Trọng Nghĩa - RFI
Thứ tư 18 Tháng Tư 2012
Ngày 15/04/2012 vừa qua, tư pháp Việt Nam loan báo quyết định truy tố ba nhà viết blog Phan Thanh Hải, Nguyễn Văn Hải và Tạ Phong Tần về tội tham gia "Câu lạc bộ nhà báo tự do", một trang blog chính trị thành lập vào tháng Chín năm 2007. Ba người bị buộc vào tội danh rất nặng là "tuyên truyền chống Nhà nước", có thể bị phạt đến 20 năm tù. Hôm qua, bộ Ngoại giao Mỹ đã chính thức yêu cầu chính quyền Việt Nam trả tự do cho ba người này.
Một phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ, bà Darragh Paradiso cho rằng ba bị cáo « đã không làm gì khác hơn là thực hiện quyền tự do ngôn luận được mọi người công nhận ». Theo phát ngôn viên Mỹ, các trường hợp truy tố kể trên là một phần trong một xu hướng đang tăng mạnh tại Việt Nam. Đó là « hạn chế quyền tự do ngôn luận trên Internet ».
Theo tổ chức bảo vệ nhân quyền Human Rights Watch, trụ sở tại Mỹ, chính quyền Việt Nam đã bắt giữ ông Nguyễn Văn Hải (bút hiệu Điếu Cày) từ tháng 04/2008, ông Phan Thanh Hải (bút hiệu Anhbasg) vào tháng 10/2010, và bà Tạ Phong Tần vào tháng 09/2011.
Báo chí Việt Nam trong những ngày gần đây đã công bố nội dung bản cáo trạng, buộc tội ba người tự động thành lập Câu lạc bộ Nhà báo Tự do, lập blog cùng tên, và đăng tất cả là 421 bài viết có nội dung « xuyên tạc sự thật, nói xấu Đảng, Nhà nước ».
Tổ chức bảo vệ nhân quyền Human Rights Watch cuối tháng Giêng vừa qua tố cáo chính quyền Việt Nam là đã "tăng cường đàn áp" những người bất đồng chính kiến, bắt giam hàng chục blogger, các nhà hoạt động chính trị và tôn giáo ôn hòa, cũng như những người đấu tranh bảo vệ người dân mà đất đai bị truất hữu.
Chính quyền Hoa Kỳ hiện đang tăng cường hợp tác với Việt Nam, kể cả trong lãnh vực quốc phòng, mà biểu hiện mới nhất là cuộc diễn tập hải quân phi tác chiến giữa hai bên vào tuần tới tại Đà Nẵng, ngay vào thời điểm Việt Nam liên tục bị Trung Quốc chèn ép trên vấn đề chủ quyền Biển Đông. Tuy nhiên, Washington vẫn liên tục thúc giục Việt Nam cải thiện tình trạng nhân quyền.
*
*
BBC
Cập nhật: 02:11 GMT - thứ tư, 18 tháng 4, 2012
Hoa Kỳ thúc giục Việt Nam trả tự do cho ba blogger Nguyễn Văn Hải (tức Điếu Cày), Phan Thanh Hải (Anh Ba Sài Gòn) và Tạ Phong Tần.
Ba người bị khởi tố theo điều 88, Bộ luật Hình sự, trong đó blogger Điếu Cày bị công an Việt Nam xem là "thể hiện vai trò cầm đầu".
Người phát ngôn Bộ Ngọai giao Hoa Kỳ Darragh Paradiso nói chính phủ Hoa Kỳ kêu gọi Việt Nam trả tự do cho ba người.
Bà tuyên bố những người này "không làm gì hơn là thực thi quyền tự do biểu đạt đã được nhân lọai thừa nhận".
"Những vụ như thế này nằm trong xu hướng đẩy mạnh hạn chế đáng lo ngại đối với ngôn luận trên mạng internet ở Việt Nam," bà nói.
Hoa Kỳ gần đây tăng cường hợp tác với Việt Nam, với việc ba tàu chiến của hải quân Hoa Kỳ sẽ tham gia chương trình hoạt động chung kéo dài 5 ngày với hải quân Việt Nam vào tuần tới.
Đồng thời, Hoa Kỳ cũng thường thúc giục Việt Nam cải thiện hồ sơ nhân quyền.
Tuy vậy, một số chuyên gia nhận xét Washington "sẽ không quá cứng rắn thúc đẩy việc này đến mức gây đe dọa lợi ích kinh tế và an ninh".
"Ở Việt Nam, chính quyền ông Obama không những muốn tiếp tục việc trao đổi thương mại, mà còn muốn thiết lập một mối quan hệ tốt đẹp để kiềm chế Trung Quốc," Giáo sư David P. Forsythe, Đại học Nebraska-Lincoln, Hoa Kỳ, nhận xét trên BBC.
Trang web Sứ quán Hoa Kỳ ở Việt Nam đến sáng hôm nay không đăng thông cáo nào về trường hợp ba blogger.
Theo hồ sơ của Công an TP. HCM, blogger Điếu Cày "thể hiện vai trò cầm đầu" trong các hoạt động như "tổ chức các cuộc biểu tình tại TP. HCM", quan hệ với một tổ chức gọi là Đảng Dân chủ Việt Nam (nhắc đến ông Nguyễn Tiến Trung, bị kết án 7 năm tù năm 2010).
Công an Việt Nam nói blogger Điếu Cày thành lập Câu lạc bộ nhà báo tự do để "khi có cơ hội sẽ hoạt động thay đổi chế độ nhà nước Việt Nam".
Còn bạ Tạ Phong Tần bị gọi là người "phục vụ tối đa cho lợi ích của các thế lực thù địch".
Ông Phan Thanh Hải bị xem là "thành phần cốt cán của Câu lạc bộ nhà báo tự do", đã viết khoảng 20 bài "xuyên tạc, châm biếm, đả kích, tỏ thái độ chống đối gay gắt Đảng Cộng sản Việt Nam".
.
.
.
No comments:
Post a Comment