Monday, 30 April 2012

SUY NGẪM BÀI HỌC CHERNOBYL SAU 26 NĂM (GS Nguyễn Khắc Nhẫn)




Giáo sư Nguyễn Khắc Nhẫn
Gửi cho BBC Việt ngữ từ Pháp
Cập nhật: 08:16 GMT - chủ nhật, 29 tháng 4, 2012

Thảm họa kinh hoàng Chernobyl, xếp hạng 7 theo thang INES, xảy ra tại Ukraina, Liên Xô cũ, ngày 26-4-1986, là sự kiện khơi mào cho nhận thức của nhân loại về sự nguy hiểm tiềm tàng của hạt nhân dân sự.

Tai nạn này là do ở những sai sót trong thiết kế nhà máy điện hạt nhân và một loạt lỗi lầm của con người, nhất là thái độ quan liêu không thể tả.

Chính lò phản ứng số 4 RBMK của Liên Xô, 1000 MW, kiểu lò nước sôi nhẹ, kiềm hãm bằng than và được làm giàu thấp với uranium, đã gánh chịu vụ nổ (không phải hạt nhân) và chảy tâm lò. Lò này, dạng trụ với đường kính là 12 m và cao 8 m, chứa 190 tấn uranium làm giàu 2%. Những điểm yếu của kiểu lò này là không có vỏ bọc (enceinte de confinement) hay mái vòm bảo vệ.

Công suất yếu, tâm lò không ổn định, nước dùng để truyền nhiệt có mặt khắp nơi, nhưng nó cũng là nguồn hấp thụ nơtron và do đó hơi nước rất là nguy hiểm và các cần điều khiển (barres de contrôle) không hoàn toàn dễ sử dụng.
Chính thao tác của một vài kỹ sư điện, không biết gì về hạt nhân, đến từ Moscow, với mục tiêu là chứng tỏ khả năng khởi động lại nhà máy cùng với động năng của turbin khi có sự cố bên ngoài về điện, là nguồn gốc gây ra thảm họa. Nguyên nhân là do sự bịt kín và sự gãy đổ các cần điều khiển đối với than kiềm chế. Chế độ siêu cấp (công suất lò phản ứng tăng lên 100 lần) gây ra một loạt các vụ cháy nổ.

Vụ nổ lớn đầu tiên là nổ hơi nước làm tung lên trời 1200 tấn bê tông phủ lò phản ứng. Vụ nổ thứ hai hoặc là do hydro, hoặc do vượt quá giới hạn và phản ứng dây chuyền xảy ra. Ngoài một lượng khổng lồ các chất phóng xạ tung vào không khí (cao hơn 3000 m); người ta ước tính rằng gần 100 kg plutonium (trên tổng số 400 kg chứa trong lò) đã lan tỏa vào môi trường lúc xảy ra vụ cháy.

Sự chảy tâm lò và các cấu trúc kim loại tạo nên một lớp corium nằm dưới lò phản ứng. Trong chất thải này có chứa 300 kg plutonium.

Theo một chuyên gia là giáo sư Vassili Nesterenko, sự lắng đọng của plutonium nóng chảy này có thể gây nên một vụ nổ nguyên tử nhiều chục năm sau đó! Các chuyên gia của Viện hàn lâm Khoa học Belarus tính toán rằng một vụ nổ nguyên tử mạnh từ 50 đến 80 lần bom Hiroshima có thể xảy ra 2 tuần sau vụ nổ Chernobyl!

Những người vận động lobby cho giải pháp điện hạt nhân cho rằng xác suất xảy ra một tai nạn lớn như vậy (chảy tâm lò) là khoảng 1 phần triệu.

Người ta thường nhầm lẫn giữa xác suất và kỳ vọng toán học (espérance mathématique). Con số rất nhỏ này không thể tin được, bởi vì xác suất phụ thuộc vào rất nhiều giả thiết.

Mặt khác, phần lớn, chính con người là nguyên nhân chứ không phải máy móc! Do đó phải tính đến tần suất lỗi của con người. Đừng quên rằng chỉ trong vòng 50 năm qua mà đã xảy ra năm vụ cháy tâm lò: một ở Three Mile Island, một ở Chernobyl và ba ở Fukushima. Thế giới hiện có 437 lò, với tổng công suất là 370.500 MW.

Khái niệm về rủi ro rộng hơn khái niệm xác suất. Năm nay, nhân kỉ niệm 26 năm Chernobyl, người ta bắt đầu xây dựng một cái Sarcophage (cái quách) khổng lồ thứ 2, trị giá 1,5 tỷ euros, bao trùm lò Chernobyl, với mục đích cấm phóng xạ thoát ra ngoài trời. Thiết nghĩ, thực không có một công nghệ nào “quái lạ” như thế này.

Ai nghiêm trọng hơn?
Khi so sánh mức độ nghiêm trọng giữa hai thảm họa Chernobyl và Fukushima, cũng như nhiều chuyên gia khác, tôi cho rằng thảm họa Fukushima nghiêm trọng hơn nhiều lần so với Chernobyl, bởi vì nó được gây ra bởi thiên nhiên và phức tạp hơn nhiều, tuy rằng có nhiều lỗi về thiết kế. Nó đã làm chảy tâm lò phản ứng số 1, 2, và 3 của nhà máy Fukushima 1 Daiichi và gây thấm bể chứa và đáy của một số lò (melt-out).

Thật ra, tập hợp những thanh nhiên liệu chứa trong hồ, tương đương với hai chục tâm lò, cũng có thể bị nóng chảy. Kịch bản này còn nguy hiểm hơn việc nóng chảy một tâm lò bởi vì nó không chỉ liên quan đến nhiều lò phản ứng mà còn nhiều hồ làm mát các thanh nhiên liệu phóng xạ.

Trong khi ở Chernobyl, phản ứng dây chuyền không kiểm soát được đã gây nên sự hoạt động quá mức của lò phản ứng và từ đó là nhiệt độ cao bất thường, dẫn đến vụ nổ hơi nước hoặc là hydro; tại Fukushima, phản ứng dây chuyền được tắt một cách tự động khi xảy ra động đất, điều này hạn chế mức độ thải ra các sản phẩm của quá trình phân hạch. Điều may mắn là ở Chernobyl, tâm lò nóng chảy không thấm qua đáy lò trong khi ở Fukushima, tâm lò nóng chảy đã xuyên qua bể chứa và vỏ bọc để đi vào lòng đất.

Cũng cần biết thêm rằng ở Fukushima có 877 tấn nhiên liệu trong các lò phản ứng và 3.400 tấn nhiên liệu đã qua sử dụng nằm trong 7 hồ chứa, tổng cộng là 4.277 tấn. Để so sánh, nên nhớ rằng ở Three Mile Island con số này là 30 tấn và ở Chernobyl là 190 tấn.

Ước tính lượng chất phóng xạ thoát vào không khí ở Fukushima là 770.000 terabecquerels, tức gần 5 lần ít hơn ở Chernobyl (4 triệu terabecquerels ). Nhưng con số này không tính đến chất thải đi vào đất và nước biển, và cũng không nên quên rằng việc ô nhiễm vẫn tiếp tục ở Fukushima. Lượng cesium 137 thải vào biển nhiều hơn khoảng hai lần số lượng gây ra bởi các vụ thử bom nguyên tử ở Thái Bình Dương vào những năm 1960.

Nhưng tai họa rất nguy hiểm đối với Nhật Bản nằm ở sự ô nhiễm gây ra bởi cesium 137 đối với mặt đất, tầng dưới mặt đất, các lớp nước giếng, nói chung là cả hệ thống lưu chuyển nước ngọt. Một phần nước ngọt, mà rất khó có thể biết con số chính xác, có thể không thể dùng cho sinh hoạt và nông nghiệp được trong vòng hơn 2 thế kỷ!
Trái với Tepco vốn tìm mọi cách khẳng định rằng chỉ có sóng thần là nguyên nhân của thảm họa Fukushima, Ủy ban điều tra Nhật Bản đã đưa ra giả thuyết là đường ống chính của nhà máy điện hạt nhân đã bị hư hại nghiêm trọng, ngay trước trận động đất dữ dội (9 độ Richter) xảy ra.

Tham vọng vô ích
Nhân những bài học thảm họa kể trên, trở lại các kế hoạch phát triển điện hạt nhân ở Việt Nam, chúng tôi tự đặt ra câu hỏi vì cớ gì Việt Nam lại muốn xây dựng một loạt tới 10 lò hạt nhân? Liệu nhà máy điện hạt nhân ở Ninh Thuận có thể trở thành một Tchernobyl khác không?

Và như tôi đã có dịp trình bày ở một số diễn đàn, tôi cho rằng chương trình điện hạt nhân của Việt Nam không những quá tham vọng mà thật là vô ích, vừa phí của, phí thì giờ, làm chậm trễ việc khai thác cấp tốc năng lượng tái tạo.

Ngoài Trung quốc, không có một nước nào xây dựng nhà máy điện hạt nhân với một tốc độ cao như thế, coi thường khía cạnh an toàn, khoa học, kinh tế, nhân sự, môi trường.

Mặt khác, nhu cầu điện lực của Việt Nam được thổi phồng từ lâu, không thực tế chút nào. Theo dự báo, Việt Nam sẽ cần 329 đến 362 TWh (tỷ kWh) năm 2020 và từ 695 TWh đến 834 TWh năm 2030.

Tôi cam đoan rằng những con số này không thể nào đạt được. Nếu cứ chạy theo mức tăng trưởng lũy thừa nhu cầu điện, 15%- 16% mỗi năm ( dù sẽ hạ dần xuống 11,5% đi nữa ), thì thế nào ta cũng sẽ gặp một cuộc khủng hoảng trầm trọng!

Ở Pháp hiện nay nhu cầu khoảng 500 TWh. Có kịch bản đề nghị hạ con số này xuống 360 TWh trong tương lai, với điều kiện tiết kiệm và tăng gia hiệu suất năng lượng, đồng thời sử dụng tối đa năng lượng tái tạo.

Người ta hạn chế, Việt Nam lại khuyến khích tiêu thụ. Trong lúc người ta đặt biệt chú trọng đến mô hình cầu (modèle de la demande) thì Việt Nam lại quan tâm đến mô hình cung (modèle d’offre) gây rất nhiều lãng phí. Theo đà này thì không khéo Việt Nam sẽ dư điện.

Làm bom nguyên tử?
Các bạn ngoại quốc hỏi tôi có phải Việt Nam muốn làm bom nguyên tử như Iran hay Triều Tiên. Tôi trả lời là nên đặt câu hỏi đó với Thủ tướng Chính phủ. Trên lý thuyết, mỗi năm 1 lò PWR 1000 MW có thể cho 200 kg tương đương plutonium. Nhưng kỹ thuật chế bom không phải dễ, cần một số điều kiện tối thiểu. Các lò RBMK của nhà máyTchernobyl, ngoài việc cung cấp điện, cũng có mục đích gia tăng lượng plutonium cho Liên Xô.

Một số chuyên gia cũng nghi là Việt Nam bị một áp lực kinh tế và chính trị nào đó, nên mới câp tốc xây dựng một loạt 10 – 12 lò trong một khoảng thời gian rất ngắn (đến 2030), bất chấp nguy hiểm và những khó khăn sẽ chồng chất lên nhau, khó lường trước được.

Ninh Thuận có thể trở thành Chernobyl, không phải vì máy móc, vì lò có vỏ bọc (enceinte de confinement) nhưng vì thiếu chuẩn bị chu đáo và vì nhân viên vận hành, thiếu trình độ, kinh nghiệm hay kỷ luật. Mặc khác, vùng Ninh Thuận cũng có thể bị động đất và sóng thần. Đó là chưa nói đến sự cẩu thả có thể có của tập đoàn Rosatom (Nga) và cuộc khủng hoảng trầm trọng của công nghệ điện hạt nhân Nhật Bản!

Muốn tránh một thảm họa xảy ra ở Ninh Thuận, theo tôi dễ nhất là Việt Nam phải hủy bỏ ngay chương trình điện hạt nhân. Nếu không, Việt Nam sẽ bị phóng xạ ngàn năm ô nhiễm, làm tê liệt kinh tế lâu dài và gây bao nhiêu đau thương cho đồng bào vô tội.

Không đủ nhân lực
Một vấn đề khác có thể đặt ra là nhân lực. Ngân sách Việt Nam dành cho chương trình giáo dục và đào tạo chuyên viên dự tính khoảng trên 3.000 tỷ đồng. Số lượng dự kiến đến năm 2020 cả thảy là 3000 người được đào tạo.

So với nhu cầu, con số này tương đối quá nhỏ. Một nhà máy điện hạt nhân 1000 MW, trung bình, cần khoảng 800 đến 1000 người đủ mọi ngành nghề, trong đó một nửa là nhân viên vận hành. Hiện nay trong nước có khoảng 500 chuyên viên trong lĩnh vực hạt nhân và số chuyên viên có kiến thức thực nghiệm kỹ thuật hạt nhân có lẽ không quá 100 người. Số chuyên gia cao cấp có kinh nghiệm về nhà máy điện hạt nhân thì rất hiếm.

Việt Nam đã bắt đầu chương trình đào tạo về khoa học công nghệ hạt nhân từ thang 6 – 2011. Mỗi năm dự kiến đào tạo ở 5-6 trường đại học trong nước khoảng 250 sinh viên. Theo kế hoạch nhà nước, đến năm 2020 sẽ đào tạo được 350 tiến sĩ và thạc sĩ, 24.00 kỹ sư trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân. Riêng cho lĩnh vực quản lý, ứng dụng và an toàn hạt nhân, phải đào tạo 250 tiến sĩ và thạc sĩ, 650 kỹ sư. Hàng trăm sinh viên trong các con số trên, sẽ du học và tu nghiệp ở ngoại quốc

Hiện nay phần lớn các đại học Âu Châu chú trọng đến việc đào tạo chuyên viên để tháo gỡ nhà máy hơn là để xây cất.

Tháo gỡ là một kỹ thuật tương đối mới nên người ta thiếu chuyên gia có kinh nghiệm để giảng dạy. Mặc khác, một số đông giáo sư chuyên ngành hạt nhân đã nghỉ hưu.

Nếu hàng trăm triệu đô-la chúng ta phung phí trong việc đào tạo này để dành cho lĩnh vực năng lượng tái tạo, tiết kiệm năng lượng, nâng cao hiệu suất năng lượng có phải ích lợi cho đất nước và hợp thời, thì có hợp lý hơn không?
Lẽ cố nhiên, tôi hoàn toàn không tán thành việc phung phí tiền của dân để đào tạo sinh viên như thế này, vì điện hạt nhân đã lỗi thời, vô cùng nguy hiểm, không kinh tế và cũng không có chút triển vọng nào.

Chúng ta không có quyền khuyến khích thế hệ trẻ đi ngược trào lưu thế giới, mất thì giờ vàng ngọc của họ. Tôi cho rằng Việt Nam cần xét lại gấp chiến lược năng lượng dài hạn trước khi quá muộn!

------------------------

Điện hạt nhân là một chủ đề gây tranh cãi ở Việt Nam. Bài viết nhân tuần lễ kỷ niệm 26 năm sự cố Chernobyl phản ánh quan điểm riêng của GS Nguyễn Khắc Nhẫn, Viện kinh tế, chính sách năng lượng và Đại học Grenoble, Pháp, nguyên cố vấn nha kinh tế, dự báo, chiến lược EDF Paris.


TÀI LIỆU :

.
.
.

1 comment:

View My Stats