Thursday 19 April 2012

TRUNG QUỐC ĐÃ HI SINH HÀNG NGÀN NGƯỜI GIÚP VIỆT NAM ĐÁNH MỸ (www.sohu.com )



BÊN TRONG CHUYỆN KHÁNG MỸ VIỆN VIỆT:
(Không có tên tác giả)

Người dịch: Quốc Thanh
Posted by vietsuky on 17/04/2012

Trung Quốc với Việt Nam là láng giềng núi liền núi sông liền sông, từ sau Cách mạng tháng 10, nhân dân và các nhà cách mạng hai nước Trung-Việt đã xây dựng nên tình đoàn kết chiến đấu sâu nặng.

 Năm 1955, sau khi quân đội Pháp bắt đầu rút quân khỏi Việt Nam theo Hiệp định Giơnevơ, Mỹ đã ngang nhiên vi phạm Hiệp định về việc khôi phục lại hòa bình ở các nước Đông Dương được thông qua tại Hội nghị Giơnevơ bằng thủ đoạn cung cấp viện trợ quân sự để thừa cơ nhanh chóng thâm nhập vào Nam Việt [i], thay thế thế lực Pháp, tăng cường sự khống chế đối với Việt Nam, hỗ trợ chính quyền Sài Gòn, ngăn trở sự thống nhất Nam-Bắc của Việt Nam, âm mưu biến Nam Việt thành thuộc địa và căn cứ quân sự của Mỹ. Vì thế, nhân dân Nam Việt buộc phải đứng lên phản kháng, tổ chức đấu tranh vũ trang chống Mỹ. Để dập tắt ngọn lửa đấu tranh của nhân dân Nam Việt, tháng 5 năm 1961, Mỹ đã phát động cuộc “chiến tranh đặc biệt” ở Nam Việt của Việt Nam do Mỹ xuất súng, xuất tiền, xuất cố vấn, còn Nam Việt thì xuất người, để người Việt Nam đánh người Việt Nam. Sau khi cuộc “chiến tranh đặc biệt” do Mỹ tiến hành ở Nam Việt bị thất bại, vào ngày 5.8.1964, lấy cớ quân hạm của mình bị quân Bắc Việt [ii] bắn ở ven biển Việt Nam thuộc vịnh Bắc Bộ, cái gọi là “Sự kiện vịnh Bắc Bộ”, Mỹ đã điều hàng loạt máy bay tới bắt đầu ném bom Bắc Việt. Đây lại là sự leo thang mới can thiệp vũ trang của Mỹ.

Trung tuần tháng 3.1965, Mỹ điều 3500 thủy quân lục chiến đổ bộ lên cảng Cam Ranh, điều các lực lượng mặt đất khác tiến vào tham chiến ở Nam Việt, đồng thời tăng cường ném bom xuống Miền Bắc Việt Nam.

Từ đó, cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam của Mỹ đã diễn tiến thành cuộc chiến tranh toàn diện với đặc điểm quân Mỹ là chủ thể, “đánh Miền Nam, ném bom Miền Bắc”. Đồng thời, máy bay quân sự Mỹ cũng liên tục xâm nhập vào vùng trời khu vực đảo Hải Nam và Vân Nam, Quảng Tây để ném bom và phóng tên lửa, làm chết và làm bị thương các thuyền viên và chiến sĩ giải phóng quân Trung Quốc. Báo chí Mỹ thì nhân cơ hội này trắng trợn tuyên truyền rằng trong chiến tranh Việt Nam sẽ không có chuyện “ẩn náu” như trong chiến tranh Triều Tiên, mà quân đội Mỹ sẽ thực hiện “tìm diệt”… An ninh Trung Quốc bị đe dọa nghiêm trọng. Nhân dân Việt Nam anh hùng, dưới sự lãnh đạo của Hồ Chí Minh và Đảng Lao động Việt Nam, đã tích cực lao vào cuộc đấu tranh chống Mỹ cứu nước “bảo vệ Miền bắc, giải phóng Miền nam, thống nhất đất nước”. Đồng thời, chính phủ Việt Nam không ngừng vạch mặt và tố cáo hành động tội ác xâm lược của Mỹ với nhân dân thế giới, kêu gọi sự viện trợ quốc tế.

Tháng 4 năm 1965, Bí thư thứ nhất Đảng Lao động Việt Nam Lê Duẩn, Phó thủ tướng chính phủ kiêm Bộ trưởng Bộ quốc phòng Võ Nguyên Giáp…, được sự ủy nhiệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã dẫn đầu Đoàn đại biểu Đảng, chính phủ và quân đội đi thăm Trung Quốc, yêu cầu Trung Quốc mở rộng quy mô viện trợ và điều bộ đội chi viện cho Việt Nam. Lê Duẩn nói, “chúng tôi muốn mời một số phi công chí nguyện quân, chiến sĩ chí nguyện quân…, các phương diện khác thì phải có nhân viên, bao gồm cả những nhân viên về đường sá, cầu cống trong số đó”. Đảng và chính phủ Trung Quốc đã thỏa mãn yêu cầu của phía Việt Nam. Trong cuộc hội đàm hai Đảng Trung-Việt được tổ chức ngày 8 tháng 4, Phó chủ tịch Ban chấp hành Trung ương Lưu Thiếu Kỳ thay mặt phía Trung Quốc bày tỏ: Viện trợ Việt Nam tiến hành đấu tranh chống Mỹ, “đây là nghĩa vụ mà Trung Quốc chúng tôi phải làm hết sức mình, là nghĩa vụ mà Đảng Trung Quốc phải làm hết sức mình”; “phương châm của chúng tôi là hễ các bạn yêu cầu là chúng tôi có mặt, chúng tôi phải viện trợ hết mức cho các bạn”; “các bạn không mời chúng tôi không tới. Các bạn mời những ai, chúng tôi sẽ tới những người đó”. Ở lần hội đàm này, hai phía Trung-Việt đã ký kết bản Hiệp định về việc điều bộ đội chi viện Trung Quốc cho Việt Nam. Ngày 12 tháng 4, Trung ương ra chỉ thị về tăng cường công tác sẵn sàng chiến đấu, kêu gọi toàn Đảng, toàn quân và toàn thể nhân dân về mặt tư tưởng và công tác chuẩn bị ứng đối với những tình thế nghiêm trọng nhất, phát huy tinh thần yêu nước và tinh thần quốc tế, chi viện cho cuộc đấu tranh chống Mỹ của nhân dân Việt Nam bằng tất cả những gì có thể.

Để tổ chức chi viện cho Việt Nam một cách thống nhất, và xử lý những vấn đề đối ngoại liên quan đến chi viện cho Việt Nam một cách thống nhất, Thủ tướng Chu Ân Lai quyết định tổ chức các bộ phận có liên quan thuộc Trung ương, Quốc vụ viện và quân đội thành “Nhóm chi viện Việt Nam của Trung ương và Quốc vụ viện”. Nhóm này được hợp thành từ những đồng chí phụ trách có liên quan của 21 đơn vị như Bộ ngoại giao, Bộ đường sắt, Bộ giao thông, Bộ bưu chính, Bộ vật tư, Bộ ngoại thương, Ủy ban kinh tế, Ủy ban kế hoạch, Ủy ban kinh tế đối ngoại, Tổng cục chính trị, Tổng cục hậu cần, hải quân, không quân, bộ đội đường sắt, bộ đội kỹ thuật công trình, Ban tổng tham mưu tác chiến, Ban quân vụ, Ban vũ trang, Ban giao thông quân sự, Ban thông tin, Ban tình báo… Theo đó, giải phóng quân nhân dân Trung Quốc sẽ đến Miền Bắc Việt Nam để chấp hành việc triển khai toàn diện công tác chuẩn bị cho nhiệm vụ chi viện Việt Nam chống Mỹ. Cơ quan Bộ tổng tham mưu giải phóng quân nhân dân Trung Quốc căn cứ theo quyết định của Quân ủy trung ương, đã nhiều lần mở hội nghị nghiên cứu triển khai các công việc thành lập, vận hành và nhiệm vụ…của bộ đội chi viện. Ngày 18 tháng 4, Bộ tổng tham mưu đã ban mệnh lệnh sẵn cho bộ đội kỹ thuật công trình, đường sắt…chi viện Việt Nam, đã quyết định thành lập “Đội kỹ thuật công trình tình nguyện của nhân dân Trung Quốc” tới Việt Nam thừa hành các nhiệm vụ tu sửa cấp tốc, sửa chữa đường sắt, xây dựng công trình quốc phòng và xây dựng sân bay. Ngày 6 tháng 7, Bộ tổng tham mưu lại ban mệnh lệnh sẵn về việc tổ chức 10 vạn bộ đội kỹ thuật chi viện Việt Nam làm đường quốc lộ. Đồng thời, Bộ tổng tham mưu đã tập kết bộ đội pháo cao xạ đang đợi lệnh làm tốt mọi khâu chuẩn bị lên đường. Tổng cục chính trị đã ban hành “Điều lệ về kỷ luật cho nhân viên bộ đội chi viện Việt Nam chống Mỹ”. Nhân viên các đơn vị tiếp nhận nhiệm vụ chi viện Việt Nam hết sức sôi nổi mạnh mẽ, chỉ trong thời gian ngắn đã nhanh chóng hoàn thành được công tác chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu tới Việt Nam thừa hành nhiệm vụ.

Bí mật tới Việt Nam

Cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam“đánh Miền Nam, ném bom Miền Bắc” của Mỹ ngày càng khốc liệt.
   Năm 1967, hao tổn chi phí quân sự của Mỹ là khoảng 30 tỷ đôla Mỹ. Ở Miền Nam Việt Nam, lính tác chiến mặt đất của quân Mỹ tiếp tục được đưa vào, đến tháng 3 năm 1967, số quân Mỹ ở Miền Nam đã lên tới 56 vạn, ngoài ra còn có hơn 7,2 vạn quân các nước Ôxtrâylia, New Zealand, Nam Triều Tiên…; không quân Mỹ ném bom Miền Bắc, dịch ra phía bắc từ 20º vĩ bắc ở phía nam, mở rộng cho đến cả vùng đệm ở biên giới Trung-Việt. Những nơi ban đầu được xếp vào khu cấm ném bom cũng đã trở thành mục tiêu bắn phá điên cuồng. Theo tuyên bố của Bộ quốc phòng Mỹ, từ 2.1965 đến 11.1968, không quân Mỹ đã tiến hành không kích Miền Bắc Việt Nam tới 107.700 lần, ném xuống 258 vạn tấn bom, bình quân mỗi km2 ở Bắc Việt hứng chịu 16,2 tấn, mật độ ném bom vượt xa so với bất cứ cuộc chiến nào trong lịch sử, Miền Bắc Việt Nam khói lửa mịt mù, Miền Nam chiến tranh khắp mọi nơi, dân tộc Việt Nam đứng trước thảm họa chưa từng thấy, chiến tranh Việt Nam lại phát triển thành cuộc chiến tranh cục bộ xâm lược và phản xâm lược tiếp theo cuộc chiến tranh Triều Tiên kể từ sau Đại chiến thế giới II.

Đứng trước cuộc xâm lược vũ trang của Mỹ, Trung ương Đảng lao động Việt Nam đứng đầu là Hồ Chí Minh đã lãnh đạo nhân dân Miền Nam và Miền Bắc mở rộng cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước vô cùng gian khổ. Đồng thời chính phủ Việt Nam đã yêu cầu chính phủ Trung Quốc điều bộ đội chi viện tới viện trợ. Vì thế, từ 6.1965 đến 8.1973, Trung Quốc đã lần lượt điều lính cao xạ pháo, kỹ sư công trình, đường sắt, rà phá bom mìn, hậu cần…, tổng cộng hơn 32 vạn quân, năm cao nhất lên tới hơn 17 vạn, thừa hành các nhiệm vụ phòng không, tác chiến, làm đường, xây dựng công trình quốc phòng, rà phá bom mìn và bảo đảm hậu cần… ở Miền Bắc Việt Nam. Chặng đường trải qua gian nan mà vinh quang của bộ đội chi viện Trung Quốc tại Việt Nam được chia làm 2 giai đoạn:

Giai đoạn 1: Bắt đầu từ 6.1965 và kết thúc vào 7.1970. Giai đoạn này là giai đoạn ác liệt nhất và gian khổ nhất của cuộc chiến tranh Việt Nam. Trung Quốc điều 32 vạn lính chi viện, thừa hành các nhiệm vụ tác chiến phòng không, sửa chữa và tu sửa cấp tốc đường sắt, sân bay, thông tin liên lạc, kỹ thuật công trình, xây dựng công trình quốc phòng… Tình trạng thời chiến của họ là:

Bộ đội phòng không tới Việt Nam hiệp trợ Miền Bắc tác chiến phòng không, bảo vệ đường giao thông. Theo Hiệp định giữa hai quân đội Trung-Việt và theo lời mời của Bộ tổng tham mưu quân đội Việt Nam ngày 14.7.1965, đợt bộ đội pháo cao xạ chi viện Việt Nam đầu tiên đã vào Việt Nam ngày 1.8.1965. Đợt thứ nhất là 3 phân đội (nguyên văn “chi đội”) 61, 62 và 63, lần lượt từ Vân Nam, Quảng Tây vào Việt Nam tác chiến ở Miền Bắc, đến 2.1966 về nước; đợt thứ 2, bộ đội pháo cao xạ vào Việt Nam tác chiến từ 2.1966, đến 10.1966 về nước; đợt thứ 3, bộ đội pháo cao xạ vào Việt Nam tác chiến từ 10.1966, đến 6.1967 về nước; đợt thứ 4, bộ đội pháo cao xạ vào Việt Nam tác chiến từ 1.1967, đến 8.1967 về nước; đợt thứ 5, bộ đội pháo cao xạ vào Việt Nam tác chiến từ 5.1967, đến 1.1968 về nước; đợt thứ 6, bộ đội pháo cao xạ vào Việt Nam tác chiến từ 6.1967, đến 1.1968 về nước; đợt thứ 7, bộ đội pháo binh cao xạ vào Việt Nam tác chiến từ 8.1967, đến 3.1968 về nước; đợt thứ 8, bộ đội pháo cao xạ vào Việt Nam tác chiến từ 1.1968, đến 2.1969 về nước; đợt thứ 9, bộ đội pháo cao xạ vào Việt Nam tác chiến từ 3.1968, đến 2.1969 về nước. Đến 4.1969 thì ngừng. Bộ đội pháo cao xạ vào Việt Nam luân phiên tác chiến, có 16 phân đội , 63 trung đoàn trực thuộc và 50 đội thuộc tiểu đoàn pháo cao xạ, một bộ phận đại đội súng cao nòng và phân đội hậu cần…, tổng cộng hơn 15 vạn người. Chủ yếu đảm nhận nhiệm vụ tác chiến phòng không đoạn từ Bắc Ninh đến Lạng Sơn thuộc tuyến đường sắt Hà Nội-Hữu nghị quan, đoạn từ Yên Bái đến Lào Cai thuộc tuyến đường sắt Hà Nội-Lào Cai, tuyến đường sắt Kép-Thái Nguyên mới mở và Khu gang thép Thái Nguyên, đồng thời yểm hộ thi công của bộ đội kỹ sư công trình chi viện Việt Nam của Trung Quốc.

Máy bay Mỹ ném bom Miền Bắc Việt Namvới chiến thuật thay đổi lắt léo. Với mục tiêu dưới đất thì thực hiện ném bom bừa bãi; với bộ đội phòng không thì gây nhiễu điện tử rađa ngắm pháo, sử dụng tên lửa chống rađa “Chim bách thanh” (“Shrike”); với người, sử dụng các loại bom bi, bom từ trường và bom bướm… gây sát thương lớn.
Nhằm vào những đặc điểm thay đổi chiến thuật của máy bay Mỹ, vũ khí mới và ném bom bừa bãi có sức sát thương mạnh…, bộ đội pháo cao xạ đã áp dụng chiến thuật kết hợp giữa xây công sự trọng điểm với tác chiến cơ động và cách đánh cận chiến tập trung hỏa lực, giành lại chủ động từ thế bị động, tiêu diệt máy bay Mỹ, bảo vệ an toàn cho mục tiêu. Trong 3 năm 9 tháng tác chiến phòng không chi viện Việt Nam chống Mỹ, tổng cộng đã tác chiến 2153 lần, bắn rơi 1707 chiếc, bắn bị thương 1608 chiếc, giáng một đòn nặng vào quân xâm lược Mỹ, bảo vệ vùng trời Miền Bắc Việt Nam, ủng hộ mạnh mẽ cuộc đấu tranh chống Mỹ cứu nước của nhân dân Việt Nam. Ngày 31.3.1968, chính phủ Mỹ gây áp lực với trong nước và quốc tế, bắt đầu “leo thang” ném bom Miền Bắc Việt Nam. Ngày 31.5, chính phủ hai nước Việt-Mỹ đã bắt đầu cuộc đàm phán hòa bình ở Paris. Từ 1.11, quân Mỹ ngừng ném bom Miền Bắc Việt Nam. Theo đó, với sự đồng ý của chính phủ hai nước, bộ đội pháo cao xạ chi viện Việt Nam của Trung Quốc lần lượt về nước trước hạn 4.1969.

Giúp xây dựng hai sân bay hiện đại Nội Bài, Yên Bái và hang máy bay. Sân bay vốn có của Miền Bắc Việt Nam không đủ sức cho máy bay phản lực lên xuống, gây ảnh hưởng rất lớn cho tác chiến chống Mỹ. Theo yêu cầu của chính phủ Việt Nam, Cục không quân và hàng không dân dụng Trung Quốc trong khoảng thời gian từ năm 1961 đến năm 1965 đã cử các nhóm chuyên gia tới tiến hành thiết kế, chỉ đạo, đồng thời cũng cấp các thiết bị và nguyên liệu lắp ráp. Hang máy bay của sân bay do Phân đội 7 của Trung Quốc chi viện xây dựng từ 16.9.1968 đến 5.11.1969. Tháng 1 năm 1965, Việt Nam yêu cầu Trung Quốc giúp xây dựng một sân bay không quân ở Yên Bái. Tháng 5, Phân đội 3 của Trung Quốc chi viện xây dựng công trình sân bay này đã cử nhân viên tới Yên Bái trước, bắt đầu thiết kế thăm dò hiện trường. Sân bay Yên Bái có địa hình phức tạp, nằm kề Sông Hồng, có núi bao quanh. Yên Bái còn là một trong những trọng điểm không kích của Mỹ, cả thành phố lại bị ném bom tan nát. Phân đội 3 chính thức bắt đầu động thổ vào 22.11, trải qua 3 năm 6 tháng gian khổ nỗ lực, đã hoàn thành toàn bộ vào 21.5.1969. Hang máy bay của sân bay này được khởi công vào 9.1968, hoàn thành trước thời hạn vào 27.10 cùng năm, chất lượng công trình rất tốt.  

Phân đội 1 bộ đội chi viện Trung Quốc tới Việt Nam tu sửa cấp tốc, cải tạo sửa chữa, làm mới đường sắt. Đầu năm 1965, Mỹ leo thang trong cuộc chiến tranh Việt Nam, liên tục tiến hành không kích Miền Bắc Việt Nam, chỉ từ ngày 3 đến ngày 6 tháng 4, đã điều rất nhiều máy bay liên tục ném bom xuống 5 chiếc cầu đường sắt. Do máy bay địch ném bom phá hoại, Miền Bắc Việt Nam về cơ bản đã bị rơi vào tình trạng tê liệt chỉ còn có vài tuyến đường sắt. Ngày 27 tháng 4, chính phủ hai nước Trung-Việt đã ký kết Nghị định thư về việc giúp Việt Nam xây dựng đường sắt và cung cấp thiết bị vận tải. Số hạng mục công trình đường sắt mà Trung Quốc giúp Việt Nam xây dựng ở khu vực phía bắc Hà Nội đã lên đến con số 100, Phân đội 1 tới vào 23.6.1965, chia làm hai ngả vào Việt Nam từ Hà Khẩu và Hữu Nghị Quan, thừa hành nhiệm vụ tu sửa cấp tốc, xây dựng cấp tốc đường sắt ở khu vực phía bắc Hà Nội. Chỉ huy các chiến binh khắc phục những khó khăn như máy bay Mỹ ném bom, mưa rừng nhiệt đới, nước lũ dâng và không dễ có được nguyên vật liệu ngay tại chỗ…, chiến đấu cho đến 5.6.1970, đã hoàn thành trước thời hạn các hạng mục công trình. Tổng cộng đã hoàn thành việc xây dựng 117 km đường sắt, sửa chữa 362 km đường sắt, , xây dựng cấp tố 98 công trình sẵn sàng chiến đấu đường sắt, xây mới 30 cầu đường sắt, 14 đường hầm, xây mới 20 ga xép đường sắt, lắp đặt 1023 cặp đường thông tin liên lạc, lắp đặt 8 km đường cáp thông tin dưới nước. Hoàn thành tốt đẹp các công trình chi viện đường sắt không những làm cho chiều dài của các tuyến đường sắt ở khu vực phía bắc Hà Nội từ 508 km được tăng lên đến 554 km, mà còn kết các đoạn đường sắt thành mạng lưới, khiến cho năng lực vận chuyển nâng cao gấp bội, năng lực vận chuyển đường sắt chỉ riêng tuyến Hà Nội-Hữu nghị quan đã từ 146 vạn tấn tăng lên đến 280 vạn tấn, bảo đảm chắc chắn nhu cầu vận chuyển cho cuộc chiến tranh chống Mỹ của Việt Nam.

Đồng thời, phân đội 1 theo hiệp định giữa hai nước Trung-Việt, đã đảm nhận công tác bảo vệ tuyến đường sắt nói trên và hoàn thành đầy đủ nhiệm vụ, bảo đảm được sự thông suốt cho các tuyến đường sắt ở khu vực phía bắc Hà Nội, góp phần vào sự thắng lợi của cuộc chiến tranh chống Mỹ của Việt Nam. Vào 1.7.1970, toàn phân đội đã về nước theo lệnh.

Bộ đội kỹ thuật công trình xây dựng đường quốc lộ hữu nghị. Ngày 30.5.1965, chính phủ hai nước Trung-Việt đã ký kết “Hiệp định về việc giúp Việt Nam xây dựng đường quốc lộ” và nghị định thư, Trung Quốc điều bộ đội kỹ thuật công trình giúp Việt Nam xây dựng đường quốc lộ.

Xây dựng và cải tạo 7 đường quốc lộ 1, 3, 7, 8, 10, 11, 12. Dự kiến tổng chiều dài là 1211 km, trong đó làm mới 664 km, sửa chữa 547 km. Các phân đội 4, 5, 6 bộ đội hậu cần Trung Quốc đảm nhận nhiệm vụ giúp Việt Nam làm đường, quản lí 16 trung đoàn, 1 tổng đội dân công, 25 đội đo đạc thiết kế và 4 đội khoan thăm dò, cộng thêm bộ đội của 6 tiểu đoàn pháo cao xạ và một phần phân đội pháo cao nòng…, tất cả hơn 8 vạn người. Dưới sự thống lĩnh của Ban chỉ huy công trình làm đường thuộc bộ đội hậu cần Trung Quốc, đã lần lượt vào Việt Nam bắt đầu từ 9.1965, bắt tay vào thi công. Bốn phân đội đảm nhận nhiệm vụ làm đường quốc lộ 1, quốc lộ 3; năm phân đội đảm nhận nhiệm vụ làm đường quốc lộ 5, quốc lộ 11; sáu phân đội đảm nhận nhiệm vụ làm đường quốc lộ 8, quốc lộ 10, quốc lộ 12.

Đảm nhận nhiệm vụ làm đường quốc lộ ở Việt Nam là tiến hành trong điều kiện cực kỳ khó khăn. Bộ đội kỹ thuật công trình làm đường sau khi đã hoàn thành xong nhiệm vụ làm đường theo hiệp định giữa hai nước đã về nước toàn bộ vào 10.1968. Trong khoảng thời gian hơn 3 năm, bộ đội kỹ thuật công trình làm đường thuộc hậu cần Trung Quốc đã làm 7 tuyến đường quốc lộ cùng các công trình phòng hộ cho Việt Nam, đồng thời đã bảo đảm được sự thông suốt cho các đoạn phía bắc của đường quốc lộ 7 và đường quốc lộ 2, tổng cộng đã làm 1206 km đường, 305 cầu với tổng chiều dài 6854 m, 4441 đường cống với tổng chiều dài 46938 m, hoàn thành 30,5 triệu mét khối đất đá đào đắp. Ngoài ra, còn đã hoàn thành nhiệm vụ làm công trình đường giao nhau từ Phóng Đinh[iii] đến cầu Lai Vu trên quốc lộ 10, và duy tu quốc lộ 16 từ Thái Nguyên đến Đồng Đăng. Đại diện phía Việt Nam nghiệm thu cho rằng: Các công trình đã xây dựng trên đây có chất lượng tốt và đẹp. Ngày 23.7.1968, Hồ Chí Minh khi chúc mừng việc thực hiện “Hiệp định Trung Quốc giúp Việt Nam xây dựng đường quốc lộ” đã nói: “Tuy các bạn chỉ làm được cho Việt Nam có hơn 1200 km đường quốc lộ, nhưng tình hữu nghị của các bạn đã vượt quá cả ngàn kilomet, cả vạn kilomet!”

Bộ đội hậu cần Trung Quốc giúp Việt Nam cấp tốc xây dựng các công trình quốc phòng vĩnh cửu ở quần đảo đông bắc Việt Nam và ở khu vực đồng bằng Bắc Bộ. Các phân đội 2 và 7 đảm nhận nhiệm vụ thi công này đã theo lệnh lần lượt đến Việt Nam từ 9.6.1965 đến 15.12.1966. Phân đội 2 chịu trách nhiệm thi công các công sự vĩnh cửu, đường cáp dưới biển, đường thông tin liên lạc, nằm phân tán trên 15 đảo và 8 yếu điểm quốc phòng ven biển. Trải qua gian khổ nỗ lực, cả phân đội 2 và phân đội 7 đều hoàn thành vượt mức nhiệm vụ thi công giúp Việt Nam. Các công trình chủ yếu đã hoàn thành bao gồm: 239 đường hầm với tổng chiều dài hơn 2,3 vạn m, 138 trận địa pháo lộ thiên có đường hầm, 149 công sự vĩnh cửu, 15 đường cáp thông tin dưới biển với tổng chiều dài 103 km, 171 km đường vĩnh cửu và đường thi công, 14 chiếc cầu, 21 cống, 9 con đê. Tổng cộng 84,76 vạn mét khối đất đá đào đắp. Đã xây tường phòng hộ tương đương với 845 km chiều dài đường bờ biển Miền Bắc Việt Nam. Phía Việt Nam đã đánh giá về những công trình này: “Kháng lực của các công trình đều vượt quá yêu cầu của phía Việt Nam, chất lượng công trình cao, kiên cố, tiện dụng, ngụy trang tốt”.  

Đại đội kỹ sư thông tin Trung Quốc giúp Việt Nam lắp đặt mạng lưới thông tin. Ngày 31.7.1965, hai bên Trung-Việt thỏa thuận Trung Quốc sẽ điều 1 đại đội kỹ sư thông tin giúp Việt Nam xây dựng các công trình thông tin ở các vùng Lai Châu, Sơn La và Điện Biên Phủ… Đại đội kỹ sư thông tin Trung Quốc đảm nhận nhiệm vụ này đã vào Việt Nam thi công ngày 18.8.1965. Các sĩ quan chỉ huy đã khắc phục muôn vàn khó khăn để bảo đảm đường liên lạc thông tin trong tác chiến, cải thiện điều kiện thông tin quân sự cho khu vực Miền Bắc Việt Nam, đã hoàn thành trước thời hạn và vượt mức nhiệm vụ thi công vào 10.7,1966, tổng cộng đã lắp đặt 330 km cột đường dây thông tin, mắc 894 km cặp đường dây, lắp đặt 4 trạm cung cấp điện thoại, ngoài ra còn lắp đặt đường trung chuyển từ một trạm điện thoại trong đó đến nơi Quân khu Tây Bắc Việt Nam đóng. Đại đội này sau khi hoàn thành nhiệm vụ đã về nước toàn bộ vào tháng 7.

Bộ đội chi viện Trung Quốc trong những năm tháng chiến đấu gian khổ tại Việt Nam đã kề vai sát cánh cùng với nhân dân và quân đội Việt Nam, giành được những thành tựu rực rỡ.

Đã khiến cho Mỹ phải đổ vào Việt Nam tới hơn 56 vạn quân, mức hao tổn chi phí quân sự năm lên tới 30 tỷ đôla Mỹ, nhưng vẫn không thể làm cho chiến cục tiến triển được theo chiều hướng mong muốn; con số thương vong tăng dần, đến nửa cuối năm 1968, tuần nào cũng chết hơn 200 người, số quân Mỹ chế tại chiến trường chỉ riêng trong năm này đã tới 14592 người; dẫn đến tinh thần phản chiến trong nước Mỹ không ngừng lên cao. Trước tình hình ấy, tháng 11 năm 1968, Mỹ buộc phải tuyên bố đình chỉ vô điều kiện ném bom và bắn phá Miền Bắc ViệtNam. Bộ đội chi viện Trung Quốc sau khi đã hoàn thành nhiệm vụ giai đoạn 1 như đã định, đã rút toàn bộ về nước vào 7.1970.

Giai đoạn 2: Bắt đầu 5.1972 và kết thúc 8.1973. Cuối năm 1968, Mỹ ngừng ném bom Miền Bắc Việt Nam, đầu năm 1969 bắt đầu đàm phán với Việt Nam tại Paris. Từ đó, cuộc chiến tranh Việt Nam bước vào giai đoạn vừa đánh vừa đàm phán. Đến cuối 3.1972, các lực lượng vũ trang Miền Nam, với sự chi viện của Miền Bắc, đã phát động tấn công toàn diện và liên tục giành được thắng lợi lớn, giáng một đòn nặng nề vào chính quyền Mỹ ngụy. Để cắt đứt sự chi viện tới từ Miền Bắc Việt Nam, bảo đảm cho chính quyền Nguyễn Văn Thiệu khỏi bị sụp đổ, đồng thời với việc tăng cường điều động binh lực hải quân, không quân và ném bom trở lại Miền Bắc Việt Nam, Mỹ bắt đầu thực thi phong tỏa thủy lôi quy mô lớn trên các đường ven biển, cảng, đường sông của Miền Bắc Việt Nam vào ngày 9 tháng 5. Ngay sớm 9.5 đã điều động hơn 100 tàu sân bay của hải quân Mỹ, 6 tàu chiến các loại, sau khi tiến hành ném bom và pháo kích đối với các khu vực ven biển như Hải Phòng, Quảng Yên, Hồng Gai, Đồ Sơn…, đã dùng hơn 40 tàu sân bay còn lại đi thả mìn, đồng thời mở rộng phạm vi, lần lượt phong tỏa các đường sông trọng yếu ở Hải Phòng… cùng các sông Thái Bình, sông Mã, cửa Hội, sông Gianh, sông Nhật Lệ, sông Hồng, sông Trà Lý, sông Cấm… Sau đó còn nhiều lần thả mình bổ sung. Mỹ đã thả thủy lôi xuống các cảng và đường sông trọng yếu của Miền Bắc Việt Nam, thực hành sự phong tỏa toàn diện trên biển, khiến cho Miền Bắc Việt Nam bị cắt đứt mất sự chi viện vật tư từ bên ngoài và các đường vận chuyển chủ yếu chi viện cho Miền Nam Việt Nam, mưu đồ dùng đó để buộc Việt Nam phải nhượng bộ trên bàn đàm phán tại Paris. Ngọn lửa chiến tranh đã tắt được hơn 3 năm lại bùng cháy lên ở Miền Bắc Việt Nam. Chính phủ Việt Nam đã yêu cầu Trung Quốc điều hải quân tới giúp rà phá bom mìn ngay vào ngày Mỹ thả mìn. Theo yêu cầu của Miền Bắc, để giúp nhân dân Việt Nam phá được sự phong tỏa trên biển của Mỹ, chính phủ Trung Quốc đã đồng ý lập tức lại khơi thông con đường trên biển bí mật Trung-Việt theo kế hoạch, vận chuyển lương thực cùng các vật tư khác tới Việt Nam. Đồng thời, căn cứ theo hiệp định đã thỏa thuận giữa Bộ tổng tham mưu quân đội hai nước, giải phóng quân nhân dân Trung Quốc ngoài điều bộ đội xe đảm nhận nhiệm vụ vận chuyển trên đường quốc lộ giúp Việt Nam ở khu vực biên giới giữa hai nước ra, còn gánh luôn cả nhiệm vụ quét thủy lôi của Mỹ ở vùng ven biển và làm cấp tốc các đường ống dẫn dầu dã chiến.
Các tàu ở đội rà phá bom mìn Trung Quốc luân phiên nhau tác chiến, cả chỉ huy và lính nửa đêm ra biển rà phá bom mìn, ban ngày còn phải cấp tốc sửa chữa máy móc dưới sự uy hiếp của không kích. Đội rà phá bom mìn Trung Quốc giành thắng lợi từng nút, khiến cho quân Mỹ không yên, máy bay Mỹ thường xuyên bay lượn trinh sát ở những khu vực đội rà phá bom mìn cắm neo và rà phá bom mìn. Bắt đầu từ 20.8, ngày nào cũng có máy bay Mỹ tới trinh sát sát tầm thấp, đêm ném pháo sáng. Sáng 27.8, máy bay Mỹ ném bom bừa bãi xuống sở chỉ huy Hoàng Châu của đội rà phá bom mìn. Đội rà phá bom mìn Trung Quốc vẫn kiên trì chiến đấu không biết mệt mỏi. Ngày 17.5.1973, công việc rà phá bom mìn đã kết thúc toàn bộ. Ngày 27.8, đội rà phá bom mìn hải quân Trung Quốc thắng lợi về nước. Trong thời gian 1 năm 3 tháng ở Việt Nam đã ra biển tất cả 586 chuyến, với tổng độ dài hành trình hơn 2,78 vạn hải lí, trong đó có 526 chuyến rà phá bom mìn, với tổng độ dài hành trình gần 1,75 vạn hải lí; rà phá được 42 quả thủy lôi các loại, ngoài ra còn cùng với phía Việt Nam rà phá được 5 quả; tiếp đó tiến hành nạo vét từ các cảng Hải Phòng, Hồng Gai, Cẩm Phả… lớn nhất Miền Bắc Việt Nam cho đến các đường thủy ở quần đảo đông bắc, với tổng diện tích nạo vét 201 km2, đồng thời nhiều lần dẫn đường cho các tàu thuyền Việt Nam đi qua các cảng nói trên một cách an toàn, góp phần vào việc phá sự phong tỏa trên biển của Mỹ.

  Giúp lắp đặt các đường ống dẫn dầu dã chiến. Sau khi quân Mỹ thực hiện sự phong tỏa trên biển đối với Miền Bắc Việt Nam, Việt Nam khẩn cấp yêu cầu Trung Quốc giúp lắp đặt 5 đường ống dẫn dầu dã chiến, dẫn dầu qua đoạn biên giới Quảng Tây vào Việt Nam.

Trung Quốc đã khắc phục khó khăn, nhanh chóng sản xuất các thiết bị đồng bộ và xe chuyên dụng cần cho đường ống dẫn dầu, đồng thời phân bổ nhanh nhất nguồn dầu đầy đủ giúp Việt Namvề hướng đoạn biên giới Quảng Tây. Theo yêu cầu của chính phủ Việt Nam và hiệp định đã thỏa thuận giữa quân đội hai nước Trung-Việt, từ 31.5.1972 đến 12.2.1973, giải phóng quân nhân dân Trung Quốc đã lần lượt điều hơn 8000 lượt bộ đội và dân công, đồng thời kèm theo một lượng lớn máy móc, xe sang lắp đặt 5 đường ống dẫn dầu dã chiến giúp Việt Nam ở hai đoạn từ Bằng Tường đến Hữu nghị quan và từ Phòng Thành Cảng[iv] đến Than Tán[v], với tổng chiều dài 159 km, liên thông với các công trình như kho dầu, trạm bơm, trạm thông tin và với đường sắt chuyên dụng…, tổng cộng hoàn thành với hơn 10 vạn mét khối đào đắp. Đường ống dẫn dầu Phòng Thành dài tất cả 99 km. Hai đoạn đường ống dẫn dầu này bắt đầu lần lượt vận chuyển dầu vào Việt Nam từ 15.6.1972 và 6.11.1972.

Ngày 27.1.1973, sau khi Việt Nam và Mỹ ký Hiệp định Paris, quân Mỹ hoàn toàn chấm dứt hành vi xâm lược đối với Miền Bắc Việt Nam, vận chuyển dầu trên biển của Việt Nam dần khôi phục lại bình thường. Theo yêu cầu từ phía ViệtNam, phải đến 30.6.1976, đường ống dẫn dầu dã chiến ở biên giới Trung-Việt mới ngừng hoạt động. Trong 4 năm, Trung Quốc vận chuyển vào Việt Nam tổng cộng gần 1,3 triệu tấn dầu mỏ và dầu diesel, chiếm hơn một nửa tổng lượng dầu Trung Quốc giúp Việt Nam trong thời kỳ chiến tranh chống Mỹ của Việt Nam, đã trợ giúp đắc lực cho cuộc đáu tranh vĩ đại bảo vệ Miền Bắc, giải phóng Miền Nam, thống nhất tổ quốc của Việt Nam.

Với sự chi viện của đội rà soát bom mìn hải quân Trung Quốc, nhân dân Việt Nam không những không bị khuất phục trước sự ném bom và phong tỏa trên biển của Mỹ, mà trái lại còn ngày càng chiến đấu dũng cảm, cuối cùng đã buộc chính phủ Mỹ phải thừa nhận sự thất bại triệt để của cuộc chiến tranh xâm lược. Ngày 27.1.1973, bốn bên Cộng sản Việt Nam, Mặt trận giải phóng dân tộc Miền Nam Việt Nam, Mỹ, chính quyền Nguyễn Văn Thiệu đã ký bản “Hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam” tại Paris. Tháng 3, lính quân đội Mỹ xâm lược ViệtNambắt đầu rút quân khỏi Miền Nam Việt Nam. Tháng 8 năm 1973, bộ đội chi viện Trung Quốc thừa hành nhiệm vụ giúp Việt Nam chống Mỹ ở Việt Nam đã rút toàn bộ về nước.

 Bộ đội chi viện Trung Quốc trong những năm tháng gian khổ giúp Việt Nam chống Mỹ, đã dũng cảm ngoan cường trong chiến đấu, gian khổ nỗ lực trên công trường, đã xuất hiện rất nhiều nhân vật anh hùng gặp nguy nan không biết sợ, coi thường cái chết. Hơn 4000 sĩ quan binh lính thuộc bộ đội chi viện Trung Quốc đã chết trên đất Việt Nam, hơn 4000 người cho đến nay vẫn còn an giấc trên các vùng đồi núi Việt Nam. Trong thời gian giúp Việt Nam chống Mỹ, bộ đội chi viện Trung Quốc luôn luôn lấy việc tăng cường tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước Trung-Việt làm trọng, chấp hành nghiêm chỉnh 3 kỷ luật lớn, 8 điều chú ý, yêu từng dòng sông ngọn núi, từng gốc cây ngọn cỏ của Việt Nam, quan tâm tới quần chúng nhân dân Việt Nam như với đồng bào tổ quốc, khi nhà dân bị đốt cháy, các chiến sĩ luôn bất chấp mạo hiểm tính mạng để cấp cứu người dân và vật dụng; khi cả bộ đội Trung Quốc và người dân Việt Nam đều bị không kích, bao giờ cũng để bộ đội tải thương cấp cứu người bị thương của Việt Nam trước. Các sĩ quan binh lính còn tận dụng những khoảng trống lúc chiến đấu và thi công để tiếh hành các hoạt động gần gũi dân, giúp người dân Việt Nam trồng trọt, làm thủy lợi, dựng nhà cửa, làm đường, cắt tóc, chữa bệnh, mở lớp học ban đêm, tặng sách, dạy hát, chiếu phim, diễn văn nghệ…, đã làm biết bao việc tốt bộ đội chi viện Trung Quốc nhận được sự ủng hộ nhiệt tình và sự hỗ trợ mạnh mẽ từ người dân Việt Nam. Tất cả những điều này mãi mãi là giai thoại truyền đến mai sau giữa nhân dân hai nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khen ngợi là: “Quân đội cách mạng đến dân yêu, đi dân nhớ”.

Các chiến sĩ của bộ đội chi viện Trung Quốc đã kề vai chiến đấu với quân dân Việt Nam, đã dùng cả sinh mệnh và máu đào để bảo vệ sự an toàn cho vùng trời và vùng đất Việt Nam, đã bảo đảm cho sự vận chuyển giao thông của Miền Bắc Việt Nam được thông suốt, làm cho quân dân Việt Nam có được một số lượng bộ đội lớn để chi viện cho sự tác chiến của nhân dân Miền Nam, giúp cho nhân dân Việt Nam giành được thắng lợi trong cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước. Những thành tích vẻ vang của bộ đội chi viện Trung Quốc giúp ViệtNamtrong cuộc chiến tranh chống Mỹ sẽ mãi mãi khắc ghi trong lòng người dân Trung Quốc và người dân Việt Nam.

  Trong cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước của Việt Nam, hơn 20 tỉnh, thành, khu tự trị cùng hàng ngàn đơn vị nghiên cứu khoa học, nhà máy trong cả nước đã đảm nhận nhiệm vụ giúp Việt Nam chống Mỹ. Bất kể là sản phẩm quân dụng hay sản phẩm dân dụng, chỉ cần Việt Nam cần mà đang có sẵn là cung cấp ngay, không có sẵn thì sản xuất ngay, chưa sản xuất thì cũng lập tức nghiên cứu làm luôn. Mà khi ấy, trong tất cả những thứ Việt Nam yêu cầu Trung Quốc chi viện đều có đặc điểm nổi bật là: Nhiều chủng loại, số lượng lớn, thời gian gấp, yêu cầu cao. Hầu như nhân viên các đơn vị đảm nhận nhiệm vụ đều coi đó là nhiệm vụ hàng đầu áp đảo tất cả, tăng ca tăng giờ, hoàn thành một cách đầy đủ.

  Nhiệm vụ vận chuyển giúp Việt Nam chống Mỹ hết sức gian khổ. Theo con số thống kê chưa đầy đủ từ 1965-1979, lượng vật tư giúp Việt Nam vận chuyển bằng đường sắt là khoảng hơn 3,05 vạn toa, trong đó chỉ riêng từ tháng 1 đến tháng 10 năm 1974, các loại vật tư vận chuyển bằng đường sắt đã lên tới hơn 91300 toa. Theo thống kê chỉ trong 5 năm của Quân khu Quảng Châu, lượng vật tư giúp Việt Nam vận chuyển bằng đường thủy tổng cộng lên tới hơn 12,5 vạn tấn. Kể từ 8.1972 trong thời gian có hơn 1 năm, lượng vật tư các loại vận chuyển vào Việt Nam trên 5 đường vận chuyển quốc lộ mở ở khu vực biên giới Trung-Việt đã đạt tới hơn 62 vạn tấn.

  Sự viện trợ của Trung Quốc đối với Việt Nam có thời gian dài nhất, có số lượng lớn nhất trong viện trợ đối ngoại. Theo thống kê, tính cho đến năm 1978, sự viện trợ của Trung Quốc đối với Việt Nam đạt tổng giá trị lên tới khoảng 20 tỷ đôla Mỹ (tính theo giá thị trường quốc tế khi đó), trong đó viện trợ không hoàn lại chiếm 93.3%, không trả lãi chiếm 6.7%.

Bản tiếng Việt © Quốc Thanh 2012
Bản tiếng Việt © Việt sử ký 2012


[i] Tức Miền Nam ViệtNam –ND.
[ii] Tức Miền Bắv Việt Nam –ND.
[iii] Chưa xác định được tên tiếng Việt là gì-ND.
[iv] Tên một thành phố thuộc Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, Trung Quốc-ND.
[v] Tên một làng ở Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, Trung Quốc-ND.
.
.
.

No comments:

Post a Comment

View My Stats