Thursday 26 April 2012

QUAN ĐIỂM LỆCH LẠC CỦA TRUNG QUỐC VỀ LỊCH SỬ Ở BIỂN ĐÔNG (PV Asia Sentinel, Asia Sentinel)




PV Asia Sentinel

Người dịch: Dương Lệ Chi
Posted by basamnews on 26/04/2012

Nhiều thủy thủ đã có mặt ở đó đầu tiên
Tranh chấp giữa Trung Quốc và Philippines về quyền sở hữu các bãi đá và rạn san hô được biết qua các tên gọi khác nhau như bãi cạn Scarborough, Panatag Shoal, Hoàng Nham Đảo, chỉ ở mức lặt vặt. Nhưng mặt khác, nó thể hiện điều có thể được mô tả đúng nhất là sự khoa trương ồn ào, thiếu công minh, rõ ràng ở phía Bắc Kinh.

Manila sẽ làm tốt (trong việc đấu lý với Trung Quốc) khi biết thêm một phần lịch sử của họ bị Tây Ban Nha chiếm đóng trước đây, cũng như cho mọi người thấy rõ hơn sự kiêu ngạo của một nước đối với một nước khác, không phải người Hán và lịch sử của họ không tồn tại hoặc không liên quan. Chủ nghĩa Sô vanh đại Hán đã lộ rõ trong câu chuyện này, điều cần nhắc nhở các dân tộc Malay, những người có biên giới đất đai hơn một nửa trên biển Nam Trung Hoa, chính tên này do người phương Tây đặt và không có gì khác hơn là mô tả vùng biển phía nam Trung Quốc, rằng họ có thể đi theo con đường của những người Tây Tạng, người Duy Ngô Nhĩ, người Mông Cổ, và nhận ra chính họ bị áp bức như các dân tộc thiểu số trong một đế chế đại Hán.

Lập trường hiếu chiến của Bắc Kinh là rất tệ, đưa ra màn quả quyết là những người di cư Trung Quốc và con cháu của họ đã ăn ở trên vùng đất Philippines nhiều thế kỷ. Khi Trung Quốc khép kín, những người làm ăn ven biển tìm thấy cơ hội trong thế giới Malay. Phải chăng thời kỳ của sự ảnh hưởng qua lại mà các bên cùng có lợi đã kết thúc khi Trung Quốc mở cửa, trở thành một nước Trung Quốc đe dọa?

Trung Quốc đòi chủ quyền ở bãi cạn Scarborough (sử dụng một từ tương đối trung lập, có nguồn gốc từ một chiếc tàu bị chìm ở đó) là hoàn toàn vô lý với nhiều lý do, mặc dù họ vẫn kiên trì trong việc cố gắng thực thi điều đó với niềm tin đúng đắn rằng Philippines là nước nghèo và yếu, và ASEAN không đoàn kết – đặc biệt Malaysia là nước để đổ lỗi cho.

Trung Quốc tuyên bố đã “phát hiện” hòn đảo nằm trong lãnh thổ của họ và thực hiện quyền kiểm soát nó. Cơ sở cho sự tuyên bố này chỉ đơn giản là một bản đồ có niên đại từ thời Trung Quốc nằm trong tay của một triều đại nước ngoài – thời Hốt Tất Liệt người Mông Cổ, có thủ đô ở trong nước Mông Cổ hiện đại. Thực tế là, hòn đảo nằm trên bản đồ không có ý nghĩa nào cả về quyền sở hữu, mặc dù Trung Quốc thường tuyên bố rằng chỉ có sự hiện diện của các thương gia Trung Quốc tại một nơi hoặc thanh toán các khoản thuế để được phép làm ăn với Trung Quốc, có nghĩa là “cống nạp” và được nhận sự che chở của Bắc Kinh.

Thực tế là việc Trung Quốc tuyên bố đòi chủ quyền bãi cạn Scarborough năm 1932 và một lần nữa vào năm 1947 đều không quan trọng. Thậm chí Trung Quốc còn kỳ quặc hơn so với hành động của những người đi biển người Anh trong thế kỷ 19, đi khắp thế giới cắm cờ Anh và tuyên bố đó là vùng đất của họ. Trường hợp Scarborough, không có cắm cờ và thiết lập một khu định cư vĩnh viễn. Thật ra Scarborough là nơi không thể sinh sống được và do đó không đủ điều kiện để trở thành một hòn đảo, điều kiện để đòi chủ quyền ở vùng biển xung quanh nó.

Trung Quốc cũng đưa ra một tuyên bố bất thường là họ đưa ra yêu sách đòi chủ quyền trước khi có Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển, cho nên yêu sách của họ không bị công ước này ràng buộc. Đây chắc chắn là một trong những điều phục vụ lợi ích riêng của họ vô lý nhất mà đất nước Trung Quốc dưới sự cai trị của cộng sản đã từng tạo ra. Đó là thời Đế quốc Trung Hoa xa xưa, cho rằng tất cả các nước khác thấp kém hơn và do đó họ (Trung Quốc) không thể gửi bất kỳ yêu sách đòi chủ quyền nào ra bên ngoài hoặc không thể có sự chất vấn độc lập nào về tuyên bố của họ.

Scarborough nằm cách bờ biển Luzon khoảng 135 hải lý và do đó cũng trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Philippines, điều mà chỉ Philippines có quyền đánh cá và có quyền đối với các nguồn tài nguyên dưới đáy biển. Nó cách lục địa Trung Quốc khoảng 350 hải lý và cách Đài Loan 300 hải lý.

Việc tham chiếu một bản đồ có từ thế kỷ 13 của Trung Quốc chỉ đơn giản cho thấy sự thiếu hiểu biết, kèm theo phiên bản của lịch sử Đại Hán, chẳng cần quan tâm tới các văn bản của những nước “thấp kém hơn”. Thật ra Trung Quốc là nước gia nhập giao thông hàng hải nước ngoài rất muộn. Hơn một ngàn năm trước, khi những con tàu của họ đã mạo hiểm ra khơi, Trung Quốc làm ăn với và đi tới những vùng đất Malay, Ấn Độ, Ả Rập và phương Tây đã đi trên những con tàu nước ngoài – Mã Lai, Ấn Độ, Ả Rập. Khi Pháp Hiển, người khách hành hương Phật giáo Trung Quốc, đã đến thăm Sri Lanka thế kỷ thứ 4, ông ấy đã đi trên các con tàu Malay, từ Trung Quốc sang Sumatra và sau đó đến Sri Lanka. Tổ tiên của người Philippines hiện nay làm ăn với vương quốc Phù Nam, thuộc đồng bằng sông Cửu Long, trong vòng hoặc hơn 300 năm trước. Về những người đi biển cùng thời, từ Indonesia đã vượt qua Ấn Độ Dương để định cư ở Madagascar – nơi ngôn ngữ và 50% số người có nguồn gốc Malay – và có thể có các khu định cư ở bờ biển châu Phi.

Trung Quốc thích làm vừa lòng những người dân của họ và những người phương Tây cả tin về những thành tựu của Trịnh Hòa và “những chiếc tàu quý báu” khổng lồ của ông ta đi vòng quanh châu Á, băng qua châu Phi trong thế kỷ 15. Nhưng đặc tính phân biệt chính về những chuyến hành trình của Trịnh Hoà là kích thước các con tàu và số lượng binh lính đi theo, cho phép Trung Quốc áp đặt ý chí của họ lên một số quốc gia thấp kém hơn. Về mặt hàng hải, họ chẳng đạt được thành tựu nào mà những người châu Á khác đã làm mấy thế kỷ trước.

Với lịch sử đánh bắt cá và làm ăn của Trung Quốc trước đây, thật là vô lý để cho rằng Trung Quốc phát hiện ra bãi cạn Scarborough, nằm gần Luzon và gần các tuyến đường biển ở phía Nam Việt Nam. Tuyên bố rằng chỉ Trung Quốc có truyền thống đánh bắt cá ở vùng biển này là không đúng sự thật. Do thời gian gần đây có sự lạm dụng đánh bắt tràn lan trên biển Đông, trước đó không có lý do gì để Trung Quốc mạo hiểm mà đi quá xa để đánh bắt được nhiều cá.

Trong một nỗ lực khác để chứng minh các yêu sách của mình, Bắc Kinh đã phải viện đến một hiệp ước giữa hai cường quốc phương Tây có thuộc địa, hai cường quốc vào thời điểm đó đã phân chia châu Á mà không quan tâm đến bất kỳ lợi ích nào, ngoại trừ lợi ích riêng của họ. Bộ Ngoại giao Trung Quốc trích dẫn Hiệp ước Paris năm 1898, hiệp ước đã kết thúc cuộc chiến tranh Tây Ban Nha – Mỹ và nhượng lại Philippines cho Hoa Kỳ – và Cuba và Guam.
Hiệp ước được gọi là “quần đảo Phi Luật Tân” nhưng không đề cập đến hòn đảo cụ thể nào với một sự tập hợp rộng lớn. Nó mô tả một loạt các đường thẳng trên bản đồ, rõ ràng là đã được làm cho đơn giản và không nói tới vị trí địa lý thực tế.

Một trong những đường này chạy về hướng bắc ở 116E tới 118E, trong đó có bãi cạn Scarborough ở vị trí 117.5E, bên ngoài lãnh thổ Philippines vài dặm theo quy định của hiệp ước. Nhưng rõ ràng bãi cạn này là một phần của bất kỳ định nghĩa bình thường nào về quần đảo, không đề cập tới khoảng cách quá xa từ bất kỳ hòn đảo có người ở nào của Trung Quốc. Rằng Trung Quốc đã trích dẫn một hiệp ước nào mà chẳng liên quan gì tới Philippines, đó là bằng chứng về sự phá sản các yêu sách của Trung Quốc, điều này sẽ bị gạt bỏ bởi bất kỳ tòa án độc lập nào, hoạt động trên cơ sở của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển.

Trong khi các nước khác trong khu vực như Indonesia, Malaysia, Singapore sẵn sàng đệ trình sự việc cho bên thứ ba xét xử về các yêu sách mâu thuẫn, nhưng Trung Quốc tin rằng họ không bị các luật lệ quốc tế ràng buộc và sẽ chỉ đối phó với từng quốc gia một. Rõ ràng nhất là họ đã chọn Philippines, là nước yếu nhất trong bốn nước Đông Nam Á để đối mặt với những ý đồ đế quốc của Trung Quốc.

Trong khi đó, các nước Malay dường như bị lúng túng trong việc đáp lại với các chi tiết lịch sử của họ để làm cho Trung Quốc hết đường cãi. Philippines phần lớn đã quên lịch sử của mình thời kỳ trước khi bị Tây Ban Nha chiếm, một phần là vì các nhà truyền giáo Tây Ban Nha đã áp đặt việc sử dụng tiếng Latin và tiếng Tây Ban Nha thay vì những văn bản ghi chép cũ, những bản văn mà sự tồn tại của nó hầu hết người Philippines không biết.

Cả hai nước Indonesia và Malaysia đều có vấn đề khi nói về quá khứ Hồi giáo trước đây của họ, điều mà đối với hầu hết các nhà sử học thì có nhiều vinh quang hơn so với các thành tích nghệ thuật Phật giáo/ hậu Hindu, vương quyền và ngành hàng hải của họ. Malaysia lo ngại rằng một lập trường cứng rắn chống lại Trung Quốc trên biển Đông sẽ có hại cho việc làm ăn và mất những lá phiếu bầu của người Trung Quốc địa phương.

Nhưng vấn đề bãi cạn Scarborough cho thấy chủ nghĩa bành trướng của Trung Quốc rõ ràng như thế nào. Đã đến lúc Malaysia và Indonesia thể hiện một số dũng khí và lập trường với Philippines và Việt Nam, những nước đứng đầu chiến tuyến trong cuộc chiến Malay chống lại bá quyền Đại Hán.

Nguồn: Asia Sentinel
Bản tiếng Việt © Ba Sàm 2012
.
.
.

No comments:

Post a Comment

View My Stats