Luật sư Lê Quốc
Quân
Gửi cho BBC từ Hà Nội
Thứ ba, 24 tháng 4, 2012
Sau Thế chiến 2 có bốn nước bị chia cắt: Việt Nam,
Triều Tiên, Đức và Trung Quốc nhưng chỉ có Việt Nam quyết định dùng chiến tranh
trong gần 20 năm để thống nhất đất nước.
Bố tôi thở phào khi những chiếc xe tăng của nước ngoài do
đồng đội của ông lái từ Bắc Việt tràn vào húc đổ cánh cổng Dinh Độc Lập.
Thống nhất đất nước làm ông vui vì chiến tranh qua đi,
những người anh em không còn bắn nhau, đặc biệt ông trút được gánh nặng khủng
khiếp của câu nói: “5 năm,
10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa…”.
Niềm tin chiến thắng
Giống như hầu hết người dân Miền Bắc khi đó, ông nghĩ
rằng việc chiến đấu giành độc lập là đương nhiên, có thể kéo dài mãi mãi. Chiến
thắng đến sớm hơn ngày nào thì vui ngày đó nhưng nếu không đến sớm thì cả cuộc
đời họ vẫn dấn thân. Sinh ra, lớn lên, trưởng thành rồi vào nam chiến đấu như
một định mệnh.
Khi đó con người tập trung vào một điều duy nhất là “độc
lập dân tộc”. Chỉ có độc lập dân tộc mới có giá trị, chỉ khi bước qua được nấc
thang quan trọng là “giải phóng” thì mới có tất cả. Khi đó chiến tranh đã mang màu sắc tôn giáo cực đoan, hành xác để được
an lạc. Ai hy sinh nhiều hơn, đau khổ hơn thì thấy mình tốt hơn với mong
ước khi giang sơn liền một mối sẽ tự do vui hưởng thái bình.
Nhờ xác tín điều đó mà chiến thắng đã đến sớm hơn dự định
cho những người cộng sản. Cuộc tổng tiến công mùa xuân năm 1975 ban đầu cũng
chỉ là một vài trận đánh mang tính thăm dò nhưng không ngờ chiến thắng đã đến
dễ dàng hơn, dẫn tới toàn thắng 30-4-1975.
Thực tiễn Việt Nam hôm nay
37 năm đã trôi
qua, những người nông dân vẫn còng lưng đi cấy. Nhưng khi đang lam lũ, ngẩng mặt lên vuốt vội mồ hôi là lúc bà con thấy
đất dưới chân mình trôi đi. Nó bị “cướp” đem bán cho những người khác với giá
gấp hàng ngàn lần. Vì vậy, vẫn còn đó anh Vươn tạo “bom” và bà con Văn Giang
đang đem cuốc, xẻng, gậy gộc ra đồng giữ đất.
Đất nước vẫn không ngừng động loạn, bất an. Hết cải tạo
công thương là quá trình bỏ nước ra đi, sau đó là những năm bao cấp đói đến run
người. Kể từ khi xa rời
dần với Chủ nghĩa Xã hội, đất nước no bụng nhưng bỗng đói tâm hồn.
Nhân phẩm nhiều người như bị xé ra làm đôi, chắp vá. Họ có thể hiền lành, đạo
đức rồi bỗng trở nên quay quắt bất ngờ.
Đã 37 năm trôi qua, các giám đốc kinh doanh ở độ tuổi
này cũng bàng hoàng khi thấy loay hoay giữa dòng đời khi không thể giữ được
mình trong sạch và sống đúng lương tâm.
Đi đút lót thì mới có được hợp đồng, lâu rồi thành quen,
phổ biến và được thừa nhận trong đầu nhưng không thể nói ra giữa cuộc họp. Nó
được mổ xẻ ở bàn nhậu và biết là xấu nhưng vẫn phải làm.
Điểm khác biệt giữa giang hồ và quan chức là giang hồ
không treo mặt nạ đạo đức giả. Trong khi đó hàng loạt quan chức lại sống hai
mặt và đóng hai vai vừa vặn. Họ vừa là ông trùm-vừa là quan chức, tồn tại một
cách giật cục, nhiêu khê giữa lòng xã hội.
Khi thì họ đeo mặt nạ cộng sản giảng lời đạo đức và liêm chính. Khi thì họ
cáu quá, điên tiết giật mặt nạ ra và để lộ bộ mặt tư bản béo ị, trắng trợn và
công khai thách thức hàng triệu bần nông.
Nền chính trị lưỡng chuẩn (double standard) này đã tạo ra
những giá trị ma quái của cuộc sống làm cho rất khó định vị con người. Nhiều
người có vị trí cao cả về chức lẫn tiền, vẫn ngu dốt một cách hồn nhiên.
Họ pha lẫn giữa một tay chơi và một tuyên úy, rao giảng
một cách lý thuyết và vô trách nhiệm trên sân khấu chính trị nhưng cực kỳ thực
dụng và rất có trách nhiệm với những việc riêng ở nhà hoặc trong nhóm lợi ích
của mình.
Nhưng cũng đáng hy
vọng và vui mừng vì 37 năm trôi qua, càng ngày càng nhiều người bất chấp những
khó khăn, tù đày, cô đơn và kỳ thị vẫn âm thầm hay công khai tranh đấu cho một
Việt Nam tốt hơn. Và bài học của những người đó cho chúng ta là gì ?
Đấu tranh cho nhân quyền
Bài học đầu tiên có lẽ cần phải xác quyết rằng việc đấu
tranh là để giành lấy các quyền và giá trị phổ quát của con người là cuộc đấu
tranh mãi mãi. Chúng ta phải luôn ý thức được rằng nhân phẩm con người là bình
đẳng.
Nhân quyền là của mọi người và cho mọi người. Nhà nước
sinh ra là để đảm bảo các quyền đó được thực thi chứ không phải ngăn cấm quyền
đó, vì vậy khi nào và bất cứ ở đâu còn bị mất dân chủ, nhân quyền thì vẫn còn
đấu tranh.
Đấu tranh cho dân chủ và nhân quyền khác với việc đấu
tranh “giải phóng” đã đến vào thời điểm năm 1975, nó đến từ khi con người được
sinh ra và kể cả sau lúc chết đi. Cuộc đấu tranh này là quá trình đòi lại quyền
tự nhiên cho tất cả mọi người, từ người nghèo khổ đến những vị giàu có, từ
người vô học cho đến các tri thức lớn, từ nông thôn đến thành thị và vượt qua
cả biên giới quốc gia.
Bởi vậy đấu tranh cho nhân quyền là cuộc đấu tranh miên
viễn. Có thể bước đầu tiên sẽ là đấu tranh cho một cơ chế đảm bảo tôn trọng và
có khả năng thực thi nhân quyền.
Công cuộc đó có thể là “10 năm, 20 năm, 50 năm hoặc lâu hơn nữa” nhưng nhất
định phải đến. Những giá trị mà cả thế giới đã thừa nhận và thực thi chắc chắn
phải được triển khai trên quê hương Việt Nam. Chúng ta không thể sống khác khi
đã là một bộ phận của xã hội văn minh, của tương quan quốc tế.
Bài học thứ hai đến từ một lẽ rất tự nhiên rằng “cướp chính quyền” là việc của Nhà nước
“còn đòi lại chính quyền” luôn luôn là việc của nhân dân.
Lịch sử đã chứng minh rằng quá trình phát triển của loài người là quá trình
giằng co “cướp” và “đòi lại”.
Mỗi một lần như vậy, người dân lại được thêm nhiều quyền
hơn.
Thomas Jeffereson đã từng nói là: “nếu trong vòng 20 năm
mà không có ai đứng lên chống chính quyền đó là lúc đất nước suy thoái” . Dường
như chính quyền Mỹ ngay từ khi lập quốc đã cổ súy cho việc chống lại chính
quyền, vì họ hiểu rằng lạm dụng quyền lực là tất yếu. Đấu tranh cướp lại quyền
của dân luôn luôn là tích cực cho sự phát triển xã hội.
Mặt khác, xu hướng dân chủ đang diễn ra một cách nhanh
chóng ở khắp nơi trên thế giới, và những chế độ độc tài đang dần dần trở nên
hiếm hoi. Có câu thành ngữ đã nói “Ta cần hy vọng những điều tốt nhất nhưng
luôn chuẩn bị cho những điều tệ nhất”.
Chúng ta phải đấu tranh và tệ nhất có thể là hết đời,
thậm chí đến đời con cháu chúng ta nhưng cũng hy vọng những điều tốt nhất sẽ
đến trong tương lai không xa.
Miến Điện là một ví dụ về sự cải tổ khá ngoạn mục trong
một thời gian ngắn. Khi xác định rõ về mục tiêu chắc chắn độc tài toàn trị phải
nhường chỗ cho dân chủ, tự do, những nhà tranh đấu sẽ thanh thản và cảm thấy
cuộc đời bình an.
Bởi vậy, bài học lớn nhất, quan
trọng nhất, có tính quyết định nhất là sự ý thức triệt để và mạnh mẽ về sự tất
thắng của quá trình đấu tranh vì con người, vì một Việt Nam tiến bộ.
Giống như Hồ Chí Minh xưa đã tuyên truyền để xác định về
sự tất thắng cuộc chiến Việt Nam cho người dân Miền Bắc, hôm nay một niềm xác
tín sâu xa về công lý, sự thật, dân chủ và nhân quyền sẽ giúp tất cả các nhà
đấu tranh thêm sức mạnh.
Khi ý thức rõ rệt về con đường của dân tộc và của nhân
loại, chúng ta có thể học tập cha ông để đi làm cách mạng. Khi xưa Hồ Chí Minh
lập chiến khu và dùng súng ống để lật đổ chính quyền phong kiến dưới sự bảo hộ
của Pháp bằng phương thức bạo động.
Hôm nay chúng ta nên lập chiến khu là lòng dân, dùng
phương thức bất bạo động để lật đổ tất cả những gì là lạc hậu, chậm tiến, là
độc tài, tham nhũng đang cản đường đi lên của đất nước Việt Nam.
Nếu đồng lòng học tập và quyết tâm làm theo như vậy, chắc
chắn Việt Nam sẽ trở nên thịnh vượng như Nam Hàn hay Nhật Bản mà không cần đến
37 năm.
***
Bài viết thể
hiện quan điểm riêng của tác giả, một luật sư đấu tranh dân chủ hiện
sống tại Hà Nội.
.
.
.
No comments:
Post a Comment