho
đất nước hay tự do, dân chủ cho dân tộc, cho xã hội Việt Nam đã bị ông Hồ Chí
Minh coi nhẹ. Hai mục tiêu tốt đẹp đó chỉ là những ngọn cờ để ĐCSVN lôi kéo,
tập hợp quần chúng và giới trí thức cho mục đích giành quyền lực cho ĐCSVN.
Thực tế chính quyền dưới thời ông Hồ Chí Minh đã biểu hiện đi ngược lại hoàn
toàn hai mục tiêu tốt đẹp đó, độc lập cho dân tộc và tự do, dân chủ cho nhân
dân.
Phạm
Hồng Sơn:
Vâng, về vấn đề tự do, dân chủ cho nhân dân thì đã rõ, nhưng còn về độc lập
dân tộc, xin ông nói rõ thêm?
Huỳnh
Nhật Tấn:
Có thể nói ông Hồ Chí Minh
đã đưa đất nước thoát khỏi sự phụ thuộc, đô hộ của người Pháp nhưng lại để đất
nước trở lại sự phụ thuộc, khống chế và thôn tính của Trung Quốc cộng sản.
Nếu không có sự đồng ý, chủ kiến ngoại giao của ông Hồ Chí Minh thì không thể
có tình hữu nghị Việt-Trung như “môi với răng” và cũng không thể có Công
hàm 1958 của ông Phạm Văn Đồng. Một cách ngắn gọn, có thể nói ông Hồ Chí
Minh đã vô tình tạo điều kiện thuận lợi cho sự xâm lăng, thôn tính của Trung
Quốc cộng sản đối với Việt Nam như chúng ta đang chứng kiến.
Phạm
Hồng Sơn:
Liệu có công bằng không khi tình trạng mất độc lập, mất chủ quyền hiện nay
qui hết cho Hồ Chí Minh?
Huỳnh
Nhật Tấn:
Đúng là tình trạng lâm nguy của đất nước hiện nay không thể qui hết cho ông Hồ
Chí Minh. Nhưng bất kỳ một lãnh tụ, một nhà sáng lập của một đảng, một tổ chức
chính trị nào cũng đều có ảnh hưởng rất căn bản tới tầm nhìn, hành động của các
thế hệ kế tiếp, dù xấu hay tốt. Tôi nhớ ngay trong văn kiện,
khẩu hiệu của ĐCSVN vẫn luôn khẳng định ông Hồ Chí Minh là người sáng lập, tổ
chức, lãnh đạo, rèn luyện “Đảng ta”, tức là ông Hồ Chí Minh đã là kiến trúc sư cho mọi chính
sách, đường lối của ĐCSVN cũng như thể chế, cung cách quản lý xã hội của ĐCSVN.
Huỳnh
Nhật Hải:
Đúng như thế, theo tôi, mặc dù ông Hồ Chí Minh đã mất rồi nhưng tư tưởng, đường
lối chính trị của ông ấy vẫn được tiếp tục kế thừa trong ĐCSVN. Không phải ngẫu
nhiên mà ĐCSVN hiện nay vẫn hô hào học tập tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh.
Phạm
Hồng Sơn:
Nhưng nhiều người cho rằng tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh là rất tốt đẹp,
đáng học theo?
Huỳnh
Nhật Hải:
Đúng, rất tốt đẹp và đáng học nếu chỉ căn cứ vào lời nói và khẩu hiệu như ông
Hồ Chí Minh đã đề ra. Và đúng là ĐSCVN hiện nay cũng đang thực hiện đúng như
thế, các khẩu hiệu, lời nói, mục tiêu của họ hiện nay cũng rất hoặc khá tốt
đẹp, nhưng hành động và thực tế thì lại hoàn toàn ngược lại – cũng như ông Hồ
Chí Minh.
Huỳnh
Nhật Tấn:
Nếu chỉ căn cứ vào truyền thống nhân ái của người Việt Nam thông thường thôi
thì cũng thấy đáng lý ra, với cương vị là người có quyền hành cao nhất, ông Hồ
Chí Minh phải ra lịnh không được giết hoặc hãm hại ân nhân của mình như vụ xử bắn bà Nguyễn Thị Năm và nhiều
người khác trong Cải cách Ruộng đất. Hoặc những vụ bắt bớ, thanh trừng các đồng
sự, các ân nhân của ĐCSVN sau này mà không qua xét xử thì ông Hồ Chí Minh không
thể không biết là trái đạo lý. Nếu ông Hồ Chí Minh thực sự là người vì nước vì
dân thì sau khi lên nắm quyền, điều đầu tiên ông Hồ Chí Minh phải làm là phải
để nhân dân và giới trí thức có nhiều tự do hơn thời thực dân Pháp chớ.
Phạm
Hồng Sơn:
Nếu được sống lại thời tuổi trẻ một lần nữa, các ông có tiếp tục ủng hộ và
đi theo Việt Minh, Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam Việt Nam hay ĐCSVN?
Huỳnh
Nhật Hải:
Không, không bao giờ.
Huỳnh
Nhật Tấn:
Tôi sẽ phải bình tĩnh hơn, tìm hiểu xem họ có ủng hộ và có tư tưởng dân chủ
thực sự không, chứ không thể chỉ căn cứ vào lời nói và tuyên truyền của họ.
Theo tôi, vấn đề dân chủ phải được đặt cao hơn vấn đề dân tộc vì chỉ có dân chủ
mới giúp cho dân tộc được tự do đúng nghĩa và khi đó đất nước mới có nền độc
lập bền vững.
Phạm
Hồng Sơn:
Ngày 30/04/1975 các ông đang ở đâu và cảm xúc như thế nào?
Huỳnh
Nhật Tấn:
Lúc đó tôi đang ở Đà Lạt. Tôi đã trở về Đà Lạt từ ngày 03/04/1975 với tư thế
của người chiến thắng.
Huỳnh
Nhật Hải:
Tôi về Đà Lạt sau ông em tôi một ngày, ngày 04/04/1975. Cảm xúc của tôi là sung
sướng vô cùng, nhất là khi gặp lại má tôi – má đã tưởng tôi hy sinh từ năm 1971
và đã đưa ảnh tôi lên bàn thờ.
Phạm
Hồng Sơn:
Dịp 30/04 hàng năm vẫn là một trong những ngày lễ lớn của cả đất nước, cảm
xúc của các ông ra sao trong những ngày này?
Huỳnh
Nhật Hải:
Buồn. Nếu
không có cuộc chiến tranh tương tàn giữa hai miền trước 1975 thì dân tộc này
không có cái bất hạnh, đau khổ như ngày hôm nay.
Huỳnh
Nhật Tấn:
Buồn. Một
ngày quá buồn. Cái chiến thắng 30/04 chỉ đem lại một sự áp bức trên mọi phương
diện cho nhân dân, đất nước và lại nặng nề hơn cả thời Pháp thuộc.
Phạm
Hồng Sơn:
Nếu bây giờ vô tình hai ông gặp lại một người là cựu viên chức cũ của chế độ
Việt Nam Cộng Hòa và người đó chính là “kẻ thù” của ông trước 1975, điều trước
tiên hai ông muốn nói là gì?
Huỳnh
Nhật Tấn:
Tôi có lỗi với dân tộc. Chính cái hăng hái, nhiệt huyết của tôi đã góp phần
dựng nên chế độ độc tài hiện nay, đã vô tình đem lại sự đau khổ hiện nay. Và
nếu xét về những căn bản để bảo đảm tự do cho nhân dân và độc lập cho dân tộc
thì tôi cũng đã vô tình góp công sức đưa những người mang danh là “cách mạng”
nhưng thực chất là vì quyền lực tới phá bỏ một chế độ đã được xây dựng trên
những căn bản về tự do, dân chủ và nhân bản tại miền Nam Việt Nam.
Huỳnh
Nhật Hải:
Bây giờ nhìn lại, con đường chúng tôi đã đi trước 1975 là một con đường sai
lầm. Sự nhiệt huyết lúc đó của chúng tôi đã đem lại bất hạnh hơn là hạnh phúc
cho dân tộc.
Phạm
Hồng Sơn:
Xin trân trọng cảm ơn ông Huỳnh Nhật Hải, Huỳnh Nhật Tấn.
______________________
Chú thích ảnh: Ông Huỳnh Nhật Hải
(phải) và ông Huỳnh Nhật Tấn (trái)
©
2012 pro&contra
[i] “Mi” tức là “sắn” theo tiếng miền Bắc
.
.
.
No comments:
Post a Comment