Thursday, 19 April 2012

"BẮC TRIỀU TIÊN, 9 NĂM ĐỂ THOÁT KHỎI ĐỊA NGỤC" - CHƯƠNG 3 : Ở VƯƠNG QUỐC HỌ KIM (Thụy My, RFI)



Thụy My  -   RFI
Mardi 17 Avril 2012

Tôi lên tám, hôm ấy trời mưa như trút nước. Hồi đó chúng tôi cư ngụ trong một căn nhà nhỏ. Những giọt nước rơi rào rào trên mái nhà, mạnh cho đến nỗi từng giọt lớn nhễu liên tục xuống trần. Cùng với ba, tôi chạy từ đầu này tới đầu kia căn phòng để lấy xô hứng nước, tránh cho nhà khỏi bị ngập.

Bỗng dưng một tiếng động khô khan vang lên trước cửa. Một người đàn ông hiện ra trước cổng, quần áo sũng nước. Ngạc nhiên thay, đó là ông tổ trưởng dân phố, ở đây người ta gọi là iminban. Một nhân vật cần phải dè chừng, vì ông ta dòm ngó và báo cáo với chính quyền tất cả những gì xảy ra trong khu phố chúng tôi.

Toàn bộ đất nước được những con người đáng ngờ loại này giám sát, và nay họ vẫn đang đảm bảo sự kiểm soát của chế độ trên 22 triệu người dân Bắc Triều Tiên.

- Tối nay, nhớ coi tin tức trên ti-vi. Có một tin quan trọng sẽ được loan báo ! - ông ta vội vã ra lệnh.

Rồi không chờ đợi câu trả lời, ông biến mất dưới làn mưa tầm tã. Đây là lần đầu tiên chúng tôi nhận được một mệnh lệnh như thế.

***

Đúng giờ, tôi ngồi trước ti-vi, bên cạnh chị Keumsun và ba. Chúng tôi rất hồi hộp vì tò mò, nhưng cũng hơi phấn khích. Có một điều gì đó rất đặc biệt đã xảy ra.

Như thường lệ, trước phông nền cảnh Bình Nhưỡng và dòng sông Taedong, nữ phát thanh viên truyền hình xuất hiện trong chiếc váy truyền thống. Nhưng tối hôm đó, cô trình ra một gương mặt thẫn thờ, gần như sắp khóc. Cô đột ngột thông báo :

- Chủ tịch Kim Il Sung đã từ trần.

Ba tôi sững sờ bất động. Bầu trời như vừa sụp đổ. Chị tôi và tôi lo lắng nhìn ông. Tất cả chúng tôi đều bị thôi miên trước những hình ảnh liên tục được chiếu. Tôi không hiểu cả, nhưng biết rằng có việc gì đó không thể tưởng tượng được vừa xảy đến.

Rồi mẹ tôi đi làm về, bà cũng khóc. Tôi chưa bao giờ thấy mẹ trong tình trạng như thế cả. Tại bệnh viện, bà được biết tin cùng với các đồng nghiệp, và một người quá xúc động đã lên cơn đau tim. Ngày hôm đó có nhiều người đã chết vì bị sốc trên khắp cả nước.

Mẹ tôi suy sụp vì bà thành thật yêu mến Chủ tịch. Hồi còn nhỏ ở Bình Nhưỡng, mẹ đi học ở gần Mangyongdae, nơi Chủ tịch sinh ra. Đó là một trang trại với những bức tường bằng đất trộn rơm bao quanh, đã trở thành một địa điểm hành hương của quốc gia. Tôi cũng có lần được đến đó, nhưng lúc ấy tôi còn bé lắm.

Mẹ kể rằng có một lần Kim Il Sung bằng xương bằng thịt đã đến thăm trường. Bà đã có dịp đến gần, đứng cách ông chỉ có một mét ! Theo bà tả lại thì Chủ tịch rất cao, có nụ cười tươi. Trên những bức chân dung ngự trị khắp nơi, kể cả ở lối vào nhà ga Eundok, thì ông có vẻ là người tốt và nhiệt thành.

Ông gần như là Thượng đế đối với chúng tôi, và ý nghĩ là ông đã chết có vẻ khó tưởng tượng được. Người ta có thể sống mà không cần Thượng đế hay không ? Không cần có cha hay không ? Đó là người đã giải phóng nhân dân khỏi ách quân Nhật, là nhà lập quốc, người cha của dân tộc.

Khi cái chết của ông được loan báo, cuộc sống đã ngưng đọng lại trên cả nước cho đến khi tang lễ vĩ đại diễn ra vài ngày sau đó, được truyền hình trực tiếp. Khắp nước Bắc Triều Tiên diễn ra những cảnh khóc lóc tập thể : những người lính lăn ra đất mà khóc, các phụ nữ gào lên đau đớn. Và mưa không ngừng rơi. Trên truyền hình, người dẫn chương trình giải thích « ngay cả đất trời cũng khóc cho sự ra đi của lãnh tụ vĩ đại ».

***
Ngày nay đang ở trung tâm Seoul, câu nói đó vẫn còn vang vọng trong tai tôi. Nó tiêu biểu cho quá trình tẩy não mà chúng tôi phải chịu đựng, và hiện vẫn tiếp diễn tại Bắc Triều Tiên. Hồi đó, đứa bé gái là tôi thực sự tin là ông trời đã khóc vì tuyệt vọng, vào cái ngày 8 tháng 7 năm 1994 ấy.

Nay thì tôi biết rằng, chỉ đơn giản lúc đó là mùa mưa, và vào mùa này tại Bắc Triều Tiên mưa rất nhiều. Nhưng do bị đầu độc, tôi tin tất cả những gì được kể ở trường, ở nhà, với lại cũng không có bất cứ phương tiện nào để nghe được một cách diễn đạt khác. Ngay cả người lớn cũng không có khả năng so sánh.

Cuộc sống lưu vong từ đó đến nay đã cho phép tôi dần dần thoát được ra khỏi các luận điệu tuyên truyền và nhìn thẳng vào thực tế : đất nước tôi đang nằm trong tay một chế độ độc tài khát máu. Các lãnh tụ họ Kim không phải là những người cha bảo vệ con dân, mà rõ ràng là các bạo chúa. Tuy vậy cho đến ngày nay, đại đa số đồng bào tôi không hề có cách nào để mở mắt. Dân tộc tôi hoàn toàn bị cô lập, phải sống trong một thế giới khép kín.

Không nên trách họ tại sao lại không nổi dậy, vì họ không có phương tiện nào để mài dũa tinh thần phê phán, không ý thức được tầm vóc sự bất hạnh của mình. Họ không thể đánh giá được thực tế phũ phàng của chế độ độc tài. Internet không hề hiện diện, ngoại trừ đối với các lãnh đạo cao cấp của đảng. Việc nối mạng truyền hình quốc gia, gọi điện thoại và trao đổi thư tín với nước ngoài đều bị cấm đoán, những ai vi phạm có thể bị bắt đi lao động cải tạo.

Tuy vậy ngày càng có những mẩu tin thoát ra được qua ngõ biên giới Trung Quốc nhờ những người buôn bán và chạy áp-phe, nhưng ảnh hưởng của chúng không đến được với các tỉnh nằm sâu bên trong. Tại biên giới chia cách với miền Nam, vùng đất được quân sự hóa nhất thế giới, các tháp canh và bãi mìn tạo nên một thành lũy không thể vượt qua nổi.

Không có thông điệp nào đến được với Bắc Triều Tiên, ngoại trừ một số truyền đơn tố cáo các tội ác của các lãnh đạo họ Kim, được thả bay qua các hàng rào kẽm gai. Những gia đình bị chia cắt từ khi chiến tranh chấm dứt năm 1953, vẫn không có được một tin tức nào từ người thân của họ đang sống ở phía bên kia « DMZ », tức vùng phi quân sự. Người ta vẫn gọi vùng biên giới tua tủa rào kẽm gai hiện cắt làm đôi bán đảo Triều Tiên như thế. Sự quên lãng đang ngự trị giữa hai xã hội Nam Bắc.

***
Cũng như mọi người, hôm sau khi Kim Il Sung qua đời, tôi cũng bị khủng hoảng. Từ sáng sớm, mẹ đã bắt chị Keumsun và tôi lên núi hái hoa viếng ông - một nhiệm vụ nặng nhọc mà tất cả bọn trẻ con chúng tôi đều phải làm mỗi khi đến dịp sinh nhật lãnh tụ. Và hãy coi chừng nếu như trở về tay không, hay tệ hơn nữa, là với những đóa hoa màu vàng. Chúng tôi sẽ bị mọi người cười nhạo, bị thầy cô giáo trừng phạt. Đó là vì màu vàng được xem là màu tượng trưng cho kẻ thù Mỹ. Chúng tôi đều nghĩ là tất cả những người Mỹ đều tóc vàng !

Buổi tối ngày 9 tháng 7 năm 1994 ấy, không có một bông hoa nào còn sót lại trên cây, do cuộc càn quét của bọn trẻ chúng tôi.

Sau khi hái hoa, tôi trở về tham dự buổi lễ tưởng niệm ở trung tâm thành phố. Giữa đám đông đang gào khóc, đến lượt tôi cũng bật khóc. Tôi không biết chính xác vì sao mình lại khóc, nhưng cảm thấy cần phải làm như thế. Tôi bị kích động bởi không khí chung quanh.

Tôi còn nhớ là có một cô bạn bên cạnh không khóc nổi. « Nó làm bộ khóc » - tôi nghĩ như thế khi nhìn thấy giọt nước bé tí nơi khóe mắt cô. Nhưng cô bạn không có chọn lựa nào khác, cô có nguy cơ bị đánh giá không tốt nếu cặp mắt cứ ráo hoảnh.

Tuy vậy nỗi đau buồn của chúng tôi là thành thật, chúng tôi thành tâm yêu mến Kim Il Sung, cũng như con trai và là người kế vị ông, Kim Jong Il. Họ là những ông già Noel của chúng tôi ! Ngày 15/4 và 16/2, sinh nhật của hai vị lãnh tụ, là ngày tuyệt vời đối với trẻ em. Chúng tôi nhận được một kí-lô bánh kẹo của lãnh tụ tặng cho.

Trước đó một hôm, tôi cứ lăng xăng như khỉ, hồi hộp không ngủ được. Đến sáng, với bộ đồng phục tinh tươm, tôi hãnh diện đi nhận món quà : một túi lớn bằng nhựa trong mang hàng chữ « Chúng tôi không mong muốn gì hơn trên thế giới này ». Tôi cho rằng đây là cách để cho người dân hiểu rằng không có ai hạnh phúc hơn chúng tôi…

Bên trong chiếc túi có nào kẹo chewingum, kẹo caramel, bánh bột đậu nành rắc đường, bách bích-quy…Cả một giấc mơ ! Trên đường về, tôi ôm chặt gia tài này vào lòng, che phủ bằng một mảnh vải mà mẹ tôi đã cẩn thận đưa cho để tránh những cặp mắt thèm muốn.

Ngay cả sau khi đến Hàn Quốc, phải mất một thời gian sau tôi mới nhìn ra được sự thật. Tôi không muốn tin Kim Jong Il là một nhà độc tài nghiệt ngã. Tại Seoul, tôi đọc được cuốn sách do đầu bếp người Nhật của ông viết – người đầu bếp này đã trốn về Tokyo để tránh móng vuốt của Kim Jong Il sau nhiều năm dài làm món sushi phục vụ cho ông Kim.

Kenji Fujimoto đã kể lại chi tiết sự tàn bạo và những bê tha phóng đãng của lãnh tụ. Điều này quá xa vời so với hình ảnh vị thần hộ mệnh mà chúng tôi được dạy dỗ trong nhà trường, nên ban đầu tôi từ chối không muốn tin vào những gì đã đọc.

Mỗi buổi sáng lên lớp chúng tôi đều được học một giai thoại về cuộc đời gương mẫu của Kim Jong Il. Người ta dạy chúng tôi là vào ngày ông ra đời, một ngôi sao đã xuất hiện trên đỉnh núi Paekdu, ngọn núi lửa khổng lồ nơi quốc gia Triều Tiên đã được tạo lập cách đây nhiều ngàn năm. Câu chuyện cứ như một chuyện thần tiên.

Người ta cũng ca ngợi công trạng của Kim Il Sung, lãnh tụ giải phóng dân tộc. Hồi còn nhỏ, lúc đi Bình Nhưỡng, ba tôi đã chỉ cho xem một gốc cây hùng vĩ, trong một công viên nằm dọc theo dòng sông Taedong, nơi mà cậu bé Kim Il Sung hồi trước đã leo lên để cố chạm đến một chiếc cầu vồng. Chính ở đó mà ông nảy ra ý tưởng phát động cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa.

***
Ngày nay, tất cả những dối trá này đã bốc hơi, và tôi hãi hùng nhìn thẳng vào thực tế. Ở đây, tôi được biết về các trại cải tạo khủng khiếp ở đất nước quê hương tôi, nơi có ít nhất 150 ngàn tù nhân đang chết dần chết mòn, vào lúc mà bạn đang đọc những dòng này. Hồi còn ở Bắc Triều Tiên, tôi không biết đến sự hiện diện của các trại cải tạo ấy, chỉ biết đơn giản là có những người đột ngột biến mất.

Tại Seoul, khi nghe lời kể của những người cũng chạy trốn sang đây, tôi hiểu rằng đất nước tôi thực ra chỉ là một nhà tù rộng lớn. Trong đó, những người tù không hề ý thức được về tầm vóc nỗi bất hạnh của mình, vì trước hết họ phải chiến đấu để có thể sống sót.

Tất cả những câu hỏi này lại hiện về trong đầu tôi vào tháng 11/2010, khi Bắc Triều Tiên đột ngột bắn pháo vào một hòn đảo Hàn Quốc ở Hoàng Hải. Bốn người đã thiệt mạng vì đạn súng cối, chỉ cách Seoul có bảy mươi cây số. Chị tôi và tôi cứ ngỡ chiến tranh đã xảy ra. Keumsun nói với tôi :

- Họ đã điên cả rồi !

Tôi thì tôi không nghĩ là sẽ có một cuộc chiến tranh toàn lực. Tôi tin chắc rằng chế độ sẽ không bao giờ từ bỏ quyền lực, từ bỏ các loại vũ khí nguyên tử đang được bí mật chế tạo. Và tôi tự hỏi, liệu có một ngày nào đó mình sẽ được trở về đất nước Bắc Triều Tiên đã được giải phóng khỏi các bạo chúa, khỏi sự bần cùng và nạn đói…
------------------------------------------
Lundi 9 Avril 2012

Samedi 7 Avril 2012


(Chương mở đầu tác phẩm hồi ký « Bắc Triều Tiên, 9 năm để thoát khỏi địa ngục » - Eunsun Kim & Sébastien Falletti)
Mardi 3 Avril 2012


Dimanche 18 Mars 2012
(Paris Match) Cha bị chết đói, Eunsun Kim cùng với mẹ và chị đã chịu đựng bao gian nan khốn đốn để trốn khỏi chế độ của Kim Jong Il. Trong cuốn sách « Bắc Triều Tiên, chín năm để trốn khỏi địa ngục » vừa được nhà xuất bản Pháp Michel Lafont phát hành tuần qua, cô gái 26 tuổi này đã kể lại cuộc sống ở Bắc Triều Tiên cũng như sau khi đào thoát. Sau đây là lược dịch bài trả lời phỏng vấn Eunsun Kim của tuần báo Paris Match

.
.
.



No comments:

Post a Comment

View My Stats