Trọng Thành - RFI
Thứ tư 18 Tháng Tư 2012
Cảm nghĩ và nhận xét của một số nhà văn và nhà phê bình về
"Biển và Chim bói cá"
Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên
« Ông viết về thực tế của đời mình, khi ông làm việc ở một nhà máy đánh bắt hải sản. Khi viết thành tác phẩm văn học, ông đã mô tả lại cả một giai đoạn của nền kinh tế Việt Nam, của xã hội Việt Nam, từ thời bao cấp chuyển qua thời kinh tế thị trường, chuyển đổi cơ chế quản lý. Nhưng nói đến văn học là nói về con người. Nhà văn Bùi Ngọc Tấn đã nói đến sự biến chuyển của con người, sự tha hóa đạo đức (…) Tôi đánh giá đây là một tác phẩm tốt, chứng tỏ được ngòi bút của Bùi Ngọc Tấn ».
Nhà văn Tạ Duy Anh, người biên tập cuốn "Biển và Chim bói cá"
« Trước hết tôi nồng nhiệt chúc mừng nhà văn Bùi Ngọc Tấn về giải thưởng mà ông vừa được nhận, mặc dù tôi không biết giải thưởng đó có quan trọng với ông hay không.
Cái được của tiểu thuyết này là ở nội dung hiện thực đầy chất thơ, thứ chất thơ đang là của hiếm bởi nó rất khó bảo tồn, trong một môi trường lao động nghiệt ngã mà sự nghiệt ngã ở đây là ngoài việc con người phải vật lộn với thiên nhiên như một thế lực khổng lồ - yếu tố khách quan không thể chi phối - còn phải vật lộn với cơ chế xã hội tù túng và méo mó, làm tiêu tan ý chí và khát vọng, làm gỉ mòn những điều tốt đẹp vốn rất cần để tăng sức mạnh cộng đồng. Nếu hình dung Biển và Chim bói cá như một bức tranh, thì quả thật nó có yếu tố trữ tình hoành tráng, bi tráng, một thứ lãng mạn khắc khổ, có hơi hướng chống lại sự tuyệt vọng.
Tôi muốn kể lại đôi chút quá trình biên tập để bản thảo cuốn Biển và Chim bói cá có thể ra đời. Khi tôi nhận bản thảo thì nó đã nằm ở nhà xuất bản Hội nhà văn chừng 2 năm và trước đó nữa còn nằm ở đâu thì tôi không biết. Khi đó nó mang tên khác mà hiện tôi không còn nhớ. Tôi đọc bằng tâm trạng khá hồi hộp, vì cũng lo không biết liệu mình có đủ bản lĩnh cho nó ra đời hay không (bản thảo này đã nằm trên bàn biên tập người khác vài năm). Nhưng khi đọc thì tôi lại có xu hướng cứ chờ đợi xem bao giờ thì đến phần gay cấn khiến cho việc ra đời của nó khó khăn? Và khi gập sách lại thì tôi rất ngạc nhiên: Một cuốn sách hiền lành, trong sáng, đậm dấu ấn Hiện thực xã hội chủ nghĩa - thứ lý thuyết văn chương hầu như đã chết ở Việt Nam trừ vài nơi người ta mang ra làm trò cười - mà tại sao nó lại gặp khó khăn khi muốn xuất bản? Thì ra mọi người ngại cái tên của tác giả Chuyện kể năm 2000 (điều này vẫn là tình trạng phổ biến của hầu hết các nhà xuất bản ở Việt Nam. Nhiều cái tên vẫn luôn bị chú ý, trước khi tác phẩm của họ được mổ xẻ về nội dung).
Cho dù vô cùng hâm mộ nhà văn Bùi Ngọc Tấn cả về tài năng và bản lĩnh sống, thì tôi cũng phải nói thật là cuốn này của ông không thực sự thu phục được tôi (như những gì ông từng có trước đó). Nói thế không có nghĩa cuốn sách bị đánh giá thấp. Trước hết, với Bùi NgọcTấn, không thể chất lên vai ông nhiệm vụ tạo ra những cách tân văn chương mà phần nhiều người ta nghĩ đến cách tân hình thức, giọng điệu, hệ thống biểu tượng. Ông không có sứ mệnh ấy. Trước sau ông vẫn là nhà văn trung thành với nhiệm vụ phản ánh hiện thực và rất khó thoát những quy phạm mang tính định hướng chính trị độc tôn một thời, làm nên chân dung của thế hệ nhà văn lớp tuổi của ông. Ông chỉ là người tự đi chệch ra khỏi cái đường ray ấy, do những biến cố không mong muốn.
Bùi Ngọc Tấn hấp dẫn người đọc như một nhà văn phản kháng lại hiện thực nhưng bằng tấm lòng vị tha. Ngay cả Chuyện kể năm 2000, với hình thức mang nặng yếu tố Hồi ký, thì tính hấp dẫn là ở cái nội dung hiện thực khốc liệt, kinh sợ được kể lại một cách chân phương. Nếu cuốn đó mà cách tân về thủ pháp thì có khi lại hỏng. Đến cuốn Biển và chim bói cá cũng vậy. Tôi đồng ý là nó khó đọc (với một số nào đó, nhất là những người trẻ) có lẽ do nó thiếu hấp dẫn về hành văn, giọng kể, ít kịch tính, ít gây tò mò. Nó cũng không có sự thách đố nhức nhối của tư tưởng triết học hay thẩm mỹ, mặc dù hình như tác giả cũng cố gắng làm điều đó.
‘‘Lý thuyết Hiện thực xã hội chủ nghĩa’’ đề cao tính sự kiện, tính lớp lang rõ ràng. Người viết không được đi ra ngoài những quy phạm về thẩm mỹ, về ý nghĩ. Người ta đã được mặc định trước là, bản chất của xã hội là phải đẹp, bản chất của cuộc sống là phải đẹp, rồi bản chất của người lao động, của tất cả những yếu tố tạo nên xã hội này là đẹp. Chỉ có điều, những điều xảy ra trong xã hội ấy có thể nó không được như người ta mong muốn. Nhưng cuối cùng, tất cả đều phải hướng đến một tương lai sáng lạng, khiến con người phải tin vào xã hội, tin vào cuộc đời, tin vào thể chế. Trong tiểu thuyết của anh Tấn, có dấu ấn của sự tả chân, thiên về liệt kê các sự kiện, rồi những mô tả, …
Thường thường ở những nhà văn tin vào lý thuyết hiện thực xã hội chủ nghĩa, bao giờ [tác phẩm] cũng chân chất, cũng rành mạch giữa cái tốt - cái xấu, giữa cái đúng – cái sai, cái đen – cái trắng. Tất nhiên tôi không nói cuốn này theo lý thuyết ấy, nhưng nó không thoát ra khỏi. Nhiều khi người viết cũng không ý thức được điều đó, nhưng mà nó cứ khuôn theo, vì nó ăn vào tiềm thức rồi. Lớp nhà văn ở lớp tuổi anh Tấn khó thoát, trừ một vài trường hợp.
Tất nhiên, anh Tấn là một người có những trải nghiệm đau thương qua cuộc đời, để hiểu rằng hiện thực của xã hội không đơn giản như người ta nói. Ở đây, những trải nghiệm thực tế vượt qua những định hướng về mặt tinh thần mà một lớp nhà văn không thể nào thoát ra được. Ngay bản thân những người như tôi, thực sự cũng có lúc không thoát ra được. Đó là cái vĩ đại của sự tuyên truyền ».
Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh
« Tôi nghĩ cuốn sách không dừng lại ở chỗ tả thực, mà muốn đi sâu hơn nữa, nói đến thân phận của một con người, như con chim bói cá kiếm miếng ăn ngoài biển. (…) Trong hoàn cảnh như thế mà vẫn giữ được nụ cười. Phải nói thật là khó. Đọc cuốn sách của anh ấy, từ đầu đến cuối chúng ta đều thấy những nhận xét hóm hỉnh, những chuyện vui trong cuộc đời, tếu trong cuộc đời. Từ thời ông Vũ Trọng Phụng mất đi, những tác gia Việt Nam ít khi lấy được cái nụ cười nhiều như vậy. Anh đã trải qua nhà tù rồi, ở giữa trần gian cũng đầy những cái cười ra nước mắt.
Cái cuốn sách của anh Tấn, anh em người viết như chúng tôi lớn tuổi, trạc tuổi anh Tấn rất thích. Ngoài Chuyện kể năm 2000 ra, Biển và Chim bói cá là một cuốn tiểu thuyết hay của Việt Nam. Tôi mong độc giả nhận được cái hay, cái khó khăn của một thời chúng tôi đã sống, mà anh Tấn là đại diện đã viết ra để mọi người đọc như thế là rất quý ».
------------------------------------
.
.
.
No comments:
Post a Comment