29-4-2012
Kỹ sư Đỗ Nam Hải là một chiến sỹ đấu tranh dân chủ, hiện
đang sinh sống tại thành phố Sài Gòn – Việt Nam. Anh cũng là một thành viên
trong Ban đại diện lâm thời Khối 8406. Anh đã được Mạng Lưới Nhân Quyền Việt
Nam (Vietnam Human Rights Network) trao tặng giải thưởng năm 2006 và Tổ
chức theo dõi nhân quyền (Human Rights Watch - HRW), có trụ sở tại New York
– Hoa Kỳ trao tặng giải thưởng năm 2007.
Phóng viên Đài Sài Gòn Network đã
có cuộc phỏng vấn anh như sau:
Phóng viên: Vừa qua, anh có gửi một bức thư cho một số lãnh đạo nhà nước và
công an cộng sản Việt Nam. Xin anh cho biết nội dung và mục đích của bức thư
này?
Trả lời:
Vào ngày 26/2/2012 vừa qua, tôi có gửi một bức thư cho các ông: Nguyễn Sinh
Hùng - Chủ tịch Quốc hội, Nguyễn Tấn Dũng - Thủ tướng, Trần Đại Quang - Bộ
trưởng công an, Hà Hùng Cường - Bộ trưởng tư pháp và Nguyễn Chí Thành - Giám
đốc công an Tp. HCM.
Nội dung bức thư đề cập đến việc
trong suốt hơn 7 năm qua, đặc biệt là từ ngày 8/4/2006, là ngày mà bản Tuyên
Ngôn Tự Do Dân Chủ Cho Việt Nam 2006 (Tuyên ngôn 8406) ra đời cho đến nay, xung
quanh nhà tôi ở luôn luôn có công an mặc thường phục lập chốt canh gác công
khai suốt ngày đêm. Vì vậy mà trong thư, tôi muốn hỏi hay nói đúng hơn là chất
vấn các vị trên rằng: trong hệ thống luật pháp Việt Nam hiện hành, có điều
khoản nào cho phép công an được làm như vậy hay không?
Dỹ nhiên, tôi không hề ngây thơ mà
nghĩ rằng họ sẽ trả lời mình, dù chỉ là sự trả lời của một nhân viên cấp thấp
trong hệ thống của họ. Mục đích của tôi khi làm việc này là để tố cáo trước
công luận về sự vi phạm quyền con người mà công an Việt Nam đã làm đối với tôi
bao năm qua. Về điểm này, tôi nghĩ rằng mình đã đạt được mục đích.
Ở Việt Nam có một tình trạng là:
khi công an làm nhiệm vụ trấn áp thì họ luôn quy chụp cho những người đấu tranh
dân chủ là “vi phạm pháp luật”. Thực tế thì hoàn toàn ngược lại: chính công an
mới là lực lượng tác oai, tác quái; họ luôn vi phạm Hiến pháp và luật pháp Việt
Nam mà không ai có thể trừng phạt được họ. Giới cầm quyền Việt Nam hiểu rất rõ
rằng: nếu họ buông súng đạn và nhà tù ra, nếu họ để mất lòng lực lượng công an
thì chế độ này sẽ mau chóng sụp đổ. Vì vậy, cả hai đã tìm ra một cách sống
chung: sống cộng sinh với nhau và sống ký sinh vào lòng dân tộc! Chính Điều 4
của Hiến pháp hiện hành là cơ sở để chế độ này duy trì được đến lúc này cái lối
sống ký sinh đó. Điều này giải thích vì sao mà ông Nguyễn Minh Triết, nguyên Ủy
viên Bộ chính trị, nguyên Chủ tịch nước CHXHCNVN đã từng khẳng định, vào tháng
8/2007: “Dù ai nói ngả nói nghiêng, dù ai muốn bỏ Điều 4 Hiến pháp gì đó thì
không có chuyện đó, bỏ cái đó đồng nghĩa với việc chúng ta tuyên bố tự sát”.
Phóng viên: Theo như trong thư, anh bị công an canh chừng chặt chẽ và sát sao
như vậy thì anh nhận định những mục đích của sự đàn áp đó của họ là gì?
Trả lời:
Đúng, tôi đã bị công an Việt Nam đeo bám chặt chẽ như vậy. Trong bài Cảm Xúc
Mùa Xuân gần đây của mình, tôi cũng đã viết về điều đó: “Mỗi khi tôi đi đâu,
cho dù là đêm hay ngày, nếu nhìn xung quanh đều thấy có công an Việt Nam lảng
vảng, chập chờn. Chế độ này đã đốt đi tiền thuế của nhân dân hàng trăm triệu
đồng mỗi tháng cho cái trò nhố nhăng, ba láp. Điều đó đã kéo dài liên tục suốt
gần 8 năm qua, tạo cho tôi cái cảm giác thường trực rằng: Tôi đang sống trên
quê hương, đất nước mình mà như đang sống trong vùng địch tạm chiếm!”
Có những người nghe chuyện này xong
nhưng còn bán tín, bán nghi nên đã thắc mắc: “Liệu có gắt gao đến mức như
vậy không, anh Hải?”. Tôi trả lời: “Điều này bạn đâu có khó kiểm chứng. Nhà
tôi ở 441 Nguyễn Kiệm, P.9, Q.Phú Nhuận, còn công an thường lập chốt canh gác ở
ngay nhà đối diện, số 430. Đó là ngôi nhà vừa là nơi rửa xe, vừa là sạp bán
báo. Ngoài ra, họ còn đứng ở trước cửa nhà số 420 hoặc trong hẻm số 429 Nguyễn
Kiệm để gác cả cửa sau nhà tôi nữa. Mỗi ca gác của họ thường có 3 người, đi 2
xe gắn máy và mỗi ngày là 3 ca như vậy. Khi nào tôi ở nhà, nếu ai đó đến làm
khách rửa xe hay mua báo là nhận ra ngay. Đặc điểm rất dễ nhận thấy của họ là:
mắt lúc nào cũng nhớn nhác nhìn sang phía nhà tôi. Mỗi khi tôi chuẩn bị đi đâu
thì họ vội vàng đứng dậy, huýt sáo inh ỏi, gọi điện thoại í a í ới, rồi bám
theo tôi như hình với bóng.
Ngoài ra, tôi tự đặt ra cho mình
một nguyên tắc và luôn tôn trọng nó là: bất cứ một sự tố cáo nào về việc công
an đàn áp thì tôi chỉ có thể tố cáo thiếu cho họ (do khuôn khổ có hạn và mình
cũng không thể nhớ hết), chứ không bao giờ tôi tố cáo họ quá lên so với thực
tế. Vì nếu làm như vậy, họ sẽ coi thường về nhân cách và động cơ đấu tranh của
mình. Lực lượng này nắm rất rõ việc họ đàn áp những ai và đàn áp ra sao, nhân
cách và động cơ của từng người đấu tranh dân chủ là như thế nào,… Ai có thể
nhầm chứ công an thì họ không bao giờ nhầm những điều này.
Những mục đích chính của công an
khi đàn áp tôi là:
- Tạo nên một áp lực mạnh, thường
xuyên và liên tục lên tôi và gia đình, cả về tinh thần lẫn vật chất. Cuộc sống
của tôi sẽ bị đảo lộn, tôi sẽ không có thu nhập và trở thành gánh nặng cho gia
đình. Nghĩa là họ đem đồn công an, vừa vô hình lại vừa hữu hình rồi đặt cả
trong và ngoài nhà tôi quanh năm, suốt tháng, 24/24. Bản thân tôi là người đấu
tranh đã đành nhưng còn cha, mẹ tôi và những người thân khác cũng bị ảnh hưởng
nặng nề bởi áp lực đó. Họ tính toán rằng: chính những người trong gia đình, do
không chịu nổi áp lực sẽ gây sức ép lên tôi để đến một giới hạn nào đó, tôi
cũng sẽ không chịu đựng nổi nữa và phải từ bỏ cuộc đấu tranh của mình.
- Tạo nên một “tấm gương đấu tranh
dân chủ” thất bại toàn diện, với tính toán rằng: trong hoàn cảnh đó thì những người
thân, bạn bè, đồng nghiệp, hàng xóm,… do lo sợ bị liên lụy mà sẽ tìm cách xa
lánh tôi. Những người đang chuẩn bị bước vào cuộc đấu tranh cho dân chủ sẽ nhìn
vào “tấm gương thất bại tày liếp” là tôi đây mà tự động dừng lại.
- Ngăn chặn những cuộc gặp gỡ, tiếp
xúc của tôi với những người cùng chí hướng đấu tranh; với các bạn trẻ là công
nhân, nông dân, học sinh, sinh viên; ngăn chặn những đoàn quốc tế quan tâm đến
các vấn đề tự do, dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam, khi họ muốn gặp tôi.
- v.v…
Phóng viên: Sự canh chừng, ngăn chặn như thế chắc chắn đã gây cản trở cho
việc đấu tranh của anh rất nhiều. Anh đánh giá ra sao về điều này? Nhìn ở góc
độ khác thì sự canh chừng đó có lợi gì cho cuộc đấu tranh không?
Trả lời:
Xét ở một số mặt nào đó, công an Việt Nam cũng đã đạt được những mục đích giới
hạn của họ. Ví dụ: nó đã khiến cho tinh thần cha, mẹ già của tôi luôn lo âu,
căng thẳng. Cuộc sống của tôi chịu nhiều thiệt thòi cả về tinh thần lẫn vật
chất trong đó, có những điều nói ra được và có những điều không nói ra được.
Một số bạn bè tôi, do lo ngại bị công an gây phiền hà nên cũng tìm cách xa lánh
(rất may là số này không nhiều),...
Song chính từ đây cũng giúp tôi
hiểu được sự thật – giả, tốt – xấu trong sâu thẳm con người; phân biệt được đâu
là bạn còn đâu chỉ là “bè”. Nhưng đổi lại, tôi đã có thêm những người bạn mới,
tôi được là người tự do khi có thể nói và viết những gì mà mình suy nghĩ. Đó là
những phần thưởng vô giá mà cuộc sống đấu tranh dân chủ đã đem lại cho tôi.
Ngay cả với những người mà tôi nhận ra họ chỉ là “bè” của mình thì tôi cũng
hoàn toàn thông cảm với họ. Bởi lẽ, chế độ này đã cố tình tạo ra nỗi sợ hãi ấy
lên cả dân tộc và lên chính họ bao năm qua.
Còn xét về căn bản thì bộ máy công
an Việt Nam đã thất bại: đa số các bạn tôi vẫn tiếp tục giữ mối quan hệ tốt với
tôi. Điều đó đã động viên tôi rất nhiều. Nó giúp tôi luôn giữ được thái độ bình
thản, một tinh thần ung dung tự tại và một niềm tin sắt đá vào sự thắng lợi tất
yếu của cuộc đấu tranh dân chủ. Không chỉ tin tưởng mà tôi còn hành động, và
một trong những bằng chứng để chứng minh cho điều đó là tôi đang trả lời phỏng
vấn anh đây. Nhân dịp này, tôi xin được bày tỏ lòng biết ơn chân thành của mình
đến họ – Những người đã vượt qua được nỗi sợ hãi.
Xét ở một góc độ khác thì sự đàn áp
của công an đối với tôi và nhiều người đấu tranh khác lại rất có lợi cho phong
trào dân chủ và có hại cho chế độ độc tài. Bởi lẽ, thứ nhất là nhân dân và thế
giới tiến bộ sẽ thấy rõ: chỉ có chế độ đã hoàn toàn bế tắc, hoàn toàn sụp đổ về
mặt lý luận mới phải sử dụng đến cái trò ngăn chặn quái thai này. Thứ hai, bộ
máy công an Việt Nam do vậy sẽ ngày càng phình to ra, với những chi phí khổng
lồ mà ngân sách quốc gia đang phải oằn lưng gánh chịu. Đó là những khối u ác
tính trên cơ thể Mẹ Việt Nam vốn đã còm cõi. Để rồi, đến một giới hạn nào đó,
nền kinh tế này sẽ không chịu đựng nổi nữa và sự sụp đổ sẽ là tất yếu, theo quy
luật.
Quá trình ấy đang diễn ra mạnh mẽ
và đi dần đến hồi kết. Nhìn vào nền kinh tế Việt Nam, chúng ta thấy ngay là nó
đang bước vào giai đoạn cuối của cuộc khủng hoảng toàn diện. Lúc ấy, dù có 1
Tổng cục an ninh hay 10, dù có 100 hay 1000 viên tướng công an thì nó cũng vẫn
cứ sụp đổ, không gì cứu vãn nổi. Hễ càng phình to lại càng mau sụp đổ! Nhìn vào
tình hình ở Đông Âu và Liên Xô, giai đoạn 1989 – 1991 chúng ta cũng thấy rõ:
những nước cộng sản này đều đã bị sụp đổ khi mà các lực lượng công an, quân
đội, truyền thông,… còn rất đồ sộ nhưng tư tưởng của họ thì đã hoang mang và rã
đám nghiêm trọng.
Phóng viên: Một số người đấu tranh rất năng nổ cũng bị công an Việt Nam gây
khó khăn như anh, họ đã sang Thái Lan tị nạn chính trị. Họ cho rằng ở lại trong
nước bị công an bách hại và canh chừng chặt chẽ như vậy thì không đấu tranh
được. Anh nghĩ sao về điều này?
Trả lời:
Là người đang hàng ngày hàng giờ trực tiếp đấu tranh với bộ máy công an Việt
Nam, tôi hoàn toàn thấu hiểu và thông cảm với những khó khăn, gian khổ và đầy
hiểm nguy mà các anh, chị, em đã phải chịu đựng. Một số người phải đi tỵ nạn
chính trị bằng con đường chính thức, một số khác đông hơn phải chạy sang Thái
Lan như anh nói ở trên. Khi ở Việt Nam và bị đàn áp, họ chỉ có một mình trong
khi công an thì “đông như quân Nguyên”, hễ cần bao nhiêu là họ có bấy nhiêu.
Giả sử có một nhóm anh chị em đấu tranh nào đó cùng bị bắt về đồn thì khi về
đấy, chắc chắn họ cũng sẽ bị tách ra để “điều tra riêng”.
Đây rõ ràng là một cuộc chiến đấu
không cân sức. Dù họ ở nhà hay ngoài đường, ở trong đồn công an, trong các
phiên tòa hay trong chốn lao tù cộng sản thì họ đều phải tự tổ chức lấy cuộc
chiến đấu của mình. Đây là cuộc đấu trí chứ không phải đấu lực và
vũ khí chiến đấu của họ chỉ có lòng yêu nước. Ngoài ra, họ không có một thứ vũ
khí nào khác. Tư thế chiến đấu của họ luôn đàng hoàng, đĩnh đạc và đứng ở ngoài
ánh sáng. Họ có thể chỉ là những con người rất bình thường, với nghề nghiệp và
trình độ học vấn bình thường mà chúng ta vẫn thường gặp họ ở ngoài đường. Nhưng
họ đã dũng cảm đứng lên bất chấp mọi hiểm nguy. Trong khi có biết bao vị trí
thức thông thạo đông tây kim cổ thì lại ngoảnh mặt làm ngơ trước những nỗi đau
của đồng loại. Họ cho rằng như thế mới là “khôn”! Nhưng theo tôi, nếu một dân
tộc có quá nhiều người “khôn” như vậy thì đó chắc chắn là một dân tộc dại!
Ở phía bên kia, những lực lượng
được Đảng cộng sản Việt Nam giao nhiệm vụ đàn áp những người đấu tranh thì lại
tàn ác như quỷ và rị mọ như ma vậy. Khi thì họ rúc vào bóng tối để đóng vai là
“công dân bức xúc” mặt mày bặm trợn, hành động nhẫn tâm, tàn ác. Khi thì họ lại
hùng hổ, vỗ ngực xưng tên là “công cụ sắc bén của bộ máy chuyên chính vô sản”.
Họ nắm trong tay súng đạn, nhà tù, còng số 8 và những điều khoản rất chung
chung, mơ hồ của Bộ Luật Hình Sự hiện hành. Tuy là chung chung, mơ hồ nhưng
chúng lại có thể buộc tội, bỏ tù những người đấu tranh, mỗi khi mà Đảng của họ
cần họ ra tay. Ví dụ:
- Điều 87: Tội phá hoại chính sách
đoàn kết dân tộc.
- Điều 88: Tội tuyên truyền chống
Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
- Điều 258: Tội lợi dụng các quyền
tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ
chức, công dân.
- v.v…
Biểu hiện dễ nhận ra nhất của sự
đàn áp đó chính là những bản cáo trạng với những lời lẽ và chứng cứ buộc tội
nhảm nhí, vô căn cứ và đi kèm với nó là những bản án bỏ túi nặng nề. Nhưng bất
chấp mọi sự đàn áp, phong trào dân chủ Việt Nam chẳng những không bị dập tắt mà
ngược lại, nó ngày càng phát triển cả về số lượng và chất lượng. Trong sự phát
triển đó có sự đóng góp không nhỏ của những anh, chị, em đã và đang xin đi tị
nạn chính trị. Tôi tin rằng, sự ra đi đó chỉ là tạm thời và có tính giai đoạn
để chuẩn bị cho ngày trở về sắp tới, khi mà thời cơ của cuộc Cách mạng dân chủ
xuất hiện.
Phóng viên: Đề nghị anh nói rõ hơn về thời cơ của cuộc Cách mạng dân chủ.
Trả lời:
Những điều kiện để tạo nên thời cơ của một cuộc Cách mạng dân chủ là:
1. Giai cấp thống trị thối nát lung
lay đến tận gốc rễ. Chúng lúng túng, bối rối không thể và không đủ khả năng nắm
quyền cai trị nhân dân như trước nữa. Mâu thuẫn trong nội bộ họ ngày càng phát
triển cao độ mà ở giai đoạn cuối sẽ biến thành những cuộc đấu đá phe phái kịch
liệt, một mất một còn. Mặt nạ của những người vốn tự coi là “đồng chí” của nhau
sẽ rơi xuống thảm hại.
2. Giai cấp bị trị là đại bộ phận
dân tộc quyết không cam chịu bị cai trị như trước nữa. Họ bị bóc lột, bị dồn ép
đến tận cùng, với kiếp sống mòn và một tương lai vô định. Mẫu thuẫn về quyền
lợi giữa họ với giai cấp thống trị ngày càng gay gắt, phát triển thành mâu
thuẫn đối kháng, không thể dung hòa.
3. Có một đường lối đấu tranh chính
trị đúng đắn do tầng lớp trí thức cấp tiến lãnh đạo, tạo nên một phong trào dân
chủ.
4. Các thành phần trung gian trong
xã hội không còn thụ động, đắn đo, nghiêng ngả nữa. Họ đã nhận thức được đâu là
chính nghĩa, đâu là phi nghĩa và dứt khoát đứng hẳn về phía các lực lượng dân
chủ.
Theo tôi, hiện nay ba điều kiện đầu
là đã có và vẫn đang phát triển tốt, theo hướng cán cân lực lượng ngày càng
nghiêng dần về phía các lực lượng dân chủ. Hàng triệu nông dân bị mất đất, nay
trắng tay. Hai lực lượng quân đội và công an đa số đều là con em của họ. Hàng triệu
công nhân chỉ mong tìm được một chỗ bán sức lao động sao cho tử tế nhưng cũng
vô cùng khó khăn. Họ trước đây là “hai lực lượng nòng cốt của cách mạng” thì
nay đang bị giai cấp cầm quyền phản bội trắng trợn nhất. Họ nhất định cuối cùng
sẽ nhận thức ra được bản chất của vấn đề và tự nguyện tham gia vào phong trào
dân chủ. Đây chính là quá trình mà những người Việt Nam yêu nước ở cả trong và
ngoài nước đang tích cực thúc đẩy cho điều kiện thứ (4) được phát triển chín
muồi: thời cơ của cuộc Cách mạng dân chủ đã đến!
Giai đoạn sắp tới sẽ là cuộc đấu
tranh khốc liệt giữa một bên là các lực lượng dân chủ có chính nghĩa, được cả
dân tộc và thế giới tiến bộ ủng hộ. Còn một bên là giai cấp cầm quyền phi
nghĩa, cố bám víu lấy quyền lực và quyền lợi, họ đang bị cả dân tộc và thế giới
tiến bộ lên án và chống lại. Các lực lượng dân chủ Việt Nam vừa tích cực tạo ra
thời cơ, vừa nhạy bén nắm bắt thời cơ khi nó đến, tiến lên giành lấy các quyền
tự do dân chủ về cho nhân dân. Mọi biểu hiện của sự nóng vội, muốn đốt cháy
giai đoạn khi thời cơ chưa chín muồi hoặc chần chừ, ngại khó, ngại khổ, ngại hy
sinh khi thời cơ đến đều là sai lầm và đều có tội với dân tộc và lịch sử!
Phóng viên: Câu hỏi sau đây khá tế nhị, anh có thể trả lời hay không trả lời.
Một số người quan tâm đến phong trào dân chủ Việt Nam thắc mắc rằng: có những
người tham gia vào phong trào dân chủ nhưng nếu so sánh với anh thì họ chưa làm
được gì nhiều, thế mà họ lại bị bắt và bị tòa án cộng sản Việt Nam kết án tù.
Còn anh thì cho đến nay, mặc dù bị công an đàn áp nặng nề nhưng lại chưa bị
bắt. Anh nghĩ sao về việc này?
Trả lời:
Một trong những điểm mà những người đấu tranh dân chủ chúng ta đang làm là lên án
mạnh mẽ cái chế độ chính trị hiện nay ở Việt Nam thiếu tính công khai, minh
bạch; luôn tìm mọi cách để che giấu, bưng bít thông tin. Vậy thì không có lý do
gì mà tôi lại đi né tránh sự thật, khi đối diện với câu hỏi “tế nhị” của anh
trên đây.
Trong những lần bị công an chặn bắt
dọc đường rồi ép về đồn (thường là ở Trụ sở công an quận Phú Nhuận, số 181
Hoàng Văn Thụ, P.8, Q. Phú Nhuận, Sài Gòn nhưng cũng có một giai đoạn lại ở số
4 Phan Đăng Lưu, quận Bình Thạnh), tôi thường nói với những viên sỹ quan công
an cấp tá vẫn làm việc với tôi: Tôi không bao giờ muốn thách thức các ông làm
gì vì làm như vậy chỉ thiệt cho tôi mà thôi. Các ông có cả một bộ máy để đàn
áp, trong khi tôi chỉ có một mình. Nhưng tôi vẫn muốn một lần nữa khẳng định
rằng: Vì sự nghiệp dân chủ hóa đất nước, tôi sẵn sàng bước vào nhà tù nhỏ để
dân tộc này sớm thoát ra khỏi nhà tù lớn và cái nhà tù lớn ấy hiện mang tên là
nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam!
- Những viên công an đó đã nói với
tôi:
Chúng tôi cần gì phải bắt bỏ tù anh,
chúng tôi cứ để anh Hải như thế này mà lại hóa hay, ai muốn hiểu sao thì hiểu!
- Tôi nói:
Ruột gan của các ông đã bị phơi bày
ra từ chính câu nói vừa rồi! Là người có kinh nghiệm đấu tranh với công an
nhiều năm và có nhiều bạn bè vẫn đang công tác trong ngành công an, tôi không
lạ gì những trò ma quỷ đó của các ông. Vậy tôi thử lật ngửa con bài này của các
ông ra, xem nó có đúng không nghe: mỗi khi định bắt ai trong phong trào dân
chủ, các ông đều phải tính tóan giữa cái lợi và cái hại của việc làm này. Nếu
thấy cái lợi lớn hơn hại các ông sẽ bắt ngay. Nhưng nếu thấy cái hại lớn hơn
cái lợi thì các ông sẽ tạm hoãn lại để tìm những phương cách đàn áp khác tốt
hơn.
Trước đây thì không cần phải như
vậy. Nếu là 30 – 40 năm trở về trước thì chỉ cần ghép cho ai những chữ như
“phản động”, “chống Đảng”, “chống chính quyền nhân dân”,v.v… thì công an các
ông đã có thể đưa người ta đi “học tập” rồi. Các ông giam giữ, đọa đày người ta
5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa cho đến khi nào chán chê, các ông đá đít
bảo người ta về thì họ mới được lê lết tấm thân tàn tạ mà ra khỏi nhà tù. Thậm
chí có nhiều người đã phải chết trong tù. Trong nỗi oan khiên và đau đớn đến
tột cùng ấy, họ và gia đình họ không biết kêu ca với ai, không thể kiện cáo ai,
cũng không có lấy một phiên tòa xét xử và một tấm giấy giắt lưng dù chỉ là “tạm
tha”, đúng không?
Nhưng tình hình nay đã khác xưa,
đại thể là: tuy vẫn được Đảng của các ông nuông chiều, ban cho các ông quyền tự
tung tự tác nhưng hôm nay, dù có cố bưng bít đến đâu thì những tội ác của các
ông sớm hay muộn gì cũng sẽ bị vạch trần. Sự quan tâm của thế giới tiến bộ, sự
liên minh giữa các lực lượng dân chủ Việt Nam ở trong và ngoài nước, kết hợp
với những thành tựu mới về khoa học kỹ thuật như: điện thoại, radio, Internet,…
đã góp phần bảo vệ những người đấu tranh dân chủ chúng tôi rất nhiều.
Nhưng như thế vẫn chưa đủ để tôi tự
bảo vệ được mình. Một điều quan trọng là tôi cần phải phá được những cái bẫy mà
bao năm qua, công an các ông đã giăng ra cho tôi. Còn giăng như thế nào thì các
ông nắm rõ hơn cả. Nhưng điều quan trọng hơn cả là tôi đã phá được chúng. Tất
nhiên tôi hiểu rằng: dưới chế độ công an trị này thì khi cần, các ông cũng
chẳng xá gì mà không bắt bậy tôi đâu. Biết bao nhiêu người đấu tranh khác cũng
vẫn bị các ông bắt bậy đấy thôi. Nhưng nếu tìm cách đưa tôi vào bẫy để bắt thì
tôi có thể khẳng định rằng: các ông đã thất bại, đang thất bại và sẽ tiếp tục
thất bại!
- Cuối cùng họ nói với tôi:
Thôi, thế này anh Hải ạ: chúng ta
thống nhất với nhau là không tranh luận về những suy nghĩ hay quan điểm của anh
là đúng hay sai nữa. Anh có quyền bảo lưu chúng cũng được. Nhưng chúng tôi đề
nghị anh đừng phát triển chúng, đừng viết bài hay trả lời phỏng vấn báo, đài
bên ngoài nữa. Anh nên lo đến cuộc sống riêng của mình, lo cho cha, mẹ anh nay
đã già yếu thì hơn.
- Tôi trả lời:
Tôi suy nghĩ thế nào, quan điểm của
tôi ra sao thì tôi phải nói ra, viết ra cho mọi người cùng chia sẻ, chứ tôi giữ
chúng ở trong đầu mình thì nào có giá trị gì. Còn trách nhiệm đối với cha, mẹ
tôi thì tôi vẫn lo chu toàn, chỉ mong sao là các ông đừng có phá bĩnh một cách
thâm độc mà thôi!
- Liên quan đến việc giăng bẫy của
công an Việt Nam như nói ở trên, tôi xin liên hệ đến 3 câu chuyện sau:
1) Việc giải truyền đơn và giăng
những khẩu hiệu đòi các quyền tự do dân chủ:
Trong những năm qua đã có một số
người đấu tranh trong nước làm công việc này. Họ làm khi không có mặt công an
nhưng khi công an điều tra ra thì công an sẽ coi đây là “chứng cứ phạm tội” và
họ bị bắt, bị kết án tù. Trước sau như một, tôi luôn phản đối việc kết án phi
pháp này của Nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam. Tuy nhiên, phải thẳng thắn nhìn
nhận rằng: đây là cách làm có độ rủi ro cao và có tính hiệu quả thấp. Mấy dòng
chữ ghi trong những tờ truyền đơn hay trên những băng khẩu hiệu đó nếu rải
được, giăng được thì cũng chỉ gây được một sự chú ý nhất định cho một số lượng
người rất hạn chế. Công an sẽ thu hồi ngay, do đó mà mức độ lan tỏa không cao.
Mặt khác, do khuôn khổ giới hạn của
những tờ truyền đơn và băng khẩu hiệu nên chúng cũng không thể nói lên được gì
nhiều về các nội dung dân chủ. Sự chuyển biến trong nhận thức của quần chúng vì
vậy cũng khó mà đạt được. Trong điều kiện ngày nay chúng ta có điện thoại, có
các đài phát thanh ở bên ngoài hỗ trợ (RFA, RFI, VOA, VNSR, BBC, Chân Trời
Mới,…) và đặc biệt là có Internet. Đó là những công cụ rất mạnh để chuyển tải
thông tin rất hữu hiệu. Nó dễ dàng đến được với hàng triệu, hàng chục triệu
người và chúng ta cần tận dụng tối đa chúng để thay cho cách làm rải truyền đơn
và giăng khẩu hiệu của thế kỷ trước. Một vấn đề quan trọng nữa là phải có được
những sản phẩm thông tin chất lượng, mang tính khách quan, khoa học, không cực
đoan nhằm thay đổi được nhận thức trong nhân dân.
2) Việc đi học hay đi họp ở nước
ngoài:
Trong những năm qua đã cũng có một
số người đấu tranh ở trong nước ra nước ngoài đi họp hoặc đi học, với nội dung
đấu tranh bất bạo động. Một số cá nhân hay tổ chức bên ngoài đã liên hệ với họ
để làm công việc này. Khi về lại trong nước, họ bị công an Việt Nam coi đấy là
“chứng cứ phạm tội”, rồi sau đó họ bắt và bị kết án tù. Trước sau như một, tôi
cũng luôn phản đối việc kết án phi pháp này của Nhà cầm quyền cộng sản Việt
Nam. Tuy nhiên theo tôi, đây cũng là cách làm có độ rủi ro cao và có tính hiệu
quả thấp mà những người đấu tranh dân chủ ở cả trong và ngoài nước cần phải
nghiêm túc đánh giá lại. Nếu không, lực lượng dân chủ trong nước sẽ còn tiếp
tục bị tổn thất bởi cách làm này.
3) Việc công an cài người vào các
nhóm, các tổ chức đấu tranh dân chủ ở cả trong và ngoài nước:
Đây là chuyện hoàn toàn có thật mà
nếu những người đấu tranh dân chủ Việt Nam thiếu tinh thần cảnh giác đều sẽ trở
thành nạn nhân. Xin lấy ngay tôi làm ví dụ: cách đây gần 8 năm, vào tháng
8/2004, ông Hoàng Phước Thuận, đại tá công an đã nói với tôi tại Sài Gòn, trước
khoảng 5–6 nhân viên của ông ta như sau:
Trước khi làm việc với anh, chúng
tôi đã nghiên cứu rất kỹ và có nhận xét sau: nhân thân của anh tốt, gia đình
của anh cũng rất tốt, cả 2 bác thân sinh ra anh đều là đảng viên từng trải qua
2 thời kỳ kháng chiến. Vì vậy, tôi đề nghị anh hãy vào ngành công an chúng tôi.
Thời gian đầu anh sẽ làm việc ở trong nước, sau đó anh sẽ ra nước ngoài công
tác. Anh Hải chưa cần phải trả lời chúng tôi ngay mà cần có thời gian suy nghĩ.
- Nhưng tôi trả lời ngay:
Tôi cảm ơn lời đề nghị trên của ông
nhưng tôi xin phép được từ chối. Bởi vì, nghề nghiệp chuyên môn mà tôi được đào
tạo chính quy là ngân hàng và tôi muốn làm công việc đó.
(lúc ấy tôi vẫn đang làm việc ở
ngân hàng và vẫn chưa bị công an tác động với ngân hàng cho tôi mất việc). Sau
khi tôi trả lời dứt khoát như vậy thì họ cũng không nhắc lại chuyện đó nữa.
Phụ lục:
1) Cảm xúc mùa xuân:
2) Phát biểu của kỹ sư Đỗ Nam Hải với Việt Nam Sydney
Radio:
3) Tin tham khảo: ông Hoàng Phước Thuận, đại tá, Phó Cục
trưởng Cục Bảo Vệ Chính Trị 7, Tổng cục An ninh I – Bộ Công An nhận Huân chương
quân công hạng II:
.
.
.
dieu khac chan may
ReplyDeletedieu khac chan may nam
dieu khac chan may nu
điêu khắc chân mày
điêu khắc chân mày nam
điêu khắc chân mày nữ
dieu khac long may
điêu khắc lông mày
dieu khac long may nam
dieu khac long may nu