Tom French
Người dịch: Đan
Thanh
Posted by basamnews on 26/04/2012
Trong khi Nhật Bản mượn những câu chuyện
lịch sử về nỗi nhục để trở thành một nhà nước nhu hòa, thì Trung Quốc coi đó là
cơ hội để củng cố địa vị siêu cường quốc tế của họ. Tuy nhiên, những động cơ
này có lẽ sắp thay đổi.
Trong bài giới thiệu, chúng tôi đã bàn sơ
qua về chuyện khái niệm văn hóa chiến lược đã bị phê phán mạnh mẽ trong những
năm gần đây như thế nào. Một số lớn học giả, cũng như các chuyên gia về an ninh
quốc phòng, đã bác bỏ lý thuyết này, coi nó là lỗi thời, hoặc chỉ đơn giản là
không chính xác trong việc mô tả hành vi của các nhà nước.
Quả thật, Đông Bắc Á vốn có truyền thống là
một khu vực đầy khó khăn cho việc áp dụng các lý thuyết về văn hóa chiến lược.
Ở một nơi có những bộ máy nhà nước quan liêu, hoặc những phe phái kình chống
lẫn nhau trong một cấu trúc độc đảng, thì đúng là thách thức không tránh khỏi
nếu ta muốn nhận thức về một văn hóa chiến lược có tính gắn kết. Và khi bàn đến
những tổ chức kém minh bạch như ban lãnh đạo của nước Cộng hòa Nhân dân Trung
Hoa (PRC) và bộ máy nhà nước Nhật Bản, thì một loạt vấn đề khác nảy sinh. Chẳng
hạn, liệu văn hóa chiến lược của cả hai nhà nước này có được chuyển giao từ thế
hệ này sang thế hệ khác không? Và ảnh hưởng trong nước lên văn hóa chiến lược
của cả hai nhà nước này có tầm quan trọng tới mức nào?
Sự trỗi dậy của “Trung Vương Quốc”
Mặc dù các lý thuyết chiến lược kinh điển
của Tôn Tử vẫn tiếp tục có ảnh hưởng tới chính sách ngoại giao và quốc phòng
của Bắc Kinh, nhưng Trung Quốc cũng lọc ra từ lịch sử một số sự kiện, để cho
thấy văn hóa chiến lược đương đại của họ. Chẳng hạn, các giáo trình chính thức
gần như không đả động gì tới những tai họa do chính trong nước tạo ra như “Đại
nhảy vọt” hay Cách mạng Văn hóa. Thay vì thế, chúng tập trung nói về cái gọi là
“thế kỷ ô nhục” mà Trung Quốc phải chịu đựng, trong thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20,
dưới tay phương Tây và Nhật Bản. Từ đó, câu chuyện “thế kỷ ô nhục” gợi nên một
hình thức dân tộc chủ nghĩa có màu sắc sô vanh (chauvinistic, nghĩa là “tư
tưởng nước lớn” – ND) chống lại các thế lực nước ngoài nói chung và Nhật Bản
nói riêng. Câu chuyện cũng tạo ra một cái “van an toàn” hữu dụng, để qua đó
Đảng Cộng sản Trung Quốc nuôi dưỡng sự ủng hộ dành cho họ và khuếch tán bớt
những căng thẳng trong nước bằng cách gợi cho người dân nghĩ đến những tranh
chấp kéo dài với Nhật Bản. Các vấn đề đánh vào tình cảm khác còn bao gồm cả nạn
nô lệ tình dục thời chiến, và quyền sở hữu quần đảo Senkaku (Điếu Ngư) trên
biển Hoa Đông.
Kể chuyện “mối ô nhục quốc gia” còn tạo cho
Đảng Cộng sản Trung Quốc cơ hội tự họa mình như là lực lượng yêu nước duy nhất
có khả năng đánh đuổi đế quốc Nhật Bản và phương Tây ra khỏi Trung Quốc. Tuy
nhiên, vấn đề “mối ô nhục quốc gia” cũng cho thấy rõ những dự án lớn nhằm xây
dựng hình ảnh của Trung Quốc, như chương trình không gian và tham vọng hải quân
của họ. Bằng cách trưng bày thành công của Đảng Cộng sản Trung Quốc trong việc
phục hồi lại niềm tự hào xưa và đuổi kịp một số cường quốc thực dân cũ, lãnh
đạo Trung Quốc sẽ tái củng cố được tính chính đáng của họ và tiếp tục thu hút
sự chú ý của công chúng ra khỏi các mối quan tâm trong nước.
Văn hóa chiến lược hiện thời của Trung Quốc
cũng gợi lại những khía cạnh trong quan điểm thế giới lấy Trung Quốc làm trung
tâm – quan điểm của các vua chúa của “trung vương quốc” cho mãi tới đầu thế kỷ
20. Đặc biệt, chế độ triều cống của các nước láng giềng với Hoàng đế Trung Hoa
xưa có vai trò quan trọng trong tư duy của lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Điều ấy cho phép Bắc Kinh nhượng bộ ít nhiều những nước có sự tôn kính thích
hợp dành cho họ và công nhận cái nguyện vọng trở thành bá quyền khu vực lần nữa
của Trung Hoa. Ngược lại, nước nào không chịu chấp nhận sự trỗi dậy, vươn tới
địa vị siêu cường của Trung Quốc, thì sẽ hứng chịu cơn giận đặc biệt của Đảng
Cộng sản Trung Quốc.
Kết hợp chuyện này với những câu chuyện về
mối ô nhục quốc gia, sẽ đi đến tình trạng là Bắc Kinh ít có khả năng nhượng bộ
xa hơn về những vấn đề như tranh chấp chủ quyền, chỉ trừ phi đối phương chịu
công nhận một thực tế là Trung Quốc là siêu cường thống trị. Kết quả là, Trung
Quốc hầu như không thỏa hiệp, không nhượng bộ, về Hoàng Sa và Trường Sa – hai
quần đảo gây tranh chấp nóng bỏng, và về biên giới Ấn Độ-Trung Quốc. Thật vậy,
nếu như các nước đối thủ không chịu nhượng bộ trước, không công nhận sức mạnh
thống lĩnh của Trung Quốc trước – một sự công nhận có tính biểu tượng, rất đỗi
quan trọng – thì có vẻ như các tranh chấp sẽ vẫn rất khó giải quyết trong tương
lai trước mắt. Phản ứng, thích nghi, hay là chủ động thực hiện trước đây?
Đối lập sâu sắc với Trung Quốc, văn hóa
chiến lược của Nhật Bản trong lịch sử hung hăng hơn nhiều. Là một trong những
cường quốc thực dân từng áp đặt cái “thế kỷ ô nhục” lên Trung Quốc, Nhật Bản
còn cai trị cả Hàn Quốc và phần lớn Đông Nam Á cho tới khi họ sụp đổ vào năm
1945. Hậu quả của thất bại trước quân Đồng Minh là, lực lượng vũ trang Nhật Bản
bị giải giáp, và một nỗ lực chung được tiến hành nhằm tiêu diệt ảnh hưởng của
quân đội trong xã hội và nền chính trị Nhật Bản. Chính sách này, đi cùng với ký
ức dai dẳng về sự tàn phá mà chiến tranh gây ra cho đất nước, đã khiến toàn dân
Nhật Bản nhìn chung là những người ôn hòa, tôn trọng quan hệ và an ninh quốc
tế. Quả thật, điều 9 trong hiến pháp Nhật thời hậu chiến gạt bỏ việc sử dụng
quân đội để giải quyết tranh chấp. Tuy nhiên bất chấp sự tái cấu trúc quân đội
và xã hội Nhật Bản sau chiến tranh, một số yếu tố của thứ văn hóa chiến lược
trước kia vẫn tiếp tục tồn tại. Nhật Bản vẫn là một quốc đảo không có khả năng
nuôi dân mình nếu không nhập khẩu lương thực thực phẩm. Tokyo cũng vẫn cần bảo
vệ đường ra các thị trường nước ngoài, đường tiếp cận các nguồn nguyên liệu thô
và nhiên liệu để duy trì nền kinh tế hướng vào xuất khẩu của họ. Do đó, Nhật
Bản vẫn tiếp tục là một cường quốc mạnh về hàng hải, giống như thời trước năm
1945, một cường quốc mà thị trường nước ngoài và nguồn nguyên liệu thô là sống
còn cho sự tồn tại.
Xây dựng lại được một đế chế và quân đội
tương tự như cái họ từng có trước năm 1945 là điều không thể làm được nữa. Nước
Nhật Bản sau chiến tranh cần lối hành xử phù hợp, đáp ứng được các thách thức
an ninh cũ theo một cách mới. Cách mới đó, thường được gọi là học thuyết
Yoshida (theo tên vị Thủ tướng đầu tiên đưa ra chiến lược này), lấy thương mại
và phát triển kinh tế làm nền tảng để vực dậy nền kinh tế Nhật, trong khi đó,
đặt các sáng kiến ngoại giao và quân sự xuống hàng thứ yếu. Với sự trợ giúp từ
Mỹ, Nhật theo đuổi chính sách mậu dịch tân trọng thương, bảo vệ thị trường
trong nước đồng thời mở rộng một cách dữ dội chỗ đứng nước ngoài của các doanh
nghiệp Nhật Bản. Ở Đông Nam Á và châu Phi, việc này thường diễn ra dưới hình
thức viện trợ quốc tế số lượng lớn, phần lớn viện trợ đó là một cách bao cấp
gián tiếp cho các công ty Nhật, thường là trong các dự án xây dựng cơ sở hạ
tầng lớn. Các dự án này được tiến hành, đổi lại, Nhật được tiếp cận với thị
trường và nguồn nguyên liệu thô của nước nhận viện trợ.
Với việc ngoại giao và sức mạnh quân sự quy
ước ở vị trí thứ yếu so với kinh tế, nhiều sử gia và nhà nghiên cứu chính trị
đánh giá quan hệ quốc tế của Nhật Bản sau chiến tranh, bên ngoài lĩnh vực kinh
tế, là mang tính chất “phản ứng” hay “thích nghi”. Nhưng liệu Nhật Bản có thể
tiếp tục đóng vai trò một nhân vật thụ động, được mô tả không đúng mức trên sân
khấu chính trị quốc tế khi đối diện với một nước Trung Hoa “đang trỗi dậy”, hay
không? Đó là một trong những câu hỏi quan trọng nhất đặt ra cho Tokyo và khu
vực ngày nay. Hiện tại, thương mại và phát triển chắc chắn là hai cột trụ chính
trong quan hệ ngoại giao của Nhật Bản. Nhưng khi mà ký ức về Thế chiến II tiếp
tục lu mờ dần, vai trò trong khu vực và toàn cầu của Nhật Bản có lẽ đang bắt
đầu có chiều quân sự và ngoại giao một cách rõ nét hơn. Thật vậy, việc triển
khai ngày một mạnh mẽ trên toàn thế giới Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản, để ủng hộ
các chương trình nhân đạo và gìn giữ hòa bình, cho thấy Tokyo đã sẵn sàng tiến
hành tổ chức lại chiến lược của họ.
Nhìn về tương lai qua đôi mắt quá khứ?
Như đã nói trên, các yếu tố trong khái niệm
văn hóa chiến lược cho chúng ta hiểu nhiều điều hơn về chính sách đối ngoại và
quốc phòng hiện nay của Trung Quốc và Nhật Bản. Cả hai nước đều tận dụng những
câu chuyện kể về nỗi nhục của quốc gia để làm nền cho quan hệ ngoại giao của
mình. Trong khi Trung Quốc sử dụng “mối nhục quốc gia” để bao biện cho sự trỗi
dậy làm siêu cường toàn cầu của họ, thì Nhật Bản dùng những câu chuyện đó để
tái định hình chính sách ngoại giao theo đường lối ôn hòa. Trong nửa sau của
thế kỷ 20, thực tế này đưa đến việc chuyển giao văn hóa chiến lược cho những
nhóm tinh hoa cầm quyền nối tiếp nhau. Nhưng văn hóa chiến lược của Trung Quốc
và Nhật Bản bắt đầu phân biệt, chia tách với nhau từ điểm nào thì là xoay quanh
vấn đề chủ nghĩa dân tộc. Trong quá trình Trung Quốc tiếp tục giành địa vị siêu
cường, họ sử dụng tình cảm dân tộc chủ nghĩa để huy động sự ủng hộ của dân
chúng cho niềm tin mới tạo lập được trong hệ thống toàn cầu. Nhật Bản, mặt
khác, lảng tránh những luận điệu dân tộc chủ nghĩa về quá khứ đế quốc của họ,
thay vì thế họ tập trung vào các mối quan hệ kinh tế vững mạnh. Nhưng với việc
Trung Hoa dùng ngôn từ ngày càng thù địch khi nói về Nhật Bản, rất có thể văn
hóa chiến lược của Nhật Bản sẽ trải qua những thay đổi căn bản trong tương lai
không xa. Điều đó tất yếu sẽ có những tác động nghiêm trọng tới các động lực về
an ninh của Đông Bắc Á.
Tác giả: Ông Thomas French
là giáo sư trường cao đẳng Quan hệ Quốc tế, Đại học Ritsumeikan, Kyoto. Ông có
sở thích nghiên cứu về quan hệ Mỹ-Nhật, an ninh Đông Bắc Á và Lực lượng Phòng
vệ Nhật Bản.
Nguồn Eurasia Review
Bản tiếng Việt © Ba Sàm 2012
.
.
.
No comments:
Post a Comment