Hoài Hương – VOA
Thứ Ba, 24 tháng 4 2012
Thủ đô Washington của Hoa Kỳ là thành phố của các viện bảo tàng và các đài
tưởng niệm. Một trong những địa điểm thu hút nhiều du khách nhất là Đài Tưởng
niệm Cựu chiến binh Chiến tranh Việt Nam, tọa lạc ngay tại trung tâm thủ đô,
không xa Đài Tưởng niệm Tổng Thống Abraham Lincoln. Đây cũng là đài tưởng niệm
gây nhiều tranh luận nhất trong lịch sử các tượng đài ở Hoa Kỳ, tới mức suýt
nữa, công trình kiến trúc này đã không được xây dựng.
Các huy chương được để lại tại Bức Tường Tưởng Niệm Cựu Chiến Binh Chiến
tranh Việt Nam. Hình: VOA – Hoài Hương
Trong Câu Chuyện Việt Nam do Hoài Hương phụ trách tuần
này, 30 năm sau khi đài tưởng niệm khánh thành, mời quí vị tìm hiểu về Kiến
trúc sư và nghệ sĩ Maya Lin, tác giả của công trình kiến trúc độc đáo nhưng gây
nhiều tranh cãi.
Đài Tưởng niệm Chiến tranh Việt Nam là một công trình
kiến trúc có đường nét đơn sơ nhưng có sức cuốn hút lạ kỳ. Là một bức tường đá
hoa cương màu đen hình chữ V hòa với khung cảnh thiên nhiên chung quanh, công
trình này được thừa nhận là đài tưởng niệm được dân chúng Mỹ yêu mến nhất. Trên
bức tường có khắc tên tuổi của khoảng 58,000 quân nhân Mỹ đã hy sinh hoặc mất
tích trong chiến tranh Việt Nam, tuổi trung bình của các quân nhân ấy là 19
tuổi.
Lần theo bức tường đá đen tiến sâu dần vào lòng đất trước
khi bước theo con dốc thoải để trở về với thực tế, khách đến thăm tượng đài có
cảm tưởng như mình vừa đi viếng mộ phần của từng ấy quân nhân Mỹ đã hy sinh
trong cuộc chiến đã kết thúc 37 năm về trước. Thiết kế đơn sơ mà có khả năng
gây xúc động mạnh ấy là tác phẩm của một nữ sinh viên Trường Kiến trúc Đại học
Yale, lúc bấy giờ chỉ mới 21 tuổi.
Maya Lin là con út trong một gia đình có hai người con.
Cha cô là Khoa trưởng Trường Đại Học Mỹ Thuật bang Ohio, mẹ cô là một nhà thơ
và giáo sư Anh văn. Anh cô sau này cũng trở thành thi sĩ và Giáo sư Văn học.
Cha mẹ cô là những người tỵ nạn chính trị đã bỏ Trung Quốc ra đi sau khi ông
Mao Trạch Đông lên nắm quyền.
Maya Lin cho biết về truyền thống giáo dục gia đình đã
ảnh hưởng tới những chọn lựa của cô sau này:
“Chúng tôi lớn lên trong một môi trường không phân biệt
nam nữ. Tôi rất may mắn ở chỗ tôi không bao giờ bị xem là thứ yếu so với anh
tôi, chỉ vì tôi thuộc phái nữ. Đối với gia đình, điều quan trọng duy nhất là
chúng tôi sẽ làm gì với tương lai? Gia đình tôi không bao giờ chú ý tới tiền
bạc mà luôn luôn nhấn mạnh tới học hỏi và truyền bá kiến thức. Gia đình tôi đặt
nặng các thành tích khoa bảng, nhất là phía bên ngoại tôi.”
Một trong bà cố của Maya Lin phía bên mẹ là một trong
những nữ bác sĩ đầu tiên của Thượng Hải.
Maya Lin cho biết cô chọn kiến trúc vì cho rằng ngành này
là sự phối hợp tuyệt hảo của nghệ thuật và toán học, giữa nghệ thuật và khoa
học.
“Tôi yêu logic, toán, và thảo chương điện toán. Tôi nghĩ
rằng kiến trúc là sự phối hợp toàn hảo của các bộ môn đó. Phải đến 7 năm học
kiến trúc tôi mới nhận ra rằng lối suy nghĩ của tôi là lối suy nghĩ của một
nghệ sĩ. Mặc dù tôi xây nhà và tiếp tục đeo đuổi kiến trúc, nhưng tôi đeo đuổi
ngành này trong tư cách một nghệ nhân. Điều mà tôi không thích về ngành này
chính là khía cạnh nghề nghiệp của nó. Tự trong thâm tâm tôi là một nghệ sĩ.
Điều đó có nghĩa là gì? Kiến trúc phải phản ánh con người thực trong ta, điều
mà chúng ta cần nói lên cho chính chúng ta. Dù có ai tới trầm trồ xem công
trình kiến trúc đó hay không, điều đó không quan trọng. Tôi vẫn muốn làm theo ý
riêng của
tôi.”
Wikipedia Commons – Kiến trúc sư Maya Lin
Maya Lin kể lại rằng một người nào đó đã được nghe bản
tin về một cuộc thi toàn quốc để tìm người thiết kế Đài Tưởng Niệm Cựu Chiến
Binh Chiến tranh Việt Nam. Cô và một nhóm sinh viên kiến trúc cho rằng đây là
một ý kiến ngộ nghĩnh và quyết định dự cuộc thi như dự án cuối của niên học. Cô
kể tiếp:
“Thế rồi tôi hì hục vẽ một thiết kế mà tôi nghĩ là giải
pháp tốt nhất cho khóa học của tôi. Nhưng mãi đến quý sau, quý cuối cùng trong
niên học, tôi mới quyết định gửi hồ sơ dự thi, với mục đích là để thực tập, lấy
kinh nghiệm. Là một sinh viên, cách duy nhất để biết thiết kế của mình có giá
trị hay không, là nhờ các kiến trúc sư đến thăm trường đánh giá nó. Lễ Giáng
sinh năm ấy, tôi đến thăm ông chú của bạn tôi, một kiến trúc sư có tên tuổi.
Trong câu chuyện, ông ấy nhắc tới một thiết kế đặc biệt cho Đài Tưởng niệm Cựu
Chiến Binh chiến tranh Việt Nam mà ông đã được nghe nói đến. Ông càng nói thì
tôi càng nhận ra là ông đang nói đến chính bản thiết kế của tôi. Đó là lúc tôi
nghĩ à, có lẽ tôi nên chính thức tham gia bởi vì tôi có điều quan trọng muốn
nói. Chắc chắn tôi sẽ không thắng đâu, nhưng cứ thử xem sao, và thế là tôi dự
cuộc thi.”
Trong tất cả 1420 hồ sơ đệ nạp, thật là bất ngờ thiết kế
của Maya Lin được một ủy ban giám khảo gồm các nghệ sĩ ưu tú chọn. Cô giải thích:
“Đối với tôi, ý niệm quan trọng nhất về Đài tưởng niệm
chiến tranh Việt Nam là sự chân thật, phải thành thật đối mặt với những mất mát
của từng người chúng ta. Thực ra, một trong những yêu cầu của các cựu chiến
binh là phải liệt kê tất cả 58,000 tên tuổi của những người đã chết. Đây có lẽ
là lần đầu tiên một nhóm cựu chiến binh đưa ra yêu cầu đó. Lúc đó, chúng ta vừa
bước vào một thời đại tương đối mới, khi người ta thừa nhận sự đóng góp của các
cá nhân trong cuộc chiến thay vì những gì diễn ra trong các cuộc chiến trước đó
trong lịch sử, khi các đài tưởng niệm luôn luôn nhằm vinh danh những thành tựu
của cá nhân một lãnh đạo nào đó, kẻ đã chiến thắng chứ không phải những người
lính đã cầm súng chiến đấu, một ngoại lệ là các đài tưởng niệm Thế chiến thứ
Nhất mà tôi đã nghiên cứu. Lý do các đài tưởng niệm đó làm chúng ta xúc động là
bởi vì chúng tập trung vào sự mất mát cá nhân. Tôi nghĩ đó là một sự thừa nhận
về những mạng sống đã bị cướp mất.”
Là người Mỹ gốc Hoa, Maya Lin nhận xét mặc dù các tác
phẩm của cô thường có nét tĩnh, rất Á Châu, nhưng thời trẻ, đôi khi cô đã chật
vật phấn đấu với nhiều mâu thuẫn nội tâm.
“Có thể nói là trong 20 năm đầu đời, tôi chỉ muốn làm
người Mỹ giống như các bạn đồng lứa, tôi không muốn khác họ. Qua ngưỡng cửa 20
và suốt những năm 30, tôi bắt đầu nhận thức những nét Đông phương rõ rệt trong
các tác phẩm nghệ thuật và kiến trúc của tôi. Tôi tin rằng chỉ trong thập niên
qua, gần 40 tuổi, tôi mới thực sự thấu hiểu rằng trong tôi là sự cân bằng và
phối hợp. Đôi khi đã có những sự giằng co. Tôi bỏ khoa học rồi đi vào ngành
nghệ thuật, song tôi luôn luôn phân tích vấn đề một cách khoa học. Tôi chọn
theo đuổi cả nghệ thuật lẫn kiến trúc, nhưng một cách riêng rẽ thay vì phối hợp
hai ngành này. Thế rồi trong tôi còn có sự chia rẽ giữa Đông và Tây. Tôi tin
rằng thời còn bé, tôi hay có những giằng co bởi vì tôi xuất xứ từ hai truyền
thống khác nhau.”
Tác giả công trình kiến trúc này biết gì về chiến tranh
Việt Nam? Maya Lin nói cô không biết nhiều và cố tình không tìm hiểu để khỏi vướng
bận vào các cuộc tranh luận vô tận, để tập trung vào nỗ lực sáng tạo. Cô nói
chính kiến không quan trọng đối với công việc thiết kế, mà quan trọng hơn là
điều sau đây:
“Chúng ta phải đối diện với cái chết. Nếu không trực diện
cái chết, chúng ta sẽ không bao giờ khắc phục nó và hàn gắn được vết thương.
Chúng ta không thể tự dối mình rằng nó không xảy ra. Mà phải nhìn thẳng và chấp
nhận nó. Rồi sau đó, ta mới có thể quay lưng để bước ra ánh sáng.”
Sau khi đoạt giải, bỗng nhiên Maya Lin bị xô đẩy vào giữa
một trận bão lớn. Người ta chỉ trích thiết kế của cô là quá đơn sơ, trông giống
như một vết thẹo hằn trên mặt đất, Có người cho rằng đài tưởng niệm không vinh
danh đúng mức những người đã hy sinh vì tổ quốc. Trong số những nhân vật cấp
cao đả kích cô kịch liệt có Tổng Thống Reagan, Bộ trưởng Nội vụ James Watt, và
cả ông Ross Perot, nhà hảo tâm đã đóng góp tiền bạc vào quỹ xây dựng Đài Tưởng
niệm Chiến tranh Việt Nam. Phản ứng của Maya Lin:
“Tôi hoàn toàn hiểu được vì sao có sự chống đối mạnh mẽ
như vậy. Điều mà rất nhiều người không nhận thức ra là các cựu chiến binh yêu
cầu phải liệt kê tên tuổi của những người đã hy sinh. Về mặt chính trị thì có
hai phe. Phe thì cho rằng tôi không muốn nghe, không muốn nhắc tới những người
đã chết. Tôi không muốn thừa nhận những cái chết đó bởi vì nó quá đau lòng.
Người ta muốn thấy những cuộc diễn hành hùng tráng, nô nức lòng người. Việc
liệt kê tên tuổi những người đã khuất gây tranh luận gay gắt. Thế rồi bức tượng
đá hoa cương lại là màu đen, tôi là phụ nữ lại là người Mỹ gốc Á, tôi còn trẻ,
quá trẻ để hiểu thế nào là phục vụ, là hy sinh. Tôi nghĩ, những lập luận chống
đối đó không tác động tới tôi.”
Mỗi năm có hàng triệu người tới viếng Đài Tưởng niệm Chiến tranh Việt Nam,
và họ thường để lại đó những kỷ vật. VOA – Hoài Hương
Nhưng điều làm cho Maya Lin phẫn nộ là ngoài ý muốn của
cô, các bên liên quan đã đạt một thỏa thuận tương nhượng như điều kiện để hoàn
tất công trình xây tượng đài. Chính ông Ross Perot là người đã đòi phải đặt
thêm bức tượng 3 quân nhân Thủy quân Lục chiến gần bức tường đá đen. Sau này
người ta lại đặt thêm một bức tượng khác để vinh danh các nữ quân nhân tham
chiến tại Việt Nam.
Cô sinh viên Maya Lin, 21 tuổi, đã chiến đấu tới cùng để
bảo vệ tính trong sáng trong thiết kế của cô. Trong cuộc phỏng vấn do Academy
of Achievements thực hiện vào năm 2010, Maya Lin kể lại rằng thời ấy, có lúc cô
đã cảm thấy rất đơn độc, một mình phải chống chọi với tất cả mọi người trong
một phòng họp, hầu hết đều nhìn cô với ánh mắt trách móc như thể cô cố tình
muốn xúc phạm họ.
Qua thời gian, đài
tưởng niệm do Maya Lin thiết kế trở thành một địa điểm được nhiều người viếng
thăm nhất tại thủ đô nước Mỹ. Chỉ một năm sau khi khánh thành đã có 1 triệu
người đến thăm. Giờ đây 30 năm sau, Đài tưởng niệm Chiến tranh Việt Nam đã
chứng tỏ là một tác phẩm nghệ thuật vượt thời gian và không gian, gây xúc động
cho những người tìm đến nó, dù ở bên nào trong một cuộc chiến mà cho tới nay
vẫn gây nhiều tranh luận.
***
‘Câu chuyện Việt Nam’ do Hoài Hương phụ trách đến đây đã kết thúc, mời quý
vị đón nghe chương trình này, được phát thanh vào lúc 10 giờ tối thứ Bảy mỗi
tuần. Quý vị có thể bình luận về đề tài hôm nay, đọc các tin tức mới nhất, xem
các phóng sự video, bình luận, và trao đổi với các độc giả khác trên trang web
của chúng tôi ở địa chỉ www.voatiengviet.com hoặc trên các trang web xã hội
Facebook, Twitter và Yahoo 360 plus. Hoài Hương xin cám ơn sự theo dõi của quý
thính giả và xin hẹn gặp lại quý vị trong chương trình tuần sau.
.
.
.
No comments:
Post a Comment